Chuyển đến nội dung chính

The Sparrow và bi kịch do xung đột văn hóa

 Bữa nay mình mới bắt được một cái clip khá thú vị về Trận Cajamarca (mặc dù nói chuẩn hơn phải là Cuộc thảm sát Cajamarca), một trận chiến cột mốc trong cuộc chinh phục Đế chế Inca của Tây Ban Nha giai đoạn đầu thế kỷ 16. Mọi thứ được thuật lại từ góc nhìn của Titu Cusi Yupanqui, cháu của Atahualpa, vị hoàng đế cuối cùng của Đế chế Inca, và nó mở ra một đề tài khá thú vị.


Cụ thể thì clip kể lại hai cuộc gặp mặt giữa Atahualpa và phái đoàn của Francisco Pizarro, một nhà chinh phục Tây Ban Nha bấy giờ đang bị quân của Atahualpa vây tại vùng Cajamarca. Thể theo đúng nghi lễ Inca, lần nào Atahualpa cũng mời họ một cốc chicha - một dạng bia truyền thống của dân Inca. Tuy nhiên, phía Tây Ban Nha cả hai lần đều dứt khoát không chịu uống, thậm chí còn đổ nó xuống đất. Điều này khiến Atahualpa cáu tiết vô cùng, và đã vứt văng một cuốn sách của phái đoàn Tây Ban Nha xuống đất để trả đũa. Cuộc thương lượng từ đấy trở nên xấu đi, và rốt cuộc dẫn đến việc phái đoàn Inca bị tàn sát, còn Atahualpa bị bắt làm tù binh.

Đáng chú ý là trong các bản tường thuật lại vụ việc của phía Tây Ban Nha, hành động quăng cuốn sách của Atahualpa được nhấn vào rất mạnh. Nguyên do là bởi cuốn sách bị quăng tình cờ lại là một cuốn Kinh Thánh, và hành động ấy của Atahualpa bị tô vẽ như vừa mang tính khinh miệt thành tựu văn minh của dân Tây Ban Nha, vừa mang tính báng bổ thánh thần (anh em có thể tham khảo lời thuật của phía Tây Ban Nha ở đây: https://www.jstor.org/stable/2503763?read-now=1&refreqid=excelsior%3A8c004b035fb474597093ba96c28cd65e&seq=11&fbclid=IwAR2YTRGZnCoWj0eaq0U0iBQoRV3WtWWvVu2i9qQyDfHOfwg_LfPMLhabH2s#page_scan_tab_contents). Việc cốc chicha từ chối uống bị lờ tịt đi, và chỉ mỗi bản của Titu là có nhắc đến nó.

Khả năng rất cao dân Tây Ban Nha không nhắc gì đến chỗ chica đấy là vì muốn tẩy trắng bản thân. Cũng khả dĩ không kém là việc là phía Tây Ban Nha cố tình khiêu khích dân Inca, bởi cuộc gặp mặt thực chất chỉ là một chiêu trò do Pizarro bày ra nhằm dụ Atahualpa rời bỏ vị trí ưu thế trên núi của mình, từ đấy cho phép phe Tây Ban Nha túm cổ thủ lĩnh của phe Inca và buộc phía Inca phải đầu hàng. Tuy nhiên, bởi vì lần gặp mặt thứ hai diễn ra giữa Atahualpa và một cha xứ Tây Ban Nha chứ không phải sĩ quan của Pizarro, có một số sử gia đề ra giả thuyết rằng hoặc hành động đổ chicha kỳ thực liên quan đến văn hóa của người Tây Ban Nha thời bấy giờ. Hoặc đó là một hành động mang tính tôn giáo (cốc rượu đầu tiên sẽ được rót xuống đất mời Chúa), hoặc một hành động họ cho là điều hiển nhiên với bối cảnh hiện tại (phía Tây Ban Nha đang có chiến tranh với Inca, và không muốn uống nước kẻ địch mời để tránh bị đầu độc). Nói cách khác, đó có thể là một việc quá đỗi bình thường đối với văn hóa Tây Ban Nha, thế nên họ không nghĩ nó có gì đáng để ghi vào sách.

