Chuyển đến nội dung chính

AI, Luddism, và truyện ngắn Seventy-Two Letters

Bữa nay trên Discord, mình có share một bài về việc một số cộng đồng nghệ thuật như Newgrounds, InkBlot, và Fur Affinity đã bắt đầu cấm người dùng đăng tải ảnh do AI vẽ, hoặc chỉ được phép đăng các ảnh mà đóng góp của AI không quá nổi trội. Nó là Online Art Communities Begin Banning AI-Generated Images.

Online Art Communities Begin Banning AI-Generated Images

Bài đấy đã làm khơi dậy một cuộc tranh luận về việc nên định nghĩa thế nào là họa sĩ, cũng như sự tương đồng của động thái này với phong trào Luddite ngày xưa. Và trong lúc đang bàn cãi về vụ đó, mình sực nhớ ra một câu chuyện đã đọc với cái theme gần như giống y hệt. Nó là mẩu truyện ngắn Seventy-Two Letters của Ted Chiang.

Cơ mà trước khi bàn về Seventy-Two Letters, mình cần đá qua nói về một thứ gọi là “golem” cái đã.

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, golem là một hình nộm biết vận động, gốc đến từ thần thoại Do Thái. Vì cái này là văn hóa dân gian, thế nên có khá nhiều phiên bản về cơ chế hoạt động cũng như cấu tạo của lũ golem này, nhưng phiên bản có lẽ phổ thông nhất là như sau: golem vốn là một bức tượng hoặc một hình nhân, được nhào nặn hoặc đúc ra từ các thứ vật chất vô tri, chẳng hạn đất sét hoặc bùn; sau đó, một Kabbalist (tức một pháp sư Do Thái) sẽ lấy ra một miếng giấy, viết lên đó chữ “אמת” (đọc là “emét,” tức “sự thật”), và nhét vào trong người con golem kia; cái chữ đấy sẽ truyền sinh lực cho pho tượng, biến nó thành một dạng rôbốt, chịu sự sai bảo của con người.

Ok, thế cái golem này thì liên quan gì đến Seventy-Two Letters?

À thì, cái ý tưởng nền của Seventy-Two Letters là việc con người sẽ có một nền văn minh ra sao nếu tạo ra được golem đấy.


Cụ thể hơn, trong thế giới của Seventy-Two Letters, vạn vật đều là do Chúa tạo ra, và chính bởi thế, mỗi thứ đều phản ánh một khía cạnh của Chúa theo một cách riêng. Cách thức phản ánh về Chúa của một vật nhất định có thể được biểu đạt dưới dạng một chuỗi chữ cái Do Thái, và cái chuỗi chữ cái đấy chính là “danh gọi” của cái vật kia. Mỗi danh gọi được cấu thành bởi các “tính ngữ,” và tùy vào việc danh gọi chứa đựng những tính ngữ gì, nó sẽ có thể khiến cho vật thể mang danh gọi làm được những việc kỳ quái. Chẳng hạn, nếu ta dán một tờ giấy viết danh gọi chứa những tính ngữ liên quan đến hấp nhiệt và tỏa nhiệt lên một cục gang, nó sẽ hút sạch sức nóng của môi trường xung quanh, sau đó xả hết chỗ nhiệt đấy ra một vị trí đã định. Một ví dụ khác sẽ là viết danh gọi chứa những tính ngữ di chuyển và định hướng lên một cái bệ đất, và nó sẽ tự động xoay mình nhìn theo một mục tiêu đã định.

Một số ví dụ về danh gọi của Chúa, viết bằng chữ Do Thái

Và lẽ đương nhiên, nếu ta viết được một danh gọi chứa đúng những tính ngữ cần thiết, và dán chúng nó lên một bức tượng, ta sẽ khiến bức tượng đấy cử động được, và tạo thành các golem.

