Chuyển đến nội dung chính

Review Xứ phẳng của Edwin Abbott Abbott



🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑

8/10

=====

TL;DR

=====

Một pha cà khịa cực mạnh bằng… hình học. Rất đáng để đọc vì có nhiều ý tưởng đáng suy ngẫm.

==============

CỐT + NHÂN VẬT

==============

Quyển này có toán.

Êu êu, từ từ hẵng! Đừng chạy vội!

Toán này của nó chỉ là hình học lớp 6, 7 gì đó đơn giản thôi. Nó chỉ bao gồm biết đoạn thẳng là gì, tam giác nhọn là gì, lục giác là gì, hình cầu là gì… và mấy hình khối đơn giản thôi là xong. Không cần biết cos xương hay sin sỏ gì đâu 🐧.

Nhưng mà ừ, nó có toán. Cứ phải nói trước như thế để anh em đỡ sốc 🐧.

Dẫu vậy, đây vẫn là cái điểm thú vị nhất của cả cuốn truyện. Lát nữa đến phần thế giới mọi người sẽ hiểu.

Flatland (tên tiếng Anh của Xứ phẳng) là một cuốn tiểu thuyết ngắn do Edwin A. Abbott, một giáo viên toán học/nhà thần học người Anh thế kỷ 19, viết. Câu chuyện lấy bối cảnh là một quốc gia phẳng lì có tên là Flatland. Phẳng theo đúng nghĩa đen. Tất cả mọi thứ chỉ có chiều dài và chiều rộng, còn không có chiều cao. Nói cách khác, Flatland như một tờ giấy, và các nhân vật là những hình vẽ trên đó. Trong thế giới này có một “anh chàng” hình vuông, một ngày đẹp trời nọ được một khối cầu 3D ghé thăm, và được dẫn đi tham quan thế giới 3D của khối cầu ấy.

Cốt truyện về cơ bản rất đơn giản, không có gì lắt léo, kịch tính. Thậm chí toàn bộ nửa đầu của truyện còn chẳng buồn động đến mạch truyện chính, mà nó chỉ giới thiệu thế giới 🐧. Các nhân vật cũng “phẳng” như chính cái thế giới của mình vậy, không có gì đáng để bàn. Chính vì lẽ đó, nếu đọc quyển này như một cuốn tiểu thuyết văn học thuần túy, mọi người sẽ không thấy nó có gì nổi bật hết.

Nhưng đừng vội bỏ đi. Cái hay của nó nằm ở chỗ khác.

Tiện nhắc đến cái chỗ khác ấy…

================

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

================

Đây là phần cốt tủy của toàn bộ tác phẩm này, thứ làm cho nó trở nên rất độc đáo và cuốn hút lạ thường, bất chấp một cái cốt đơn giản và dàn nhân vật “phẳng”.

Câu chuyện được bổ đôi ra làm hai phần tách bạch hẳn với nhau. Trong phần một, tác giả giới thiệu về miền đất Flatland cũng như các công dân của nó, cùng với thể chế cai trị của nó và một chút về lịch sử hình thành và phát triển của xã hội nơi đây. Và cha mẹ ơi, phần này Abbott làm hết sức xuất sắc, với một giọng văn trào phúng hệt như Vũ Trọng Phụng.

Flatland là một phiên bản Anh Quốc thời Victoria, được xây dựng bằng nghệ thuật cà khịa và châm biếm. Mọi thứ đều được quy đổi thành hình học khiến sự lố bịch của nó càng bật hẳn lên. Ví dụ, trong xã hội này, đàn ông là những hình khối đa chiều, và càng có ăn có học thì càng có thêm nhiều góc cạnh hơn, thượng đẳng hơn so với các hình khối khác. Hạ đẳng nhất là phụ nữ, chỉ là một đoạn thẳng đơn thuần, bởi vì ai cũng biết phụ nữ là loại đầu óc giản đơn, thế nên chẳng cần nhiều góc cạnh làm gì 🐧. Trên cánh nữ là đám thợ thuyền, lính tráng ít học, có những góc cạnh nhọn hoắt. Đám này dứt khoát chẳng thể cho lên lãnh đạo được, bởi vì đầu có mấy ngấn thế thôi thì cai trị được ai? Nhưng cũng phải cẩn thận bọn này, bởi vì lũ mọi dân kia có sức sát thương rất lớn, và lơ mơ là chúng nó chọc chết cụ 🐧. Tất cả những điều ấy được anh chàng hình vuông kia tả với cái giọng “chuẩn” tri thức, nghe đầy nghiêm túc và tỉnh rụi đến nực cười, càng khiến cái tư tưởng ấu trĩ và bất công của xã hội bấy giờ hiện lên lồ lộ như một tấn hài kịch. Đây chẳng khác gì một cuốn Số đỏ về hình hoặc nếu muốn thứ gì trực quan hơn thì hãy tưởng tượng một phiên bản bớt nát rượu hơn của cái clip này: https://www.youtube.com/watch?v=ScgBIecwUzc

