Chuyển đến nội dung chính

Kế hoạch cho khu định cư Sao Hỏa của Musk và sự tương đồng của nó với lao động khế ước

 Cách đây mấy bữa, thanh niên Elon Musk vừa dính phải một vụ lùm xùm liên quan đến kế hoạch hỗ trợ người định cư trên Sao Hỏa của mình.


Số là trong một bài phỏng vấn với tờ Busniess Insider, Musk cho biết mình hiện đang đặt mục tiêu sẽ xây dựng một hạm đội gồm 1.000 tàu Starship nhằm đưa 1 triệu người lên sao Hỏa vào năm 2050. Lẽ đương nhiên, di chuyển giữa các hành tinh không phải là rẻ, chưa kể lên đến nơi còn một lô một lốc chi phí vận hành khu định cư nữa, không phải cắm cọc dựng lều là xong, thế nên ngay cả với 1.000 tàu vũ trụ và 3 thập kỷ nghiên cứu để giúp giảm giá thành công nghệ, một chuyến đi đến sao Hỏa nhiều khả năng sẽ vẫn vượt quá tầm chi trả của đại đa số người dân.

Để khắc phục vấn đề này, Musk cho biết mình tính sẽ cung cấp các khoản vay cho những người không có tiền, và lúc lên đến Sao Hỏa thì họ sẽ làm việc để trả nợ. Nghe thì có vẻ cũng hợp lý, nhưng có không ít người đã bày tỏ sự quan ngại về ý tưởng này, bảo là kế hoạch của Musk nghe như kiểu một hình thức lao động theo khế ước, chỉ có điều ở cấp vĩ mô hơn tí thôi.

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết về nó, lao động theo khế ước (tức “indentured servitude”) là một kiểu đổi chác sức lao động để lấy vé tàu từng khá thịnh hành tại các khu định cư thuộc địa thời xưa. Nó bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1600, khi nhiều người định cư Mỹ đời đầu đang rất đói lao động giá rẻ để giúp quản lý các điền trang của mình. Tình cờ thì nhiều người dân nghèo ở Châu Âu hoặc Châu Phi cũng rất thèm được đến miền đất hứa ấy, kẹt nỗi giá vé đi tàu vượt Đại Tây Dương quá cao nên chẳng làm gì được.

Nhận thấy cái nhu cầu ấy, nhiều địa chủ đã đề nghị sẽ mua vé tàu cho những người kia, nhưng bù lại khi đến nơi thì họ phải làm không công cho mình mấy năm (mặc dù ăn ở sẽ vẫn được chủ chu cấp). Nếu là lao động tay nghề cao thì thường chỉ 4-5 năm là họ sẽ trả xong nợ, nhưng nếu là lao động phổ thông thì có khi phải mất gần thập kỷ hoặc hơn thì mới được trả tự do. Trên lý thuyết thì lao động theo khế ước không phải là nô lệ, bởi vì chẳng ai dí súng vào đầu ép người lao động ký hợp đồng cả. Họ được quyền lựa chọn có muốn hiến một phần đời mình phục dịch người khác hay không.

Tuy nhiên, có hai thứ làm nó cực kỳ tiệm cận nô lệ. Một là trong thời gian còn phải làm việc dưới trướng chủ nhân, những người lao động về cơ bản là tài sản của chủ sở hữu. Đúng là họ có nhiều quyền hơn nô lệ thật (chẳng hạn quyền sở hữu đất đai, quyền tiếp cận các tòa án, sử dụng các cơ sở công cộng chung với địa chủ,…), họ vẫn có thể bị chủ toàn quyền đem rao bán, cho vay mượn, hoặc truyền cho người khác. Thứ hai, rất nhiều người khi ký hợp đồng kiểu này hoặc là đã bị dồn vào đường cùng và chẳng còn cách nào khác ngoài nhắm mắt ký bừa, hoặc bị lừa cho ký một hợp đồng rất mông lung, cho phép chủ tước đi những quyền đáng lẽ họ phải được hưởng hoặc ép họ làm những công việc nặng nề gấp bội cái giá vé tàu.

Bên cạnh đó, xét theo một số phương diện, người lao động theo khế ước có khi còn bị đối xử tàn nhẫn hơn nô lệ thật. Nô lệ về cơ bản là đồ mua đứt luôn rồi, thế nên đây là một dạng tài sản dài hạn, và sẽ được chủ nhân đối xử nhân đạo hơn. Người lao động theo khế ước thì chỉ vài năm sau là tếch đi chỗ khác rồi, thế nên chủ sẽ có xu hướng “vắt sữa” bọn họ một cách mạnh tay hơn để đảm bảo mình kiếm chác được nhiều nhất từ khoản đầu tư ban đầu.

