Chuyển đến nội dung chính

Một điểm yếu chết người của ebook ít ai nghĩ đến

Bữa nay trong lúc ngồi lọc bài của group để backup lên blog, mình có ngó lại cái bài bạn Huy đăng cách đây mấy bữa về khả năng AI soi trộm dữ liệu cá nhân trong tương lai. Lần này đọc kỹ hơn, mình mới nhận ra quả AI trong bài thực chất chỉ là một trường hợp ví dụ, còn cái ý chính của bài đấy thực chất là việc máy đọc sách càng tân tiến thì có khả năng người ta sẽ lại càng có xu hướng quay về sách giấy.

Lúc đọc lại bài đó, mình tự nhiên lại nhớ đến một cái clip từng xem cách đây cũng khá lâu của một booktuber đã đứng tuổi tên là Michael K. Vaughan.


Nếu nhìn vào tiêu đề của clip, hẳn anh em sẽ nghĩ thanh niên này sẽ bàn về những cái điểm mạnh và yếu của ebook so với sách giấy, và kỳ vọng sẽ được nghe mấy cái lập luận đã bị nhai đi nhai lại đến cũ mèm như tính cơ động, giá thành, cảm giác cầm nắm, mùi hương này nọ. Và ừ, đúng là Vaughan có động đến mấy thứ kiểu đó, nhưng ông anh điểm qua chúng nó một cách cực kỳ sơ sịa, với tổng thời lượng chắc còn chưa được đến 3 phút trong cái clip dài gần 20 phút này.

Trên thực tế, trong gần như toàn bộ chiều dài cái clip, Vaughan chỉ tập trung xoáy rất mạnh vào một điểm rất đặc thù của ebook. Cái điểm này chỉ vặt vãnh thôi, và còn được đa số coi là ưu điểm so với sách giấy nữa kia. Tuy nhiên, nếu nghe Vaughan trình bày, và nếu biết về bối cảnh làng xuất bản quốc tế tại thời điểm cái clip này được đăng, anh em sẽ không khỏi thấy lạnh gáy trước cái tiềm năng mà nó đại diện, và có khi còn thấy cái ví dụ về AI bạn Huy nêu ra ở bài trước thậm chí cũng có phần chính xác, dù chỉ là đúng phân nửa và theo một hướng bạn ấy chắc không ngờ đến.

Điểm đó là khả năng vá lỗi của ebook.

Trong trường hợp có anh em nào không biết, thường khi mua ebook từ dịch vụ của các bên như Google với Amazon, anh em sẽ được mặc định hưởng một dịch vụ cộng thêm là nhận được các bản cập nhật mới cho cuốn sách đã mua nếu nhà xuất bản hoặc tác giả quyết định sửa đổi hoặc bổ sung gì đấy cho sách. Chẳng hạn, nếu trong đợt phát hành đầu, tác phẩm có mấy lỗi chính tả hoặc thiếu dấu gì đấy, thì thay vì phải đợi đến đợt tái bản mới sửa lại, bên xuất bản có thể đơn giản đẩy một bản cập nhật mới lên, và các lỗi trong cuốn sách mọi người đã mua sẽ tự động được sửa lại mà không đòi hỏi mọi người phải xì tiền ra hay mất thời gian chờ đợi làm gì cả.

Nhưng cái vấn đề là không có gì đảm bảo những thứ được cập nhật sẽ chỉ là lỗi đơn thuần hết.

Tỉ dụ, như Vaughan có chia sẻ trong clip, ông anh từng đụng phải một trường hợp khiến bản thân không khỏi e dè với cái khả năng này. Số là thanh niên vốn sở hữu hai ấn bản riêng biệt, cả ebook lẫn sách giấy, của một cuốn có tên The New Annotated H. P. Lovecraft, một bộ tuyển tập các truyện của Lovecraft do Leslie S. Klinger tổng hợp và chú thích. Lúc mua, hai ấn bản của Vaughan đều giống hệt nhau (ít nhất là về ngoại hình), và Vaughan đã đọc bản giấy trước. Được một thời gian sau, lúc đọc xong bản giấy, Vaughan mở thêm bản ebook ra, và ông anh sửng sốt khi thấy cái bìa đã bị thay đổi sang một phiên bản mới. Theo lời Vaughan, phần thông tin về sách vẫn cho thấy đây là phiên bản cũ. Thứ duy nhất thay đổi về nó là cái bìa (cập nhật từ bản in lần đầu lên thành bản in lần thứ hai), còn nội dung thì không thay đổi gì.

