Chuyển đến nội dung chính

Chuyện tín ngưỡng, tâm linh, và chỗ đứng của chúng trong Sci Fi

 Bài về Foundation hồi sáng làm mình nhớ đến một chủ đề rất hay mà thanh niên này đã động đến, ấy là tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh.


Mặc dù phần đông anh em trong này hẳn quá nhẵn mặt Foundation rồi, bởi cứ cách bài thì mình lại lôi cổ nó ra chém. Nhưng phòng trường hợp có anh em nào mới vào, mình sẽ nói vắn tắt lại một chút về cái kiểu thần thánh hóa của Foundation. Cụ thể thì trong truyện, Foundation là tên một tổ chức được thành lập ở tít ngoài rìa lãnh thổ của Đế chế Thiên hà, nhằm mục đích lưu trữ các tri thức của nhân loại để chuẩn bị cho giai đoạn sụp đổ của Đế chế. Lúc quyền lực của Đế chế bắt đầu suy yếu, một số hành tinh ở vùng biên bắt đầu nổi loạn, hình thành những quốc gia độc lập.

Khốn nạn một điều là các quốc gia ấy đang ngày một trở nên thoái hóa về mặt khoa học kỹ thuật, không còn duy trì hay thậm chí sử dụng được nhiều công nghệ thiết yếu nữa. Tranh thủ tình hình ấy, Foundation đã lập tức tận dụng kho kiễn thức cũng như nguồn nhân lực tinh hoa của mình để cung cấp hỗ trợ về mặt khoa học cho các vương quốc vùng biên. Tuy nhiên, bên Foundation rất khôn, không chuyển giao hẳn bất cứ thứ gì cả, mà chỉ cung cấp hàng đã sản xuất sẵn cũng như phái kỹ thuật viên đến chỉnh sửa mỗi khi mấy món kia bị hỏng hóc. Do đã không còn hiểu biết gì mấy về khoa học nữa, cư dân của các vương quốc kia cứ đinh ninh rằng khoa học là một thứ phép thuật, và dần tôn thờ các kỹ thuật viên của Foundation như những pháp sư.

Nhận thấy đây lại là một cơ hội vàng khác, Salvor Hardin, lãnh đạo Foundation lúc bấy giờ, lập tức tô vẽ khoa học thành một dạng tôn giáo của thời đại mới. Các kỹ thuật viên được tung hô như những tư tế, và đại sứ của Foundation tại mỗi vương quốc đều được phong thành các cao tăng. Chính nhờ cái tôn giáo mang tính “scientism” ấy, Foundation đã khiến mấy quốc gia vùng biên phải ngoan ngoan nghe lời mình một phép. Ngay cả các thủ lĩnh cấp cao của những vương quốc kia, những người hiểu được sự thật đằng sau khoa học, cũng chẳng dám hó hé gì, bởi vì bên cạnh một số trói buộc ngoại giao khác đã bị Foundation quàng vào, động đến tôn giáo của con dân là cạp đất ăn vã ngay.

Cái hiện tượng giữa một thời đại của khoa học và khai sáng mà dân tình vẫn mê tín đến như trong Foundation thì nghe có vẻ chém hơi quá tay, nhưng nó thực ra cũng không đến nỗi quá xa rời thực tại đâu. Ngay trong thời đại của chúng ta đây thôi, tâm linh vẫn là một phần gần như không thể tác rời khỏi cuộc sống. Ta có các hoạt động tín ngưỡng mang tính “sờ sờ,” chẳng hạn các buổi lễ nhà thờ, các buổi lên chùa thắp hương, các hoạt động cúng bái và làm lễ tại gia, hay như thân thuộc với giới trẻ thời nay hơn thì sẽ là những hoạt động như bói bài tarot, xem cung hoàng đạo; ngoài đó ra thì cũng có những thứ mang tính “ngầm” hơn, thường là riêng biệt đối với từng cá nhân, chẳng hạn việc đi một đôi giày hay mặc một cái áo cụ thể nào đấy trước khi làm việc trọng đại để lấy may, vô tình hoặc hữu ý tránh hoặc chọn một cung đường nào đấy vì đã từng gặp những sự kiện may mắn hoặc xui xẻo, hay thậm chí chỉ là hơi một phần hy vọng khi share bia đá FTU hay cái của khỉ gì đó đang là mốt trong mùa thi năm ấy, dù rằng phần nhiều chỉ làm thế vì đây là meme, nói chung nhiều thứ lắm.

