Chuyển đến nội dung chính

Từ bình luận của Ronald Reagan ngẫm về tương lai thị trường việc làm

 Trong cái bài xoay quanh trò đùa về Ronald Reagan của Back to the Future hôm qua, mình có share kèm cả một đoạn clip bài phát biểu thông điệp liên bang năm 86 của Reagan. Trong đó, Reagan bảo rằng, “Chưa bao giờ ta được sống trong một thời kỳ thú vị nhường này, một thời kỳ đầy những điều diệu kỳ hứng khởi và thành tựu oai hùng. Như trong bộ phim ‘Back to the Future’ người ta đã nói đấy: ‘Ta chẳng cần đường sá gì tại nơi sẽ đến đâu.’”

Khi nói như vậy, Reagan muốn nhấn mạnh vào sự mới mẻ và tươi sáng của tương lai, hứa hẹn rằng ngay cả những thứ ngỡ tưởng căn bản nhất cũng sẽ lột xác hoàn toàn, tương tự cách xe cộ tương lai của Back to the Future không cần đường vẫn chạy phà phà. Tuy nhiên, lúc ngồi search lại cái clip đó của Reagan, mình không khỏi nghĩ về phiên bản nghĩa đen hoàn toàn của nó, và từ đấy mà đã mường tượng về một tương lai chẳng còn nhu cầu đường sá gì nữa và các tác động tiềm tàng của nó với xã hội. Một trong những hệ lụy khả dĩ mình nghĩ đến là chuyện anh em cầu đường quả này chắc thất nghiệp sạch.

Lúc đấy thì mình chỉ nghĩ chơi chơi thế thôi, chứ không để ý gì lắm. Nhưng sang đến hôm nay, khi tình cờ vớ được cái bài bên dưới, mình lại sực nhớ về cái câu chuyện thế giới không đường với những người thợ mất việc, và lạnh gáy nhận ra viễn cảnh ấy không đến mức quá huyễn hoặc đâu. Đang có một đột phá dần dần trỗi dậy, hứa hẹn sẽ mang đến một sự lột xác không thua gì thế giới không đường mà Back to the Future đã hứa và Reagan đã ca ngợi, đồng thời cũng sẽ khiến một lớp người phải chịu kiếp thất nghiệp như bên cầu đường. Đột phá ấy là AI.

Bài bên dưới là một ví dụ về cách AI sẽ làm đảo lộn thị trường việc làm. Trong bài, tác giả đã thuật lại một cuộc trò chuyện giữa bản thân và một anh họa sĩ mình quen. Anh họa sĩ đấy đã được chứng kiến thành phẩm của DALL-E, một thuật toán AI có tên có thể tạo ra tranh vẽ dựa trên mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên. Những tranh DALL-E vẽ được không phải là tuyệt tác hay gì đâu, nhưng nó vẫn trông khá chất lượng, đến mức khiến anh họa sĩ kia phát hoảng. Anh ta tin rằng nếu cho con AI này thêm vài năm nữa thôi, nó sẽ làm thay hẳn bộ mặt thị trường vẽ minh họa. Một số nhiệm vụ vẽ đơn giản như tạo hình cho tiêu đề báo có thể hoàn toàn được chuyển giao cho AI, và thu nhập của họa sĩ tự do sẽ bị tàn phá nghiêm trọng.


Bản thân tác giả bài báo thì không đến mức quá lo ngại rằng mình sẽ mất việc vào tay AI. Ông anh là nhà văn, và đã chứng kiến khá nhiều thành phẩm viết lách sáng tạo do AI thực hiện, cũng như đích thân thử dùng AI để tạo tiểu thuyết văn chương các kiểu. Nhìn chung, thanh niên đánh giá rằng các thuật toán AI này giống với một phần mềm đạo văn với kiểu viết khá tự nhiên, khó có thể bị các chương trình kiểm tra đạo văn như TurnItIn (hay thậm chí cả người đọc) bắt quả tang, đủ hữu dụng ở một mức nhất định chứ khó lòng thay hẳn một nhà văn trong công việc sáng tác được. Kết hợp với một số yếu tố khác, chẳng hạn cách AI tạo dựng hành trình nhân vật rất lôm côm hay cứ chạy ra ngoài văn chương siêu thực là lại lóng ngóng, tác giả chốt lại rằng nghề cầm bút của mình vẫn còn an toàn.