Việc bìa bị đổi như thế làm Vaughan cảm thấy khá chợn, bởi lẽ nó thể hiện một cách rất rõ rằng trong trường hợp của ebook, ngay cả khi mọi người đã mua đứt sách rồi, và đã đem về tận nhà cất trong hộc tủ rồi, nó vẫn chịu sự chi phối của một bên vô hình thứ ba. Nếu muốn, cái bên đấy hoàn toàn có thể thò tay vào tận bên trong cái quyển sách anh em đã mua và khiêng về cất giấu kỹ lưỡng đấy, và thay đổi nó theo ý thích của bản thân, bất cần quan tâm đến quan điểm và tư tưởng của mọi người.

Như trong trường hợp Vaughan gặp phải, đây chỉ là một cái ảnh bìa đơn thuần. Bản thân việc ấy không đến mức to chuyện lắm, nhưng khi kết hợp vào với những gì đang xảy ra lúc bấy giờ, Vaughan không khỏi lo rằng nó sẽ còn có thể được áp dụng cho những mục đích nham hiểm hơn nhiều.

Cụ thể, tại thời điểm cái clip này được tung ra, đã liên tiếp xảy ra những vụ lùm xùm liên quan đến việc các nhà xuất bản nhét chữ vào mồm các tác giả theo đúng nghĩa đen. Đình đám nhất là vụ Puffin Books, một ấn hiệu của Penguin, đã tung ra một lô sách Roald Dahl mới, và trong đấy, họ đã cập nhật một lượng rất lớn các câu chữ mà họ coi là không hợp thời đại. Ví dụ bao gồm sửa “turning white” thành “quite pale” (“mặt trắng bệch đi” -> “mặt tái mét đi”), “eight nutty little idiots” thành “eight nutty little boys” (“tám đứa ngốc khùng khùng” -> “tám đứa nhỏ khùng khùng”), “the tall skinny Bean” thành “Bean” (“thằng Bean còm cao lênh khênh” -> “thằng Bean”), “the flashing black eyes” thành “the flashing eyes” (“đôi mắt đen long sòng sọc” -> “đôi mắt long sòng sọc”), “And oh how ugly they were!” bị lược hoàn toàn (“Và ôi trời, chúng xấu xí quá cơ!” -> vứt hoàn toàn),… Toàn bộ những thay đổi đã được tờ Telegraph liệt kê lại, và anh em có thể tham khảo để thấy nó ngớ ngẩn đến cỡ nào (kéo xuống dưới cùng để xem cái bảng người ta đã lập): https://www.telegraph.co.uk/news/2023/02/17/roald-dahl-books-rewritten-offensive-matilda-witches-twits/.

Một trường hợp khác xảy ra chỉ sau đó một tháng, và lần này người lên thớt là Agatha Christie. Cụ thể, HarperCollins đã cho tái bản một loạt sách của bà chị, trong đấy có lọc đi một số thuật ngữ liên quan đến chủng tộc, chẳng hạn cắt các phần mô tả nhân vật là dân da đen, Do Thái, Digan, cắt bỏ việc miêu tả một ông thẩm phán có tính “nóng như dân da đỏ,” thay “thổ dân” thành “người địa phương,”… Vì không sửa nhiều và theo một cách quá vô học, chưa kể cái cuốn 10 người da đen nhỏ của bà chị từng bị sửa rồi, thế nên nó không đến mức làm tất cả cùng sôi máu như với vụ của Puffin, song cũng khiến rất nhiều người cảm thấy bất bình. Anh em có thể tham khảo thêm về vụ đó ở đây: https://www.theguardian.com/books/2023/mar/26/agatha-christie-novels-reworked-to-remove-potentially-offensive-language.

Một trường hợp khác xảy ra giữa hai vụ việc trên có liên quan đến Ian Fleming và các tác phẩm về James Bond của ông cụ. Bấy giờ, chàng điệp viên 007 trứ danh sắp sửa kỷ niệm 70 năm ngày lần đầu ra mắt công chúng, và Ian Fleming Publications Ltd đã quyết định ăn mừng cái ngày đấy bằng cách tái bản một phiên bản đã qua kiểm duyệt của truyện. Vụ việc của Bond cũng khiến thiên hạ rất bất bình, nhưng mà lại theo một kiểu ngược với vụ của Roald Dahl. Nếu như trong trường hợp các truyện của Dahl, nhà xuất bản đã chặt chém một cách quá lố, thì trong trường hợp các truyện về Bond, nhà xuất bản lại làm quá hời hợt. Các từ liên quan đến sắc tộc này nọ đều bị loại hết, nhưng những thứ liên quan đến tính dục thậm chí còn nghe tởm hơn, bao gồm gọi đồng tính là “một khuyết tật lì lợm” và bảo phụ nữ “thích bị cưỡng hiếp phần nào,” thì lại để nguyên xi đấy. Rốt cuộc, khiến bên phản đối kiểm duyệt điên tiết thì đã chớ, Ian Fleming Publications còn đã làm cả bên ủng hộ kiểm duyệt sôi máu vì làm không đến nơi đến chốn. Anh em có thể tham khảo về cái vụ đó ở đây: https://www.euronews.com/culture/2023/03/01/rewriting-james-bond-offensive-references-to-be-removed-from-ian-flemings-007-novels.

