Chuyển đến nội dung chính

Hệ thống Perimeter và phiên bản vũ trụ của nó trong series Tam Thể

 Sau bài về kỳ tích nước Nga từng đóng góp cho công cuộc chinh phục vũ trụ của con người hồi trưa, mình lại nhớ đến một thứ khác các thanh niên này từng triển khai. Nó cũng liên quan đến phóng tên lửa, và còn là nguồn cảm hứng cho một bộ Hard Sci Fi liên quan đến khám phá vũ trụ rất nổi. Cái thứ đó chính là hệ thống Perimeter


Hệ thống Perimeter, hay còn được gọi là Dead Hand (Bàn tay Tử thần) là một hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân tự động được Liên bang Xô-viết phát triển trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, và theo lời đồn đại thì vẫn còn được áp dụng đến tận bây giờ. Trong trường hợp chính phủ Nga cảm thấy mình đang bị đe dọa bởi chiến tranh hạt nhân, họ có thể kích hoạt hệ thống này. Ngay lập tức, một loạt các tên lửa hạt nhân nằm rải rác ở những địa điểm bí mật trên toàn lãnh thổ Nga sẽ chuyển sang chế độ phóng tự động, sẵn sàng hủy diệt các mục tiêu đã định trước, kể cả khi toàn bộ đội ngũ lãnh đạo Nga đều đã chết cả.

Vì tầm quan trọng của nó, mọi thứ liên quan đến cái hệ thống này đều được giữ rất kín. Không ai biết nó hoạt động trên cơ chế nào, hay thậm chí có còn được áp dụng nữa hay không. Hiện nay, giả thuyết thường được chấp nhận nhất về cơ chế hoạt động của nó là một khi được bật lên, hệ thống này sẽ đối chiếu thông tin về môi trường để kiểm tra xem có dấu hiệu một vụ tấn công nào hay không, đồng thời thử “đề nghị” với lãnh đạo cơ hội hủy lệnh phóng. Nếu không nhận được yêu cầu hủy, chỗ tên lửa sẽ mặc định khai hỏa. 

Nghe đến đây, hẳn một số anh em đã nhận ra cái bộ Hard Sci Fi về vũ trụ lấy cảm hứng từ Perimeter là gì rồi nhỉ?

Vâng, nó chính là bộ truyện Tam Thể, cụ thể là cuốn 2 và 3 của bộ này.

Vì để bàn cụ thể hơn thì sẽ spoil rất nặng 2 cuốn đó, thế nên anh em nào đang chờ quyển 3 của Nhã Nam thì tốt nhất nên dừng đọc ở đây.

.

.

.

.

.

.

Ok, giờ chắc anh em nào muốn chạy thì cũng đã chạy đủ xa rồi. Vào phần Perimeter trong Tam Thể này.

Cuốn 2 chỉ cho cái hệ thống này xuất hiện ở một đoạn rất nhỏ tít tận cuối thôi, và thậm chí còn chẳng nêu hẳn tên nó ra. Tuy nhiên, đây chính ra lại là phiên bản gần với hệ thống Perimeter hơn. Trong quyển này, khi Trái Đất về cơ bản đã chẳng còn tí hy vọng gì ngăn cản người Tam Thể đến xâm lăng mình nữa, một thanh niên tên Luo Ji đã tìm ra giải pháp rất hay. Ông anh lén quẳng mấy quả bom lên quanh Mặt Trời, sắp xếp vị trí chúng nó sao cho một khi phát nổ, chúng nó sẽ làm Mặt Trời liên tục nhấp nháy, thông báo cho cả vũ trụ biết vị trí của thế giới quê nhà người Tam Thể, đảm bảo rằng đám dân Tam Thể kiểu gì cũng sẽ bị hủy diệt bởi một nền văn minh khác. Luo Ji gắn liền hệ thống kích hoạt bom vào với nhịp tim của mình, và thế tức là nếu thanh niên tự sát hay bị đám người Tam Thể thịt mất, dân Tam Thể sẽ auto bị dox.

