Chuyển đến nội dung chính

Quy tắc viết trinh thám của T. S. Eliot và cách một số tác phẩm SFF phá vỡ chúng

 Trong bài review cuốn The Album of Dr. Moreau hôm trước, mình có nhắc đến việc tác phẩm này có thể được nhìn nhận dưới dạng một bản troll của dòng trinh thám. Cụ thể hơn, thứ nó troll là bộ 5 quy tắc chuẩn mực dành cho truyện trinh thám đã được cố nhà thơ T. S. Eliot đề ra trong “Homage to Wilkie Collins: An omnibus review of nine mystery novels,” một bài luận đăng trên tạp chí The New Criterion, số ra tháng 1/1927. Anh em nào quan tâm có thể đọc full bài luận đó ở đây: https://tseliot.com/essays/homage-to-wilkie-collins

Trong số các quy luật trên, thứ bị châm chọc mạnh nhất có lẽ sẽ là cái số 3, xoay quanh việc Eliot nghiêm cấm truyện trinh thám sử dụng các tình tiết Fantasy hoặc Sci Fi. Ông anh bảo rằng:

“Câu chuyện không được phép dựa vào các hiện tượng huyền bí, hoặc một điều mang tính chất tương tự khác, ấy là những khám phá bí ẩn và phi lý do các nhà khoa học lẻ loi thực hiện. Đây, một lần nữa, liên quan đến việc đưa một yếu tố phi lý vào tác phẩm: hồn ma, ảnh hưởng ngoại cảm, những yếu tố kỳ lạ với các đặc tính đáng sợ (‘sự hủy diệt của nguyên tử’ có lẽ sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong các tác phẩm trinh thám nhảm trong vòng vài năm tới) đều thuộc cùng một giuộc với nhau. Có thể đám nhà văn viết ra cái thể loại ma mị bịp bợm này sẽ nghĩ rằng thanh thế của H. G. Wells sẽ bổ trợ cho mình. Nhưng hãy để ý rằng Wells chỉ thành công với các tiểu thuyết khoa học của mình bởi ông ta ở im trong ranh giới của một thể loại khác với thể loại trinh thám. Thực tại của nó thuộc về một bình diện khác hẳn. Truyện trinh thám không có chỗ chứa chấp một điều như vậy.”

The Album of Dr. Moreau phá vỡ cái quy tắc này bằng chính sự tồn tại của nó. Truyện sặc mùi Sci Fi không lẫn vào đâu được, và đã thế còn lấy luôn cảm hứng từ một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của H. G. Wells, người đã được Eliot lấy ra làm ví dụ để minh chứng cho việc Sci Fi không có chỗ trong dòng trinh thám.

Hành động “vả mặt” Eliot này của The Album of Dr. Moreau làm mình nhớ lại một số tác phẩm SFF khác cũng làm điều tương tự, với nhiều mức độ thành công khác nhau. Chúng nó là The Caves of Steel, The Automatic Detective, Six Wakes, A Dead Djinn in Cairo, Breach of Peace, và The Dresden Files.

Thằng đầu tiên là The Caves of Steel của Isaac Asimov, kể về hành trình giải mã một vụ án mạng của một thám tử người và một con rôbốt. Trong số tất cả các tác phẩm đã nêu, cuốn này gần với The Album of Dr. Moreau nhất về mặt hoàn cảnh ra đời, bởi vì mục đích sáng tác ra nó của Asimov là nhằm chứng minh Sci Fi có thể được tích hợp vào với mọi dòng văn trên đời, chứ không nhất thiết phải thui thủi chơi một mình. Nó đồng thời cũng sở hữu một thế giới tương lai bao cấp ăn đứt tất cả những thằng kia cộng lại, được làm vừa chặt chẽ và quy củ về mặt các quy luật nội tại, vừa hấp dẫn về viễn cảnh nó tưởng tượng ra. Khốn nạn một điều là Asimov không phải dân viết trinh thám chuyên nghiệp, thế nên cái bí ẩn ông anh xây dựng lên hơi bị lôm côm, dựa vào độ ngu của nhân vật để bôi dài cái cốt ra, và rốt cuộc nếu xét trên phương diện một cuốn trinh thám thì chỉ rơi vào tầm trung bình.