Nhờ tính chất đặc biệt này của các danh gọi, loài người trong Seventy-Two Letters đã tận dụng nó để phát minh ra hàng loạt công cụ tân tiến. Ta có các động cơ sử dụng danh gọi để sinh nhiệt và phục vụ nhà máy xí nghiệp, có các thứ đồ chơi cho trẻ con cấu thành từ các bức tượng đất sét nhỏ gắn các danh gọi đơn giản, có các cỗ xe tự động được kéo đi bởi golem tân tiến, có các giá pháo tự nhắm địch hoặc súng máy tự lên đạn, có các con golem chuyên bê đồ hoặc tài nguyên đi theo những cung đường định sẵn,… Nói chung là nơi đây giống như một phiên bản nước Anh thời thế kỷ 19 vậy, có điều động cơ hơi nước được thế bằng các thân xác gắn danh gọi. Danh pháp (bộ môn nghiên cứu danh gọi) trở thành ngành khoa học đi đầu của sự phát triển, và danh pháp gia trở thành vua của các nghề. Thằng em Bính Tý mà có vào đây thì hẳn cũng sẽ bỏ ngang cơ khí Académie mà đi làm danh pháp sau khi vớ được quyển 300 bài viết danh gọi thiếu nhi ngay.

Nhưng cũng như đủ loại khoa học khác, danh pháp phực tạp cực kỳ. Danh gọi cần được tinh chỉnh cực kỳ công phu sao cho thật khớp với từng cái “thân xác” chứa nó thì mới tạo ra được những hiệu ứng ta mong muốn. Giả dụ, anh em có một cục đất, và mọi người muốn cục đất đấy tự lăn đi. Nếu nó là cục đất to, mọi người sẽ cần tích hợp các tính ngữ để cho ra một danh gọi nhất định; nếu nó là cục đất nhỏ, tính ngữ trong danh gọi đấy sẽ cần đổi khác; nếu cục đất có hình tròn, danh gọi sẽ phải khác; hình vuông, lại phải khác; nếu nó lẫn tạp chất, lại khác tiếp; nếu tỉ trọng các tạp chất thay đổi, lại khác;… Và khốn nạn là việc nghiên cứu danh gọi đôi khi rất mang tính ăn ốc đoán mò, chứ không thể thuần túy sử dụng ngữ pháp hay bất cứ công cụ lôgic nào khác để suy đoán tính ngữ nào khi hợp vào nhau thì sẽ cho ra danh gọi hợp với cái A, cái B, cái C. Bên cạnh đó, nếu muốn thân xác chứa danh gọi thực hiện các việc phức tạp, ta sẽ càng cần những danh gọi phức tạp, lắm khi mới toanh hoàn toàn nữa. Chính vì vậy, hầu hết các golem và động cơ danh gọi đều khá cơ bản, chỉ giúp tự động hóa một số công việc trong cả một chuỗi quy trình lớn thôi, chứ không thực sự tự thân làm được gì từ đầu đến cuối cả.

Ít nhất là cho đến cái ngày một thanh niên tên Stratton thò mặt ra.

Đồng chí này là một danh pháp gia trẻ, rất có tài, và sau một thời gian hì hục nghiên cứu, ông anh đã phát minh ra một danh gọi cho phép hoạt hóa những con golem với bàn tay y hệt con người, đủ sức làm được các công việc tinh xảo. Stratton hy vọng rằng với cái danh gọi này, nhiều quy trình sản xuất công nghiệp sẽ được tự động hóa hơn, và từ đấy giúp giảm giá thành của hàng loạt các thứ máy móc xuống. Theo hình dung của Stratton, máy móc giá rẻ sẽ giúp dân nghèo có thể tiếp cận với công cụ sản xuất một cách dễ dàng hơn, và họ sẽ không cần bán mình cho các nhà tư bản nữa, mà có thể về sản xuất sản phẩm một cách cạnh tranh ở tại gia.

Nhưng khốn nạn cho Stratton, thanh niên này lại minh chứng khả năng của danh gọi mình chế ra theo một cách rất dại: dùng nó để chế tạo golem mới trước mặt một toán thợ chế golem.

