Chuyển đến nội dung chính

Conlang - ngôn ngữ giả trong SFF


 Nói đến Sci Fi thì thường ta sẽ nghĩ đến các khía cạnh khoa học công nghệ của nó, bởi vì cái chữ SCIENCE to đùng nằm trong tên. Tuy nhiên, mặc dù khoa học quả là gương mặt đại diện cho dòng này, điều đó không hề đồng nghĩa với việc đó là thứ duy nhất thú vị về nó. Trong bài này, mình sẽ giới thiệu với anh em một mô típ gần như không dính dáng tí gì đến khoa học (ít nhất là khoa học tự nhiên) mà Sci Fi rất hay sử dụng: ngôn ngữ giả, hay "conlang".

"Conlang" cấu thành từ "constructed" (tạo dựng) và "language" (ngôn ngữ), mặc dù còn có một cách cắt nghĩa khác là cấu thành từ chữ "con" trong từ "con-man" (kẻ lừa đảo) và "language", tức là nó có thể được hiểu dưới hai nghĩa: "ngôn ngữ tạo dựng" hoặc "ngôn ngữ láo lờ". Anh em có thể tùy chọn cách hiểu 🐧.

Như cái tên của nó đã nói lên rất rõ, conlang là một ngôn ngữ... láo lờ. Nó không hề tồn tại ngoài đời thật, mà chỉ được các tác giả bịa ra để sử dụng trong phạm vi tác phẩm của mình. Nó có thể là ngôn ngữ một chủng loài nào đó không phải con người sử dụng, hoặc chính là ngôn ngữ của con người luôn, có điều đã biển đổi theo thời gian/cùng với môi trường xã hội.

Conlang sẽ hành xử như một ngôn ngữ thật, hoặc ít nhất tạo cho người đọc cảm giác nó là ngôn ngữ thật chứ không phải tác giả nện rầm cái bàn phím xuống đất rồi phủi đít bỏ đi. Nói vậy tức là ít nhất nó cần có/trông như thể có quy tắc nào đấy cai quản, và nếu bám theo đúng quy tắc đó thì có thể dịch được về tiếng thật. Nói cách khác, nó phải như (thể) một thứ mật mã, và nếu nắm được key giải (bảng từ vựng, bảng quy đổi chữ cái, luật chia thời thì,...), người đọc sẽ dịch được về tiếng của mình.

Có khá nhiều kiểu conlang khác nhau, nhưng nhìn chung thì có thể chia thành 2 kiểu: mã hóa ngôn ngữ cũ và xây mới ngôn ngữ lạ.

Kiểu mã hóa thì đơn giản rồi. Ví dụ thường gặp nhất sẽ là áp dụng quy tắc substitution cipher: tác giả chỉ thế bảng chữ cái của mình bằng một bảng chữ cái khác, chẳng hạn A = O, D = R, M = ', N = G,... và từ MAN sẽ trở thành 'OG, DAMN thành RO'G, hoặc chỉ thay một số từ hay dùng thành những từ gì đó khác, mà một ví dụ cực kỳ gần gũi với anh em sẽ là cái meme "Have pussy daddy you believe Italy" huyền thoại.

