Chuyển đến nội dung chính

Thuyết Phân biệt Chủng tộc Phê phán và Tolkien

 Vì bữa trước vừa có bạn đăng bài về việc series Trung Địa của Amazon sắp sửa lên sóng, mình lại nhớ đến một cái clip khá thú vị từng được kênh Foundation for Economic Education (FEE) thực hiện. Clip có nội dung chủ chốt là phê phán Thuyết Phân biệt Chủng tộc Phê phán (tức Critical Race Theory, hay còn gọi là CRT), nhưng nó sử dụng một cái nền khá thú vị làm bệ phóng, đó là xu hướng chỉ trích đang thịnh hành đối với Tolkien cùng các tác phẩm của ông. Cụ thể, xu hướng ấy là bảo mấy câu chuyện của ông cụ mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc, và từ đấy cáo buộc Tolkien là một kẻ đi theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.


Để đáp trả nhận định này, điều đầu tiên FEE làm là… khẳng định nó đúng. Xét chuẩn ra, các giống loài thuộc Trung Địa đều được Tolkien gán cho một số đặc tính nổi trội nhất định, và các đặc tính ấy hay có xu hướng được mang ra áp chung cho các cá nhân thuộc chủng tộc đó, đặc biệt nếu nhân vật này thuộc phe phản diện. Cái kiểu mô tả gộp chung như thế tình cờ lại khá ăn khớp với cách dân Anh nhìn nhận thế giới trong thời của Tolkien, và căn cứ thêm vào nội dung một số bức thư Tolkien từng viết, kể cũng khó lòng phủ nhận được rằng tư tưởng của ông có chút sắc phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, đi kèm với chữ “đúng” ấy lại là một dấu hoa thị to đùng. Cái đầu tiên và to nhất là việc trong bản thân các tác phẩm của Tolkien, với tiêu biểu nhất là Lord of the Rings, chúng ta có nhan nhản các nhân vật đi ngược lại với bản chất “cố hữu” của dân tộc mình, với tiêu biểu là mấy thanh niên vốn thuộc dân Hobbit thích lối sống bình dị nhưng lại xông xáo đi phiêu lưu như Frodo, Sam, Merry, Pippin. Họ hoặc là vốn dĩ đã khác biệt, hoặc dần dần thay đổi để trở nên khác biệt, cho thấy Tolkien không quá tin tưởng vào việc dân chủng tộc nào thì sẽ không bao giờ chạy lệch ra ngoài một khuôn khổ nhất định gắn liền với chủng tộc của bản thân cả

Ngoài ra thì như đã nói, cái kiểu nhìn đời của Tolkien là kiểu tiêu chuẩn của con người thời đấy. Ngoài Tolkien ra thì còn Aldous Huxley, Edgar Rice Burroughs, C. S. Lewis, James Blish, cùng cực kỳ nhiều tác giả SFF da trắng khác cũng mang lối nghĩ như vậy, khác nhau chỉ là về “nồng độ” của cái tư tưởng đấy. Trong một xã hội nơi cái tư tưởng phân gộp nhân loại theo từng nhóm ăn sâu vào mọi lớp lang của xã hội, chúng ta liệu còn có thể kỳ vọng gì khác ở các thành viên của nó đây. Cũng như những tác giả đương thời, Tolkien chỉ đơn thuần là một con người mang ý thức hệ của thời đại, và ông sống đúng với cái tiêu chuẩn của thời bấy giờ, không hơn không kém. Sử dụng một thang đánh giá biệt lập với bối cảnh của thời đấy để phán xét về nhân cách của ông thì quả là ngớ ngẩn.

Bên cạnh đó, nếu đào sâu tìm hiểu, ta sẽ thấy mặc dù đúng là thế giới quan của Tolkien bao gồm việc gộp chung các nhóm người khác nhau vào trong những cái ô đơn giản hơi quá đà, và coi sắc tộc là một trong những yếu tố mang tính định nghĩa đối với cá nhân, ông không vì thế mà trở thành một kẻ tôn sùng sự thượng đẳng sắc tộc. Cũng trong những bức thư của mình, Tolkien đã bộc lộ rất rõ việc ông không coi khinh những con người thuộc chủng tộc khác mình, và thậm chí còn bày tỏ sự bất bình trước việc những con người như thế bị dè bỉu. Cái kiểu của Tolkien chỉ đơn thuần là tự hào về truyền thống và bản sắc của dân tộc mình, thế nên nếu đem đặt cạnh những dân tộc khác thì sẽ thấy ông có thái độ đề cao chủng tộc bản thân, chứ không phải ông vốn dĩ coi các dân tộc khác là những chủng tộc thấp kém.

Nói chung quy lại, nếu xét theo đúng chuẩn định nghĩa về phân biệt chủng tộc, Tolkien và các tác phẩm của ông quả thật đã phạm phải cái lỗi này, và ta hoàn toàn có thể bàn về nó để hiểu tư tưởng của những con người thời xưa ra sao và thẳng thắn nhìn nhận những mặt không hay của nó. Tuy nhiên, tách biệt Tolkien và Trung Địa ra khỏi hoàn cảnh lịch sử của mình để từ đấy thổi phồng bản chất của vấn đề đó lên, để nó lấn át mọi giá trị khác trong công trình văn học của Tolkien nhằm rêu rao rằng tác phẩm của Tolkien mang tính độc hại thì câu chuyện lại khác rồi.

Như đã nói ở trên đấy, ngoài chỉ trích cái trò công kích Tolkien ra, clip còn đưa ra một góc nhìn mang tính phê phán khá thú vị về CRT và chủ nghĩa giác ngộ (tức “wokeism”). Bên cạnh đó, nó còn chỉ ra rằng những công kích về Tolkien là những pha tự vả đầy ngoạn mục của một bộ phận không nhỏ những nhà phê bình "ngoan đạo." Nếu quan tâm anh em hãy xem qua nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.