Nhân hồi chiều có nhắc đến việc đạo nhái và chiến tranh, mình lại nhớ đến một giai thoại thú vị về cội nguồn của bản quyền. Cụ thể hơn, thứ mình nhớ đến là phiên tòa xử vụ việc liên quan đến bản quyền đầu tiên, và cái kết khá bất ngờ của nó.
Mọi sự khởi đầu vào khoảng năm 560 sau công nguyên tại Ireland, khi đạo Druid cổ truyền của dân Ireland đã bước vào giai đoạn lụi tàn, và Công Giáo trở thành tôn giáo chính trên hòn đảo ấy. Nhiều tu viện được thành lập ở khắp nơi, và các nhà sư cũng như học giả tôn giáo thường xuyên rời khỏi tu viện của mình để đi thăm thú lẫn nhau, tìm kiếm kiến thức mới lạ cũng như cảm hứng. Khi trở về, họ thường mang theo các tài liệu tôn giáo quý, chủ yếu được viết bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái, và tự mày mò dịch sang tiếng Latinh và/hoặc Gaelic (ngôn ngữ của dân Ireland) để phục vụ công việc nghiên cứu và truyền đạo.
Finnian miền Movilla (đôi khi còn được gọi là Finbarr Đầu Bạc) là một tu sĩ rất tuân thủ cái truyền thống ấy. Trong một chuyến đi từ Rome trở về, Finnian có mang theo một cuốn sách tên là Jerome’s Vulgate, một bản dịch kinh thánh từ tiếng Do Thái sang tiếng Latinh. Ông tính sẽ dịch nó sang tiếng Gaelic, và sau đó đem chia sẻ cho các tu viện và trường học khác.
Tuy nhiên, trước khi Finnian kịp hoàn tất dự án của mình, Colmcille, một trong những học trò ưu tú nhất của ông, đã biết đến cuốn sách đó. Đồng chí này đã lập tức tự mình dịch lại cuốn Jerome’s Vulgate kia, với ý định giống như Finnian. Lúc biết cuốn sách đã bị sao chép và dịch lén, Finnian tức lắm, và đã yêu cầu Colmcille giao nộp bản sao/dịch đấy cho mình. Lẽ đương nhiên, vì đã bỏ ra bao công sức tạo ra ấn bản mới kia, Colmcille kiên quyết từ chối.
Hai thầy trò cãi nhau mỗi lúc một to, và rốt cuộc đã dắt nhau đến trình diện Diarmait mac Cerbaill, Cao Đế xứ Ireland thời bấy giờ, và yêu cầu ngài giải quyết tranh chấp. Đây là vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền đầu tiên từng được ghi nhận trong toàn lịch sử Ireland, và tính đến nay là trên toàn thế giới.
Trong phiên tòa, Finnian lập luận rằng khi mình là người sở hữu hợp pháp của bản thảo gốc cuốn Jerome’s Vulgate, thế nên số phận của mọi thứ nảy sinh ra từ nó đều phải do ông ta định đoạn. Colmcille đồng ý rằng Finnian nắm quyền sở hữu bản gốc, nhưng bảo mình là người phiên dịch và sao chép cái bản mới, về cơ bản tạo ra một thứ riêng biệt hẳn bằng mồ hôi nước mắt của bản thân rồi, thế nên cái bản sao/dịch kia phải thuộc về Colmcille.
Sau khi nghe cả hai bên trình bày, Cao Đế Diarmait đã chốt như sau: “Mọi con bò đều là chủ của con bê mình đẻ ra, thế nên mọi cuốn sách sẽ đều là chủ của các bản sao nó sản sinh ra."
Nói cách khác, Diarmait đã phán quyết rằng quyền sở hữu cả bản gốc và bản sao cuốn Jerome’s Vulgate đều thuộc về Finnian.
Đây không phải là lần đầu tiên Diarmait có hành động làm bẽ mặt Colmcille. Hồi trước, Curnan xứ Conn Acht, một người họ hàng của Colmcille, từng lỡ gây thương tích nghiêm trọng cho một đối thủ trong một trận bóng gậy (một môn thể thao cổ truyền na ná hockey của Ireland). Lo sợ cho tính mạng của mình, Curnan đến xin náu ở tu viện của Colmcille, những mong sẽ được Luật Thánh địa (cấm người khác động vào những người trú ngụ tại các tu viện) che chở. Tuy nhiên, Diarmait vẫn lạnh lùng cho lính xộc vào tu viện của Colmcille để bắt Curnan và giết anh ta. Chính bởi vậy mà sau khi thêm vụ quyển kinh đấy nữa, Colmcille đã nổi điên. Ông lập tức tìm đến với những người họ hàng của mình trong gia tộc Uí Néill, xúi họ nổi dậy chống lại Diarmait.
Thế là vào một buổi sáng sớm năm 561, bất chấp sự can ngăn của các học giả filí uyên bác, quân đội của Uí Néill và Diarmait vẫn xông vào chém giết nhau, nhuộm đỏ một cánh đồng xanh tươi tại Cairbre Drom Cliabh (nay là Quận Sligo). Cuộc đối đầu này về sau được gọi là Trận Cúl Dreimhne (hoặc Trận chiến Cuốn sách), với tổng số thương vong lên đến gần ba ngàn người.
Sau đó, khi đôi bên đã nguôi nguôi bớt, một hội đồng các giáo sĩ và học giả đã được triệu tập. Nhiều người quy hết tội lỗi cho Colmcille, kêu gọi tuyệt thông và thậm chí còn hành quyết ông. May mắn thay, Brendan xứ Birr, một nhà thần học nổi tiếng, đã đứng ra nói đỡ cho Colmcille, và rốt cuộc ông chỉ bị đày đi biệt xứ Scotland mà thôi.
Vì mọi chuyện xảy ra từ rất lâu rồi nên chẳng ai biết được đâu là sự thật và đâu là bịa. Vụ quyển kinh bị đạo kia đúng là từng xảy ra thật, nhưng liệu nó có phải là nguyên nhân đằng sau cuộc nổi loạn của gia tộc Uí Néill và Trận Cúl Dreimhne thì rất khó nói. Tuy nhiên, tính đến nay, đây vẫn hay được coi là trường hợp sớm nhất từng được ghi nhận về một vụ tranh chấp bản quyền, đồng thời là một trong những vụ để lại hậu quả đẫm máu nhất.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