Chuyển đến nội dung chính

The Ship of Theseus - danh tính và thành phần cấu tạo


 Cái clip về tải tâm trí lên máy tính hồi sáng nay của Kurzgesagt làm mình nhớ đến một câu hỏi triết lý khá thú vị, và về sau cũng rất hay được các tác phẩm SFF mang ra bàn luận. Mô típ ấy là The Ship of Theseus.

The Ship of Theseus, tức “Con tàu của Theseus,” được xây dựng dựa trên một giai thoại cổ trong truyền thuyết Hy Lạp. Chuyện là thời xưa, vua Aegeus của Athens từng có một lần xung đột với vua Minos của đảo Crete. Minos đánh bại Aegeus, và buộc Aegeus phải đều đặn cứ bảy năm triều cống một lần cho mình. Thứ vật phẩm Minos đòi hỏi là một món hàng đặc biệt: bảy chàng trai cùng bảy thiếu nữ xinh đẹp tuấn tú nhất của Athens.

Sở dĩ Minos muốn như vậy là bởi hồi trước, thanh niên này từng chơi trò xù nợ thần Poseidon. Cáu tiết, Poseidon đã khiến vợ Minos yêu say đắm một con bò, và đã đẻ ra một con quái vật nửa người nửa bò mang tên Minotaur. Quá nhục mặt trước sự việc ấy, Minos đã nhốt Minotaur vào một cái mê cung. Để nuôi con quái thú, Minos cần cung cấp thịt người cho nó, và chính thế nên mới đưa ra yêu sách như vậy với Aegeus.

Sau ba lần phải triều cống, Theseus, con trai Aegeus, tình nguyện bảo cha hãy cho mình gia nhập đoàn người cống. Khi đến Crete, Theseus vào mê cung, và sau một cuộc giao tranh ác liệt, đã xoay xở tiêu diệt được Minotaur. Sau đó, chàng giong buồm trở về nhà. Nể phục trước chiến công của Theseus, con tàu của chàng đã được người dân Athens lưu giữ rất cẩn thận tại bến cảng.

Tuy nhiên, bất chấp được chăm sóc rất kỹ, các tấm ván tàu cứ dần trở nên mục nát, và dân Athens cứ tầm vài chục năm lại phải bỏ ván mục đi thay ván mới vào. Dần dần, sau vài thế kỷ, toàn bộ con tàu của Theseus đã được thay mới hết, không còn mảnh ván gốc nào sót lại nữa. Và giờ đây, một câu hỏi rất oái oăm nảy sinh: nếu đã thay hết mọi thứ như vậy, liệu ta có còn có thể gọi đây là con tàu của Theseus nữa không, hay nó đã trở thành một con tàu mới tinh tươm rồi?

Vì vừa có tính trực quan cao, vừa gắn liền với một giai thoại quá nổi tiếng, The Ship of Theseus đã trở thành tên gọi phổ thông cho một trong những câu hỏi triết lý lâu đời nhất phương Tây: nếu tất cả các bộ phận cấu thành một vật thể A nào đó đã bị thay mới hết, liệu A có còn là A nữa không? 

The Ship of Theseus về sau còn làm nảy sinh ra khá nhiều câu hỏi nhánh thú vị khác. Một phiên bản hỏi rằng nếu thay vì thay thế các tấm gỗ mục, người ta chỉ dỡ chúng ra và cất vào kho; thế rồi mấy trăm năm sau, khi công nghệ đủ tân tiến để phục chế chỗ gỗ về gần y hệt bản gốc, người ta lại lôi tất cả ra và đóng lại một phiên bản tương tự, liệu nó có còn là con tàu của Theseus gốc không?

Một bản thì tích hợp cả hai, bảo là con tàu của Theseus vẫn cứ dần dần bị thay thế từng phiến gỗ một, nhưng về sau thì toàn bộ chỗ gỗ cũ lại được đem ra phục chế và đóng thành một con tàu giống y chang; thế bây giờ đâu mới là con tàu của Theseus, bản dần dần được thay thế mới hết hay cái con tàu mới toanh làm hoàn toàn từ gỗ cũ của tàu Theseus?

Một bản thì hơi thay đổi câu chuyện đi tí, bảo là Theseus giong buồm đi chu du khắp bốn bể, nhưng trên đường cứ dần dần phải trùng tu tàu, đến mức khi về nhà thì cả con tàu chẳng còn sót lại mảnh gỗ gốc nào nữa (dù thiết kế của nó không đổi tí gì); vậy bây giờ con tàu rời cảng với con tàu cập cảng có còn cùng là một con tàu nữa không?

