Chuyển đến nội dung chính

Phép thuật vs Công nghệ - làm thế nào để đáp ứng quy luật đào thải?


 Hôm nay mình bắt được cái ảnh này trên Pinterest, và được gợi cho nhớ lại một vấn đề mấy tác phẩm Fantasy mang yếu tố hiện đại như Urban Fantasy hoặc Science Fantasy thỉnh thoảng vẫn gặp: tại sao thiên hạ lại phải dùng phép thuật?

Như anh em đã biết, một trong những nguyên tắc phát triển của nền văn minh chúng ta là luôn đào thải những thứ lỗi thời và cập nhật những thứ tân tiến. Ví dụ như thanh kiếm thôi nhé. Đầu tiên chỉ có kiếm đồng, nhưng rồi có người phát hiện ra sắt, thấy bền hơn, và thế là kiếm sắt xuất hiện, còn thằng đồng dần không ai dùng nữa (chủ yếu là bởi thằng nào vẫn lì lợm dùng đồng toàn bị giết khi gặp thằng dùng sắt 🐧 ). Rồi lại tiếp tục có người nhận thấy gắn thêm một thanh ngang chỗ gần tay cầm (tức cánh đốc kiếm) thì khỏi lo bị thằng khác bổ vào tay, và thế là kiếm trần dần bị loại bỏ. Thế rồi có thằng nhận thấy khoét rãnh cho kiếm thì nó nhẹ đi gần nửa trọng lượng, chém được nhanh hơn mà độ sát thương vẫn như cũ, và thế là kiếm không khoét rãnh dần biến khỏi đời sống. Và cứ thế, chúng ta tiến đến ngày nay, với kiếm gần như đã bị loại đi hẳn, nhường chỗ cho súng ống.

Phép thuật cũng không nằm ngoài quy luật này. Sở dĩ chúng ta muốn phép thuật là bởi nó có thể làm được những điều khoa học công nghệ bó tay, hoặc làm không hiệu quả bằng. Tuy nhiên, vì thế giới chúng ta ngày nay đã phát triển quá tân tiến, thế nên rất nhiều thứ ngỡ tưởng chỉ phép thuật mới làm được thì nay đã có công nghệ gánh hộ rồi. Chính thế mà các tác giả Fantasy hiện đại cần phải cẩn thận một tí, bởi lẽ nếu làm không kỹ, để phép thuật thua thiệt so với công nghệ nhưng vẫn được ưu ái sử dụng thay vì bị đào thải, thì sẽ khiến tác phẩm trở nên ngu ngu ngay.

Làm không khéo thì ta có thể nhìn vào hai tác phẩm là Naruto và Star Wars. Naruto thì ban đầu gần như là Fantasy thuần túy, nhưng về sau thì bắt đầu có mấy thứ công nghệ hơi cao quá đà xuất hiện. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ trong mấy cái tập filler khét tiếng của bản anime chuyển thể, khi đội biên kịch phải bôi nó ra gần 2 năm chờ tác giả viết tiếp. Mình nhớ có tập mấy ông ninja vác theo bộ đàm, chứng tỏ đám này ít nhất cũng biết công nghệ vô tuyến là gì, thế thì tại sao lúc cần chuyển in toàn phải triệu hồi chim chóc với ốc sên ra vậy người ơi 🐧? Cả cái trận chiến cuối nữa, tại sao phải set up mấy ông ninja dùng đủ thứ bí thuật lằng nhằng chỉ để liên lạc, trong khi chỉ cần vài ba cái bộ đàm là đủ rồi?