Bất kể mọi người có nghĩ sao về cách các nhà văn trên sử dụng ngôn từ, có một điều không thể phủ nhận là thế này: ngôn từ của họ là các di tích văn hóa. Chúng đại diện cho tư tưởng của người thời xưa, cách ta nhìn nhận và đối đãi với nhau trong quá khứ, những điều từng được mặc nhiên chấp nhận là đúng và chuẩn mực. Xóa bỏ chúng nó đi cũng đồng nghĩa với chối bỏ lịch sử, phủ nhận rằng từng có những điều như thế xảy ra, và khiến các thế hệ sau này hình thành một cái ảo tưởng méo mó về quá khứ của mình.

Và đấy chính là cái điều khiến Vaughan cảm thấy bất an. Trong trường hợp của sách giấy, những chiêu trò kiểm duyệt như thế kia sẽ bị giới hạn rất nhiều. Không một nhà xuất bản nào, dù quyền lực lớn đến đâu, lại có thể xộc vào từng ngôi nhà riêng, từng hiệu sách cũ và đem hủy những bản cũ đã in và thay thế chúng bằng những ấn bản mới, viết lại sao cho chuẩn ý mình được. Tuy nhiên, trong trường hợp của ebook, tất cả những gì họ cần phải làm sẽ là đẩy một bản cập nhật lên server, và nội trong một đêm, hàng trăm vạn cuốn sách ở tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm sẽ đều thay đổi. Lịch sử sẽ được thay thế, và Châu Đại Dương sẽ bao lâu nay đều chỉ đánh nhau với Đông Á mà thôi.

Công bằng mà nói, một trường hợp đậm chất 1984 như thế sẽ cực kỳ khó có thể xảy ra, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Vì sách giấy vẫn đang được bán song song với ebook, và thậm chí còn chiếm thị phần nhỉnh hơn nó ở nhiều nơi, thế nên ngay cả có muốn thì cũng chẳng nhà xuất bản nào bùa được mọi phiên bản một cuốn sách bất kỳ trên đời theo cái kiểu đấy cả. Đấy là chưa kể cái tính năng cập nhật tự động còn hoàn toàn có thể được tắt đi, nếu có ai chịu khó vào setting mày mò một tí. Trong trường hợp có bên nào thử ngấm ngầm cập nhật toàn bộ ebook không thôi thì, với cái quy mô của cộng đồng mạng ngày nay, kiểu gì cũng sẽ có người phát hiện ra sự bất nhất giữa các phiên bản, và mọi sự sẽ vỡ lở chỉ trong phút mốt.

Tuy nhiên, ta vẫn không thể chối cãi được hai điểm như thế này:

  1. Các bên cung cấp ebook sở hữu khả năng thay đổi nội dung ebook theo ý bản thân, theo một cách người dùng chưa chắc đã nhận ra.
  2. Đã có tiền lệ các nhà xuất bản tìm cách nhét chữ vào mồm tác giả, đơn giản vì họ không thấy thích những gì người ta viết.

Tất cả những thứ ngăn cản mấy điều trên xảy ra đều chỉ là các giao kèo thuần túy giữa người đọc và bên cung cấp dịch vụ, cũng như niềm tin rằng sẽ không ai đủ ngu đến mức đi một nước cờ mang tính tự hủy cao đến vậy. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì đang xảy ra với cái game engine Unity, hẳn anh em sẽ không còn nghĩ dăm ba cái rào cản đấy có gì chắc chắn đâu.

Nói tóm lại, vụ AI thò tay vào trong Kindle cá nhân để nghịch phá thì ta chưa việc gì phải lo đến đâu, nhưng riêng với đồng loại của chính chúng ta thì lại là một câu chuyện khác đấy .

 

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.