Có lẽ một trong những nguyên nhân đằng sau hiện tượng này là ham muốn xóa bỏ sự bất định. Con người chúng ta vốn chẳng ai ưa sự bất định, dù là bất định về số phận tương lai bản thân hay với bản chất của thế giới. Kiểu gì thì kiểu, ta cũng phải tìm bằng ra một lời giải thích nào đó cho sự tồn tại của mình, cho những gì mình chưa biết, tìm ra những cái “đinh” giúp neo các yếu tố bất định lại, giúp duy trì một sự thăng bằng trong cuộc sống. Tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh là một công cụ giúp thỏa mãn nhu cầu ấy rất hữu hiệu.

Ngay cả với sự phát triển vũ bão của một công cụ xóa bỏ bất định đáng gờm khác là khoa học, tín ngưỡng vẫn lì lợm bám trụ lại được. Nguyên do là tín ngưỡng và tôn giáo đã tồn tại từ lâu gấp bội so với khoa học, thế nên độ thẩm thấu của nó vào trong đời sống cũng sâu hơn hẳn. Bên cạnh đó, khoa học đòi hỏi bằng chứng các kiểu quá nghiêm ngặt, khiến cho nó vô phương bao phủ được hết tất cả mọi thứ. Trong khi ấy, mấy món tâm linh thì linh hoạt gấp bội, cái gì cũng có thể bảo là khởi nguồn từ Chúa/ma/quỷ/tiên/cụ/nghiệp/năng lượng zdũ trụ/bất kỳ cái khỉ mẹ gì thiên hạ có thể chém ra, miễn sao chém được cho nghe “hợp lý” là ổn rồi. Chính bởi vậy, nếu đặt một con người hiện đại, hay thậm chí là một con người của tương lai, vào một hoàn cảnh thích hợp, quẳng vào mặt người ấy một sự bất định mà khoa học không lý giải được, hay lý giải nghe quá lằng nhằng, không xuôi được như tâm linh, đồng thời kết hợp với một số sự thúc đẩy nhẹ nhàng theo đúng hướng, người đó có thể sẽ ngả về các lời lý giải mang tính tâm linh.

Chính vì cái bản chất thú vị cũng như sức hút của nó, tâm linh là một đề tài mà không hiếm tác phẩm Sci Fi thích đem ra tích hợp vào câu chuyện của mình. Vì Khởi sinh ra bài này là Foundation của Isaac Asimov, có lẽ ví dụ đầu tiên cũng nên lấy lại chính một tác phẩm khác của ông, ấy là truyện ngắn Reason, gốc đăng lẻ trên tạp chí và về sau xuất hiện trong tuyển tập I, Robot.

Trường hợp của Reason khá là thú vị, vì nó vừa có thể được coi là một tác phẩm chế giễu tâm linh, vừa có thể được nhìn nhận dưới dạng đề cao nó. Số là trong truyện này, có hai anh kỹ thuật viên phải trực một trạm vũ trụ chịu trách nhiệm phóng năng lượng về cho Trái Đất. Để giúp mình nhẹ việc, hai thanh niên đã lắp ráp ra một con rôbốt tên là QT-1. Vì đây là một mẫu rôbốt rất tân tiến với khả năng tư duy cao, ngay khi tỉnh dậy, nó không ngừng tra hỏi hai anh kỹ thuật viên về gốc gác của mình. Khi thấy hai anh này trả lời ấm ớ, nó đã tự chiêm nghiệm và rút ra một câu trả lời cho riêng mình. Thật không may, câu trả lời nó rút ra lại sặc mùi mê tín. Nó cho rằng chẳng có một thứ gì tồn tại bên ngoài cái trạm vũ trụ cả, và khai sinh ra tất cả chính là cái nguồn năng lượng của trạm. Nó tuyên bố cái nguồn năng lượng ấy là “Chúa,” và bản thân nó là nhà tiên tri của “Người.” Nó thậm chí còn thuyết phục mọi con rôbốt khác trên trạm tin vào cái tôn giáo mới của mình, và từ đấy có bàn đạp để phế quyền chỉ huy của hai anh kia, trực tiếp chiếm toàn quyền điều khiển trạm để phục vụ “Người.”

