LƯU Ý: bữa nay mình sẽ review cho anh em một cuốn hết sức hấp dẫn. Tuy nhiên, khốn nạn một điều là cái quyển này sẽ hay nhất nếu được đọc “mù.” Mù toàn tập ấy. Chỉ riêng cái thể loại của nó thôi cũng đã là spoiler rồi. Thực ra cái spoiler đấy cũng chẳng nghiêm trọng lắm đâu, nhưng mình chân thành khuyên anh em hãy bỏ qua hoàn toàn bài review này. Tất cả những gì mọi người cần biết là tên nó là A Canticle for Leibowitz, hơi khó hiểu và mạch có phần chậm, nhưng hay và ám ảnh cực kỳ. Cứ đọc và trải nghiệm nhé. #HãyTinChụy
Còn bây giờ, dành cho những anh em đã đọc rồi,
hoặc không ngại bị spoil:
🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑
9.0/10
=====
TL;DR
=====
Fallout: Texarkana + Foundation + Kinh Thánh.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
A Canticle for Leibowitz là một cuốn tiểu thuyết
do Walter M. Miller Jr. sáng tác, được xuất bản lần đầu vào năm 1959. Đây thực
chất là một cuốn tiểu thuyết “fix-up,” tức được cấu thành từ những mẩu truyện
ngắn từng được Walter xuất bản trên các tạp chí SFF, kèm theo một số chỉnh sửa
và biên tập để trở thành một mạch truyện thống nhất. Cụ thể, A Canticle for
Leibowitz được cấu thành từ 3 truyện ngắn, xuất bản lần lượt trong các năm
1955, 1956, và 1957, và khi gộp lại thành tiểu thuyết thì chúng trở thành ba phần
với tên gọi như sau:
1) Fiat Homo (tức “Hãy có con người,” lời Chúa
nói khi tạo ra loài người)
2) Fiat Lux (tức “Hãy có sự sáng,” lời Chúa
nói khi tạo ra ánh sáng)
3) Fiat Voluntas Tua (tức “Hãy để ý Cha được
nên,” lời Jesus nói khi cầu Chúa hãy mang đau khổ của mình đi)
Truyện lấy bối cảnh là một tương lai xa, sau
khi thế giới đã trải qua một thảm họa kinh hoàng mang tên Đại Lụt Lửa. Thảm họa
ấy đã tàn phá nền văn minh loài người, đẩy tất cả ngược về thời ngu muội, và nhấn
chìm nhân loại trong sự dã man.
Tuy nhiên, dù bị lửa, bị ngu dốt, bị chính con
người chà đạp và tàn phá, nền văn minh vẫn không chết hẳn. Đó đây giữa cái đêm
trường tăm tối ấy vẫn là những đốm sáng hy vọng le lói: những tu viện thuộc Nhà
thờ Công giáo La Mã. Tại đây, các thầy tu đã không quản ngại khó khăn gian khổ
cất giữ và bảo quản tri thức của nhân loại, với hy vọng một ngày kia, sẽ có người
có thể dùng đến chúng.
Trải qua 600 năm với hàng bao biến động, bất
chấp các nỗ lực của những thầy tu, kho tàng tri thức ấy vẫn bị hao đi khá nhiều.
Hoặc do sơ ý, hoặc do thiên tai, hoặc do cuộc tấn công của những bộ tộc dã man,
rất nhiều sách vở và tài liệu quý giá đã bị hủy hoại. Dẫu vậy, nhờ đã không quản
ngại gian khổ “chạy sách,” tức cất giấu và tuồn lậu tài liệu đến nơi an toàn
khi gặp biến, cũng như miệt mài dành cả chục năm trong đời ghi nhớ và sao chép
chuẩn xác hết mức cỏ thể mọi thứ khả dĩ, một phần khiêm tốn của kho tàng tri thức
xưa vẫn còn được lưu lại. Đáng tiếc thay, chẳng còn ai mấy người đủ sức diễn giải,
hay thậm chí hiểu được chúng nữa.
