Chuyển đến nội dung chính

Weep for Manetheren - một kho tàng lore giàu có của The Wheel of Time, nhưng đã bị Amazon bỏ phí

 Bữa nay mình mới vớ được một cái clip khá hay, cover lại Weep for Manetheren, một bài hát vốn xuất hiện trong bản chuyển thể series The Wheel of Time do Amazon thực hiện. Vậy là chí ít, cái bộ phim củ lờ đấy của Dép Trọc vẫn cống hiến được một thứ tử tế cho đời 🐧.


Nghiêm túc mà nói, khi nghe cái bài hát này, mình không khỏi thấy tiếc trước cái cách đám đệ nhà Jeff phí phạm nguyên cả một nguồn tài nguyên rất dồi dào. Wheel of Time là cả một cái vựa lore khổng lồ, nếu biết khai thác thì dư sức bôi ra ba, bốn season cũng không hết. Ví dụ chẳng cần nhìn đâu xa, anh em chỉ cần ngó vào cái bài Weep for Manetheren này thôi là đủ rồi.

Trong trường hợp mọi người chưa biết, Weep for Manetheren là một bài ca khóc thương cho Manetheren, một quốc gia hình thành trong Kỷ nguyên Ba, sau khi thế giới đã trải qua một sự kiện tận thế gọi là Cuộc phá tan Thế giới. Để đảm bảo sự tồn vong của mình, một nhóm mười tiểu quốc đã liên minh lại với nhau, ký kết một hiệp ước phòng thủ chung có tên Hiệp ước Mười quốc gia. Những quốc gia thành viên bao gồm Aelgar, Almoren, Aramaelle, Aridhol, Coremanda, Eharon, Essenia, Jaramide, Safer, và lẽ đương nhiên, Manetheren. 

Cái vấn đề với Hiệp ước Mười quốc gia là nó khá lỏng lẻo, chứ không phải kiểu hiệp ước NATO ngày nay. Mỗi nước thành viên đều duy trì quân đội riêng, với một hệ thống quản lý và điều hành tách biệt hẳn, chứ không có một hệ thống chỉ huy thống nhất chặt chẽ nào hết. Hiệp ước cũng không đặt chỉ tiêu gì cụ thể liên quan đến việc phòng thủ cả, mà đại khái giống kiểu hàng xóm láng giềng hứa mồm với nhau là lúc có hoạn nạn thì chung tay giúp, nhưng giúp ở mức nào thì về cơ bản là tùy tâm. Dẫu vậy, vì các mối họa bên ngoài tại thời điểm ấy không đến mức quá lớn, thế nên hiệp ước vẫn cân được, và cho mười quốc gia trên một quãng thời gian kéo dài gần ngàn năm sinh sống khá yên ổn.

Nhưng rồi khoảng 800 năm sau khi hiệp ước được ký kết, mười quốc gia trên đụng phải một hiểm họa lớn khôn lường. Hàng bao đạo quân Trolloc (đại khái là quỷ) đông như kiến, cầm đầu bởi các Dreadlord (đại khái là pháp sư hắc ám, thuộc hạ của một thực thể tà ác mang tên Kẻ Tăm Tối) đã tràn đến từ phương Bắc, reo rắc hủy diệt hết sức kinh hoàng, khơi mào một giai đoạn đẫm máu về sau được giới sử gia gọi là Chiến tranh Trolloc. Vì cái đội quân này lớn ngoài sức tưởng tượng, mấy nước thành viên ông nào cũng rén, và rất ngần ngại đưa quân đến giúp nhau. Ai cũng lo giữ quân khư khư ở nhà phòng lúc bị đám Trolloc đến đánh, còn láng giềng bị sao thì chỉ gửi hỗ trợ kiểu cho có thôi.

Nhưng riêng Manetheren thì khác.

Manetheren là đất nước trượng nghĩa nhất trong số các nước liên minh. Cứ khi nào một nước trong liên minh bị quân Trolloc đến quấy, Manetheren sẽ tức tốc đem gần như toàn bộ lực lượng đến cứu viện. Suốt gần hai trăm năm Chiến tranh Trolloc diễn ra, bất cứ nơi nào xảy ra cảnh binh lửa, ta sẽ luôn thấy phấp phới ngay đầu chiến tuyến là lá cờ Đại bàng Đỏ, quốc kỳ của Manetheren. Chính nhờ sự giúp sức của Manetheren, hàng trăm trận chiến đáng lẽ đầy tuyệt vọng đã xoay chiều, dẫn đến việc quân đội Manetheren được mệnh danh là “cái gai dưới chân Kẻ Tăm Tối, và nhành mâm xôi quấn lấy tay hắn,” còn bản thân Manetheren thì được gọi là “thanh kiếm không thể bẻ gãy.”

