Chuyển đến nội dung chính

LUMINESCIENCES - một blog khoa học thú vị từ người đầu tiên từng vẽ mô phỏng lỗ đen

 Trong lúc ngồi tra cứu thông tin để làm cái bài về mô phỏng lỗ đen đăng trong bài nghiên cứu Image of a spherical black hole with thin accretion disk hồi chiều, mình có thử tìm hiểu thêm về Jean-Pierre Luminet, tác giả của nó luôn, và đã tình cờ phát hiện ra ông anh điều hành một cái blog rất thú vị, có tên là LUMINESCIENCES.

Trên cái blog đó, Luminet đã đăng tải nhiều bài viết rất được chăm chút và đầu tư. Vì ông anh là nhà vật lý thiên văn, thế nên một lượng không nhỏ bài trên đấy có dính đến vật lý thuyết tương đối rộng, vũ trụ học, thiên văn học,... Luminet viết bài một cách cực kỳ có tâm, trình bày khá sâu và quy củ kiến thức về các mảng này, nhưng vẫn diễn giải tất cả mọi thứ theo một cách không quá nặng nề và rối rắm, giúp bài vừa không bị hời hợt đến mức cưỡi ngựa xem hoa, song cũng vẫn có tính khoa học thường thức, đủ để người đọc phổ thông theo được.

Đáng chú ý nhất là Luminet đã "khoét" cho mình một ngách rất hay. Như trong phần giới thiệu về blog đã nói đấy, vì trên Internet có vô số blog chuyên về khoa học với hàng loạt nội dung xuất sắc sẵn rồi, LUMINESCIENCES sẽ không chỉ là một cái blog tương tự như thế. Nó tập trung vào "văn hóa khoa học" chứ không chỉ kiến thức khoa học thuần túy (dù rằng tất nhiên vẫn không hề lơ là khoản cung cấp kiến thức cho người đọc), phối kết hợp tất cả các đề tài Luminet quan tâm lại, bao gồm khoa học, lịch sử, văn học, nghệ thuật, và triết học để tạo ra những bài viết độc đáo.

Ví dụ, ông anh có nguyên một chuỗi bài phân tích một loạt tranh của Van Gogh, dựa vào cả bản vẽ hoàn thiện lẫn các bản nháp cũng như thư từ và thông tin do các tài liệu tiểu sử về người họa sĩ ấy cung cấp để xác định xem liêu sao trời trong các bức tranh có tương ứng với kiến thức thiên văn thật không. Ngoài đó ra thì còn có một chuỗi bài nhìn lại lịch sử giao thoa giữa hình học và vũ trụ học, xét xem chúng nó đã cùng nhau phát triển thế nào. Một bài đáng chú ý khác xoay quanh những cách lỗ đen được thể hiện, cả trong các tài liệu khoa học lẫn trong các tác phẩm nghệ thuật hình ảnh...

Hấp dẫn cũng như có liên quan nhiều đến bài kỷ niệm hồi chiều nhất có lẽ là một chuỗi 6 bài được Luminet thực hiện hồi năm 2015-2016 mỗi bài xoáy mạnh vào một khía cạnh khoa học của bộ phim Interstellar, tác phẩm nghệ thuật có độ phủ cao và khắc họa một cách chân thực nhất về lỗ đen tính đến thời điểm ấy.


Chúng bao gồm:

Các suy đoán về hố giun, cả tự nhiên lẫn nhân tạo, và khả năng tồn tại của chúng: https://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/2015/11/18/the-warped-science-of-interstellar-16/

Về lỗ đen Gargantua mà phim thể hiện cũng như thứ giúp đĩa bồi tụ của nó tỏa sáng: https://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/2015/12/14/the-warped-science-of-interstellar-26/

Độ chân thực của đĩa bồi tụ cũng như hiện tượng sức ép thủy triều phim thể hiện: https://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/2016/01/10/warped-science-interstellar-36-accretion-disk-tidal-stress/

Cơ chế khoa học đằng sau hiện tượng giãn nở thời gian và một quá trình mang tên Penrose (chiết xuất năng lượng từ một lỗ đen đang quay): https://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/2016/01/16/warped-science-interstellar-46-time-dilation-penrose-process/

Các giả thuyết thực tế về chiều không gian thứ năm cũng như tính khả thi của việc nối thông và bóp méo thời gian như phim thể hiện: https://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/2016/01/30/warped-science-interstellar-56-time-machine-fifth-dimension/

Phỏng đoán về bản chất phương trình cuối cùng của phim dựa trên những gì được một nhân vật ghi trên bảng: https://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/2016/03/06/warped-science-interstellar-66-final-equation/

Anh em nào muốn tìm hiểu thêm về lỗ đen và các thứ liên quan đến nó thì hãy thử ngó chuỗi bài trên nhé.

Mà lưu ý chút là blog của đồng chí này có hai phiên bản, một là e-LUMINESCIENCES (phiên bản tiếng Anh, địa chỉ ở đây: https://blogs.futura-sciences.com/e-luminet/), hai là LUMINESCIENCES (phiên bản tiếng Pháp, địa chỉ ở đây: https://blogs.futura-sciences.com/luminet/). Hai phiên bản này chứa đựng một số nội dung chung đụng, với có bài được Luminet dịch từ trang này sang trang kia, nhưng chúng cũng có một lượng rất lớn các bài đặc trưng, chỉ có ở bản này mà không có ở bản khác. Vì Luminet là người Pháp nên bản tiếng Pháp của blog được thanh niên cập nhật thường xuyên hơn hẳn, thế nên anh em nào đọc được tiếng Pháp thì hãy nhảy qua đó ngó nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.