Nhưng đáng chú ý là dưới phần comment trong bài này, có một người đã đề xuất rằng các thuật toán đấy sẽ rất hợp đem đi viết nội dung SEO.

Trong trường hợp anh em chưa biết, SEO là viết tắt của Search Engine Optimization, tức tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, một mảng liên quan đến đẩy một website nhất định lên thứ hạng thật cao trên trang tìm kiếm của Google (hoặc các công cụ tìm kiếm khác, nhưng thành thật mà nói, ngoài Google ra thì có ai làm SEO thằng nào nữa đâu 🐧 ). Viết nội dung SEO đồng nghĩa với viết ra những bài về một chủ đề nhất định, sao cho cứ ai search chủ đề đấy hoặc những thứ liên quan, bài viết hoặc trang web đó sẽ nhảy lên đầu hoặc sát đầu kết quả tìm kiếm, từ đấy có khả năng được click vào cao hơn. Làm SEO là cả một nghệ thuật, vì nó đòi hỏi mọi người phải biết viết sao cho người bình thường đọc thấy tự nhiên, mà vẫn đảm bảo nhồi đủ từ khóa với gắn thẻ các kiểu để bot của Google hiểu và coi là có giá trị. Vấn đề là nội dung SEO dù cũng đòi hỏi sáng tạo ở một mức nhất định, nó vẫn có tính công thức, và đa số các bài SEO toàn là xào lại các thông tin đã có (dân trong nghề gọi đây là spin content), và riêng cái này thì là sở trường của đám AI rồi. Với sự phát triển theo từng ngày của chúng nó, không loại trừ khả năng nghề viết bài SEO dạo sẽ tuyệt chủng trong tương lai.

Cái bài này không phải là ví dụ duy nhất về khả năng cướp việc con người của AI. Anh em có thể giở lại mấy bài gần đây trong group, và sẽ thấy bọn AI có thể thò chân rết vào nhiều ngành đến mức nào. Điểm sơ sơ, ta có vẽ ảnh concept, vẽ truyện tranh, lên kịch bản nền, và viết báo cáo khoa học. Ngay bản thân mình cũng đã từng thử nghiệm với AI, và đã thấy bọn này dư sức cướp việc của dịch giả (Google Translate dạo nào giỏi vl, biết nhồi ca dao tục ngữ với điển tích văn chương vào bản dịch, và mình ngày một có thể copy nguyên si lời dịch của Google vào các truyện đang dịch rồi đấy), vẽ minh họa bìa (vẫn còn đòi hỏi một tí xử lý hậu kỳ, nhưng biết căn bản Photoshop với có mắt thẩm mỹ ít nhiều là sẽ ra cái bìa rất ngon với mức phí chưa đến trăm ngàn, tùy số lượng prompt sử dụng), viết giới thiệu truyện (vẫn cần copy tóm tắt từ nguồn khác mớm cho nó nếu truyện không đủ nổi, nhưng cũng không quá khó với Goodreads), tạo nội dung quảng cáo,… Vẫn còn nhiều cái bọn AI làm hơi lôm côm, nhưng mình dự là trong vòng 10 năm tới, sẽ khá nhiều nghề trong mảng xuất bản trở nên chật vật vì phải cạnh tranh với AI đấy.

Quả đúng là chưa bao giờ ta được sống trong một thời kỳ thú vị nhường này, một thời kỳ đầy những điều diệu kỳ hứng khởi và thành tựu oai hùng. Như trong bộ phim ‘Back to the Future’ người ta đã nói đấy: “Ta chẳng cần đường sá gì tại nơi sẽ đến đâu.”

Nhưng công nhân cầu đường sẽ đi đâu thì không thấy nó đả động đến 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.