Và chính trong bối cảnh này, tại một tu viện
Công giáo nhỏ thuộc Dòng Thầy Tu Albert Thánh Leibowitz nằm giữa sa mạc khô cằn
ở miền Tây Nam nước Mỹ, một đạo hữu trẻ tuổi mang tên Francis Gerard sẽ có một
cuộc gặp định mệnh, dẫn anh đến với một khám phá đầy bất ngờ về Isaac
Leibowitz, một người vì tử đạo thời tiền Đại Lụt, bấy giờ đang được Giáo hội
cân nhắc phong chân phước…
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Điều đầu tiên cần phải nói là nếu muốn tìm cảm
giác mạnh với những pha hành động giật gân hay chiến tranh máu lửa, anh em thì
hãy tránh thật xa cái quyển này ra. A Canticle for Leibowitz gần như là một quyển
triết lý thuần túy, với chỉ thỉnh thoảng mới có một vài cảnh hành động, và ngay
cả các cảnh này cũng có một cái kết rất chóng vánh để còn đảo về bàn chuyện triết
lý tiếp.
Tuy nhiên, điều ấy không đồng nghĩa với việc
cái quyển này có cốt tẻ nhạt. Nó có một cái mạch hết sức chặt chẽ, phát triển dần
lên qua ba thời kỳ, ứng với ba phần của tác phẩm. Mỗi một thời kỳ lại có một
bàn cờ chính trị riêng, đầy cuốn hút, bao gồm việc nội bộ Giáo hội đấu đá lẫn
nhau do xung đột lợi ích, các đạo hữu cùng một tu viện phải ngoại giao và đi
đêm đủ kiểu do bất đồng tư tưởng và ý thức hệ, các lãnh chúa phong kiến rắp tâm
thống nhất lãnh thổ và bày mưu kích các thế lực thù địch chống lại lẫn nhau. Nó
không đến mức hình thành một ma trận phức tạp như A Song of Ice and Fire của
George Xuân-Này-Truyện-Không-Về Martin, nhưng bét nhất cũng tiến khá gần đến với
Foundation của Isaac Asimov, mà mọi người biết cái trò đấu đá của Foundation nó
hay cỡ nào rồi đấy (anh em nào chưa biết về Foundation có thể đọc review ở đây:
https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/posts/3453930721360837).
Tiện nhắc đến Foundation, A Canticle for
Leibowitz cũng có một kết cấu khá tương đồng với nó. Như đã nói ở trên, truyện
được bổ nhỏ ra làm ba phần, với mỗi phần cách nhau tầm 600 năm. Chính vì sự
cách biệt hơn nửa thiên niên kỷ này, mỗi phần về cơ bản là những câu chuyện ngắn
riêng biệt. Chúng nó có một dàn nhân vật riêng, một vấn đề riêng, một bối cảnh
riêng, và nếu muốn, mọi người thậm chí còn có thể đọc bừa vào một phần bất kỳ,
không cần quan tâm đến các phần khác, và sẽ vẫn nhận được một câu chuyện trọn vẹn.
Và anh em cứ yên tâm là toàn bộ câu chuyện có một kết thúc rất rạch ròi (mặc dù
khá mở), không vứt con bỏ chợ như Foundation đâu nhé.
Tuy nhiên, cũng như Foundation, cả ba phần
nghe ngỡ tưởng rời rạc này lại có liên quan hết sức chặt chẽ đến nhau. Chúng nó
đại diện cho ba thời kỳ phát triển của nền văn minh loài người, đi từ kỷ nguyên
hỗn mang tương tự những gì xảy ra sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, sang đến thời đại
Phục Hưng, khi khoa học và tri thức bùng lên mạnh mẽ, và cuối cùng là thời đại
vũ trụ, khi nền văn minh đã được khôi phục, và thậm chí còn oai hùng hơn nền
văn minh thời trước. Khoảng thời gian xa cách giữa các phần ngỡ tưởng sẽ đóng
vai một trở ngại kỳ thực lại giúp ích rất nhiều cho câu chuyện. Nhờ có nó, ta
có thể thấy cách mọi thứ cứ thế xây dựng dựa trên nhau, thấy những hệ lụy và hậu
quả mà tiền nhân để lại về sau được phát triển như thế nào, đồng thời so sánh
những điểm tương đồng và khác biệt giữa tư tưởng của con người qua các thế hệ
khác nhau.
