Chuyển đến nội dung chính

Độ khả dĩ của việc Trái Đất từng có một nền văn minh tân tiến

 Bài kỷ niệm về cái Hội chợ Vril-Ya phế cũng như bản thân cái nền văn minh Vril-Ya nó dùng làm cảm hứng đã khiến mình nhớ nhớ lại một cái clip từng xem cách đây mấy hôm. Clip do bên Kurzgesagt thực hiện, và nó xoay quanh độ khả dĩ của việc từng có một nền văn minh với kỹ thuật tân tiến tồn tại ngay trên Trái Đất, nhưng về sau bị thời gian chôn vùi. Cụ thể hơn, clip đặt ra câu hỏi thế này: có khi nào tại một mốc nào đấy trong hàng trăm triệu năm vừa qua, từng có một nền văn minh không do loài người gầy dựng trỗi đậy trên Trái Đất, phát triển được công nghệ tân tiến, sau đó tàn lụi không? 


Để trả lời câu hỏi này, trước tiên ta cần nhìn vào nền văn minh duy nhất nhân loại từng biết đến: nền văn minh của chính chúng ta. Khoảng 300.000 năm trước, con người hiện đại bắt đầu xuất hiện, hình thành những nhóm nhỏ chuyên săn bắn hái lượm, và từ từ di cư đến khắp mọi miền trên thế giới. Hình thái xã hội của chúng ta tiến hóa khá chậm, và phải đến khoảng 10.000 năm trước, trong thời kỳ đồ đá mới, thì ta mới bắt đầu phát triển được nông nghiệp, và từ đó có bàn đạp để hình thành một nền văn minh chính hiệu theo cách ta ngày nay vẫn hình dung khi nhắc đến từ “nền văn minh.” Thay vì chỉ là một đám thú có văn hóa và tí công cụ, chúng ta nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của hành tinh, phát quang rừng và xây dựng đủ loại công trình với quy mô phi thường. Khoảng 300 năm trước, chúng ta có cách mạng công nghiệp, và một lần nữa tạo được cú hích mới cho tốc độ phát triển của nền văn minh.

Như vậy, ta có thể nói rằng nền văn minh loài người tính đến nay đã trải qua ba giai đoạn chính: săn bắn hái lượm (97% thời kỳ đầu lịch sử), làm nông nghiệp (2,9% tiếp theo), và lầm công nghiệp (0,1% còn lại). Lẽ đương nhiên, không thể nào coi đây như một mô hình phát triển nền văn minh chung nhất, áp dụng được cho tất thảy mọi giống loài trên đời. Tuy nhiên, vì nó là ví dụ duy nhất về nền văn minh mà ta có để nghiên cứu, clip tạm coi đây như quy chuẩn, và dùng nó để suy xét xem nếu có một chủng loài khác từng xây dựng được nền văn minh trên Trái Đất, thì ngày nay, nền văn minh ấy sẽ còn để lại được những bằng chứng gì.

Đầu tiên, clip xét đến một nền văn minh chỉ dừng ở mức săn bắn hái lượm. Đây là một trường hợp thú vị, bởi lẽ trong vài triệu năm qua, từng có một số chủng loài lạ gầy dựng được xã hội đến tầm như thế rồi, chỉ có điều họ thường không xuất hiện trong mường tượng của ta khi ta nghĩ đến một chủng loài dị biệt. Đội ấy chính là tổ tiên hoặc anh em họ của ta, chẳng hạn Homo Erectus, Neanderthal, hoặc Denisovan. Ta đã khai quật được vũ khí, công cụ, và thậm chí cả tác phẩm nghệ thuật cả họ, nhưng con số đó không nhiều, bất chấp họ sống không quá xa thời của ta. Chính bởi vậy, không loại trừ khả năng từng có một số loài khác, hoặc cũng thuộc tông người, hoặc thuộc một phân loại khác hẳn, từng tạo được công cụ, văn hóa, và nghệ thuật riêng, nhưng các đồ tạo tác của họ đã bị các quá trình sinh học và sau đó là địa chất nghiền nát thành hư vô. 

Tiếp theo, ta có kiểu nền văn minh thứ hai: một nền văn minh nông nghiệp. Nếu có chủng loài nào lết được lên cái cấp này sẽ trải qua một quá trình bùng nổ dân số, dẫn đến việc hình thành các đế chế rộng lớn. Bên cạnh đó, nó còn cho phép xã hội trở nên chuyên môn hóa và phát triển ra hàng loạt thứ “linh tinh” bên ngoài như sách vở, bản thảo, công trình kiến trúc,… với chất lượng tinh vi hơn, được làm từ vật liệu bền hơn. Độ bền của dụng cụ cũng như số lượng thuần túy của nền văn minh này giúp khả năng di vật của họ còn tồn tại đến tận thời nay cao hơn hẳn các nền văn minh săn bắn hái lượm, dẫu có xuất hiện từ cách đây cả triệu năm. 

