Chuyển đến nội dung chính

Một nghiên cứu về các nhiệm vụ liên hành tinh và khả năng ly khai của Sao Hỏa

 Bữa nay mình vừa bắt được một bài viết khá thú vị, xoay quanh một thí nghiệm mô phỏng tiến trình phát triển của các căn cứ có người ở trên Sao Hỏa. Kết quả thu được cho thấy có lẽ các bên hoạch định chính sách tương lai nên cân nhắc biến bộ truyện The Expanse thành tài liệu tham khảo 🐧 .


Số là hồi đầu tháng này, một nhóm các nhà khoa học Nga đã công bố một báo cáo mang tên External Communication of Autonomous Crews Under Simulation of Interplanetary Missions (tức Giao tiếp Bên ngoài của Các đội ngũ Tự trị tham gia Mô phỏng Nhiệm vụ Liên hành tinh) trên tạp chí Frontiers in Physiology. Nó thuật lại kết quả thu được từ hai thí nghiệm, SIRIUS-17 và SIRIUS-19. Các thí nghiệm này là một phần của Dự án Sirius, mô phỏng môi trường sinh hoạt của các nhiệm vụ liên hành tinh, diễn ra tại IBMP, Nga. SIRIUS-17 kéo dài 17 ngày (10/2017 - 11/2017), chủ yếu để xác định một số thông tin mang tính kỹ thuật là chính, còn SIRIUS-19 thì chạy tận gần nửa năm (3/2019 - 7/2019), mô phỏng chuẩn xác hơn quá trình sinh sống của một đội ngũ làm việc tại căn cứ ngoài vũ trụ.

Trong số các phát hiện được ghi nhận trong báo cáo, có hai kết quả khá nổi trội: càng theo thời gian, nhóm thành viên sống “ngoài Trái Đất” kia càng trở nên tự chủ hơn. Đồng thời, bất chấp việc đây là một nhóm đa quốc tịch và đa giới tính, càng về cuối thí nghiệm thì họ càng trở nên đồng nhất với nhau hơn về mặt tư tưởng và lề thói giao tiếp, tạo thành một khối gắn kết hẳn.

Đây là một phát hiện tích cực, bởi lẽ việc không phải quá lệ thuộc vào những con người sống cách xa cả triệu tỷ dặm đường chắc chắn sẽ giúp họ dễ dàng đương đầu với các khó khăn và linh hoạt trong công việc hơn. Bên cạnh đó, việc những con người với hàng bao khác biệt có thể dần hòa nhập với nhau và hình thành một dạng văn hóa chung cũng sẽ giúp giảm bớt nguy cơ xung đột, và cho thấy có khả năng một xã hội mới sẽ hình thành.

Tuy nhiên, đi kèm với những mặt tích cực ấy là một điểm rất đáng chú ý: trong quá trình trở nên độc lập và tính gắn bó cộng đồng gia tăng, nhóm người ngoài Trái Đất dần dần ít trao đổi và bộc bạch về các vấn đề với đội ngũ kiểm soát nhiệm vụ tại Trái Đất hơn, và khi có thì cũng xa cách về mặt xúc cảm hơn. Từ đấy, đội ngũ kiểm soát nhiệm vụ dần trở nên lệch sóng với đội ngoài hành tinh, ít hiểu hơn về nhu cầu và các vấn đề của họ.

Trả lời phỏng vấn về báo cáo, Dmitry Shved, nghiên cứu viên tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Hàng không Moscow, một trong các tác giả của báo cáo, đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Shved bảo rằng nếu thí nghiệm cứ thế tiếp diễn theo hướng hiện thấy, và cộng đồng ngoài Trái Đất ngày một thêm độc lập và gắn kết với nhau, họ có thể sẽ hình thành một danh tính riêng, biệt lập với các cấu trúc quản lý bên ngoài. Và một khi điều ấy đã xảy ra, rất có thể họ sẽ tìm cách tách bản thân hoàn toàn khỏi vòng quản lý của cái nhóm bấy giờ đã trở thành “người ngoài” đối với họ.

Hay nói nôm na hơn, cộng đồng tại căn cứ có thể nổi dậy để đòi ly khai khỏi Trái Đất.

Dẫu vậy, Shved cũng bảo đừng nên lo lắng quá. Ông anh bảo rằng trong giai đoạn đầu, các khu thuộc địa ngoài hành tinh sẽ vẫn phải dựa dẫm nhiều vào nguồn tiếp tế từ Trái Đất. Chừng nào cái “dây rốn” đấy còn chưa lìa, bất kể văn hóa đã riêng biệt hay độ tự chủ đã cao đến đâu, phía thuộc địa sẽ khó lòng dám nhờn mặt Mẫu Quốc.

Toàn bộ những gì mô tả trong báo cáo này giống với viễn cảnh cặp đôi tác giả James S. A. Corey đã khắc họa trong bộ truyện The Expanse đến rợn. Trong thế giới của series này, con người đã hình thành được các khu thuộc địa ngoài hành tinh, trong đấy đáng chú ý nhất là khu thuộc địa ở Sao Hỏa và vành đai tiểu hành tinh. Nhóm người ở những nơi này dần hình thành những cộng đồng với bản sắc riêng, ngày một trở nên độc lập hơn, và họ dần không còn coi mình là người Trái Đất nữa. Trái Đất thì càng lúc càng xa rời các cộng đồng đấy về mặt văn hóa, thế nên cũng không thực sự giao tiếp hiệu quả được với những bên này, từ đó càng khiến khoảng cách giữa các bên lớn dần theo thời gian. 

Nổi trội nhất là các cộng đồng ở vùng vành đai, cấu thành chủ yếu từ dân lao động nghèo tứ xứ thay vì những con người tinh túy nhất nền văn minh như trên Sao Hỏa. Vì không phải dân có trình độ học vấn cao, họ mới đầu cực kỳ lúng túng trong giao tiếp, nhưng chính điều ấy lại khiến ngôn ngữ và phong tục của họ dần hòa nhập thành một thứ đặc sắc vô cùng, khác hẳn cả Sao Hỏa lẫn Trái Đất. Kết hợp với việc vì phải sống trên các tiểu hành tinh thiếu hụt về tài nguyên và mức trọng lực siêu thấp, cấu tạo sinh học của đám dân nơi này cũng chịu tác động rất nặng, khiến họ gần như trở thành một chủng người riêng chứ chẳng còn chung chạ gì với Trái Đất và Sao Hỏa nữa.

Tình hình này khiến Hệ Mặt Trời lâm vào một dạng Chiến Tranh Lạnh mới. Cả Sao Hỏa lần phe vành đai đều muốn tách ra thành đất nước riêng, nhưng vẫn ít nhiều phải dựa dẫm vào Trái Đất. Trái Đất thì vẫn muốn kiểm soát các bên này, song ngày một không tìm được tiếng nói chung với họ, đồng thời càng lúc càng trở nên thừa thãi với các bên kia hơn. Cả ba cứ thế lừ mắt nhìn nhau, và thời gian càng trôi đi thì căng thẳng càng leo thang, hứa hẹn chiến tranh bùng nổ là chuyện tất yếu.

Tình hình này thì chắc thêm tầm hai thế kỷ nữa, ta sẽ có một bản live-action mới của series theo đúng nghĩa đen luôn đó, chỉ có điều lần này chắc không còn do Dép Trọc sản xuất nữa thôi 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.