Cuốn 3 thì công khai hơn hẳn, nêu đích danh cái hệ thống Perimeter kia ra, nhưng có điều lại đảo ngược mọi thứ lại tí. Cụ thể, trong truyện, cơ chế hoạt động của hệ thống Perimeter bao gồm cho một anh lính Nga chui xuống hầm trú ẩn dưới lòng đất và cầm theo một cái công tắc. Ngay khi nhận được tin nước Nga đã bị hủy diệt, anh lính sẽ bấm cái công tắc đấy, và toàn bộ dàn tên lửa hạt nhân của Nga sẽ bay kín trời.

Nói cách khác, hệ thống Perimeter ngoài đời là một hàm Do While (triển đã rồi check sau), còn trong vũ trụ Tam Thể lại là một hàm While (check trước triển sau).

Ok, trên lý thuyết hai cái thằng kia là loop chứ không phải làm 1 lần rồi thôi (trừ khi có điều kiện phá loop). Nhưng vì thằng Do While loop trước rồi mới check điều kiện xem có nên dừng không, còn While thì phải check điều kiện trước rồi mới tính đến chuyện khởi động loop, ta cứ dùng tạm đi 🐧.

Cơ chế này về sau được copy lại y xì đúc cho một phiên bản cao cấp hơn của cái hệ thống Luo Ji tạo ra. Lần này thì không có bom nổ gì nữa, mà nó là các trạm/tàu truyền tín hiệu nghiêm chỉnh, chỉ đợi lệnh là sẽ hét toáng lên vị trí hành tinh quê hương bọn Tam Thể ngay. Lệnh được truyền cũng không còn là nhịp tim của một người nào đó nữa, mà là một cái nút bấm do một người sống dưới hầm ngầm kích hoạt.

Khốn nạn một điều là các bro Trái Đất copy Perimeter không tới nơi tới chốn, đưa cho một cô gái quá hiền thay vì giao cho một anh Nga ngố. Nếu người nắm công tắc dox mà là một thanh niên mang tên Ivan, có khi đến bố Tam Thể cũng chẳng dám hó hé gì 🐧.

Nghiêm túc mà nói, việc xây dựng cơ chế kích hoạt dựa trên While thay vì Do While như trong truyện là một trong những điều làm mình thấy khá lấn cấn ở quyển 3. Về cơ bản, hệ thống của truyện đòi hỏi người nắm giữ công tắc phải chủ động xuống tay hủy diệt hai nền văn minh. Điều này tạo ra một áp lực tâm lý quá khủng khiếp, khiến khả năng người ta sẵn sàng làm vậy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngược lại, nếu chơi kiểu Do While, người giữ công tắc sẽ chẳng phải đích thân làm gì cả, và sẽ có thể nói kẻ hủy diệt Trái Đất và hành tinh Tam Thể là cái hệ thống chứ bản thân mình vẫn vô tội. Lương tâm người đấy sẽ nhẹ nhõm hơn, và từ đó khá năng cơ chế trả đũa kia được kích hoạt sẽ cao hơn.

Có thể sẽ có người phản bác lại rằng nếu chơi kiểu Do While, ta sẽ phải dựa vào máy móc tự động nhiều hơn, và mấy cái hạt sophon vẫn đang ở trên Trái Đất sẽ có thể can thiệp vào và vô hiệu hóa hệ thống. Nhưng vấn đề là nếu mấy hạt sophon kia mà đã can thiệp được vào máy móc kiểu Do While, chúng nó cũng sẽ có thể tác động đến máy móc kiểu While nốt. Chúng nó có thể cản trở hoạt động của cái công tắc, hoặc làm lệch lạc thông báo về một vụ tấn công, khiến người cầm nút không biết gì. Nói chung là chẳng có lý do gì để cái While ưu việt hơn Do While trong khoản tránh bị Sophon can thiệp hệt.

Nhưng xét cho cùng, nếu làm Do While thì hơi khó để phát triển câu chuyện theo hướng kháy đểu cách nền hòa bình làm con người mềm yếu, thế nên đành chấp nhận dùng bản While vậy 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.