Nhưng nhận thấy tầm quan trọng của Manetheren, phe Kẻ Tăm Tối quyết định dùng kế nghi binh. Chúng dụ cho quân đội chủ lực của Manetheren ra một nơi gọi là Bekkar, cách rất xa Manetheren, sau đó dồn sức đánh thẳng vào thủ đô Manetheren.

Lúc nhận ra sự tình, Aemon al Caar al Thorin, vua của Manetheren thời bấy giờ, đã tức tốc phóng về để phòng thủ quê hương. Vấn đề là quân của Manetheren phải hành quân rất gấp, không ăn không ngủ mấy ngày trời, nên khi đến nơi sẽ khá yếu, chưa kể lực lượng còn nhỏ hơn rất nhiều so với phe Kẻ Tăm Tối. Thế nên Aemon phải cho người đi kêu gọi các nước khác cử viện binh đến. Khi từ mấy nước kia trở về, sứ giả báo lại với Aemon rằng các lực lượng đồng minh đã đồng ý sẽ chi viện cho Manetheren, nhưng họ cần ba ngày mới tới nơi, và quân đội Manetheren sẽ phải cố gắng cầm cự trước lũ quỷ xâm lược trong khoảng thời gian đó.

Khi biết mình chỉ cần phải trụ đúng ba hôm thôi, Aemon đã dàn quân trên bờ Đông của Sông Tarendrelle, bảo vệ tuyến đường huyết mạch mà đám Trolloc sẽ phải băng qua nếu muốn đánh đến trung tâm của Manetheren. Nhờ nhiều lợi thế như vị trí thuận tiện phòng thủ, khả năng binh lược thiên tài của Aemon, sự thiện chiến của quân đội Manetheren, suốt ba ngày ba đêm, Manetheren đã xoay xở cầm chân được dòng thác Trolloc cứ ồng ộc tràn đến, dù cũng phải chịu tổn thất rất nặng nề.

Nhưng rồi sang đến ngày thứ tư, bất chấp ngóng đợi mỏi cổ, không một bóng cờ hiệu quen thuộc nào xuất hiện nơi chân trời cả.

Và ngày thứ năm cũng vậy.

Thế rồi ngày thứ sáu trôi qua, xong đến ngày thứ bảy, thứ tám.

Manetheren vẫn chỉ có một mình.

Sang đến ngày thứ chín, Aemon rốt cuộc phải chấp nhận sự thật: sẽ không có viện binh nào hết. Manetheren đã bị bỏ rơi. Thế là ông phái người về thành báo tin dữ, giao phó cho vợ mình là Eldrene ay Ellan ay Carlan, một Aes Sedai (tức phù thủy) có gắn kết tâm linh với Aemon, đảm nhiệm việc di tản thường dân. Bản thân Aemon thì dẫn quân lùi về bờ Tây của Tarendrelle, dàn trận câu giờ cho dân chạy.

Vì tất thảy binh sĩ đều biết mình là rào cản duy nhất đứng chắn giữa cái lũ quái vật khát máu kia và người thân gia đình, bọn họ chiến đấu cực kỳ quyết liệt. Kết hợp với việc khi hay tin Aemon đang liều chết cản giặc, một lượng lớn người dân đã đổ về Tarendrelle để góp sức chiến đấu thay vì bỏ chạy, lực lượng Kẻ Tăm Tối tiếp tục phải sa lầy tại Tarendrelle thêm nhiều ngày nữa.

Nhưng rốt cuộc, phía Kẻ Tăm Tối vẫn áp đảo được quân đội Manetheren, với bản thân Aemon gục ngã sau khi cùng những tàn dư cuối cùng của lực lượng mình thực hiện nốt một trận chiến cảm tử tại một cánh đồng nay gọi là Emond’s Field (đọc trại của Aemon’s Field, tức Cánh đồng của Aemon). Ngay khoảnh khắc Aemon hy sinh, Eldrene cảm thấy kết nối tâm linh giữa mình và chồng bị cắt đứt, và đã hiểu ra sự tình. Quá đau khổ, Eldrene đã dồn tụ một lượng phép thuật khổng lồ vào người, về cơ bản tự biến mình thành một quả bom hạt nhân, tiêu diệt phần lớn lực lượng Kẻ Tăm Tối, đồng thời san phẳng thủ đô Manetheren luôn.