Và đi kèm với mỗi một câu chọc ngoáy là một lần ta thấy thế giới này thêm phần “sâu sắc”. Bất chấp mục đích chính là đá đểu xã hội, Abbott không hề bỏ bê công tác xây dựng thế giới. Gần như tất cả mọi đặc điểm của các công dân trong thế giới này đều có những hậu quả, hệ lụy chân thực và (tất nhiên là thực trong giới hạn của một mặt phẳng 🐧 ), và luôn có các giải pháp và những bước phát triển đầy lô gíc đi kèm. Ví dụ như vì phụ nữ chỉ là một đoạn thẳng nhọn hoắt, sơ hở một tí là đâm lòi ruột cánh mày râu thượng đẳng ngay. Chính thế mà mấy mụ đàn bà cần phải đi đứng thật chậm rãi, giữ ý giữ tứ, và đặc biệt phải liên tục ngúng nguẩy “mông” sang hai bên lia lịa để những người khác còn thấy mà né 🐧. Hoặc như nhà cửa cũng được xây dựng cho thích hợp với hình dáng của các cư dân ở đây, có kết cấu là hình ngũ giác để các góc không bị quá nhọn, nếu có va vào thì người dân đỡ bị tổn thương. Nó hợp lý đến mức kỳ khôi, nghe rất ngu mà cãi không thể nổi. Nói thật là nhiều tác phẩm hiện đại ngày nay có khi còn không xây dựng được một thế giới chuẩn xác và quy củ như cái câu chuyện diễn ra từ 2 thế kỷ trước này đâu.

Sang phần thứ hai thì lúc này cốt truyện chính mới thực sự bắt đầu, và đây là lúc mà tác giả tạm để chọc ngoáy xuống làm vai phụ, còn đưa triết lý lên làm nhân vật chính. Tác giả để cho anh chàng hình vuông nhà ta trải nghiệm hai hoàn cảnh trái ngược nhau: một là để anh ta bước vào thế giới Lineland, mảnh đất thậm chí còn hạn hẹp hơn cả Flatland, với chỉ đúng một chiều duy nhất. Anh hình vuông tìm mọi cách giải thích về thế giới Flatland của mình cho nhà vua vương quốc ấy, nhưng họ hoàn toàn không thể lãnh hội được sự tồn tại của một chiều không gian mới mà mình chưa từng thấy bao giờ. Nhà vua chỉ nhìn thấy anh ta dưới dạng một hàng các điểm đặt sát nhau. Thế rồi về sau, khi anh hình vuông được một khối cầu từ Spaceland (miền đất 3D của chúng ta) đến thăm, tới phiên anh ta bị một phen ngẩn ngơ vì không tài nào hiểu nổi cái khái niệm chiều thứ ba mà khối cầu nhắc đến. Như anh hình vuông thấy, khối cầu chỉ đơn thuần là một vòng tròn lúc to lúc nhỏ (tượng trưng cho các mặt cắt của khối cầu khi nó nhảy tưng tưng trên mặt phẳng Flatland).

Trong phần này, tác giả đi rất sâu vào bàn về sự hạn hẹp của cách chúng ta nhìn nhận thế giới, và việc có thể có những thứ chúng ta hoàn toàn không tài nào lãnh hội được ngay cả nếu nó có xuất hiện sờ sờ trước mặt. Nhưng việc ta không hiểu một điều gì không có nghĩa là nó không tồn tại, hoặc nó mặc nhiên là không đúng. Vấn đề là để thấu hiểu được những thứ mới mẻ ấy, ta sẽ cần mở rộng đầu óc ra sao và chấp nhận vứt bỏ định kiến của mình như thế nào. Tác giả cũng mượn phần này để bàn về mức độ sẵn sàng đón nhận tri thức mới của người dân trong xã hội nói chung, và số phận của những nhà khoa học “lỡ” đi trước thời đại quá xa là như thế nào.

=========

TỔNG KẾT

=========

Flatland là một cuốn sách “toán” mà không phải là “toán”, một cuốn “truyện” mà chẳng phải là “truyện”. Đây là một tác phẩm rất “dị” trong một dòng văn vốn là mái nhà cho những thứ phi thường. Nó là một tác phẩm châm biếm hài hước về những bất công và định kiến của xã hội, đồng thời còn là một sự chiêm nghiệm về giới hạn của nhận thức cũng như mức bao la của những điều chưa được khám phá. Nếu là fan của những tác phẩm do H. G. Wells sáng tác, hoặc thấy ưng mô típ “giao tranh” như những gì diễn ra giữa Guy Montag và Đội trưởng Beatty ở cuối 451 độ F/John và Mustapha Mond ở cuối Thế giới mới tươi đẹp, mọi người sẽ rất ưng quyển này.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.