Nhưng hóa ra cái sự cuồng tín của con rôbốt đấy không phải là không có lý do. Vì là rôbốt, nó có khả năng điều khiển cái trạm ưu việt gấp bội con người. Sự hiệu quả trong việc điều khiển cái trạm sắp tới sẽ trở nên quan trọng tột cùng, bởi vì sắp có một đợt bão mặt trời ập đến, gây cản trở lớn cho công việc. Nếu cái trạm mà không được điều khiển tử tế, nguồn năng lượng nó bắn về Trái Đất sẽ chạy lệch lung tung, từ đấy gây ra những thảm họa khôn lường cho con người sống trên Trái Đất. Vì gài trong não con rôbốt là một định luật khiến nó không thể đứng im trước cảnh mạng sống con người có nguy cơ bị đe dọa, nhưng nó cũng không thể cãi lệnh con người, mà cụ thể ở đây là hai anh kỹ sư với cái tôi cao vống. Chính tình thế tiến thoái lưỡng nan này đã khiến phần “tiềm thức” của nó đưa ra lời giải dưới dạng một cái tôn giáo ngáo cần, cho phép nó chiếm quyền điều khiển trạm và bảo vệ con người trên Trái Đất một cách vô thức.

Hai anh kỹ thuật viên kia về sau đã luận ra nguyên nhân thật đằng sau cái tôn giáo ấy. Họ cũng nhận ra rằng cái tôn giáo này không hẳn có gì xấu. Ừ, đúng là nó phản khoa học thật, nhưng vì lũ rôbốt vẫn thực hiện công việc của mình một cách rất hiệu quả, họ chẳng có lý do gì phải phí công cãi nhau với nó hết. Trên thực tế, họ còn cân nhắc đến việc nên xem xét truyền bá cái tôn giáo này đến cho những nơi có thể tự động hóa hoàn toàn, và cần bọn rôbốt hoạt động theo nhóm. Xét cho cùng, kể cả nếu chúng nó thờ một ông thánh ngu ngu nào đấy, điều ấy có gì là nguy hại đâu nếu bọn nó làm ăn vẫn tử tế và con người vẫn là bên được hưởng lợi cuối cùng?

Một trường hợp thú vị khác về đề tài tâm linh và tôn giáo, có điều mang tính móc mỉa hơn, là truyện ngắn The Repairman của Harry Harrison.

Trong tác phẩm này, con người từng xây dựng một tháp tín hiệu siêu không gian tại một hành tinh hoang vắng. Hay đúng hơn là một hành tinh bị tưởng là hoang vắng. Kỳ thực trên hành tinh này có một chủng thằn lằn thông minh, và vào lúc tòa tháp được xây thì chúng nó đã phát triển đến thời đồ đá rồi. Do không biết đến bọn này, người ta cứ điềm nhiên xây tháp, và sau đấy bỏ đi. Về sau, bọn thằn lằn tìm thấy cái tháp, và vì cái tháp xả ra một dòng “suối” bất tận (thực ra đấy là một phần trong hệ thống làm mát của nó), lũ thằn lằn coi cái tháp này như một ngôi đền linh thiêng.

Khổ thân cho lũ thằn lằn là một thời gian sau, trong lúc đang quét dọn bên trong tòa tháp, một thầy tu của bọn nó đã vô tình gạt trúng công tắc tắt khẩn cấp, khiến con suối thần cũng khô cạn luôn. Nhưng may cho nó là khi thấy tòa tháp ngừng hoạt động, một anh kỹ sư được phái đến để tiến hành bảo trì. Khi đến nơi thì anh ta phát hiện ra sự tình, và đã nhanh trí bảo mình là người trời, được phái đến để khôi phục dòng suối. Sau khi anh ta hoàn thành việc sửa chữa, đám bò sát tìm cách giữ anh này lại để chăm chút dòng suối vĩnh viễn. Một lần nữa, lợi dụng sự mê tín của đám thằn lằn, anh ta giả vờ giận dữ, bảo rằng sẽ không có chuyện Chúa tha thứ cho hành động vô lễ này, và đã hàn kín cánh cửa lại để không cho con nào vào được tháp nữa (mặc dù vẫn đảm bảo để con suối được chảy). Sau đó, thanh niên diễn thêm vài trò mèo, và an toàn trốn được về.

