Chuyển đến nội dung chính

Vấn nạn thượng đẳng trong văn học và nội bộ Sci Fi


 Vụ Ursula K. Le Guin được chính phủ Mỹ vinh danh bằng con tem riêng hôm qua làm mình nhớ đến một vấn nạn đã bủa vây Sci Fi bao thập kỷ nay, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ biến đi được, ấy là sự phân biệt đối xử. Cụ thể hơn, nó là sự phân biệt đối xử giữa cộng đồng vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ và cộng đồng Sci Fi, cũng như giữa chính nội bộ cộng đồng Sci Fi với nhau.

Như mình đã nói trong cái bài hôm trước, Le Guin dù chủ yếu được biết đến nhờ những tác phẩm trong dòng SFF, với tiêu biểu là những cuốn truyện thuộc bộ Hainish Cycle và bộ Earthsea. Tuy nhiên, bà thực chất viết rộng vô cùng, nhảy đủ mọi thể loại trên trời dưới bể, viết cả văn hiện thực lẫn văn giả tưởng, cho cả người lớn lẫn trẻ em, và lắm khi còn trộn nháo nhào mọi thứ vào với nhau. Le Guin không coi trọng lắm các ranh giới giữa những dòng văn hay các quy định “chuẩn” trong nội bộ mỗi dòng, mà cứ thấy cái gì phù hợp với ý định của mình thì chiến thôi.

Ấy nhưng giới phê bình rất hiếm người nghĩ thoáng như Le Guin, và thường hay nhìn vào dòng tác phẩm để ra phán xét. Điều này dẫn đến một số tác phẩm của Le Guin bị đối xử một cách không công bằng, bất chấp về mặt chất lượng thì đều chẳng kém cạnh những thành phẩm khác bà cho ra đời. Tuy nhiên, thay vì tìm cách đá tác phẩm của mình ra ngoài SFF như cách một số người vẫn làm để “nâng giá” chúng nó, hòng được công nhận là vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ (*khụ*Magaret Atwood*khụ*), Le Guin tự hào công nhận tác phẩm của mình là Sci Fi và Fantasy, và chỉ trích mạnh mẽ cái tư tưởng thượng đẳng văn chương của một số thành phần trong văn giới.

Bên cạnh phản đối sự kỳ thị của người ngoài dòng đối với SFF, Le Guin còn từng thể hiện sự bất bình với cách một số thành viên thuộc chính cộng đồng này đối xử với các dòng của nó, đặc biệt là trong Sci Fi. Số là Le Guin vốn rất hay tiếp cận Sci Fi từ góc độ xã hội học, tâm lý học, triết học và đủ thể loại khoa học nhân văn khác, chứ không phải là các môn khoa học tự nhiên (ví dụ như vật lý, kỹ thuật, cơ khí, thiên văn,…). Nói cách khác, các tác phẩm của bà thường được toàn là Soft Sci Fi cả, tức các tác phẩm với yếu tố khoa học công nghệ rất nhẹ. Trên thực tế, Le Guin còn được coi là "thần bảo trợ" của thể loại Soft Sci Fi.

Vấn đề là một số người cứ toàn sử dụng Soft Sci Fi theo một nghĩa không mấy tốt đẹp, coi nó như một dạng Sci Fi thứ cấp, hay thậm chí còn không đáng gọi là Sci Fi nghiêm chỉnh luôn. Lẽ đương nhiên, Le Guin chẳng đồng tình chút nào, nhất mực khăng khăng Sci Fi kiểu gì cũng đều là Sci Fi, còn việc nó có tập trung vào khoa học hay không thì chẳng có gì liên quan cả. Bà thậm chí còn đề xuất hãy bỏ hoàn toàn cái thuật ngữ Soft Sci Fi đi để đỡ gây phân biệt, và nếu thằng nào không đủ “cứng” về mặt khoa học công nghệ thì hãy bỏ chung vào một cái ô là Social Science Fiction. 

Ngày nay, dù cho sự kỳ thị đối với cả dòng Sci Fi nói chung lẫn giữa những dòng Sci Fi nói riêng đã phần nào giảm bớt, chúng nó vẫn chưa biến mất hoàn toàn mà vẫn ám ảnh từ giới phê bình cho đến cánh nhà văn và thậm chí còn cả độc giả nữa, với lượng biến thể khá đa dạng. Đầu tiên ta có cái thể loại thượng đẳng kinh điển, ấy là những thanh niên có cái nhìn cực kỳ méo mó về Sci Fi, cho rằng nó chỉ đóng khung trong mấy câu chuyện phiêu lưu rẻ tiền với súng laze bắn nổ bùm chíu, chứ không thể nào chứa đựng những gì làm nên vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ. Tiếp theo ta có những người thượng đẳng ngược, coi Sci Fi là thể loại ưu việt hơn hẳn mấy thanh niên văn chương thuần túy, bởi vì họ tin trình độ phải ở một cái tầm nào đấy mới thấm được khoa học công nghệ cao. Rồi thì ta có những người ở các nhánh Sci Fi khác nhau, cho rằng nhánh của mình là ưu việt hơn những nhánh khác, hoặc phiên bản ngược lại của mấy đồng chí ấy, cho rằng một dòng đặc biệt nào đó là thể loại thấp kém hơn những đứa còn lại. Nói chung là vô thiên lủng lắm.

