Bữa nay mình vừa mò thấy một tin thú vị, xoay quanh một báo cáo khoa học do một nhóm nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang xuất bản trên tạp chí Science Robotics hồi tuần trước.
Báo cáo của nhóm kia có tên là Swarm of micro flying robots in the wild (anh em đọc full ở đây: https://www.science.org/doi/10.1126/scirobotics.abm5954), thuật lại quá trình chế tạo và thử nghiệm một “đàn” rôbốt bay. Đàn đấy có 10 con cả thảy, mỗi con to ngang bàn tay, và được trang bị đủ loại cảm biến tinh vi để có thể quan sát môi trường xung quanh và tự tính toán đường bay một cách độc lập, không cần người điều khiển. Đáng chú ý nhất, bọn chúng nó có thể chia sẻ các dữ liệu thu được theo thời gian thực với nhau, và tích hợp thông tin các con khác trong đàn thu được vào quá trình hoạch định đường bay. Nói một cách nôm na hơn, chỉ cần một con trong đàn nhìn thấy thứ gì, tất cả các con khác đều thấy thứ đó hết, và có thể tính toán tránh đường hoặc chọn lối sao cho phù hợp ngay cả trong trường hợp tầm nhìn bản thân có bị chắn.
Để kiểm tra độ khôn của lũ rôbốt, nhóm nghiên cứu đã quẳng bọn nó vào giữa một cánh rừng tre khá đặc. Tất cả những gì họ cấp cho chúng nó là cái đích, một đội hình bay ban đầu, còn tuyến đường cụ thể thì không. Bọn rôbốt thích đi kiểu gì thì đi, miễn sao đến được cái đích đấy mà không gây thiệt hại cho bản thân hay mấy cái cây xung quanh, cũng như không phá đội hình quá kinh là được. Kết quả thu về được rất ấn tượng: bọn này lạng lách rất điêu luyện, không chỉ né được cây lá với đất đá, mà còn phải tránh lẫn nhau, đồng thời đảm bảo đội hình được duy trì ở mức cao nhất có thể.
Thú vị hơn, nhóm nghiên cứu còn thử cho bọn này bám đuôi một thành viên trong nhóm, đi qua một chặng đường đầy chướng ngại vật gây cản trở tầm nhìn. Và nhiệm vụ này cũng được chúng nó hoàn thành xuất sắc không kém gì nhiệm vụ trước. Cứ mỗi khi một con để mất dấu người kia, nó lập tức lấy dữ liệu của những con vẫn còn nhìn thấy anh chàng đó ra để ước định xem vị trí tương đối của anh ta so với bản thân là gì, từ đấy tiếp tục tính toán di chuyển. Chừng nào vẫn còn tối thiểu một con trong đàn nhìn thấy mục tiêu, chừng ấy sẽ không con nào trong cả đàn chạy lạc đi được cả, và cả đàn sẽ vẫn có thể bám sát mục tiêu như thường.
Theo lời nhóm nghiên cứu, công nghệ rôbốt bầy đàn này sẽ có tiềm năng rất lớn trong việc hỗ trợ khắc phục thiên tai hay các thảm họa tại những nơi có địa hình hiểm trở. Lũ rôbốt có thể len lỏi đi khắp nơi để tìm kiếm người bị nạn, thu thập thông tin hiện trường, thậm chí dẫn người dân tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, hoặc mang đồ tiếp tế đến cho những người bị mắc kẹt trong khu thảm họa. Chúng nó cũng có thể được dùng để phục vụ mục đích nghiên cứu, đi vào những nơi chật hẹp hoặc xa xôi để lấy mẫu vật mà không gây xáo trộn môi trường sinh thái.
Nghiên cứu không đả động gì đến các ứng dụng bất hảo của công nghệ này, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc nó không thể bị lạm dụng. Từ khoảng 5 năm trở lại đây, một phiên bản sơ khai của công nghệ này, ấy là các mẫu drone dân dụng, đã được các băng đảng ma túy Mexico sử dụng như lính đánh bom cảm tử hoặc máy bay thả bom để tấn công cả cảnh sát lẫn các băng đảng đối nghịch (https://www.forbes.com/sites/davidhambling/2021/10/01/drug-cartels-carry-out-drone-bombings-evade-jammers/?sh=11659f963ecc). Ở quy mô lớn cũng như gần đây hơn thì ta có cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, với các bên dùng drone để oanh tạc lựu đạn với thu thập thông tin chiến địa (https://www.latimes.com/opinion/story/2022-04-07/ukraine-war-virtual-drones-ai-social-media). Thậm chí, ta còn có một phiên bản rôbốt bầy đàn tự động gần như giống hệt những gì bên Đại học Chiết Giang nghiên cứu đang được quân đội Mỹ nghiên cứu áp dụng trên diện rộng, chỉ có điều chúng nó chưa thực chiến bao giờ (https://www.nextgov.com/emerging-tech/2022/01/clouds-smart-robots-swarm-reality/361130/).
Đợi tầm 1, 2 thập kỷ gì đó, khi công nghệ này trưởng thành hơn và chi phí sản xuất đối với chúng nó tụt xuống, có khi ta sẽ còn được thấy nhiều trò vui hơn thế nữa kia. Nếu cho thêm nửa thế kỷ nữa, khéo viễn cảnh Stanisław Lem đã mường tượng ra trong The Invincible sẽ hóa thành thật chứ chẳng đùa. Chỉ có điều thay vì Regis III, sân khấu nơi mọi sự diễn ra sẽ là Trái Đất mà thôi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