Cụ thể hơn, Stratton đã xuống xưởng đúc golem của cái xí nghiệp nơi mình làm việc, và ra lệnh cho con golem nguyên mẫu mình đã chế tạo đi giúp toán thợ ở đấy đổ khuôn một con golem mới. Với bàn tay khéo léo không thua gì tay người, con golem kia điềm nhiên thu thập các mảnh khuôn cần thiết, nhoay nhoáy ráp hết các phần khuôn lẻ lại với nhau theo đúng kiểu dáng cần thiết, cố định các phần rất chặt chẽ, rồi đi lấy một bình vữa đất sét đổ vào khuôn.

Mọi thứ con golem nguyên mẫu này làm đều rất chuyên nghiệp, rất đạt yêu cầu, và nó đã khiến ông thợ trưởng ở đấy sợ xanh mặt. Và theo sau màn minh chứng cũng như giải thích của Stratton là một cuộc trò chuyện như sau:

“Ba cái chuyện quay trở về với nền kinh tế hộ gia đình này cũng hay đấy, nhưng số phận dân điêu khắc sẽ ra sao đây? Bất kể anh có thiện chí ra sao, những hình nhân tự động này của anh sẽ khiến cánh thợ điêu khắc thất nghiệp. Những con người này đã phải học việc và rèn giũa tay nghề suốt hàng bao năm trời. Bọn họ biết nuôi gia đình kiểu gì cơ chứ?”

Giọng điệu kịch liệt của Willoughby khiến Stratton chưng hửng. “Ông đánh giá quá cao kỹ năng danh pháp của tôi rồi,” anh nói, cố gắng xoa dịu tình hình. Lão thợ điêu khắc vẫn mặt nặng mày nhẹ. Anh trình bày tiếp. “Những hình nhân tự động này có khả năng học tập cực kỳ hạn chế. Chúng có thể chế tác khuôn, nhưng mọt kiếp chẳng thiết kế nổi chúng; công việc điêu khắc thực sự chỉ có thể được đảm nhiệm bởi thợ điêu khắc. Trước lúc ta gặp nhau, ông vừa chỉ đạo một toán công nhân đổ kim loại để đúc một hình nhân đồng lớn xong đó; hình nhân tự động không bao giờ phối hợp được với nhau theo kiểu như vậy cả. Chúng sẽ chỉ thực hiện được các nhiệm vụ máy móc lặp đi lặp lại thôi.”

“Chúng ta sẽ đào tạo ra những thợ điêu khắc thế nào nếu trong quãng thời gian học việc, họ chỉ đứng nhìn các hình nhân tự làm thay việc của mình? Sẽ không có chuyện tôi để một cái nghề cao quý biến thành một màn biểu diễn múa rối đâu.”

“Cơ sự sẽ không đến nông nỗi ấy đâu,” Stratton nói, nay cũng đã phát bực. “Nhưng hãy ngẫm lại điều chính bản thân ông nói mà xem: vị thế ông muốn duy trì cho nghề của mình chính là điều những người thợ dệt đã bị tước mất. Tôi tin rằng các hình nhân tự động có thể giúp khôi phục phẩm giá cho các ngành nghề khác, trong khi nghề của ông sẽ không phải hứng chịu tổn thất gì nghiêm trọng hết.”

Willoughby như bỏ ngoài tai mọi lời anh nói. “Hình nhân tự động chế ra hình nhân tự động, nghĩ đến thôi đã thấy chối rồi! Đề xuất đó không chỉ là cả một sự xúc phạm, mà nó còn là cả một thảm họa tiềm tàng. Chẳng lẽ cái bản dân ca đó, cái bài với chổi xách xô nước và làm loạn mọi thứ lên, còn chưa đủ rõ sao?”

