Chuyển đến nội dung chính

Khoảng cách an toàn tối thiểu để sống sót một vụ nổ hạt nhân

 Có vẻ chúng ta không phải là người duy nhất cảm thấy rét sống lưng trước nước cờ của Nga, vì hôm nay đã thấy cả đống page về khoa học công nghệ lên bài về Đại Lụt Lửa rồi 🐧.

Trong số các bài được share, đáng chú ý có bài của bên ScienceAlert, bàn về việc nếu có một trái bom hạt nhân kích nổ, ta sẽ cần đứng cách nó bao xa để được an toàn, dựa trên một clip thú vị từng được channel trên Youtube AsapSCIENCE thực hiện về chiến tranh hạt nhân.


Để tiện bề tính toán, quả bom trong bài được giả định là sẽ có đương lượng nổ 1 megaton (tức khi kích nổ, bom sẽ giải phóng một lượng năng lượng tương đương 1 triệu tấn TNT). Thế tức là quả bom đó tởm gấp 80 lần quả bom được kích nổ ở Hiroshima, nhưng vì vũ khí hạt nhân hiện đại sức công phá toàn tầm 20 megaton đổ lên, thế nên đây vẫn có thể được coi là một quả bom loại nhỏ. Tuy nhiên, dù đã có giới hạn độ khủng của quả bom thành một con số tròn trĩnh như vậy rồi, tính toán chuẩn xác phạm vi tác động của nó vẫn là điều bất khả thi. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tầm ảnh hưởng của nó, chẳng hạn thời tiết trong hôm nó được thả, thời điểm nó được kích nổ, địa hình nơi nó phát nổ, nổ trên mặt đất hay trên không,… Tuy nhiên, vẫn có một số quy luật chung chung giúp ta áng chừng được ít nhiều độ phủ của nó, từ đấy tính toán khả năng sống sót của mình tùy theo khoảng cách với tâm vụ nổ.

Hệ lụy đầu tiên và nhanh nhất mà các nạn nhân của quả bom phải hứng chịu sẽ là cái ánh sáng nó tỏa ra. Đối với một quả bom có kích thước như đã nói, và giả sử điều kiện trời tiết quang đãng, những người ở cách xa tâm nổ 21 km sẽ mất thị lực (hoặc tạm thời hoặc vĩnh viễn). Đáng chú ý, nếu quả bom được thả xuống vào ban đêm, phạm vi gây mù của nó sẽ tăng lên gần gấp 4 lần, và những ai trong bán kính 85 km sẽ trở nên đui mù cả.

Theo sau ánh sáng sẽ là nhiệt. Khoảng 35% năng lượng của một vụ nổ hạt nhân sẽ được giải phóng dưới dạng bức xạ nhiệt, và nhiệt độ gần tâm sẽ có thể chạm ngưỡng 300.000 độ C - nóng gấp 300 lần nhiệt độ hỏa táng. Ai vô phúc đứng ngay sát quả bom thì sẽ tức thời bị thiêu rụi thành từng phân tử, còn những ai ở cách nó từ 8 km đổ lại thì sẽ bỏng độ 3 (tức bỏng nặng, và nếu bao phủ hơn 24% cơ thể thì có khả năng sẽ tử vong nếu không được cấp cứu tức thì). Từ 8 km trở lên thì đỡ nguy hơn tí, nhưng nếu khoảng cách dưới 11 km thì vẫn có khả năng bị bỏng độ 2 hoặc độ 1.

Thú vị là khoảng cách này có thể du di đi một tí tùy thuộc vào… màu áo quần mặc trên người. Quần áo màu trắng hoặc sáng màu có thể hắt bớt một phần năng lượng của vụ nổ ra, còn quần áo màu sẫm hoặc đen sì sẽ hấp thụ bức xạ nhiệt nhiều hơn, đòi hỏi ta phải đứng xa hơn thì mới an toàn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quất nguyên cây Mark Twain thì có kim bài miễn tử đâu nhé. Phần màu này chỉ hữu ích với những người ở gần rìa thôi, và nó cũng chỉ đủ sức cơi nới khoảng cách thêm một tí rất nhỏ thôi, chứ không tạo được khác biệt gì nhiều.  

Sau nhiệt và ánh sáng thì còn một thứ khác nữa: sóng nổ. Sức mạnh của một vụ nổ hạt nhân sẽ đẩy tung không khí ra khỏi tâm, tạo ra những làn sóng dư sức nghiền nát mọi thứ trên đường bay. Trong bán kính 6 km, sóng nổ sẽ tạo ra một áp lực tương đương 180 tấn, đồng thời thổi bùng lên những trận gió với tốc độ 255 km/h. Trên lý thuyết thì cơ thể con người sẽ vẫn có thể sống qua một áp lực như vậy (mặc dù sẽ rất dặt dẹo), nhưng khốn nạn ở chỗ bản thân cái áp lực chưa chắc đã là thứ giết chết ta. Có thể nó sẽ thổi tung gạch đá kính vỡ các kiểu về phía ta, hoặc chỉ đơn thuần hất ta ngã văng ra khỏi cửa sổ trên tầng, và sau đó để trọng lực tiếp quản nốt phần còn lại.

Ok, vậy là cứ đắp đồ trắng lên người, đứng cách xa quả bom 21 km (85 km nếu là ban đêm) nhắm tịt mắt lại là xong đúng không?

À thì, nói vậy cũng không sai. Theo như những thông tin ở trên, đó là khoảng cách xa nhất mà một vụ nổ hạt nhân 1 megaton có thể trực tiếp ảnh hưởng đến ta. Ngoài tầm đó ra thì về cơ bản là an toàn.

Nhưng vấn đề là bom hạt nhân không chỉ giết theo kiểu trực diện như thế. Nó còn giết theo đủ kiểu gián tiếp khác nữa. Khói và bồ hóng thải vào khí quyển sẽ khiến Trái Đất chìm trong một thứ gọi là mùa đông hạt nhân, và mùa màng cây cối cứ xác định là tèo sạch; phóng xạ cũng có thể ngấm vào đất và nước, đầu độc tất cả mọi thứ và biến khu vực xung quanh thành một vùng đất chết; bụi phóng xạ cũng có thể theo gió rắc đi tứ tán khắp nơi, gây bệnh tật cho con người. Và khốn nạn là mấy thứ này độ phủ cao khủng khiếp, thế nên ngay cả nếu đứng ngoài bán kính ảnh hưởng tức thì của bom hạt nhân, khả năng cao là ta vẫn đang ở trong vùng giết chóc của nó đấy.

Thật đúng là chạy trời không khỏi nắng mà.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.