Nếu giả sử cái thuyết đổ chicha là điều bình thường với dân Tây Ban Nha là đúng, thế thì đây sẽ là một trường hợp rất thú vị về mâu thuẫn văn hóa. Kể cả nếu đây không phải là một cái bẫy để lừa bên Inca mà chỉ là một cuộc trao đổi thương buôn thuần túy, kết cục chắc sẽ vẫn không đổi. Phía Tây ban Nha sẽ điềm nhiên đổ cốc chicha đi, khiến bên Inca nổi nóng. Bên Inca sau đấy sẽ hất quyển Kinh Thánh đi, khiến phía Tây Ban Nha điên tiết. Hai bên sẽ xông vào đập nhau, đinh ninh rằng người kia mới là kẻ gây hấn trước, không hề hay biết mình vừa phạm phải một điều tối kỵ trong văn hóa của nhau.

Sự thiếu hiểu biết về văn hóa phong tục dẫn đến để xảy ra hậu quả đáng tiếc như vậy gợi cho mình nhớ lại cuốn The Sparrow của Mary Doria Russell (vâng, vẫn lại là nó đấy 🐧 ). Nguyên nhân là truyện có mấy phát khắc họa cái tình huống xung đột văn hóa như vậy một cách chân thực và tàn khốc vô cùng.

Như anh em đã biết đấy, The Sparrow kể về hành trình lên thám hiểm hành tinh Rakhat do Dòng Tên thực hiện. Tại đây, đoàn thám hiểm đã tiếp xúc với một chủng tộc người ngoài hành tinh, và đã có mấy năm sinh sống trong xã hội của họ. Tuy nhiên về sau, một chuỗi sự kiện kinh khủng đã xảy ra, dẫn đến việc cả đoàn chết hết sạch, và chỉ còn một mình Cha Emilio Sandoz sống sót trở về Trái Đất trong tình trạng tàn tạ cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Cội nguồn của vụ việc khởi sinh từ một sự thiếu hiểu biết đầy tai hại về văn hóa và cơ cấu xã hội, và nó đến từ cả hai phía: phía đoàn thám hiểm lẫn phía dân địa phương trên Rakhat.

Số là trên hành tinh này, ta có hai tộc dân chính là dân Runa và dân Jana'ata. Họ có trí thông minh sàn sàn nhau, và trông cũng khá giống nhau, với khác biệt chỉ là dân Runa xem chừng hay sống ở các vùng quê, còn dân Jana'ata thì sống ở thành thị. Ngôn ngữ và văn hóa của họ có sự khác biệt, nhưng nhìn chung đều có cùng một số khái niệm và gốc rễ như nhau. Bởi vậy, đoàn thám hiểm của Emilio Sandoz cứ ngỡ Runa và Jana'ata cũng giống kiểu dân tộc ở các quốc gia riêng với mức phát triển khác nhau, như kiểu ta vẫn hay thấy trên Trái Đất, và từ đấy đối xử như thể họ cùng là một chủng người.

Tuy nhiên, Runa và Jana'ata kỳ thực không chỉ đơn thuần là hai tộc dân riêng biệt. Họ là hai giống loài khác biệt hoàn toàn. Người Runa tiến hóa từ một loài động vật ăn cỏ, còn người Jana'ata tiến hóa từ một loài động vật ăn thịt. Hàng triệu năm trước, Runa là con mồi của Jana'ata, và các con Jana'ata có ngoại hình giống với Runa sẽ dễ dàng tiếp cận các bầy Runa hơn, từ đấy dễ săn được mồi nhất. Chính bởi vậy, chọn lọc tự nhiên đã dần khiến cho Jana'ata trở nên giống hệt Runa, ngoại trừ một số khác biệt nho nhỏ như người Jana'ata có móng vuốt để phục vụ săn mồi và không ngại thịt sống, còn dân Runa chỉ cần ngửi thấy mùi máu thôi là đã hoảng hốt hết cả lên rồi.

Khi đôi bên cùng phát triển trí khôn, người Jana'ata đã dần hình thành một dạng quan hệ cộng sinh với người Runa. Người Jana'ata sẽ đảm bảo một môi trường sống tử tế cho người Runa, còn đổi lại thì người Runa sẽ đều đặn hiến tế một số thành viên nhất định của cộng đồng mình cho người Jana'ata ăn. Dân số người Runa được người Jana'ata kiểm soát rất cẩn thận, và chỉ khi nào cần thiết thì họ mới cấp cho một số người phụ nữ Runa một lượng đồ ăn dư dả để bước vào chu kỳ động dục, và sau đấy cặp với một người nam Runa do phía Jana'ata tuyển chọn nhằm đảm bảo sinh ra những đứa con khỏe mạnh nhất. Ngoài những lúc cần đẻ con với cống người ra thì dân Runa được ung dung tự do tự tại, tha hồ đi hái lượm và giao du với nhau.