Nhìn chung, bất luận nó có xuất hiện dưới dạng nào, The Ship of Theseus cũng đều xoay quanh mối liên hệ giữa bản chất/danh tính của một sự vật bất kỳ và các thành phần vật chất cấu tạo nên sự vật ấy hết.

Sci Fi nhà chúng ta mê rất cái mô típ này, đặc biệt là khi nó có liên quan đến con người cũng như tâm trí con người. Ví dụ đầu tiên mà ta cần kể đến là thanh niên đã khơi ra cả chuỗi bài này: Neuromancer của William Gibson. Trong truyện, có một nhân vật bị chết ở tít tận ban đầu, nhưng vì lý do gì đó mà dữ liệu não đã được sao chép lại. Thế rồi đến khoảng gần cuối của truyện, khi nhân vật chính là Case kết nối vào The Matrix nhưng bị gài bẫy và bế thốc đến một nhà tù ảo xuất hiện dưới dạng một bãi biển hoang vắng, gã đã gặp lại nhân vật đã chết kia, tái tạo lại từ dữ liệu ký ức và tính cách cũ.

Case dứt khoát không coi đó là nhân vật thực, bởi người thực đã chết từ lâu rồi còn đâu. Nhưng về sau, Case được gặp kẻ đã dựng ra cái nhà tù đó, và được cho biết là trong cái thực tại này, nhân vật kia cũng thực chẳng kém gì người quá cố, và có thể nói chính là người đấy nhưng đang sống ở một cõi khác. Tin hay không thì tùy Case.

Sáu đợt thức tỉnh của Mur Lafferty cũng có một phiên bản The Ship of Theseus liên quan đến tâm trí, nhưng thay vì thế giới ảo thì nó lại có dính dáng đến nhân bản vô tính. Trong thế giới của Sáu đợt thức tỉnh, con người có thể sao chép hết dữ liệu não lại và truyền nó sang một cái thân xác mới, và từ đó coi như được tái sinh. Có rất nhiều tranh luận bùng nổ xung quanh bản chất của những con người mới “đổi lốt” đó, với phe tôn giáo là lên tiếng phản bác mạnh mẽ nhất. Ví như Thiên Chúa Giáo cho rằng khi một con người chết đi, linh hồn người ấy sẽ về với Chúa hoặc Ác quỷ, và sẽ chẳng có chuyện cả hai để cho linh hồn trở lại dương thế. Điều ấy nghĩa là những ai hồi sinh dưới lốt bản sao đều không sở hữu hồn người, và từ đấy không thể tính là con người được, chứ đừng nói là con người mang danh tính cũ.

Bên cạnh đó, truyện còn bàn về một phiên bản The Ship of Theseus nữa: nếu một dữ liệu não bị sao chép ra nhiều thân xác cùng một lúc, ai sẽ là chủ sở hữu của cái danh tính gốc đây? Để giúp giảm thiểu lằng nhằng, luật đã định rằng bản sao mới nhất sẽ là chủ sở hữu danh tính, và các bản sao cũ hơn nếu còn sống thì sẽ đều phải bị giết hết để danh tính chỉ có thể thuộc về một cơ thể mà thôi. Nhưng vấn đề lại trở nên cực kỳ phức tạp khi các não đồ bị copy phi pháp, và không ai xác định nổi trong số nhiều bản sao của cùng một não đồ thì thằng nào là “anh” thằng nào là “em” để còn trao trả danh tính cho đúng chủ.

Series truyện Bobiverse thì lại tiếp cận The Ship of Theseus theo một hướng khác. Cụ thể hơn, nó khẳng định con tàu mới không còn là con tàu của Theseus nữa. Trong truyện, một thanh niên nhà giàu mới nổi tên là Bob đã đăng ký đông lạnh đầu của mình sau khi chết, với hy vọng đến tương lai thì sẽ có công nghệ hồi sinh mình. Tầm 100 năm sau, thanh niên phát hiện ra mình đã bị biến thành một con AI, lãnh trách nhiệm lèo lái một con tàu thăm dò Von Neumann đi tìm chốn cư ngụ mới cho con người. Cứ mỗi lần đến một hệ thống sao mới thì bên cạnh đánh dấu các hành tinh có thể cư ngụ được, Bob sẽ chế tạo thêm các xác tàu mới, sau đó copy dữ liệu não của mình sang cho chúng nó để tạo thành các Bob mới. Đám Bob này sau đó sẽ tiếp tục túa đi khắp nơi, lặp đi lặp lại quy trình đó để công việc khám phá diễn ra nhanh chóng hơn.