The Automatic Detective của A. Lee Martinez thì là một tác phẩm pha trộn giữa Gothic Raypunk và Noir, xoay quanh hành trình đi tìm kiếm một gia đình bị mất tích của một con rôbốt quân sự. Cuốn này được cái hấp dẫn hơn hẳn The Caves of Steel về mặt cốt, đánh đấm nhiều hơn, câu từ mượt mà và sinh động hơn, và quan trọng nhất là nhân vật IQ cao hơn (mặc dù với cái sàn của ông thám tử trong The Caves of Steel thì đến Watson cũng xứng đáng được coi là Holmes rồi 🐧 ). Nó cũng ăn bật cả The Album of Dr. Moreau ở khoản có một thế giới cực kỳ sôi động và đặc sắc, chứ không nhàng nhàng một vị vanilla như nó. Vấn đề là The Automatic Detective đi theo một kiểu xôi thịt hơn hẳn hai thằng trên, không có suy luận nhiều mà toàn chơi kiểu Batman là chính, tức con rôbốt cứ tằng tằng đi tìm người để đấm cho đến khi nào nôn ra cho nó một cái tên mới để nó mò đến đấm tiếp thì thôi. Đến khoảng nửa cuối thì nó xem chừng cũng hơi bị khủng hoảng danh tính, gần như trở thành hành động thuần túy chứ không còn trinh thám gì nữa. 


Six Wakes của Mur Lafferty thì là một phiên bản Mười người da đen nhỏ với bối cảnh ngoài vũ trụ, xoay quanh một đám người nhân bản vô tính bị mất trí nhớ bị mắc kẹt trên một con tàu không gian, và phải khám phá xem ai trong số họ là kẻ từng sát hại các bản sao kiếp trước của mình. Cuốn này được cái tích hợp khá tốt mặt mạnh của ba thằng ở trên, vừa xây dựng được một bí ẩn tử tế chú trọng suy luận như The Album of Dr. Moreau, vừa có một thế giới nền quy củ và hấp dẫn tiệm cận The Caves of Steel (tiệm cận thôi, vì Asimov thì bố ai mà đu được 🐧 ), và vừa có đủ mùi hành động kịch tính như The Automatic Detective nữa. Khốn nạn một điều là dàn nhân vật của nó cứ có một kiểu na ná nhau, như thể cùng là một diễn viên diễn đồng thời nhiều vai khác nhau vậy, và mỗi lần đổi vai lại làm lố một nét gì đó của bản thân lên cho có vẻ khác biệt. Cái phần đánh trùm của nó hơi bị nhạt, với một vài tình tiết nếu ngẫm kỹ lại thì sẽ thấy hơi ngáo, đáng lẽ đã chẳng cần xảy ra rồi.


A Dead Djinn in Cairo của P. Djèlí Clark thì là một tác phẩm Fantasy, xoay quanh một bà thám tử phải đi điều tra vụ sát hại một con thần đèn ở Cairo trong giai đoạn thập niên 1900 hay 1910 gì đó. Giống với The Caves of Steel, thằng này được thế giới gánh kinh vl. Bro Clark mô tả cái thực tại Ai Cập đầu thế kỷ 20 một cách rất sinh động và ấn tượng, pha trộn thế giới ảo vào với thế giới thực rất nhuần nhuyễn, và đặc biệt đáng chú ý là thanh niên làm được điều này chỉ trong vỏn vẹn một truyện ngắn chứ không cần tận mấy trăm trang như The Caves of Steel. Nhưng cũng giống với The Caves of Steel, phần cốt trinh thám của nó rất tạ. Clark xem chừng cũng giống với Asimov ở chỗ không biết phải viết trinh thám ra sao cho ổn, chỉ có điều ông anh còn thảm hơn cả Asimov. Ít nhất với The Caves of Steel, ông thám tử chỉ bị một cái vấn đề là hay ngồi suy luận lý thuyết rất cao siêu, bỏ quên những điều rất hiển nhiên trong thực tại, dẫn đến việc IQ trông có vẻ thấp. Riêng ở A Dead Djinn in Cairo thì bà thám tử trong câu chuyện của ông anh chẳng làm được trò gì ngoài đi thăm vài cái hiện trường, sau đó tự nhiên đáp án từ trên trời rời xuống, thế nên chẳng biết IQ cụ thể cao thấp ra sao nữa.