Như anh em có thể thấy đấy, câu chuyện về Manetheren, Chiến tranh Trolloc, cũng như những thứ bao quanh chúng nó là cả một mỏ vàng để khai thác. Riêng Cuộc phá tan Thế giới, một thời kỳ loạn lạc kéo dài khoảng 300 năm, khi các Aes Sedai nam hóa điên và dùng năng lực của mình phá hủy nền văn minh nhân loại và các Aes Sedai nữ phải đứng ra chiến đấu với họ, cũng có thể dựng thành một season với 10 tập phim 30’ rồi (hoặc thậm chí là 3, với mỗi season cách nhau tầm 100 năm). Sau khi đấy thì ta có nguyên cái mạch chính trị loạn lạc giữa mười quốc gia liên minh trước thời ký kết hiệp ước, kéo dài 200 năm sau khi Cuộc phá tan Thế giới chấm dứt với cái chết của Aes Sedai nam cuối cùng, cũng đủ để làm thành mấy season nữa (anh em nên nhớ Game of Throne chạy được 7 season dù tuyến thời gian loanh quanh có dăm chục năm, ngay cả nếu có tính thêm mấy phần tạo tiền đề như Cuộc nổi loạn của Robert). Sau khi ký hiệp ước xong thì vẫn còn Chiến tranh Trolloc để nhảy lên, và cái này dư sức làm thành một season tròn, chốt lại cái series về thời kỳ Hậu Phá Tan. Sau đó nếu muốn thì có thể đi tiếp lên thời kỳ Những Năm Tự Do và Thời Đại Mới (thời điểm các sự kiện series chính xảy ra) để làm tiếp.

Đáng chú ý nhất, vì đây là một phần của lịch sử rất xưa, thế nên có rất nhiều chi tiết mập mờ hoặc đã bị bóp méo. Series chính để chừa vô vàn khoảng hở, và bản thân các sự kiện chính cũng lắm khi chỉ được nêu ra theo một kiểu áng chừng chứ không có gì cụ thể cả. Amazon sẽ không bị gò bó trong việc xây dựng cốt truyện, tha hồ chém trên trời dưới bể mà không sợ ai dị nghị là khác cốt hay gì cả, miễn sao giữ được một số mốc chính (mặc dù vẫn nên chỉnh lại mấy cái mốc đấy sao cho hợp lý hơn, chẳng hạn tích hợp Eldrene vào trận chiến bảo vệ Manetheren để việc bật ulti ở phút chót nghe đỡ ngang). Nó sẽ đỡ tù túng hơn hẳn việc cắm đầu vào chuyển thể một cái mạch mà nhất cử nhất động của nhân vật, từ vuốt thẳng váy, khoanh tay, tết tóc, đều được miêu tả hết sức chi ly (và không, tớ không nói đùa đâu, Robert Jordan tả kỹ vkl 🐧 ).

Nực cười là Amazon cũng đã phần nào làm đúng cái điều ấy rồi, với cái series hoạt hình bonus gọi là The Wheel of Time: Origins.

Đây là một loạt các clip hoạt hình ngắn, chỉ tương tự một cái cinematic game thôi, thuật lại một số sự kiện chủ chốt trước thời điểm của series chính, và thậm chí trong này còn có nguyên một tập là The Fall of Manetheren, thuật lại vắn tắt đúng cái lore mình vừa nói ở trên. Tình cờ thì cái style hoạt hình của nó lại mang rất nhiều nét tương đồng với Arcane, một series chuyển thể SFF khác tự chém mạch truyện dựa trên lore lấp lửng (vì tác phẩm gốc có mạch truyện quái đâu mà chuyển 🐧 ) và đã gặt hái được thành công vô cùng rực rỡ. Nếu Amazon dẹp bố cái trò làm live action đi mà chơi hoạt hình 100% như thế, có khi Arcane đã có đối rồi.

Nhưng xét cho cùng, ta biết kỳ vọng gì ở thằng Lex Luthor bản lỗi nào? Đành chấp nhận ngồi khóc cho Manetheren thôi vậy.

Và nếu anh em nào tò mò thì bản dịch của cái bài hát này ở đây nhé (lưu ý là cái Cổ Ngữ của Wheel of Time nó không phải là một ngôn ngữ trọn vẹn như tiếng tiên của Lord of the Rings, thế nên mọi thứ chỉ mang tính phiên phiến thôi):



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.