Tuy nhiên, dẫu hàng triệu năm nghe to đấy, nó chỉ bé như cái mắt muỗi nếu ta cân nhắc đến tuổi đời của hành tinh này. Trái Đất đã hình thành từ hơn 4,5 tỷ năm trước, và tầm 1 tỷ năm sau thì sự sống đã xuất hiện. Kể cả nếu chỉ tính các loại động vật phức tạp, chúng nó cũng đã chường mặt ra từ khoảng 540 triệu năm trước rồi. Nói cách khác, ta có nguyên một khung thời gian kéo dài hơn nửa tỷ năm để một nền văn minh tiền công nghiệp lạ hình thành và suy tàn. Kể cả nếu phát triển được thành một đế chế rực rỡ ngang tầm La Mã hoặc Trung Quốc cổ đại, nó vẫn có thể biến mất không để lại một dấu vết gì nếu xuất hiện từ thời quá xa xưa. Các công cụ của họ, kể cả kim loại tiên tiến, sẽ bị mục ruỗng sạch. Nếu họ đã đào kênh, phát quang rừng rậm, xây dựng thành phố, hay phá hoại bề mặt hành tinh theo bất cứ hình thức nào, vết tích của những hành động ấy sẽ hòa lẫn vào với tự nhiên. Chỉ sau vài triệu năm, mọi thành tựu của họ đều sẽ bị nghiền nát thành hư vô, và chúng ta ở thế kỷ 21 sẽ mọt kiếp chẳng biết về họ.

Trường hợp cuối cùng là có loài nào hình thành được nền văn minh công nghiệp, tương tự hoặc thậm chí ưu việt hơn loài người hiện đại. Nếu quả đúng có loài đã phát triển được đến bước này, sẽ cực khó để họ biến mất không vết tích. Cứ nhìn cách chúng ta đã tác động lên hành tinh mà xem. Quá trình khai thác kim loại và các nguyên tố đất hiếm của ta đã để lại những “vết sẹo” kiệt tài nguyên đến dị hợm và phải lâu nữa mới biến mất. Chúng ta tống cả đống nhựa và chất dẻo xuống các đại dương mà phải mút mùa mới phân hủy nổi. Có cả đống nguyên tố phóng xạ và thậm chí còn là những nguyên tố chỉ có thể ra đời từ một phòng thí nghiệm trôi nổi khắp nơi, và phải rất lâu sau mới phân rã được,… Nói chung, nếu một ngày đẹp trời toàn thế loài người bốc hơi hết, chứng tích về sự tồn tại của ta vẫn tồn tại được tận hàng trăm triệu năm nữa kia.

Cũng như hai trường hợp trước, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy dấu vết nào của một nền văn minh công nghiệp không thuộc về loài người. Không có các lớp hóa chất kỳ lạ hay các tập hợp nguyên tố nằm ở những khu vực phi tự nhiên nào từng được tìm thấy hết. Không có lớp phóng xạ nào cho thấy rằng từng có các quốc gia khổng lồ buồn đời reset server chơi. Chúng ta từng thu được bằng chứng về các đợt tuyệt chủng hàng loạt và những thay đổi lớn phi thường trong các hồ sơ hóa thạch, nhưng tất cả đều có thể giải thích dưới dạng nguyên nhân tự nhiên, chứ không có bằng chứng nào cho thấy đã có một bàn tay nhân tạo thò vào. Tuy nhiên, một lần nữa, anh em đừng quên cái khung thời gian hơn nửa tỷ năm. Nếu có thằng nào đầu game phát triển lên luôn xong bay màu cũng quá sớm (và điều này không phải không khả thi, vì loài người chỉ có tầm 2 triệu năm là đã tiến hóa với nâng cấp thành như bây giờ rồi), chúng ta sẽ chẳng thấy món gì nó để lại cả. Nếu kết hợp với việc nền văn minh ấy phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hạn chế gây tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái, thì việc tìm ra bằng chứng về nó càng khó tợn. 

Ok, nghe lằng nhằng vl. Thế tóm gọn lại một câu xem nào: có nền văn minh tân tiến không thuộc loài người nào từng tồn tại trên Trái Đất không?

À thì… yesn’t 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.