Breach of Peace của Daniel Greene thì cũng là một truyện ngắn kiểu A Dead Djinn in Cairo, kể về cuộc điều tra một vụ án mạng hết sức thảm khốc tại một vương quốc nào đó. Breach of Peace cũng giống với Six Wakes ở điểm nó như bản tổng hòa của mấy thằng đi trước, mỗi tội thay vì tổng hòa những điều tốt đẹp, nó lại tập hợp toàn những điểm tiêu cực của các tác phẩm ấy. Thế giới của nó có cái kiểu vô vị làng nhàng của The Album of Dr. Moreau, đến mức ngay cả trang bìa tác phẩm mà còn xây dựng thế giới tốt hơn những gì thanh niên Greene kia làm được; lời giải của nó cũng tự nhiên được một bên khác mang đến dâng tận miệng như A Dead Djinn in Cairo (dù rằng ít nhất các nhân vật còn có thời gian suy luận một tí); nó cũng bị khủng hoảng danh tính kiểu The Automatic Detective, đến cuối chuyển sang hành động thuần chứ không còn trinh thám nữa; ngay cả phần đánh trùm cũng bị làm lôm côm, hụt hơi như kiểu Six Wakes, có điều còn thảm hơn vì Six Wakes ít nhất cũng gói ghém mọi thứ lại gọn ghẽ, còn thằng này bỏ lửng quá nhiều, lộ rất rõ ý đồ PR cho cái series đằng sau.


The Dresden Files thì là series Fantary Noir của Jim Butcher, xoay quanh một ông phù thủy điều hành một văn phòng thám tử. Series khá giống với The Automatic Detective ở chỗ cái kiểu trinh thám của nó mang tính xôi thịt rất cao, đánh đấm nổ súng đùng đoàng cực kỳ giật gân như Fast & Furious vậy. Cơ mà được cái là thằng này tích hợp yếu tố suy luận và điều tra nhiều hơn, với vụ nào cũng có các pha bẻ lái với tung hỏa mù đầy đủ chứ không đi từ A đến B quá đơn giản như The Automatic Detective. Nhưng mà cũng như The Automatic Detective, thế giới của nó khá màu mè và sinh động, song chỉ phát huy tối đa tác dụng nếu ta tắt não đi và tận hưởng thôi, chứ nhiều cái nếu ngẫm kỹ ra thì sẽ thấy lôm côm ngay.


Tất cả những tác phẩm này cùng nhiều thằng khác tương tự chúng nó đều có những điểm mạnh điểm yếu riêng, và không một đứa nào hoàn hảo hết cả. Tuy nhiên, sự khiếm khuyết của chúng nó thực ra cũng chẳng đến mức quan trọng lắm, bởi ngay cả bản thân các tác phẩm trinh thám “thuần” nhất và hấp dẫn nhất có thể cũng chẳng thể vỗ ngực nói mình không thiếu sót chỗ nào. Quan trọng là các tác phẩm trên đều đã tích hợp được rất tốt các yếu tố SFF vào với trinh thám, cho thấy bộ quy tắc của Eliot chỉ nên được coi như một sự gợi ý chứ không phải chân lý bất di bất dịch.

Mặc dù thực ra, chỉ cần nhìn vào Sherlock Holmes thôi là thấy mấy quy tắc của Eliot lôm côm rồi, vì đến quá nửa quy tắc bị thanh niên này phá vỡ hết mà 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.