Chuyển đến nội dung chính

Deconstructive Parody - châm chọc bằng cách bóc tách



 Hôm nay mình có bắt được một cái manga khá hay là Isekai Uncle, chuyên đá xoáy mấy cái mạch diễn tiến hay xuất hiện trong dòng isekai bằng cách diễn giải chúng nó dưới dạng vừa thực tế, vừa hài hước. Ví dụ như trong hai hình bên dưới, nó mổ xẻ cái mô típ nhân vật từ thế giới hiện đại hòa nhập được một cách quá dễ dàng vào với thế giới mới, cho ta thấy điều gì khả năng cao sẽ xảy ra nếu có ai thực sự tìm cách giới thiệu công nghệ quá tân tiến đến cho một nền văn minh với mức phát triển ngang hàng Trung Cổ.

Cái kiểu đưa đẩy các mô típ kể chuyện thường thấy theo kiểu thực tế nhưng giọng điệu phần nào hài hài này rất hay được các tác phẩm thuộc mảng Parody sử dụng. Bản thân nó thậm chí còn đã trở thành một cái mô típ riêng, với tên gọi hẳn hoi, ấy là Deconstructive Parody.

Để hiểu được Deconstructive Parody là gì thì trước hết anh em cần biết về một thứ, ấy là Deconstruction - một thủ pháp dùng để “xào nấu” các mô típ. Deconstruction dịch thô ra là “bóc tách” hoặc “phá vỡ,” chỉ cách các tác giả mang một mô típ hay khía cạnh hay gặp nào đó trong nghệ thuật kể chuyện ra và xoáy vào tính phi thực tế của nó, chỉ ra những điểm bất hợp lý khiến nó không thể tồn tại được ngoài đời, hoặc nếu có thì cũng sẽ để lại những hậu quả không ngờ.

Nói gọn lại, Deconstruction là bới lông tìm vết, chứng minh một mô típ nào đó là láo lờ 🐧.

Anh em có thể nhìn vào ví dụ này cho dễ hiểu nhé: trong các tác phẩm Space Opera (tức truyện phiêu lưu ngoài không gian), ta rất hay gặp mô típ tàu bè di chuyển nhoằng nhoằng giữa các hành tinh. Nếu là tác phẩm bình thường thì cái mô típ này sẽ chẳng bị dị nghị gì hết. Khi cần đi từ Trái Đất đến Sao Hỏa, nhân vật chính chỉ cần bê mông lên tàu, xong đơn thuần rồ ga cho nó phóng vùn vụt đi là xong. Chỉ vài ngày sau, nhân vật sẽ đặt chân xuống Sao Hỏa.

Tuy nhiên, trong một tác phẩm deconstruct cái mô típ này thì mọi thứ sẽ không đơn giản như vậy. Một câu hỏi như sau sẽ được đặt ra: “Trong thế giới thực, phóng hết quãng đường ấy chỉ trong mấy ngày sẽ gây hậu quả ra sao?” Sau đó, tác phẩm sẽ bắt đầu áp dụng các quy luật của thế giới thật vào vấn đề này (trong trường hợp này thì là các định luật vật lý) để trả lời nó. Vì Trái Đất cách Sao Hỏa hơn 50 triệu cây số, để đi hết được chặng đường đó trong mấy ngày thì con tàu sẽ phải lao đi với vận tốc nhanh ngoài sức tưởng tượng. Ở vận tốc ấy, cơ thể mọi hành khách ngồi trong sẽ bị một lực tên là lực G to khủng khiếp tác động lên, khiến tất cả bọn họ bị nghiền nát như thể bị một gã khổng lồ đạp lên vậy. Kể cả nếu con tàu mà có phóng được an toàn đến Sao Hỏa, thứ nó chở theo bên trong sẽ chỉ là một mớ thịt nhoe nhoét, không hình không dạng.

Chính vì đã bị deconstruct như thế nên chuyến đi từ Trái Đất đến Sao Hỏa trong tác phẩm kia sẽ không còn “tiện” như các tác phẩm truyền thống, mà sẽ kéo dài cả năm trời, với nhiều chặng dừng nghỉ chân trên các trạm vũ trụ nằm giữa. Nếu không muốn lê thê như vậy thì nó sẽ phải tìm một phương thức khác để di chuyển xuyên vũ trụ, chẳng hạn dùng lỗ giun hay gì đó.

Tất nhiên, bản thân cái công nghệ thay thế cũng có thể bị deconstruct tiếp nếu muốn, và càng deconstruct nhiều và/hoặc chi tiết bao nhiêu thì tác phẩm sẽ càng bị đẩy sâu vào trong lãnh thổ Hard Sci Fi bấy nhiêu, và nếu làm theo kiểu cực đoan hẳn thì có khi nó còn trở thành một chuyên luận khoa học. Chính thế nên thường người ta chỉ deconstruct một số thứ thôi, còn lại thì chấp nhận thả lỏng để còn có đất mà chém. Nếu cứ áp dụng chuẩn quy tắc khoa học để deconstruct 100% mọi thứ thì cái chữ “Fi” trong Sci Fi nó để làm cảnh mất rồi 🐧.

Nhân tiện, cái ví dụ deconstruct du hành không gian với lực G mình nêu ra kia từng được một series Sci Fi có tên The Expanse sử dụng rất hay, anh em có thể đọc thêm về nó (cũng như một ví dụ thực tế rất thương tâm) ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/luc-g-mot-sat-thu-chet-choc.html.

