Chuyển đến nội dung chính

Review The Deep của Rivers Solomon

 


🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑

7.0/10

=====

TL;DR

=====

Nàng tiên cá, nhưng đen hơn. Theo cả hai nghĩa 🐧.

==============

CỐT/VĂN PHONG

==============

The Deep là một cuốn tiểu thuyết ngắn của tác giả Rivers Solomon. Truyện xoay quanh bộ tộc Wajinru - những hậu duệ tiên cá của các nữ nô lệ da đen từng bị chủ nô tống xuống biển trên đường chuyên chở. Vì có một quá khứ quá tàn khốc, bộ tộc Wajinru có truyền thống là dồn hết ký ức cho một Sử Gia. Sử Gia này sẽ có nhiệm vụ lưu trữ ký ức trải dài cả trăm năm của bộ tộc, trong khi những thành viên còn lại của bộ tộc thì được thảnh thơi đầu óc. Cứ mỗi năm một lần, họ lại tổ chức một Lễ Tưởng Niệm, với toàn bộ bộ tộc quây quần lại bên nhau và để Sử Gia chia sẻ ký ức trực tiếp vào trong tâm trí mình.

Vì phải gánh chịu mọi đau thương của dân tộc, Sử Gia là một vị trí rất quan trọng trong cộng đồng Wajinru, và việc chọn lọc Sử Gia phải được thực hiện một cách rất cẩn thận.

Thế nhưng vì lý do gì đó, Yetu, một cô gái Wajinru trẻ rất nhút nhát, lại bị giao cho trọng trách này.

Và lẽ đương nhiên, trút nguyên một bể đau đớn vào trong đầu một cô gái mới lớn yếu ớt thì kiểu gì cũng sẽ có chuyện xảy ra.

Cốt của cái truyện này thực chất cũng chẳng có gì đáng nói lắm. Nó có một hai chỗ bất ngờ, nhưng ngoài một cái hành động Yetu thực hiện ở đoạn đầu truyện ra thì chẳng có gì đến mức quá động trời. Bên cạnh đó, tốc độ của nó đi khá là rùa bò, thường loanh quanh giậm chân tại chỗ để xây dựng tâm lý với bàn về theme. Có mấy chỗ nó đi chậm với cả drama hóa mấy thứ ngoài lề một cách hơi quá đà đến nỗi làm cho cái xung đột chính của truyện nó mất nhiệt hẳn. Khó chịu nhất là cái cách nó đôi khi cứ đảo điểm nhìn, nhẩn nha quay ngược về lịch sử với đi xây dựng thế giới, nhưng mà làm lại không khéo lắm nên câu chuyện đọc cứ rối rắm cả lên.

Tuy nhiên, cái phần theme của nó thì công nhận làm rất tốt, giúp bù hẳn cho cái cốt. Truyện đi cực kỳ sâu vào ý nghĩa của lịch sử trong việc định hình bản ngã con người cũng như sự hy sinh cá nhân cho tập thể. Quá khứ của chúng ta chiếm bao nhiêu phần trong việc định nghĩa chúng ta? Liệu tự do có đồng nghĩa với vứt bỏ quá khứ không? Nếu không thì ta phải sống với quá khứ như thế nào nếu nó không tương thích với con người hiện tại của mình? Nếu chỉ giữ một phần và bỏ một phần thì ta phải chọn lọc thế nào, cái nào giữ cái nào vứt? Ngoài ra, vứt bỏ như thế thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến những người khác? Cái tự do cá nhân của ta có thực sự cao hơn lợi ích của cả cộng đồng không? Mà “cộng đồng” là ai mà lại có thể xiềng xích ta như thế?... Tất cả những câu hỏi này đều được đem ra bàn luận, kết hợp với một cái văn phong đọc rất trôi và mang tính khơi gợi cao, thế nên có nhiều đoạn cảm giác nó cứ như là thơ xuôi ấy. Nó cũng khá tương đồng với những gì The Giver từng thực hiện, nhưng như mình cảm thấy thì được giọng văn làm cho mang tính ám ảnh hơn, chưa kể còn có cái bối cảnh mới mẻ nữa nên dễ để lại ấn tượng hơn hẳn.

================

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

================

Thế giới của The Deep bao gồm hai phần: một là cái “thế giới” theo đúng nghĩa đen mà người dân Wajinru ngày nay đang sống, hai là cái lịch sử dẫn dắt nó đến như thế. Phần thế giới được đầu tư xây dựng tử tế để ta có thể mường tượng được ra mọi thứ. Ta được biết về những nơi những chốn người Wajinru định cư, khó khăn họ gặp phải trong việc sinh sống ở nơi ấy, cách họ đối phó với nó ra sao, cách họ phân “tầng” đại dương ra thế nào để sinh sống. Ngoài ra thì ta còn được biết thêm ti tí về thế giới trên cạn nữa, mặc dù phần này nhỏ hơn hẳn.

Nhưng mấy cái kia chỉ xây vừa đủ thôi, mà quan trọng nhất là nó tập trung vào thứ hình thành nên theme chính của cả tác phẩm: lịch sử. Mặc dù đây cũng là một phần hơi khó chịu của tác phẩm, vì nó cứ thỉnh thoảng phanh câu chuyện lại để đảo điểm nhìn và nói chuyện lịch sử, những phần lịch sử được trưng ra đều rất thú vị. Ta thấy cách người dân Wajinru được hình thành, cách họ chuyển giao từ con người sang phiên “cá” ra sao. Ta cũng được thấy cách họ tái “tiến hóa” và khám phá lại ngôn ngữ, và cách ngôn ngữ từ đấy thậm chí còn ảnh hưởng đến văn hóa của họ như thế nào. Và thú vị nhất là ta được thấy cách cái phong tục Sử Gia lại hình thành, và nó biến thể ra sao để thành được như ngày nay. Cảm giác lúc đọc mấy đoạn này như là đang ngồi bên đóng lửa nghe già làng kể chuyện ấy, hấp dẫn lắm.