“Ý ông là ‘Der Zauberlehrling’ ấy ư?” Stratton nói. “So sánh như thế thật vô lý. Nếu con người không nhúng tay vào, những hình nhân tự động này sẽ vô phương nhân giống bản thân; có cả đống lý lẽ để phản đối, tới độ tôi chẳng biết nên bắt đầu liệt kê chúng ra từ đâu nữa. Việc một con gấu biết nhảy đến biểu diễn ở Nhà hát Ba lê London nghe còn khả dĩ hơn đấy.”

“Nếu anh muốn chế tạo một hình nhân biết múa ba lê, tôi sẽ ủng hộ trăm phần trăm. Tuy nhiên, anh không được phép tiếp tục nghiên cứu hình nhân khéo léo kiểu này.”

Cái cuộc cãi vã ở trên cũng như những nỗ lực của đội thợ sau này nhằm ngăn cản Stratton đưa golem khéo léo vào sản xuất đại trà kỳ thực là phiên bản đã được SFF hóa của phong trào Luddite ngày xưa, với những người thợ thủ công bị máy móc cướp hết việc làm, dần dẫn đến bất mãn và tìm cách ngăn cản hay thậm chí kéo tụt bước tiến của khoa học. Tuy nhiên, nếu ngẫm kỹ, anh em cũng sẽ thấy nó giống đến giật mình với những gì đang xảy ra trong giới họa sĩ và các thuật toán AI vẽ tranh.

Con golem kia về chẳng khác nào một con rôbốt do AI điều khiển, với danh gọi của nó đóng vai trò mã lập trình (không phải ngẫu nhiên mình bê lại cái văn mẫu thằng em 96 vào trong bài này đâu). Cũng như đám AI họa sĩ, mặc dù con golem đấy chưa hoàn hảo, nó cũng vẫn dư sức thay thế vai trò của rất nhiều con người, hay thậm chí còn phá hủy cả một ngành. Và cũng giống với đám AI, sự tồn tại của con golem này có ý nghĩa rất lớn đối với việc loại bỏ rào cản sản xuất cho một lượng lớn người, cho phép họ tham gia chế tạo các món hàng mang tính cạnh tranh mà không cần đến một lượng vốn đầu tư khủng. Thậm chí việc con golem này còn bị cho là sẽ hạ thấp cái nghề thợ đúc xuống, biến một thứ vốn đòi hỏi bao công học tập trở thành một màn biểu diễn múa rối, không hơn không kém, cũng giống với cách rất nhiều người hiện đang lo rằng nghề vẽ tranh sẽ trở nên rẻ rúng, và dần họa sĩ sẽ chẳng khác nào một anh thợ mông má cho AI.

Cái đáng tiếc của Seventy-Two Letters là nó kết lại một cách rất cụt, không đưa ra giải pháp tiềm tàng nào cho vấn đề golem kia cả, thế nên ta chỉ có thể suy đoán cái con golem đấy sẽ khiến xã hội phải đổi thay thế nào, và liệu có ai làm gì để ngăn cản nó không. Nhưng thật tình cờ, chính cái sự lơ lửng của câu chuyện cũng lại giống y xì đúc tình trạng của đám AI họa sĩ hiện thời. Dù hết sức tân tiến, đám AI vẫn chỉ mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, và tất cả chúng ta đều đang rất lúng túng không biết phải phản ứng thế nào trước chúng nó cả. Chưa hề có một câu trả lời mang tính quyết định đối với cái vấn đề AI này trong ngành hội họa, dù là trên phương diện pháp lý hay xã hội, và ta chỉ có thể phỏng đoán về việc bọn AI rốt cuộc sẽ trở thành như thế nào hay cái ngành vẽ minh họa rồi sẽ ra sao, chứ không tài nào biết nổi tương lai thực sự sẽ mang hình thù kiểu gì.

