SFF vốn nổi tiếng là dòng không có giới hạn gì hết. Nếu muốn các tác giả có thể bê câu chuyện của mình sang bất cứ hành tinh nào, đẩy nó tới lui bất kỳ thời đại nào, hay thậm chí bế thẳng nó sang một chiều không gian khác hoàn toàn.
Tuy nhiên, ta vẫn rất hay thấy bóng dáng của một số "thương hiệu" lịch sử nổi tiếng phảng phất trong cả Fantasy lẫn Sci Fi. Chúng chạy từ các sự kiện lớn, chẳng hạn sự suy tàn của những đế chế liên thiên hà, những cuộc viễn chinh của các dân tộc chưa từng nghe tên, cho đến những thứ tiểu tiết nhỏ, chẳng hạn ngôn ngữ và bản sắc văn hóa của các dân tộc lạ. Nguyên do là bởi nếu phát triển lên từ nguyên mẫu trong thế giới thực thì sẽ có sẵn sách vở xây thế giới "hộ" rồi, đỡ nhọc công hơn. Với cả ngoài ra, đôi khi cũng nên để người đọc có tí dấu mốc quen thuộc để người ta đỡ chơi vơi. Chứ dị quá thì có khi hơi khó ngấm.
Và vì dạo gần đây đi đâu cũng thấy thiên hạ bàn về Dune, ta có thể lấy luôn ví dụ về một "thương hiệu" rất đặc trưng mà SFF cực thích: Trung Đông.
Như anh em đã biết, Trung Đông là một miền đất có bề dày lịch sử rất dài, và là cả một kho tàng văn hóa phong phú. Đặc biệt trong đó, có mấy điểm được khai thác trội hơn hẳn những điểm khác là sự rắn rỏi. Trung Đông không phải là một mảnh đất dễ sống, hoang mạc cồn cát nhiều, ít tài nguyên (dầu mỏ hơi hiện địa, tạm không tính nhé 🐧 ). Chính bởi vậy mà người dân đến từ các quốc gia Trung Đông hay được hình dung là những người rất giỏi chịu đựng kham khổ, rất có tố chất để làm những chiến binh tinh nhuệ. Kết hợp thêm với cái lịch sử đẫm máu của Trung Đông, kèm theo danh tiếng "Nghĩa địa của các Đế chế", hình mẫu này lại càng hằn sâu trong tâm trí công chúng.
Sự rắn rỏi cùng với hình tượng chiến binh của Trung Đông đã nhiều lần xuất hiện trong SFF. Ở mảng Sci Fi, ta có ví dụ kinh điển nhất là dân tộc Fremen trong Dune và hội sát thủ trong Assassin's Creed.
Fremen là một tộc dân đã di cư đến Arrakis, một hành tinh toàn sa mạc cằn cỗi, không có gì ngoài d̶ầ̶u̶ ̶m̶ỏ̶ "gia vị", một thứ tài nguyên cả thiên hà thèm muốn. Môi trường tàn khốc của Arrakis khiến họ buộc phải rèn cho mình tính kỷ luật cực kỳ cao, khiến cho mọi bộ tộc đều chẳng khác nào một tiểu đoàn lính nhỏ, từ trẻ con lẫn đàn bà đều có thể làm kẻ địch phải kình mặt.
Còn hiệp hội sát thủ của Assassin's Creed thì lấy thẳng thừng từ lịch sử Trung Đông luôn, gần như không cần đổi gì vì bản thân lịch sử cũng đã quá ấn tượng rồi. Nguyên mẫu của hiệp hội sát thủ chính là các Asāsiyyūn (về sau du nhập vào tiếng Anh và được đọc trại thành "assassin"), những chiến binh cuồng tín dưới sự điều khiển của Hassan-i Sabbah, chuyên ám sát những kẻ thù chính trị tại chốn công cộng, nhằm dằn mặt những kẻ ấp ủ mưu toan bất hảo nào khác. Hẳn khỏi nói thì anh em cũng nhận thấy hai bên giống nhau thế nào.
Fantasy thì anh em hẳn sẽ thấy dễ hình dung hơn, vì gần như không có một tác phẩm nào mà chẳng có một vài chiến binh "lạ" đến từ sa mạc với phong thái đặc sệt Ba Tư. Hai ví dụ nổi nhất của dân Trung Đông trong Fantasy là người Aiel trong bộ tiểu thuyết The Wheel of Time và dân Redguard trong franchise The Elder Scroll.
Hai ví dụ này hơi đặc biệt một tí so với ví dụ của Sci Fi, đó là chúng pha trộn từ nhiều tộc dân khác nhau lại thay vì chỉ dùng 1 tộc dân (mặc dù Trung Đông vẫn là chính). Dân Aiel thì về cơ bản là người Ireland nhưng sống ở một mảnh đất sa mạc họ gọi là Three-fold Land, còn dân phương Tây gọi là Aiel Waste. Dân Aiel nổi tiếng là những chiến binh cực kỳ đáng gờm, và đã có lần dẫn quân đánh rất sâu vào trong vùng đất của đám dân "đất ướt" (wetlanders). Dân phương Tây về sau gọi đây là The Aiel War, nhưng dân sử học ai cũng hiểu chẳng có chiến tranh gì ở đây hết vì nó quá một chiều, với mọi đội quân wetland đều thua liểng xiểng. Lý do duy nhất dân phương Tây chưa bị tận diệt là vì người Aiel đã tự bỏ về sau khi giết xong Vua Laman Damodred để trả thù tội chặt cây thánh của mình. Thậm chí về sau, thành ngữ "black-veiled Aiel" còn được dùng để chỉ những ai quá máu chiến.
Redguard thì pha giữa dân Châu Phi và Trung Đông, sống tại một vùng của Tamriel có tên là Hammerfell. Chiếm gần như toàn bộ vùng này là Sa mạc Alik'r, nơi khắc nghiệt nhất toàn Tamriel. Cái sa mạc đấy từng chôn vùi vô số nền văn minh, bởi lẽ gần như không một ai sống nổi ở cái nơi gần như không có một giọt nước xong lại còn bị bão cát hoành hành này. Trong Kỷ nguyên IV, khi Hoàng đế Titus Mede II của Tamriel bị Vương quốc Aldmeri đánh bại, buộc phải ký Hiệp ước Trắng-Vàng và trao cho chính quyền Thalmor của Aldmeri quyền chiếm giữ một số vùng lãnh thổ của Tamriel, dân Redguard tiếp tục phản kháng và chiến đấu. Rốt cuộc thì họ đẩy bật được các lực lượng Thalmor cử đến ra khỏi Hammerfell, và Aldmeri buộc phải ký thỏa thuận đình chiến thứ hai, cho phép Redguard giữ chủ quyền Hammerfell.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