Trong Sci Fi, tác phẩm thể hiện rõ nhất cả hai cơ chế này sẽ là bộ truyện Artemis Fowl, với phần chữ viết của dân tộc tiên chỉ đơn thuần là một bảng chữ cái mã hóa, và nếu có bảng mã của tác giả thì sẽ dịch hết được các ký hiệu trong truyện ra. Đồng thời, dân tộc tiên trong truyện còn có một số từ thế hẳn cho các từ khác, chẳng hạn như D'Arvit (fuck hoặc shit gì đó) và cowpóg (ngu si). Tương tự, trong series Animorphs, ta có ngôn ngữ của người Andalite và Hork-Bajir, với tiếng Anh là chủ đạo, và thỉnh thoảng thế thêm một hai từ lạ gì đó vào. Thực ra thì cả 2 đều có ngôn ngữ riêng, nhưng vì muốn giao tiếp với con người nên dùng hẳn tiếng Anh, và chỉ từ nào không dịch được cụ thể như shorm (liên quan đến văn hóa và cấu tạo sinh học của người Andalite) thì mới để nguyên. 1984 của George Orwell và A Clockwork Orange của Anthony Burgess cũng rất nổi tiếng với cái kiểu thế chữ ấy, với thứ tiếng lóng Nadsat của Anthony được xây dựng từ tiếng Nga, thể hiện sự lai căng của giới trẻ, và Newspeak của Orwell thì chỉ sửa/sát nhập/đảo nghĩa lại vài chữ tiếng Anh để hạn chế tự do tư tưởng.

Kiểu thứ hai phức tạp hơn tí, đó là sáng lập hẳn ra một ngôn ngữ với quy luật ngữ pháp kèm vốn từ vựng đầy đủ (mặc dù có thể dựa trên một bộ ngôn ngữ đã/đang tồn tại nào đó).

Ví dụ kinh điển nhất là ngôn ngữ của Klingon trong Star Trek, do nhà ngôn ngữ học Marc Okrand phát triển (đây cũng là thanh niên đã chế ra ngôn ngữ Atlantean trong bộ phim hoạt hình Atlantis: The Lost Empire). Ngôn ngữ này nổi đến mức ngày nay cứ nhắc đến ngôn ngữ dị trong Sci Fi thì gần như tiếng Klingon luôn nhảy lên đầu tiên, và thậm chí còn có lớp để dạy nó. Một phiên bản chân thực hơn thì có ngôn ngữ Lang Belta (Belters' Language) trong bộ tiểu thuyết The Expanse của James S. A. Corey, là tiếng của những người thợ mỏ tứ xứ, phải ra các thiên thể thuộc vành đai tiểu hành tinh hoặc mặt trăng của các hành tinh ngoài rìa hệ mặt trời để khai thác tài nguyên. Nó phát triển lên từ tiếng Anh, nhưng sau bao thế hệ nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Trung, Tây Ban Nha, Ấn, Đức, Nga, Congo pha trộn vào và bị đọc trại dần đi, tạo thành một ngôn ngữ riêng hẳn so với đám inyalowda (tức "load of (lowda) inner people (inya)" - chỉ dân sống trên các hành tinh trong vành đai). Và tất nhiên, không ai có thể quên được ngôn ngữ R'lyehian huyền thoại của H. P. Lovecraft, xuất hiện trong hàng loạt tác phẩm của ông. Trường hợp của Lovecraft thì hơi bị đặc biệt một chút, đó là bản thân Lovecraft không đầu tư quá nhiều cho việc xây dựng ngôn ngữ này (thậm chí còn chẳng đặt tên cho nó), nhưng fan truyện ông đã dựa vào những mẩu văn bản được ông dịch để tự hình thành một phiên bản đơn sơ của ngôn ngữ ấy.

Tất nhiên, conlang không nhất thiết phải chọn 1 trong 2 kiểu trên. Nó có thể được xây dựng dựa trên cơ chế của cả 2 kiểu ấy, chẳng hạn như trong series truyện tranh The Dark Knight Returns, đám người đột biến tương lai có một kiểu mutant speak vừa dựa trên tiếng Anh bóp méo, vừa thế từ kiểu mã hóa ("Batman don't shiv, Batman nasty!"). Miễn sao nó đủ giống một ngôn ngữ tự nhiên là được.

Fun fact: anh em có biết SAT từng có một đề bắt thí sinh phải tự giải mã và dịch một conlang trong ~1h30 không 🐧? Anh em nào muốn du học hãy bắt đầu đọc nhiều conlang vào, đề phòng có ngày mấy ông nổi hứng cho lại nó vào đề 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.