Nói cách khác, dân Runa là một dạng gia súc thông minh của người Jana'ata.

Từ trên nền tảng một khế ước xã hội đó, người Runa và người Jana'ata đã xây dựng lên một nền văn minh tương đương Trái Đất thế kỷ 17-18. Cả hai đều hài lòng với tình trạng ấy, với bên Jana'ata thì sướng vì có nguồn thịt đều đặn để ăn, còn Runa thì sướng vì không phải lo toan về đời sống mấy nữa, và đôi bên cứ thế sống trong hòa bình.

Nhưng rồi đoàn của Sandoz chường mặt đến.

Vì đoàn Sandoz không có cơ hội tiếp xúc với nhiều dân Jana'ata (cả đoàn gần như chỉ sống trong một cái làng Runa, với người Jana'ata duy nhất qua lại với họ là một gã lái buôn tên Supaari VaGayjur), chưa kể dân trên Rakhat vừa thấy chuyện đấy quá thường, vừa không biết cách trình bày cho đoàn Sandoz hiểu, thế nên phía Sandoz mù tịt hoàn toàn về cái tục kia, không biết Runa là thức ăn của Jana'ata, và chỉ được phép có một lượng dân nhất định.

Chính bởi thế, vào một ngày đẹp trời, đoàn Sandoz đã quyết định sẽ giới thiệu đến cho hành tinh Rakhat một ý tưởng mới: trồng trọt. Trước khi làm vậy, đoàn Sandoz đã cẩn thận đi hỏi Supaari xem liệu có vấn đề gì không. Vì dân Jana'ata chỉ ăn mỗi thịt chứ không ăn tạp như con người, Supaari tưởng cái khái niệm trồng trọt của đoàn Sandoz cũng giống với cái kiểu trồng cây cảnh chơi chơi, chứ không hề ngờ nổi rằng nó là một phương pháp cải thiện nguồn thức ăn. Chính bởi vậy, Supaari bảo phía Sandoz cứ thoải mái triển.

Được bật đèn xanh, bên Sandoz triển liền, và từ đấy đã có những vụ rau màu rất chất lượng. Cái hoạt động trồng trọt của họ được dân Runa tò mò theo dõi. Ban đầu, cũng như Supaari, họ tưởng đấy chỉ là một thú vui vườn tược thôi. Tuy nhiên, khi thấy nó mang lại nhiều thức ăn hơn, đồng thời còn “kéo” được thức ăn về sát làng mình, dân Runa lập tức bắt chước trồng thức ăn riêng. Do không phải tốn quá nhiều năng lượng đi hái lượm, chưa kể còn thu về một lượng thức ăn thừa mừa, phụ nữ Runa liên tục trở nên động đực, và dân số làng Runa bùng nổ rất mạnh.

Thế rồi một ngày nọ, một toán lính Jana'ata đi tuần qua cái làng Runa ấy, và họ giật mình thấy có hàng đống trẻ con mới sinh ở đây. Thế là phía Jana'ata ra lệnh cho dân làng tụ tập hết lại ở một cánh đồng, vác theo con nhà mình. Đoàn của Sandoz không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng thấy cả làng ra ngoài thì mình cũng ra ngoài theo, có điều họ kín đáo nấp vào giữa đám đông để tránh gây sốc cho những người Jana'ata chưa trông thấy mình bao giờ.

Lúc cả làng đã tập trung ở ngoài cánh đồng rồi, trưởng toán lính Jana'ata ra lệnh cho các bà mẹ Runa mang con tiến lên phía trước, đặt chúng xuống đất, sau đó quay về chỗ. Đây là một phần phong tục giao người cho dân Jana'ata vốn đã có từ lâu, thế nên người dân Runa chẳng mảy may phản ứng gì cả. Đối với họ, nó là một nét văn hóa rất bình thường, và tất cả bọn họ đều biết chuyện gì sắp xảy ra, thế nên ai nấy đều hết sức thản nhiên. Chỉ mình đoàn Sandoz là ngáo ngơ không biết gì.

Và chính vì lẽ đó, họ hãi hùng vô cùng khi thấy đội lính Jana'ata bắt đầu đi xiên chết từng đứa trẻ trên nền đất một.