Tiện nhắc đến bản chất con người, A Canticle
for Leibowitz xoay xở nhồi được một lượng triết lý và các cuộc tranh luận sâu sắc
khổng lồ vào trong chỉ vỏn vẹn 300 trang giấy. Nó bàn về việc bản chất con người
khó thay đổi đến đâu, lịch sử có tính vòng lặp như thế nào, về vai trò của tôn
giáo đối với xã hội cũng như trên góc độ quân cờ chính trị, về sự khó khăn của
phát triển khoa học công nghệ, về cách kiến thức xây dựng chất chồng lên nhau
ra sao,…
Đặc biệt, nó động cực kỳ nhiều đến các điển
tích Công giáo, các lập luận mà những tu sĩ triết gia ngày xưa từng đưa ra theo
một cách hết sức công bằng, cả ủng hộ lẫn phản biện lời lẽ của họ một cách đầy
thuyết phục và đanh thép. Nó được đưa ra khá khéo, và mọi người không quen thuộc
với những giai thoại Công giáo như Lão Do Thái Lang thang, Jesus tại nhà Martha
và Mary, Rachel và những đứa con của Israel, Trinh nữ Mary và sự chào đời của
Christ, cũng như biết về các tư tưởng của những người như Peter Abelard, Duns
Scotus, William xứ Occam thì mới cảm nhận được những gì đang được bàn đến. Còn
nếu biết về những điều này, anh em sẽ thấy trải nghiệm càng thú vị hơn hẳn, bởi
lẽ mọi người đang nhìn ra một tầng ẩn khác mà phần đông độc giả có thể sẽ bỏ lỡ.
Và toàn bộ chỗ triết lý ấy không hề bị khô
khan như kiểu Foundation, bởi lẽ A Canticle for Leibowitz có một giọng văn mềm
mại và mượt mà vô cùng. Câu từ của nó biến hóa rất uyển chuyển, pha lẫn kèm những
đoạn hài châm biếm đầy thú vị, khiến ta có thể đọc băng băng liền tù tì đến
quên trời quên đất mà không thấy ngấy tí nào.
Tuy nhiên, A Canticle for Leibowitz cũng có một
số điểm yếu. Cái vấn đề lớn nhất của truyện này là nó sử dụng quá nhiều điển
tích Công giáo. Như đã nói ở trên đấy, khá nhiều điển tích nó sử dụng hoặc
không đến nỗi khó hiểu lắm, hoặc cũng được tác giả khéo léo giải thích kèm, và
anh em kể cả có mù hoàn toàn về công giáo vẫn có thể thấm được. Dẫu vậy, vẫn có
một lượng không nhỏ các điển và so sánh đòi hỏi mọi người phải tự đi tìm hiểu
thêm bên ngoài thì mới rõ nổi ý tác giả muốn thể hiện cái gì ở đây. Kết hợp với
việc nhiều đoạn nó thậm chí còn để nguyên tiếng Latinh và tiếng Do Thái, không
buồn giải thích gì cả, mặc cho độc giả tự nhìn vào văn cảnh mà diễn giải, sẽ có
khá nhiều đoạn anh em cảm thấy nhọc như phải đánh vật vậy.