Deconstruction thường khiến các mô típ mang một màu sắc tăm tối hơn so với bình thường, bởi lẽ thực tại vốn khá hà khắc (nhìn vào cách Superman bị deconstruct trong Man of Steel là sẽ thấy). Tuy nhiên, không phải cứ bị deconstruct là mô típ nào cũng sẽ auto Dậu hết cả. The Martian của Andy Weir có deconstruct một số mô típ để cho thấy chinh phục vũ trụ khó nhằn cỡ nào, nhưng được viết với cái giọng điệu tưng tửng khiến cho nó trở nên rất tươi sáng (đến bản thân cái tình cảnh chết sát đít mà còn sáng được thì anh em hiểu tác phẩm tươi cỡ nào rồi đấy 🐧 ). Zombie Survival Guide của Max Brooks cũng deconstruct một lô một lốc mô típ zombie, nhưng khen chê rất đồng đều (cái xe đạp thì được tâng bốc lên tận trời, còn súng ống thì bị chửi cho ê mặt).

Và tiện nói đến Zombie Survival Guide, ta lại quay về với đề tài chính, ấy là Deconstructive Parody.

Deconstructive Parody về cơ bản cũng là Deconstruction thôi, nhưng thay vì chơi kiểu thanh niên nghiêm túc, nó pha thêm một tí hài hước vào. Zombie Survival Guide chính là một kiểu Deconstructive Parody đấy, với cái giọng nghe cực kỳ nghiêm chỉnh, deconstruct đủ kiểu trên trời dưới bể, nhưng đọc vào vẫn thấy buồn cười vì cái đề tài nền tảng là một thứ cợt nhả thấy rõ, và các thứ lôgic nó dùng thì anh em biết rồi đấy, toàn proof và evidence chưa được proved cả 🐧.

Nếu muốn so sánh rõ ràng hơn giữa một tác phẩm dùng Deconstruction thường và một tác phẩm sử dụng Deconstructive Parody thì anh em có thể nhìn vào hai thanh niên cực kỳ giống nhau là bộ phim Man of Steel của Warner Bros (Deconstruction) và series The Boys của Amazon (Deconstructive Parody). Cả hai đều deconstruct mô típ siêu anh hùng, với thanh niên Superman là đối tượng chính. Man of Steel thì nhìn nhận hình ảnh Superman một cách rất nghiêm túc, bàn về các hệ quả thực của việc để cho một nhân vật quá siêu phàm sống giữa một xã hội đầy nghi kỵ như thế giới chúng ta. Riêng thanh niên The Boys thì mặc dù cũng bàn về các hệ quả thật của việc tự nhiên có một nhóm người nắm trong tay quyền năng ưu việt, nó luôn ẩn chứa một cái nét vui nhộn ngầm nào đó (hoặc có thể vì mình hơi bệnh nên thấy nó nhộn 🐧 ), đả kích một cách hài hước cái văn hóa siêu sao của Hollyweed.

Fantasy cũng có một cặp đôi Deconstruction/Deconstructive Parody tương tự, mặc dù nó không sát được đến như Man of Steel và The Boys. Chúng nó là series A Song Of Ice And Fire của George R. R. Martin (Deconstruction) và Discworld của Terry Pratchett (Deconstructive Parody). A Song Of Ice And Fire thì deconstruct một loạt các mô típ ta thường thấy trong Epic Fantasy, chẳng hạn như để một tay võ biền lên trị nước thì nó nát đến thế nào, và các hiệp sĩ “hào hùng” thực chất cũng thối chẳng kém gì ai, chỉ có điều được đắp đồ đẹp lên người. Discworld cũng deconstruct nhiều thứ chẳng kém, lắm khi còn trùng hẳn vào với những gì A Song Of Ice And Fire đã làm, nhưng nó được nói kháy theo kiểu nhẹ nhàng hơn hẳn, chỉ moi ra những điểm bất hợp lý hay ngược đời của các mô típ đấy để chọc cười thôi.

Vì Deconstruction với Deconstructive Parody chỉ đơn thuần là các công cụ có thể tích hợp vào bất cứ đâu, ta có rất nhiều tác phẩm có sự xuất hiện của cả hai cái thằng này. Bộ manga Franken Fran là một ví dụ với rất nhiều pha deconstruct nghiêm túc các mô típ của Sci Fi, cho thấy những hậu quả đen tối đến bất ngờ của việc lạm dụng công nghệ, nhưng cũng lại có những màn deconstruct khá là hài hước (một lần nữa, cũng có thể chỉ vì mình bệnh nên mới thấy nó hài 🐧 ). Animorphs là một ví dụ dễ thấy khác, với hàng loạt mô típ của thể loại phiêu lưu cũng như người ngoài hành tinh các kiểu được đem ra deconstruct theo lối tăm tối kinh khủng, nhưng cũng lại có những pha không thể nhịn nổi cười trước cách một đám thiếu niên sử dụng quyền năng của mình.

Mấy thằng kiểu này cứ nhập nhà nhập nhèm vào với nhau, phân ra cụ thể nó chỉ là Deconstruction thuần thôi hay là Deconstructive Parody thì cũng hơi khó. Nếu muốn thì anh em có thể nhìn vào tỉ trọng nghiêm túc/hài, xem thằng nào trội hơn thì quy nó vào bên tương ứng. Nhưng mà vì mấy cái như thế này phụ thuộc rất nhiều vào cảm nhận cá nhân, thế nên anh em cũng đừng câu nệ việc phân loại nó quá. Chia tách phiên phiến thôi, còn đâu cứ ngon là được rồi, mấy cái khác quan trọng gì 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.