Và tiện nhắc đến phần suy đoán, trong cái bài báo mình share, có một bạn đã để lại một comment rất hay thế này:

“Việc cấm [tranh AI] kể cũng là một mong muốn rất tự nhiên đối với những khu chợ chuyên buôn bán thành phẩm sáng tạo của con người thôi. Nhưng thảo luận về chuyện cấm đoán thế này lại khiến ta quên đi vấn đề mấu chốt - tranh của AI sẽ ngày càng khó phân biệt với tranh của con người, và đến một mốc nhất định, ta sẽ vô phương thi hành cái luật cấm kia, và tôi chẳng biết liệu thay đổi điều khoản dịch vụ có giúp giải quyết cái vấn đề đó không nữa.

Về mặt dài hạn, có lẽ sẽ hiệu quả hơn nếu ta thảo luận về chuyện “tại sao chúng ta lại cứ đi chia sẻ những thành phẩm do con người đổ mổ hôi, sôi nước mắt tạo ra, trong khi máy tính có thể làm điều đó một cách dễ ẹc.” Phải chăng nghệ thuật đang hy vọng mình sẽ theo bước cờ vua - một mảng vẫn có chỗ cho con người thể hiện sự khéo léo và khả năng cạnh tranh, dẫu rằng máy tính rõ ràng ưu việt gấp bội? Hay liệu nó sẽ trở thành giống công việc của các nhà thiết kế đồ họa, một công việc vốn đã thay đổi hoàn toàn sau khi các công cụ xuất bản trên máy tính ra đời, nhưng rốt cuộc vẫn cho phép con người tồn tại song song với công nghệ và tạo ra được nhiều sản phẩm hơn một cách nhanh chóng hơn? Hay có khi nào nó sẽ nối nghiệp mấy căn phòng đầy thư ký đánh máy, những con người đã trở nên lỗi thời toàn tập không?

Như tôi thấy, cấm đoán tranh do AI vẽ là hành động đề cao phân đoạn sáng tạo so với phân đoạn tiêu thụ. Nó thần thánh hóa quy trình sáng tạo dưới bàn tay con người, và cái tính “nhân” đơn thuần của tác giả lại được coi trọng hơn thành phẩm. Một số người tiêu dùng - hay biết đâu còn là hầu hết bọn họ nữa nhỉ? - chắc sẽ chẳng quan tâm đâu. Có lẽ các cộng đồng như DeviantArt tin rằng đối tượng người dùng của họ trọng tác giả hơn trọng thành phẩm, nhưng không sớm thì muộn, rồi sẽ đến lúc họ phải đối mặt với nguy cơ trở thành một cộng đồng những chuyên viên đánh máy thuê thất nghiệp, bất mãn với đời.

Chấp nhận các tạo tác của AI sẽ là hướng đi lành mạnh hơn. Ta không thể tảng lờ công nghệ này đi, coi nó như không tồn tại, và chối bỏ sự thật rằng đến một lúc nào đó, 95% tất cả hình ảnh trực quan mà chúng ta thấy sẽ là do nó tạo ra. Nếu trước đây, thế giới cần đến 5 triệu họa sĩ thì mới đáp ứng nổi nhu cầu vẽ tranh của xã hội, thì trong tương lai, có thể ta sẽ chỉ cần 250 ngàn người. Các cộng đồng có thể coi việc sáng tạo bằng các công cụ AI như một lĩnh vực nghệ thuật riêng, tương tự như vẽ bằng bút, bằng cọ, và bằng photoshop - và giúp chuyển đổi người dùng của mình sang cái kênh mới này cùng tồn tại với máy tính.”

Ngoài áp dụng rất chuẩn cho vụ đám AI, lời bình này còn cực hợp với trường hợp con golem trong Seventy-Two Letters nữa. Sự xuất hiện của nó chắc chắn sẽ gây khuynh đảo xã hội, nhưng cắm đầu xuống đất coi nó như không có hay tìm cách loại bỏ nó không phải là con đường hay. Nó đã đến đây, nó đã tồn tại rồi, giờ phải học cách thích nghi với nó thôi.

Tiện thể, trong group từng làm một bài về Luddism cũng như cách thể hiện của nó trong Sci Fi. Anh em nào quan tâm thì tham khảo ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/luddism-chu-nghia-bai-cong-nghe-va-tinh.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.