Sofia, một thành viên trong đoàn Sandoz, hoàn hồn lại nhanh nhất. Cô lập tức xộc ra khỏi đám đông, bế thốc một đứa trẻ lên, sau đó lùi lại. Vì chưa lần nào thấy cái phong tục của mình bị cắt ngang như vậy, chưa kể lại còn bởi một sinh vật quái dị như Sofia thực hiện, đám lính Jana'ata đứng nghệt mặt ra, không biết xử trí thế nào. Về phần Sofia thì, vì nghĩ rằng dân Jana'ata chỉ đơn thuần là một đám bạo chúa, chém giết vô cớ, đã quay sang kích động dân Runa nổi dậy. Vì phong thái của Sofia quá oai hùng, cô đã khiến cả làng phá bỏ cái lệ mấy trăm năm nay, cùng tràn lên bế con về.

Cảnh tượng một đợt sóng Runa cùng ập đến đã khiến đám lính Jana'ata hốt hoảng. Một phần vì hình ảnh một đám dân vốn hiền hòa tự nhiên xộc đến dư sức làm ai cũng phải chợn, một phần vì họ biết rằng số lượng người Runa đông áp đảo Jana'ata, và nếu cái vụ này mà loan truyền đi khắp nơi thì nền văn minh Rakhat sẽ sụp đổ ngay lập tức, phía Jana'ata lập tức đáp trả, vung kiếm chém giết điên cuồng. Rốt cuộc, một phần ba người dân làng Runa đã bị giết, bao gồm cả người lớn lẫn trẻ con, trong khi đoàn của Sandoz chỉ còn nhõn hai mạng sống sót, và cả hai đều bị bắt giải về thủ đô.

Tuy nhiên, hậu họa từ sự thiếu hiểu biết về văn hóa Rakhat của đoàn Sandoz chưa dừng lại ở đây. Hai ngày sau vụ thảm sát, Supaari ghé cái làng kia và biết được sự tình. Thế là gã ba chân bốn cẳng đuổi theo đoàn lính, bắt kịp bọn họ trước khi họ đến được thủ đô, và hối lộ trưởng đội lính để đưa Sandoz cùng người sống sót còn lại về nhà riêng.

Tại nhà riêng, Supaari đề nghị Sandoz làm một việc gọi là hasta’akala. Đây là một phong tục rất tàn khốc. Những người trải qua hasta’akala sẽ bị xẻ nát bàn tay, tạo ra cảm tưởng họ sở hữu những ngón tay thon dài rất đẹp. Người trải qua hasta’akala sau đấy sẽ trở thành tàn phế, không còn sử dụng được bàn tay nữa, và phải sống bám hoàn toàn vào gia chủ của mình. Nó cũng tương tự như tục bó chân của người Trung Quốc thời xưa, làm biến dạng cơ thể để tạo ra các bàn chân thon nhỏ, một dạng khoe khoang rằng ta đây giàu đến mức không cần phải lao động (hoặc, trong trường hợp của người chu cấp cho bên bó chân, khoe rằng ta giàu đến mức có thể nuôi báo cô một kẻ tàn phế vô dụng).

Hasta’akala thực chất khởi nguồn từ một thứ cây gọi là sta’aka. Đấy là một loại cây tầm gửi, chuyên leo trên những cây to khỏe hơn và sống ký sinh vào chúng. Nếu không có cái cây vật chủ, sta’aka sẽ không sống nổi. Trong ngôn ngữ dân Jana'ata, hậu tố “ala” biểu thị sự tương đồng, song song, hoặc gần đúng; tiền tố “ha” tạo tính hoạt động cho từ, biến nó thành một kiểu động từ. Nói cách khác, hasta’akala là “làm cho giống với sta’aka,” ý chỉ Sandoz cùng bạn mình sẽ chẳng thể sống độc lập được nữa. Supaari thậm chí còn đã đưa Sandoz ra vườn, chỉ vào một cái cây sta’aka, sau đó tìm cách giải thích về cái khái niệm này. Tuy nhiên, do chủ yếu nghiên cứu ngôn ngữ Runa, Sandoz không nhìn ra được sự liên quan, chỉ hiểu lõm bõm được cái nửa sau, ấy là lúc tham gia hasta’akala, Sandoz và người bạn của mình sẽ được Supaari chu cấp và bảo vệ. Điều này làm Sandoz tưởng hasta’akala là một nghi lễ nhập gia hay gì đấy, và đã đồng ý để Supaari hasta’akala mình cùng bạn.

Và chính vì sự ngáo ngơ đó mà Sandoz đã chịu kiếp tàn phế suốt đời, trong khi người bạn con người duy nhất mình còn sót lại thì chết vì mất máu.