Trên lý thuyết thì mọi Bob sẽ đều phải giống nhau, vì cùng là dữ liệu não của Bob gốc. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên tự nhân bản chính mình, thanh niên Bob đã không khỏi chưng hửng. Tất cả các Bob đều phần nhiều giống nhau, nhưng mỗi thằng lại hơi hơi khác biệt đi một chút. Thằng chọn tên mới là Riker cho đỡ lẫn với Bob gốc thì hơi rắn, không thích đùa linh tinh, và có tinh thần trách nhiệm khá cao; thằng lấy tên Milo thì xem chừng tính hơi nhát, chỉ muốn ghé hệ thống Omicron² Eridani chơi vì đó là quê nhà của dân Vulcan chứ chẳng muốn biết Trái Đất tình hình thế nào, khiến nó bị Riker khó chịu ra mặt; thằng lấy tên Mario thì trầm tính kinh khủng, trong lần họp Đại hội Bob đầu tiên câm như hến, và lúc được hỏi muốn làm gì thì chọn một hệ thống xa lắc xa lơ để đỡ phải giáp mặt ai cả; Bill thì giống với Bob gốc nhất, nhưng mà lại không thích đi khám phá mà chỉ thích ở im hệ thống hiện tại và nghiên cứu khoa học. Không ai lý giải nổi là tại sao sự tình thành ra như thế, mặc dù đám Bob nghi ngờ có khi là do nguyên lý lượng tử (các nguyên tử cấu thành vi mạch chứa não chúng nó không ở cùng một vị trí giống hệt nhau được, thế nên tạo ra những khác biệt nho nhỏ và dẫn đến việc tính cách chúng nó có phần khác nhau).

Điều này khiến các Bob cảm thấy hơi e dè, vì dù trên lý thuyết tất cả mấy thanh niên đều có thể hồi sinh sau khi chết (khi tàu với ma trận AI bị phá hủy thì các Bob còn sống có thể xây xác mới và cài bản sao lưu dữ liệu thằng Bob chết để lại lên đấy), đứa được hồi sinh có thể sẽ bị biến đổi bởi sự khác biệt lượng tử. Nói cách khác, thằng Bob cũ đã chết thật rồi, và cái bản hồi sinh dựa trên dữ liệu của thằng Bob đấy là một bản mới hẳn, dù vẫn giữ ký ức và thân xác y hệt Bob cũ. Thậm chí bản thân Bob “gốc” còn suýt thì lên cơn hoảng loạn khi nhận ra nếu nguyên lý lượng tử ấy mà là đúng, có khi tính cách mình cũng khác hẳn cái anh chàng Robert Johansson (tên đầy đủ của Bob gốc) với bộ não bị đóng băng, và mình hoàn toàn chẳng phải là Bob nữa.

Hyperion Cantos của Dan Simmons thì có một phiên bản The Ship of Theseus hơi giống Bobiverse, có điều rùng rợn hơn. Trong truyện, có một đám dân gọi là Bikura, vốn là những người sống sót của một con tàu vũ trụ đã bị rơi xuống hành tinh Hyperion từ mấy trăm năm trước. Họ tình cờ tìm thấy một chủng sinh vật ký sinh hình thập giá, có thể tái tạo lại vật chủ của mình sau khi chết một cách gần như hoàn hảo. Chính nhờ có mấy con thập giá này, đám dân Bikura sống rất thọ, từ đấy đến giờ chẳng chết đi mạng nào, vì cứ mỗi lần có ai chết là con thập giá kia cho hồi sinh liền.

Vấn đề là cái khả năng sao chép của bọn thập giá chỉ dừng ở mức “gần như hoàn hảo” thôi chứ không phải hoàn hảo toàn tập. Cứ mỗi lần có ai đó bị sao chép, họ sẽ hơi lỗi đi một tí, hơi mất dần một chút của bản thân. Sau một thời gian cứ bị sao chép cả ngàn cả vạn lần, dân Bikura đã trở nên lỗi đến mức nhìn gần như chẳng còn ra dáng người nữa, và đần độn ngu ngơ tột cùng. Khi một nhân vật trong truyện tên là Cha Duré khám phá ra bí mật của dân Bikura, đồng thời thấy mình cũng đã bị một con thập giá ký sinh, ông anh vò đầu bứt tai tìm cách tự tử sao cho thật thê thảm để con thập giá kia không đủ sức hồi sinh mình nữa, bởi lẽ Duré cảm thấy nếu bị thay thế đến cái nỗi như vậy thì mình sẽ không còn là bản thân nữa rồi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.