Chuyển đến nội dung chính

Bộ phim Hackers và sự nhập nhằng trong việc phân loại Sci Fi

 Tiện thể hồi chiều có đề cập đến khoa học máy tính và Internet thời đầu trong cái bài kỷ niệm về SF-Lovers, chưa kể mấy bữa nay còn nói đến việc dự đoán tương lai của người thời trước khá nhiều, mình lại nhớ đến một cái clip của Insider, xoay quanh một đồng chí hacker đánh giá các cảnh hack trong phim Hollyweed.


Đến khoảng gần cuối cái clip này, cô hacker được nhờ đánh giá bộ phim Hackers hồi năm 1995, và đã cho nó điểm rất cao về tính chân thực. Một trong những thứ được cô đặc biệt nhấn vào là cái con virút Da Vinci mà đám hacker sử dụng. Da Vinci chiếm quyền điều khiển hạm đội tàu của một công ty dầu, và có thể đánh chìm tất cả bọn chúng bằng cách bơm nước vào các két dằn. Nếu phía công ty không muốn mất trắng mấy trăm triệu đô thì khôn hồn nôn tiền ra.

Da Vinci là một dạng virút có tên ransomware. Nó chiếm quyền kiểm soát tài sản của người khác (hoặc dưới dạng tài sản thực tế bằng cách khóa cứng hệ thống điều khiển, hoặc dưới dạng các thông tin ảo bị mã hóa không mở được), và đòi người bị hại phải trả tiền thì mới lấy lại được các tài sản kia. Cô hacker bảo với con virút này, phim đã đi trước thời đại mấy tháng, bởi sau khi phim ra thì ransomware mới xuất hiện.

Thực ra thì cái cô này nói hơi sai. Hackers công chiếu vào năm 1995, trong khi phiên bản có thể được coi là ransomware đầu tiên từng được ghi nhận xuất hiện vào năm 1989, được biết đến dưới cái tên AIDS. Năm ấy, một nhà sinh học tiến hóa Joseph L. Popp đã gửi 20.000 đĩa có tiêu đề “Thông tin về AIDS - Đĩa giới thiệu” đến cho những người tham dự hội nghị AIDS quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới. Đĩa thực chất chứa một con virút Trojan (một dạng virút ngụy trang là các chương trình bình thường), và ngay khi chạy, nó sẽ thay thế tệp AUTOEXEC.BAT, một tệp hệ thống trên hệ điều hành DOS, nằm trong thư mục root của máy. Tệp này sau đó sẽ được AIDS sử dụng để đếm số lần máy tính khởi động. Khi số lần khởi động đạt đến 90, AIDS sẽ ẩn các thư mục và mã hóa tên của mọi tệp trên ổ C, khiến hệ thống không còn sử dụng được nữa. Để lấy lại quyền truy cập, người dùng sẽ phải gửi 189 đô cho một công ty ma có tên PC Cyborg Corp.

Tuy nhiên, nếu tạm ngó lơ cái sự sai đấy đi và giả vờ điều cô hacker kia nói là đúng, ta sẽ thấy Hackers đại diện cho một trường hợp khá thú vị. Công nghệ của nó cực kỳ sát với thế giới thực, với mọi nền tảng kỹ thuật cho Da Vinci đều tồn tại đầy đủ hết. Tuy nhiên, tại thời điểm Hackers xuất hiện, cái ứng dụng của những công nghệ sẵn có mang tên Da Vinci vẫn chưa hề tồn tại, và Hackers về cơ bản đã đưa ra một lời tiên tri về hướng phát triển tương lai cũng như hệ luỵ của công nghệ.

Và anh em biết những thứ dính dáng đến tương lai khoa học công nghệ là nó nằm ở dòng nào rồi đấy 🐧.

Tuy nhiên, vấn đề là tương lai của Hackers gần xịt, và độ gần của nó đã được “thực tế” chứng minh với việc chỉ đúng mấy tháng sau khi ra phim, một thứ như Da Vinci đã xuất hiện. Chính bởi vậy, nếu gọi Hackers là Sci Fi nghe thực sự sẽ rất ngượng mồm. Nhưng vấn đề là xét thật chuẩn theo định nghĩa, nó vẫn cứ là Sci Fi. Thằng này bây giờ tự nhiên lại giống hệt như quả cà chua: trên lý thuyết thì nó là một loại trái cây, nhưng ngoài thực tế thì thiên hạ lại liệt nó vào hàng rau và sử dụng trong ẩm thực như rau chứ không phải trái cây. Không ai bày đĩa hoa quả mà lại nhét cà chua vào đấy, nhưng cũng chẳng ai lại gọi nó là rau cà chua cả.

Vậy tóm lại Hackers, hay ít nhất Hackers trong cái tuyến thời gian AIDS không tồn tại, có là Sci Fi hay không đây?

Câu trả lời sẽ là: yesn’t 🐧.

Cái trường hợp giả tưởng về Hackers này đại diện cho một tranh cãi chẳng bao giờ có hồi kết được của dòng Sci Fi: phải như thế nào mới được gọi là Sci Fi? Cực kỳ nhiều người đã nỗ lực đưa ra các định nghĩa khác nhau cho dòng, nhưng trăm lần như một, luôn có một thằng ngoại lệ ất ơ nào đó chường mặt ra, không cho vào thì không được mà để nó ngồi chình ình ở đấy thì ngứa hết cả đít. 

Cụ thể hơn, trong vụ của Hackers, ta có câu hỏi là một tác phẩm phải tiến vào tương lai xa đến mức nào thì mới có thể được công nhận là Sci Fi. Câu hỏi này đã dẫn đến việc nhiều người đề xuất nên có thêm một nhánh nhỏ trong Sci Fi, lấy tên là Mundane Science Fiction, dành cho các tác phẩm với công nghệ không hề quá cao siêu, gần xịt với thế giới hiện tại (nói cách khác là chính những thằng như Hackers ấy). Mình từng làm một bài riêng về Mundane Science Fiction rồi, anh em có thể tham khảo về nó ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-mundane-science-fiction.html.

Tuy nhiên, có một vấn đề rất nhức đầu là bản thân Mundane Science Fiction cũng khá nhập nhằng về ranh giới. Nó không phân định được rõ ràng bản thân khác gì với các cuốn Techno Thriller (cả phiên bản Sci Fi lẫn các phiên bản công nghệ bình thường), đồng thời cũng khó lòng đưa ra được một lập luận đủ vững để thuyết phục thiên hạ không nên chập chung mình vào với Hard Sci Fi luôn cho đỡ lằng nhằng. Một số người cảm thấy việc đẻ thêm ra nó có phần thừa thãi, một số thì nghĩ nó sẽ giúp ta dễ phân định mọi thứ hơn.

Và cũng như Hackers, tính đến tận hôm nay, khi được hỏi Mundane Science Fiction có thực sự là một nhánh của Sci Fi hay không, câu trả lời vẫn là: yesn’t 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.