Star Wars thì hơi đặc biệt hơn tí. Quả thần lực của mấy thanh niên Jedi thì ok, bởi lẽ khoa học thời đó chưa giúp con người đẩy vật từ xa, điều khiển não, hay tiên tri được cảnh vợ chết. Nhưng mà một yếu tố vay mượn từ Fantasy khác (mặc dù technically nó là khoa học, thậm chí còn là khoa học tương lai hẳn hoi) thì lại rất khó hiểu: kiếm ánh sáng. Trong thời buổi thiên hạ ai nấy cũng là cao bồi, việc mấy thanh niên chơi hàng lạnh (err, lạnh tương đối 🐧 ) là rất ngớ ngẩn. Nó tự nhiên cũng biến mấy công nghệ súng ống và người dùng súng trở nên như một trò hề, bởi vì đã cầm súng hiện đại hẳn hoi mà mãi không bắn chết được mấy ông cầm kiếm thì nát quá. Đã có một số lý giải được đưa ra, bao gồm thần lực giúp Jedi có phản xạ nhanh hơn nên dùng kiếm vẫn bật được súng và Jedi không thích dùng súng vì nó “mọi rợ”. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta vẫn chấp nhận bừa mấy lời lý giải đó để tập trung xem phim, thực tế vẫn là quả dùng kiếm của Jedi nó đi hơi ngược lôgic.

Có khá nhiều cách để giúp sự tồn tại của phép thuật trông bớt ngáo trong một tác phẩm có khoa học công nghệ. Một là hạn chế mức tân tiến của công nghệ lại, lấy bối cảnh một thời đại mà khoa học đã tồn tại dưới dạng tương tự như ta biết ngày nay, nhưng chưa đủ tởm như bây giờ. Ví dụ như Fullmetal Alchemist lấy bối cảnh đâu khoảng giai đoạn Thế Chiến I (thập niêm 1910) để công nghệ không bị quá hiện đại. Ngoài ra, hệ thống phép thuật của Fullmetal Alchemist cũng được buff lên khá mạnh và độc để đảm bảo không có thằng công nghệ nào thay thế được.

Thêm một cách nữa là để cho phép thuật nằm ở một thế giới biệt lập, không biết gì về thế giới thật hết (hoặc biết ở tầm hạn chế). Đây chính là cách J. K Rowling đã làm với Harry Potter. Rất nhiều phép thuật của thế giới HP thực chất kém hiệu quả hơn hẳn công nghệ đương thời (bùa Avada Kedavra soi với một khẩu lục bạc chẳng hạn 🐧 ), nhưng dần phù thủy vẫn cứ dùng phép thuật thay vì công nghệ bởi vì hai thế giới biệt lập với nhau quá, và họ mù toàn tập về công nghệ Muggle. Đây cũng là một chiêu mà mấy bộ anime/manga isekai rất chuộng dùng. Nhân vật chính sẽ đi vào một thế giới chưa biết mùi công nghệ bao giờ, thế nên chỉ có làm phép thôi, kể cả nếu nó có nhảm hơn công nghệ.

Hoặc không thì các tác giả còn có thể học tập cái meme “Vấn đề hiện đại cần giải pháp hiện đại”, chỉ có điều thay chữ “hiện đại” bằng “phép thuật”. Có thể vấn đề cần giải quyết trong câu chuyện là do các tác nhân phép thuật gây ra, và các tác nhân này miễn nhiễm với công nghệ hiện tại. Chính thế nên mới cần phải sử dụng phép thuật để giải quyết nó, mặc dù công nghệ trên lý thuyết cũng có thể làm được. Chẳng hạn như trong series Fate/Stay Night, mấy thanh niên anh hùng hào kiệt được triệu hồi lên về cơ bản là miễn nhiễm với vũ khí thường, thế nên không thể cứ vác súng tỉa lên tầng thượng và thịt từng thằng một được (mặc dù mấy đứa triệu hồi bọn kia ra thì lại là chuyện khác 🐧 ).

Đây mới chỉ là mấy cách tiêu biểu thôi, chứ nếu liệt kê ra thì nhiều lắm. Điều này cho thấy vấn đề này thực ra không nghiêm trọng lắm, chỉ cần để ý một tí là giải quyết được.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.