Có một truyện khác cũng chế nhạo mấy trò tâm linh kiểu The Repairman, nhưng có điều theo một hướng khác hẳn, xoáy mạnh vào đả kích mấy bố nghiên cứu không đến nơi đến chốn mà cứ vu hết mọi thứ cho mê tín, ấy là The Great God Awto của Clark Ashton Smith.

The Great God Awto lấy bối cảnh gần 4.000 năm trong tương lai, với nội dung xoay quanh một bài giảng của một giáo sư khảo cổ học về một tôn giáo man rợ của dân Hamurriqua, một tộc người sống thời thế kỷ 20. Tôn giáo ấy thờ tụng một vị thần tên là Awto, đôi khi còn được gọi là Mhotawr, đại diện cho cái chết và sự hủy diệt, và một trong những nghi lễ chính của tôn giáo này là một trò hiến tế mạng người rất man rợ. Sẽ có một số kẻ tên là shophur, lái các phương tiện di chuyển đầy chết chóc với tốc độ cực cao, trong khi các tín đồ của thần Awto sẽ lao đầu ra trước phương tiện ấy, và bị cán nát bét người.

Dưới sự lan truyền của hai nhà tiên tri là Anriford và Dhodzh, cái tôn giáo đen tối cũng như trò hiến sinh tàn bạo đó đã lan đi với tốc độ vũ bão, cho đến khi không một con đường nào của dân Hamurriqua không bị những phương tiện hiến tế kia ám ảnh. Để phục vụ cho những phương tiện linh thiêng này, một tầng lớp tu sĩ đã ra đời, gọi là các meknik, hoặc những người canh giữ grahges. Bên cạnh đó, còn có nguyên một tổ chức đặc biệt ra đời – mặc dù đáng tiếc là cái tên của tổ chức này đã bị thất lạc - đóng vai trò như những người bảo vệ cho vô số ngôi đền ven đường. Chính tại những ngôi đền này, đám tín dân sẽ bơm một chất khoáng lỏng được gọi là ghas vào cho các phương tiện của mình, để từ đấy có thể thực hiện cái thú chơi đẫm máu và ngu xuẩn kia.

Bản thân câu chuyện không giải thích gì cụ thể, nhưng nó rải rất nhiều manh mối để người đọc nhận thấy cái thứ ông giáo sư gọi là tôn giao đấy thực chất chỉ là việc tham gia giao thông cũng như các hoạt động phụ trợ bình thường của chúng ta. “Awto” là nói trại của “auto” (xe ô tô), “Mhotawr” là “motor” (xe cơ giới), “Hamurriqua” là “America” (‘Murica), “shophur” là “chauffer” (lái xe), “Anriford” là “Henry Ford” (người sáng lập Công ty Ford Motor), “Dhodzh” là “Dodge” (một thương hiệu xe ô tô Mỹ do hai anh em nhà Dodge sáng lập), “meknik” là “mechanic” (thợ cơ khí), “grahges” là “garage” (gara ô tô), “ghas” là “gas” (xăng). Mấy cái thứ mà ông này bảo là trò hiến tế người man rợ thực chất chỉ là các tai nạn giao thông đáng tiếc, không hơn không kém.

Buồn cười một điểm là cái giả thuyết về giáo phái Awto này đã bắt đầu bị một số nhà khảo cổ đương thời nghi ngờ. Họ tin rằng những cái xe phụt lửa ầm ầm cũng như lượng người bị chúng làm cho thiệt mạng kia hoàn toàn không có ý nghĩa tôn giáo gì hết. Tuy nhiên, vì sự thiếu hiểu biết nhưng lại hợm đời cũng như bản tính bảo thủ của mình, ông giáo sư trong truyện gặt phắt mọi phản bác, gọi những người tin vào gia thuyết mới là những kẻ điên hoặc phường lừa đảo. Trong bài thuyết giảng của mình, ông ta thậm chí còn nhắc thẳng đến cái giả thuyết ấy chỉ đơn thuần để bác bỏ nó một cách đầy khinh miệt. Nực cười thay, cái hành động bảo vệ “khoa học” đầy nhiệt huyết của ông này lại khiến ông ta trở thành chẳng khác gì một kẻ cuồng tín thời xưa, ra sức bảo vệ một cái tín ngưỡng dị hợm trước sự chỉ trích của khoa học đích thực.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.