Thêm vào đó, Walter còn có một cái tật là lắm
lúc hay sa đà vào bàn chuyện hơi nhẩn nha. Trong một tác phẩm hành động đã hiếm
thì chớ, trông kiểu tác giả thỉnh thoảng còn dừng lại bàn về những lễ xưng tội
với đón tiếp này nọ sẽ khiến anh em không khỏi thấy oải. Cũng khá nhiều thứ được
tả trong các đoạn ê a đó về sau trở thành nền để Walter xoáy vào những cuộc bàn
luận triết lý hấp dẫn, nhưng lết được từ mốc khởi điểm cho đến vạch đích đôi
khi khá nhọc nhằn, và nếu không ưa nổi cái kiểu lề mà lề mề thì anh em rất dễ đứt
gánh giữa đường.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Thế giới của A Canticle for Leibowitz chính là
lý do mình dặn anh em đừng tìm hiểu trước bất cứ điều gì về quyển này, mà hãy cứ
lao đầu vào đọc nó luôn. Cụ thể, sở dĩ mình nói vậy là bởi lúc ban đầu, cái thế
giới này được xây dựng theo một kiểu sặc mùi Fantasy. Cái kiểu mọi thứ đều đậm
chất tôn giáo, kiểu những hiện tượng nghe chừng khá nhiệm màu xảy ra, cách thế
giới này đầy rẫy những thể loại “quái vật” và cái ngôn từ nó sử dụng sẽ khiến
anh em có cảm tưởng mình đang đọc phần prequel cho một cuốn Epic Fantasy nào
đó. Chỉ đến khi một khu hầm trú ẩn hạt nhân chường cái mặt ra, mọi người mới ngỡ
ngàng nhận thấy đây không phải là Skyrim, mà nó là Fallout.
Tuy nhiên, bất kể bước vào cuốn này trong tình
trạng đã biết trước bản chất nó là gì hay chưa, mọi người hẳn sẽ thấy cực kỳ ấn
tượng trước cách thế giới của nó được xây dựng, đặc biệt là khoản lịch sử của
nó. Walter đã biến cuộc chiến tranh hạt nhân từng hủy diệt nhân loại thành một
huyền thoại tôn giáo nghe ma mị mà lại hợp lý không chê vào đâu được. Những gì
ông tả nghe chẳng khác nào những trích đoạn lấy thẳng ra từ một cuốn kinh có lẽ
sau này sẽ tồn tại nếu một sự kiện như vậy xảy ra thật, cho ta thấy cách các sự
kiện lịch sử sau vài trăm năm truyền miệng và bị nhìn nhận qua lăng kính tôn giáo
thì nó sẽ trở thành méo mó như thế nào. Chỉ riêng cái đoạn về Đại Lụt Lửa thôi
cũng hoàn toàn có thể đứng tách biệt như một câu chuyện Fantasy ngắn rồi.
Và không chỉ dừng ở đấy, Walter còn diễn giải
tiếp các hệ lụy sẽ nảy sinh từ một sự kiện như vậy, cho thấy cách nó tác động
và thay đổi tiến trình lịch sử. Ta được thấy cách một thảm họa do thành phẩm
khoa học gây ra sẽ khiến quần chúng trở nên bài khoa học nặng đến thế nào, và
những gì một đám đông ngu muội sẵn sàng làm cho hả cái sự căm ghét với khoa học
của mình. Ta được thấy cái ảnh hưởng sinh học mà phóng xạ gây ra sẽ để lại những
hậu quả lâu dài đến thế nào, và những con người xui xẻo chịu tác động quá nặng
của phóng xạ sẽ trở thành con hủi của thời đại mới ra sao. Ta cũng được thấy
cách một quốc gia rộng lớn như Mỹ chia năm xẻ bảy thành các tiểu quốc, với một
số nền văn hóa khá đặc trưng được hình thành, dựa trên những gì mà người dân ở
mỗi địa phương phải làm để sinh tồn. Thật bất ngờ là một tác phẩm lấy bối cảnh
sa mạc cằn cỗi lại có thể có một thế giới phong phú và sống động đến như vậy.
Khổ cái là sang đến cái phần cuối truyện thì
thế giới của nó trở nên hơi chán đi một tí. Nó vẫn được khám phá một cách đầy
thú vị như 2 phần trước, mỗi tội đến lúc này, nhân loại đã tiến hóa lên trở
thành một đế chế liên hành tinh rồi. Vì truyện viết trong thập niên 50, thế nên
suy tư về công nghệ của tương lai của tác giả hơi cổ lỗ sĩ. Anh em sẽ thấy mấy
cái công nghệ mà Walter suy diễn ra cũng na ná Foundation, làm được những điều
khá ngon lành, nhưng nền tảng lại toàn là những công nghệ mang tính “đồng nát,”
không được tối ưu cho lắm. Nhưng rất may là Walter không sa đà mô tả mấy cái
công nghệ này, ngoại trừ đem chúng nó ra để chọc cười (và thần kỳ làm sao, một
số cái ông anh dùng để chọc cười nó lại giống hệt những nhược điểm bi hài của
công nghệ chúng ta hiện tại), mà chỉ tập trung vào nói triết lý các kiểu, thế
nên thế giới của nó cũng không đến nỗi lôm côm lắm.