Lẽ đương nhiên, sách truyện cũng như mọi vật phẩm trên đời, bao giờ cũng sẽ có những thứ nhảm và những thứ chất lượng trộn lẫn với nhau. Nhưng vấn đề là cái chất lượng của tác phẩm chẳng bao giờ đi kèm với cái dòng hay thể loại của nó hết. Cùng ở cái ngách Dystopia, ta có những thằng ám ảnh như Fahrenheit 451, nhưng cũng có những đứa chán như The 5th Wave; Hard Sci Fi thì có những thanh niên nằm ở hai cái thái cực như The Three-body Problem và Artemis; tiểu thuyết lãng mạn có Wuthering Heights thì cũng có 50 Shades of Grey; truyện lịch sử đẻ ra được Les Misérables thì cũng có The Virginians; kinh dị có Call of Cthulhu thì lại dính phải The Lair of the White Worm; Epic Fantasy có Lord of the Rings thì lại đụng ông anh The Eye of Argon;… Cái dòng không phải là một thương hiệu đảm bảo về chất lượng của dòng văn, nó chỉ đơn thuần là một cái mác để giúp người đọc biết nội dung của truyện đại khái sẽ chứa đựng những gì thôi.

Bên cạnh đó, bản thân cái việc phân quy việc đọc này đọc kia đồng nghĩa với thượng đẳng nó cũng rất… ngu. Văn học về cơ bản vẫn là một loại nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì thôi rồi, cực kỳ khó để phân quy hơn thua. Sẽ có người tự dưng thấy hợp với một thứ nào đó và tìm đọc những thứ kiểu như thế, và ngược lại, có những người không hợp với một số thứ nhất định và tránh né đọc nó. Ví dụ như Isaac Asimov khét tiếng là cả đời chưa bao giờ đọc Hemingway, Fitzgerald, Joyce, Kafka, và nhìn chung mù gần như hoàn toàn về những tác phẩm vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ của thế kỷ 20, chìm đắm chủ yếu trong thế giới truyện pulp, ấy nhưng vẫn tạo ra một tác động khổng lồ trong làng văn học nói chung và Sci Fi nói riêng, thậm chí còn tác động cả đến khoa học thật ngoài đời. Vậy liệu có ông Joycean nào dám vỗ ngực bảo mình thượng đẳng hơn Asimov không? Tương tự nhưng ở chiều ngược lại, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates, Barrack Obama,… từng công khai nói mình thích đọc những cuốn Sci Fi như Foundation, bộ truyện The Culture, Seveneves, Exhalation: Stories, cũng như nhiều tác phẩm Sci Fi khác. Bất kể có nghĩ sao về tư cách mấy con người này, chúng ta cũng cần phải công nhận rằng họ là những con người với đầu óc nằm ở một cái tầm ít người đú nổi. Chẳng lẽ vì họ thích đọc Sci Fi mà tự nhiên thấp kém đi à?

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên an phận thủ thường trong cái “vùng an toàn” cá nhân, hài lòng với những thứ hiện mình thấy hợp gu hay chỉ đơn giản là thấy dễ ngấm. Vẫn nên tìm đọc các tác phẩm thuộc những mảng mới lạ đối với bản thân, những thứ mang tính thách thức và đã vượt qua được bài thử đầy khắc nghiệt mang tên thời gian để giúp mở mang tư tưởng cũng như tiếp thu được phông văn hóa rộng hơn. Quan trọng là đọc cho bản thân thôi, chứ đừng dựa vào đấy để tự huyễn hoặc mình hay khinh thường người đời.

Nhưng vì bản chất con người rất thích ganh đua nhau, thế nên việc so đo đọc sách hay phân biệt đối xử giữa các dòng văn chắc cũng sẽ mãi trường tồn như cái trò đọ cu thôi. Dù biết rằng chim to vẫn có ông ysl mà chim bé thì cũng có thằng kỹ thuật điêu luyện, chưa kể to nhỏ gì thì cũng chỉ ấm vào thân thôi chứ chẳng làm thế giới mất hòa bình, thiên hạ sẽ vẫn không ngừng tận hưởng thú vui tao nhã này, bởi vì nào ai lại bỏ qua cơ hội lên mặt với nhau bao giờ 🐧?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.