Tuy nhiên, có một điều mình vẫn phải nói.

Thế giới trong này ngu vl 🐧.

Trên lý thuyết thì tác giả không vi phạm bất cứ quy luật nào mà mình đã đề ra cả. Truyện từ đầu đến cuối rất chi ư là liền mạch, không có lỗ hổng về lôgic (hoặc ít nhất thì không có lỗ nào quá to). Cái nền tảng để xây dựng truyện (nữ nô lệ da đen mang bầu rơi xuống biển và đẻ ra tiên cá) nghe điêu ra phết, nhưng mà cũng chưa đến mức có gì quá đà.

Vấn đề là đồng chí tác giả đã làm một điều cực kỳ ngu xuẩn, đó là chỉ ra cái sự điêu của nó, và bảo người đọc… đừng có nghĩ về nó.

Tớ nói cực kỳ nghiêm túc các cậu ạ 🐧.

Trong một đoạn giải thích về cơ chế vận hành của thế giới, tác giả về cơ bản nói là, “Ê, thấy cái kia không? Dị quá nhỉ? Đúng là dị thật. Mà thôi, đừng tìm hiểu sâu nhé, chẳng ai biết đâu.”

Đoạn gốc không hẳn là toạc móng heo ra như thế, nhưng nó được viết một cách vụng về đến mức không ai đọc mà lại không nhận ra tác giả đang muốn bảo người đọc đừng có nghĩ về nó vì chính bà nội cũng chẳng biết phải giải thích nó ra làm sao cả. Hành động này chẳng khác nào bảo người ta, “Này, đừng nghĩ về con voi màu hồng nhé.” Chỉ cần thở cái câu đó ra thôi là đầu óc chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ đến con voi hồng rồi, có điều con voi ở đây nó to hơn hẳn, vì nó là nền tảng để xây dựng lên cả cái thế giới. Với cả ngoài ra, đến gần cuối, cái này nó lại trở thành một cái tình tiết quan trọng để tháo gỡ một cái nút thắt lớn của cốt. Và chính vì bị “con voi hồng” kia ám ảnh, mình chẳng thể nào nghĩ được đến một cái gì ngoài sự ngu độn của cái thế giới này, và từ đó mà cũng thấy cái đoạn mở nút nó ngu si nốt.

Thanh niên tự bóp ấy kinh quá 🐧.

=========

NHÂN VẬT

=========

Các nhân vật trong truyện được xây dựng tốt và rất có chiều sâu, đặc biệt là Yetu. Tuy nhiên, mọi người phải xác định trước đây là một câu chuyện YA (dành cho tuổi teen) thì đọc mới thấy nhân vật chấp nhận được, chứ nếu đọc nó với tâm thế đọc một câu chuyện cho người trưởng thành như cách tác phẩm được tung hê thì sẽ thấy nát ngay. Mấy nhân vật chính trong này gần như toàn ở cái tầm tuổi đang chuẩn bị trưởng thành, thế nên sẽ có những suy nghĩ và cách ứng xử khá là đáng bực mình nếu ta nhìn nhận dưới con mắt quá khắt khe. Như ban đầu mình chỉ thấy phát bực với cái con Yetu này, bởi vì cảm giác đồng chí cứ hèn hèn thế nào ấy. Tuy nhiên, sau khi cảm thấy đây phần nào giống một câu chuyện coming-of-age thì mình bắt đầu thay đổi tâm thế đi để thử xem có thấy đỡ hơn không, và quả đúng là thanh niên này dần trở nên đáng thương hơn là đáng trách thật. Khổ thân con bé tính tình đã có vấn đề thì chớ mà tự nhiên lại bị tống cho một cái trách nhiệm quá to lớn. Bảo sao nó hành động như thế.

Dẫu vậy, nó vẫn có trò tập trung xây dựng tình yêu mang màu hơi bị tuổi hồng, thế nên cũng có nhiều đoạn mình vừa đọc vừa đảo mắt. Thôi thí ít nhất nó cũng không có cái trò tình tay ba như mấy cuốn Dystopian hay làm, thế là cũng đã khá hơn phân nửa các cuốn YA ngoài thị trường rồi. Với cả phần tình cảm nảy sinh giữa đôi bên không có cái kiểu nhìn phát yêu luôn, mà cũng có phát triển theo thời gian nên có phần chân thực hơn tí.

=========

TỔNG KẾT

=========

The Deep là một cuốn truyện pha trộn một cách khá sáng tạo lịch sử thế giới thật với văn hóa Châu Phi để thuật lại một câu chuyện về huyền thoại tiên cá mới mẻ và đầy ý nghĩa. Truyện có hơi nhiều sạn, nhưng lại rất sẵn sàng đề ra những câu hỏi triết lý hấp dẫn và bàn về chúng nó một cách nghiêm túc, sâu sắc, và đặc biệt là không tạo cảm giác đang dạy đời người đọc, và chính vì thế mà đã gỡ lại được kha khá những yếu tố lủng củng trong truyện. Truyện chỉ tầm 150-160 trang gì đó thôi, thế nên nếu có thời gian anh em nên đọc thử.

Có điều phải xác định trước là đọc lấy không khí thôi chứ không phải lấy cốt, với cả đây là đang đọc truyện cho teen, thế nên đừng khắt khe quá.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.