The Sparrow không phải là tác phẩm SFF duy nhất từng sử dụng mô típ khác biệt văn hóa làm nảy sinh xung đột. Một ví dụ đáng nhắc đến khác là Dune của Frank Herbert. Cụ thể, màn xung đột văn hóa xảy ra ở gần đầu truyện, khi đoàn của Công tước Leto vừa chân ướt chân ráo lên Arrakis, còn chưa biết rõ về phong tục nơi đây, và lần đầu được gặp Stilgar, một thủ lĩnh của người Fremen. Trong quá trình trò chuyện, Công tước Leto có thể hiện mình là một người rất biết tôn trọng phong tục của Fremen, bất chấp việc nhiều thành viên thân tín khác của ông cảm thấy chúng có phần láo xược. Cảm kích trước hành động của Leto, Stilgar đã cởi bỏ mặt nạ bộ stillsuit của mình, và nhổ toẹt một bãi nước bọt lên mặt bàn họp.

Hành động ấy đã khiến đoàn thuộc hạ của Công tước Leto tức giận đứng bật dậy, và thiếu chút nữa thì xô xát xảy ra. Nhưng may mắn thay, Duncan Idaho, một người vốn đã có thời gian sống trong xã hội của Fremen và quen thuộc với phong tục của họ, đã lập tức bảo tất cả ngồi im, và sau đó đứng ra cảm ơn Stilgar vì đã chia sẻ với họ một món quà hết sức quý giá, ấy là nước trong cơ thể của ông ta. Hóa ra, bởi vì nước trên Arrakis cực kỳ quý hiếm, dân Fremen luôn phải tái chế mọi thứ nước thải có thể, và chỉ ai họ tôn trọng lắm mới có thể nhận được nước từ họ, dù đó chỉ là một bãi nước bọt.

 Một ví dụ khác với kết cục thê thảm hơn nằm trong series A Song of Ice and Fire của George R. R. Martin, cụ thể là cuốn A Clash of Kings của nó. Trong cuốn này, ta có một gia tộc là nhà Stark. Ned Stark, người lãnh đạo gia tộc, bấy giờ đã bị Joffrey Baratheon, một thằng nhóc mới lên ngôi vua, chém đầu, và quyền lãnh đạo rơi vào tay con trưởng của Ned, ấy là Robb Stark. Để trả thù cho cha, Robb tuyên chiến với Joffrey, và bắt đầu dẫn quân đến kinh thành. Để đảm bảo mình không bị lực lượng Joffrey đè bẹp, Robb quyết định liên minh với nhà Greyjoy, một gia tộc cai trị bảy hòn đảo có tên là Iron Islands. Theon Greyjoy, người kế tự của gia tộc Greyjoy, vốn từ nhỏ đã đến sống với gia đình nhà Stark dưới dạng con tin sau một lần nhà Greyjoy tiến hành nổi loạn, được Robb cử đến Iron Islands để thương lượng với Balon Greyjoy, lãnh đạo gia tộc lúc bấy giờ, đồng thời là cha của Theon. Robb kỳ vọng rằng Balon sẽ nể mặt con mà đồng ý liên minh, đồng thời cũng sẽ bị thu hút bởi lời đề nghị sẽ được Robb công nhận quyền làm vua.

Nhưng khốn nạn cho Robb là thanh niên không hiểu gì về văn hóa nhà Greyjoy nói riêng và dân Iron Islands nói chung hết. Cái chốn này vốn là một quốc đảo rất khắc nghiệt, và họ đề cao vũ lực và sự rắn rỏi hơn bất cứ thứ gì hết. Trên thực tế, nhà Greyjoy chỉ công nhận những thứ chính tay mình cướp đoạt được, chứ còn hàng được trao cho thì họ khinh bỉ. Chính vì điều này mà Theon, một con tin của nhà Stark, chưa kể còn được họ đối đãi tử tế, bị coi là một kẻ yếu mềm và tiếng nói không có trọng lượng. Bên cạnh đó, lời  đề nghị của Robb cũng chẳng có trọng lượng gì đối với Balon cả, bởi lẽ Balon muốn tự tay giành lấy tính chính danh, dùng vũ lực ép các nhà khác phải công nhận quyền độc lập của mình. Rốt cuộc, vì không có chiến lược ngoại giao hợp văn hóa, Robb không những chẳng kiếm được đồng minh, mà lại còn bị nhà Greyjoy đâm lén sau lưng nữa.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.