Trong cái bài ảnh teaser Xứ Cát hồi sáng, có một bạn lấy làm lạ là dân ngoài sa mạc mà lại chơi đồ đen hơn cả tiền đồ chị Dậu. Comment ấy tình cờ làm mình nhớ lại một tác phẩm Sci Fi rất kinh điển khác, với thắc mắc tương tự từng được chính nhân vật trong đó nêu ra: Công viên kỷ Jura của Michael Crichton.
Trong tác phẩm này, có một nhân vật tên là Ian Malcolm. Đây là một nhà toán học, với chuyên môn nằm ở mảng thuyết hỗn mang. Quan trọng nhất, ngay từ lúc nhân vật này lần đầu xuất hiện, người đọc sẽ có thể thấy luôn đây là một thanh niên cực kỳ lập dị. Nguyên do là bởi đồng chí này diện trên người từ đầu đến đít toàn đồ đen thui. Sơ mi đen, quần đen, tất đen, giày đen. Kỳ quái nhất là lúc ấy trời đang nóng gần chết, thế nên cái bộ dạng của ông anh lại càng thêm phần quái đản.
Không chỉ người đọc thấy lạ, mà ngay cả các nhân vật trong truyện cũng đến phát ngốt khi diện kiến thanh niên đó. Tiến sĩ Ellie Sattler, một nhà cổ sinh vật học được mời đến khảo sát công viên, thậm chí còn đã hỏi khéo một câu: “Hôm nay mặc màu đen thì hơi ấm đấy nhỉ?”
Và Malcolm đã đáp lại như sau: “[…] không, trên thực tế, đen là một màu chống nhiệt tuyệt vời. Nếu không quên hiện tượng bức xạ vật đen, ta sẽ thấy đen thực ra là màu hợp nhất trong môi trường nhiệt. Tỏa nhiệt rất hiệu quả.”
Hồi mới đọc thì mình không để ý lắm đến cái đấy, vì nghĩ nó chỉ là kiểu chém bừa kèm đế thêm vài từ khóa nghe có vẻ lôgic mà mấy ông tác giả Sci Fi vẫn hay làm. Tuy nhiên, vì lần này đã được cái comment kia làm cho cảm thấy tò mò, mình đã đi tra thử xem sự thật là ra sao. Và thật may mắn là cái tuyên bố xanh rờn của Malcolm đã được khá nhiều fan truyện bàn luận, với những dẫn chứng nghiên cứu cụ thể.
Sau một hồi lần ngược các nguồn tài liệu thì với lượng kiến thức của một thằng 3.4 trung bình môn vật lý hồi cấp 3 (hay đấy là Hóa nhỉ 🐧? ), mình đã rút ra được kết luận rằng: Malcolm mặc đồ đen để chống nóng là… không sai, mặc dù cách lý giải của Crichton có phần hơi chém thật 🐧.
Cụ thể là thế này.
Theo lời Crichton, đồ đen hợp để chống nóng vì một hiện tượng gọi là bức xạ vật đen. Đây là một hiện tượng có thật, nhưng cách Crichton giải thích nó thì hơi cụt. “Vật đen” ở đây dùng để chỉ các vật có thể hấp thụ hoàn toàn tất cả các bức xạ điện từ chiếu đến mình. Nó không nhất thiết phải có màu đen, mà chỉ cần chiếu cái gì vào thì “nuốt chửng” luôn cái đấy, không hắt ngược nó lại.
Nhưng tình cờ làm sao, nếu chỉ xét riêng về bức xạ nhiệt, các vật thể màu đen quả thực có khả năng “nuốt” nhiệt cao hơn những màu khác. Điều này khiến cho việc nếu đem một cái áo đen và một cái áo trắng ra cùng phơi nắng, cái áo đen sẽ nóng lên rất nhanh, bởi vì nó hấp thụ hầu hết bức xạ nhiệt của nắng chiếu vào, và giữ nhiệt lại trong chất vải, còn cái áo trắng thì sẽ nóng lâu hơn, bởi vì hất văng hầu hết bức xạ nhiệt ra ngoài.
Nhưng việc cái người mặc chúng nó có nóng lên cùng hay không thì lại là chuyện khác.
Hồi năm 1980, tờ tạp chí Nature đã đăng tải công trình nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học (https://www.nature.com/articles/283373a0) về một hiện tượng khác thường: Tại sao người Bedouin (dân du mục Ả Rập) lại cứ tối ngày khoác áo thụng đen trên người, trong khi họ sống giữa sa mạc nóng hừng hực như thế?
Kết quả hóa ra là cái màu thực chất không quan trọng, mà quan trọng là cái thiết kế. Đen hấp nhiệt nhiều hơn thật, nhưng vì quần áo của người Bedouin cứ thùng thà thùng thình, thế nên gió tha hồ lùa vào và làm nguội nó đi, khiến cho lúc cái áo tiếp xúc với da thì nó cũng dịu chẳng kém gì màu trắng.
Cái kết quả này được củng cố bởi một nghiên cứu về màu lông và khả năng tích nhiệt của chim, đăng trên Tạp chí Sinh lý học So sánh trước đó 2 năm (https://link.springer.com/content/pdf/10.1007/BF00688930.pdf). Nghiên cứu cho thấy rằng nếu không có gió, những con chim lông trắng và dựng đứng trên người sẽ có nhiệt độ da thấp nhất. Nhưng tất cả đều thay đổi ngay khi gió nổi lên. Lúc này thì lông đen dựng lại có mức nhiệt da thấp nhất. Nguyên nhân là bởi lông trắng hắt nhiệt của mặt trời thật, nhưng nó cũng hắt ngược nhiệt (hoặc do chính cơ thể tỏa ra, hoặc do ánh nắng chiếu lọt trực tiếp vào da hâm nóng lên) về lại da; trong khi lông đen thì hấp thụ hết sạch mọi loại nhiệt hắt vào mình, kể cả trên trời chiếu xuống lẫn từ da tỏa lên.
Nói cách khác, lông đen hút phần lớn nhiệt khỏi da bọn chim, sau đó để gió thổi nguội đi và chỉ tỏa một lượng bức xạ nhiệt nhỏ ngược xuống da bọn nó (với điều kiện là lông phải dựng xù lên, chứ nếu áp sát vào da thì không có tác dụng tản nhiệt); còn lông trắng thì chẳng hấp thụ được gì mấy cả, thế nên nhiệt từ da tỏa lên bị hắt ngược vào lại da, khiến nhiệt độ da tăng lên cao hơn (dựng hay áp sát vào da thì gần như đều có mức nhiệt giống nhau cả).
Vậy nên mặc đồ đen ở chỗ nóng như đám dân Fremen của Xứ Cát hay Ian Malcolm của Công viên kỷ Jura cũng không phải là phi lôgic. Quan trọng nhất là chúng nó được thiết kế theo kiểu nào thôi.
Với cả anh em cũng đừng quên đây là các tác phẩm Sci Fi chứ không phải nghiên cứu khoa học nghiêm túc, thế nên các định luật tự nhiên đôi khi chỉ là một sự gợi ý mà thôi 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