========
NHÂN VẬT
========
Bất chấp triết lý rất nhiều, A Canticle for
Leibowitz lại không sa vào cái lỗi mà nhiều nhà văn khác hay phạm phải, ấy là
biến nhân vật của mình thành những cái loa phường di động, không có một nhiệm vụ
nào khác ngoài truyền thông tin đến với độc giả. Đến với A Canticle for
Leibowitz, ở cả ba phần chuyện, anh em sẽ đều được gặp những nhân vật rất đặc sắc
và cá tính. Mỗi người đều có một nét tính cách, tư tưởng riêng, những tranh đối
nội tâm, và những ưu lo riêng, và cách họ đối đáp, ứng xử với nhau cũng rất thực
tế. Họ phạm sai lầm, họ nghi ngờ bản thân, họ phải cắn răng ra những quyết định
đau đớn, và kể cả khi có bất đồng tư tưởng hay cảm thấy khó chịu với bản chất của
những nhân vật này, anh em kiểu gì cũng sẽ cảm thấy đây quả thật là những con
người với đời sống riêng, chứ không phải ma nơ canh dựng lên để làm màu.
Tuy nhiên, phần nhân vật cũng có một điểm trừ
tương tự với cốt, ấy là có một số nhân vật của nó lấy cảm hứng rất nhiều từ điển
tích tôn giáo. Nếu chỉ xét riêng về mặt thế giới nội tâm các kiểu thì chẳng có
vấn đề gì đâu, vì họ cũng thú vị như bất kỳ nhân vật bình thường nào khác trong
này. Cái vấn đề là vì sử dụng điển tôn giáo, họ hiện lên theo một cách quá nhiệm
màu, như thể một nhân vật đi lạc từ thế giới Fantasy nào đó vào đây ấy. Không
giống như vụ thế giới, với hầu hết các tình tiết đều có một sự diễn giải hợp lý
ẩn đằng sau, mấy nhân vật này chẳng thể giải thích được bằng bất cứ từ gì ngoài
phép thuật cả. Họ quả cũng giúp bồi bổ cho một số theme về lịch sử và tôn giáo
của truyện đấy, nhưng lại gây phá game kinh khủng. Thêm vào đó, vì về cơ bản là
các điển tích di động, nếu anh em mà không hiểu họ đại diện cho ai trong cái điển
nào và liên quan với nhau ra sao, mọi người sẽ thấy mạch cốt liên quan đến mấy
đồng chí này nó như đâm đầu vào ngõ cụt vậy. Tự nhiên đùng một cái hết, trông cứ
lãng xẹt, không hiểu cho vào để làm gì.
========
TỔNG KẾT
========
A Canticle for Leibowitz là một cuốn Sci Fi hậu
tận thế hết sức đặc biệt. Xét trên một mặt, đây là một quyển đọc hơi mệt nếu
không có kiến thức sẵn hoặc không muốn tìm hiểu thêm bên ngoài, bởi lẽ nó có một
số tầng nghĩa bị giấu đằng sau các điển tích hơi xa lạ với anh em nhà ta. Song
mặt khác, nó cũng rất dễ tiếp cận, bởi vì mọi người hoàn toàn có thể hiểu và tận
hưởng khá trọn vẹn những gì câu chuyện có, đồng thời cũng có thể dễ dàng theo
dõi và bị hớp hồn các chiêm nghiệm về cuộc đời, đạo đức, khoa học mà truyện đưa
ra, bất chấp không quen thuộc với những yếu tố được tác phẩm sử dụng làm nền tảng
để xây dựng lên mọi sự. Có thể nó sẽ không chiều được khẩu vị của tất cả mọi
người, nhưng một khi đã hợp được với nó, chắc chắn sẽ không có chuyện anh em chỉ
đọc nó đúng một lần rồi buông tay đâu. Mọi người rất nên tham khảo cuốn này
nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