Chính vì những lý do này mà ngày nay, Liên Hợp Quốc đã liệt lao động theo khế ước vào chung với chế độ nô lệ, coi đó là một sự vi phạm về nhân quyền. Mặc dù tuyên bố của Liên Hợp Quốc không hẳn có giá trị pháp lý với quốc gia nào cả, gần như mọi nơi trên Trái Đất đều đã có luật cấm cái thể loại lao động này. Trên thực tế, ở Mỹ, nơi công ty SpaceX của Elon Musk đặc trụ sở, Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp đã cấm tiệt cái trò này.

Đến đây, anh em hẳn đã thấy tại sao nhiều người phản đối vụ lao động trả nợ trên Sao Hỏa rồi nhỉ 🐧?

Nói gì thì nói, SpaceX vẫn là một tập đoàn tư nhân, ra đời với mục đích kiếm lời, không phải là một tổ chức từ thiện. Chẳng có cớ gì SpaceX phải phát miễn phí vé lên Sao Hỏa cho ai hết. Lên Sao Hỏa không phải là vấn đề quá cấp thiết, thế nên nếu không có tiền lên được thì nhịn thôi chứ đâu ra cái trò đòi người ta phải đài thọ vậy? Mặc dù kế hoạch cho vay của thanh niên kia nghe tả đúng là giống lao động theo khế ước thật, cá nhân mình thấy ít nhất nó cũng không phải là một ý tưởng quá nát. Nếu các điều khoản trong đấy quy định rõ ràng hết mức có thể, với lượng thời gian lao động (kèm khối lượng việc cần làm) không có gì quá bất hợp lý, có lẽ nó cũng sẽ không đến nỗi tàn tệ như kia. Xét cho cùng, đằng nào thì ở Mỹ cũng đang rất thịnh cái trò cho sinh viên vay tiền đi học, và sau đó bắt sinh viên è cổ ra làm đến gần chục năm mới may ra trả xong được nợ nần cơ mà. Cái đấy về cơ bản cũng là lao động theo khế ước đấy thôi, có điều hơi lắm bước trung gian hơn tí 🐧.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái trò cho vay này kể cũng khá là nguy hiểm. Như từng bàn ở một bài về tính pháp lý của việc sinh sống trên Sao Hỏa (https://scifivietnam.blogspot.com/2022/09/giac-mong-quoc-gia-sao-hoa-cua-musk-va.html), chẳng có thứ gì cấm Elon Musk tự bịa luật cho khu định cư của mình trên đấy hết. Thanh niên có thể chơi trò tử tế trong mấy năm đầu, sau đó tuyên bố thành lập quốc gia mới với luật lệ riêng, và chuyển trụ sở SpaceX lên đấy là coi như chẳng thằng nào động được vào nữa rồi. Mấy cái tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về cơ bản chỉ là sự gợi ý thôi, và Hiến Pháp Mỹ thì làm gì có hiệu lực đối với Musk Quốc? Đồng chí này khi ấy có tự phong mình là Kaiser Musk Đệ nhất và thiết lập một chế độ sở hữu nô lệ mới thì trên lý thuyết cũng chẳng ai làm gì được cả.

Và trông cách thanh niên đối xử với người lao động của công ty mình ở ngay trên Trái Đất, cái viễn cảnh này kể cũng chẳng đến nỗi quá bất khả thi đâu 🐧.

Nhưng tất nhiên, cũng như đã bàn trong bài pháp lý kia, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu Musk có một lực lượng vũ trang đủ mạnh để bảo vệ cái quốc gia mới của mình. Không thì Kaiser Musk về cơ bản chỉ là con hổ giấy, ti toe được mấy hôm là mưa dân chủ rơi bùm bùm xuống đầu ngay. Và kể cả nếu nhà rân trủ Huê Kỳ có vì lý do gì đó thả rông anh Musk, lịch sử cũng đã dạy chúng ta rằng người dân chẳng bao giờ thích sống dưới trướng một ông vua độc tài hết. Khả năng cao gần như ngay sau khi Musk đăng quang, xã hội Sao Hỏa sẽ hình thành một phiên bản Marco Inaros cũng như tổ chức OPA của riêng mình, và khi ấy thì The Expanse sẽ chẳng dừng lại ở 6 season đâu 🐧.

Hoặc cũng có thể Amazon sẽ lén tuồn hàng cho lực lượng OPA nhằm lật đổ Musk và thế chân thanh niên trở thành người thống trị ngầm của Sao Hỏa, và khi ấy chúng ta sẽ có Amazon renew The Expanse thêm season nữa theo đúng nghĩa đen, vừa có chiến tranh tập đoàn lần thứ nhất ngoài đời thật. Tất cả những gì chúng ta cần là Keanu Reeves sống đủ lâu để gia nhập Rockerboy nữa thôi là đẹp rồi 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.