Chuyển đến nội dung chính

Dịch thuật - khi nội dung tác phẩm có thể du di

 Trong bài về phim Cuốn theo chiều gió hồi trưa, mình có nhắc đến việc một số tác phẩm đã bị sửa lệch nội dung so với bản gốc để đáp ứng tiêu chuẩn xã hội hiện đại. Tình cờ thì nó lại gợi cho mình nhớ đến một bài từng được đăng trên tạp chí The New York Times, cũng xoay quanh việc chỉnh sửa nội dung tác phẩm gốc, nhưng mà lại theo hướng tích cực hơn hẳn: chỉnh sửa trong dịch thuật.

Cụ thể thì bài viết đó là một bài phỏng vấn Lưu Vũ Côn (tức Ken Liu), một tác giả SFF người Mỹ gốc Trung khá nổi. Bro này còn kiêm cả nghề dịch giả, và đã giới thiệu rất nhiều tác phẩm SFF Trung Quốc đến với Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung. Trong đó, cuốn nổi tiếng nhất được ông anh dịch chính là Tam Thể của Lưu Từ Hân (Liu Cixin), và nhờ đấy mà mở cửa cho Sci Fi Trung Quốc tiến ra thế giới.


Thú vị một điểm là lúc mới bắt đầu đọc Tam Thể, Ken Liu cảm thấy câu chuyện nó cứ... ngu ngu. Nguyên do là bởi câu chuyện cảm giác như cứ nhảy loạn xị ngậu lên, không biết đầu đít thế nào. Thế rồi đến khoảng giữa câu chuyện, khi đọc đến phần Cách mạng Văn hóa, Ken Liu bắt đầu thấy ngờ ngợ. Ông anh có cảm giác đây đáng lý ra nên tống lên đầu truyện, vì nó là điểm khởi đầu rất hợp lý, khiến toàn bộ câu chuyện đỡ loạn lạc hơn. Thế là Ken Liu ới thẳng cho Liu Cixin, xin phép sửa lại tác phẩm gốc.

Ken Liu cứ đinh ninh kiểu gì đề xuất của mình cũng sẽ bị gạt phắt đi, nhưng bất ngờ thay, Liu Cixin đồng ý cái rụp. Hóa ra cái đoạn Cách mạng Văn hóa đó quả thật chính là đoạn mở đầu gốc của cuốn tiểu thuyết, nhưng bên NXB không dám cho in vì sợ động chạm. Thế là sau một hồi bàn luận, Liu Cixin đã phải cắn răng chấp nhận để phần đầu của mình bị gọt đi và nhồi vào giữa, với hy vọng tác phẩm dễ qua kiểm duyệt hơn. Giờ có người đề nghị sửa lại cho chuẩn bản gốc thì ông anh mừng như bắt được vàng, và đã ưng thuận.

Đây không phải là lần duy nhất Ken Liu sửa đổi bản gốc khi dịch nó ra tiếng Anh. Style dịch của Ken Liu không giống những người khác. Ông anh không đề cao việc bám sát tác phẩm gốc, nhưng cũng chẳng muốn Tây hóa tác phẩm. Thay vào đó, bro này sẽ đoán xem hiệu ứng tác giả muốn tạo ra là gì, và tìm cách truyền tải lại cái hiệu ứng ấy. Chính thế mà có những lúc Ken Liu sẽ lì lợm giữ nguyên các yếu tố văn hóa và chêm chú thích vào, bất chấp các NXB rất ghét cái việc ấy. Có những lúc thì ông anh lại sửa hẳn câu chữ của tác giả, giúp làm bật cái ý ẩn họ muốn nói lên hơn, hoặc giúp nói toạc hẳn ra những thứ bản gốc thực sự muốn truyền tải, nhưng phải nói giảm nói tránh vì sợ bị đệ của bro Tập đến vỗ vai.

Mặc dù vậy, Ken Liu cũng công nhận là chơi kiểu của mình thì hơi nguy hiểm. Một là rất dễ có khả năng ông anh sẽ bị cao ngạo quá, coi mình như có toàn quyền "sinh sát" với tác phẩm. Khả năng vô tình thế giọng văn cũng như thế giới quan của bản thân vào là rất cao, vậy nên Ken Liu cũng phải dè chừng để đảm bảo người thuật lại câu chuyện trong tác phẩm rốt cuộc vẫn cứ là tác giả gốc chứ không phải mình. Hai thì nguy hiểm hơn, đó là có khả năng bản dịch bị nói lộ quá, và thế là tự nhiên Ken Liu đẩy tác giả vào thế khó xử. Chính quyền Trung Quốc ra sao thì ai cũng biết rồi, và nếu bên đấy mà phát hiện ra tác giả có những tư tưởng bất mãn trong đầu thì có chuyện ngay. Đã có một số cuốn truyện Ken Liu dịch và gửi tặng tác giả gốc ở Trung Quốc vô tình bị "thất lạc" trong lúc chuyển phát rồi, thế nên lo lắng của ông anh là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh bàn về hai mặt phải trái của việc dịch thuật kiểu phóng tác, Ken Liu còn chia sẻ rất nhiều điều nữa về sự nghiệp của mình, chẳng hạn duyên số gì đã khiến ông anh bỏ nghề lập trình mà đi làm thợ chữ, cách ông anh bập vào SFF ra sao, tình hình thị tường SFF tại Trung Quốc ngày nay, cũng như rất nhiều thông tin hay ho khác. Anh em nếu quan tâm hãy vào đọc bài nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.