Chuyển đến nội dung chính

Một số thông tin sơ về Dune cũng như nhận xét của các tác giả lớn về nó

 Bữa nay mình vừa bắt được một bài khá hay của tờ The Guardian, bàn về tác phẩm Dune gốc của Frank Herbert trước thềm phim được công chiếu ở Mỹ vào cuối tuần này .


Quả tiêu đề của bài báo này nghe khá hầm hố, khiến cho nó trông như thể là một bài so sánh về những điểm giống và khác giữa Dune và Lord of the Rings, một đại thụ bên Fantasy. Nhưng kỳ thực nếu đọc vào, anh em sẽ thấy nó chỉ mượn Lord of the Rings làm lời dẫn, với đâu tầm 2 câu bảo hai thằng to ngang nhau thôi chứ không đặt hai thằng cạnh nhau và đi sâu vào phân tích những thứ khiến bọn nó xứng đáng được ghép cặp. Nếu anh em quan tâm đến một so sánh nghiêm túc về hai tác phẩm này, mọi người có thể tham khảo một clip hồi trước mình từng share, trong đó thanh niên làm clip phân tích rất kỹ cả hai tác phẩm: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/09/ve-phong-cach-epic-fantasy-cua-lord-of.html

Tuy nhiên, cái bài của Guardian chỉ dính quả giật tít lố thôi, chứ thực ra nó cũng không đến nỗi vô bổ. Bài cung cấp một số thông tin nền và phân tích tổng quan khá thú vị về Dune, có thể sẽ rất hấp dẫn với cả những ai đã lẫn chưa đọc hay thậm chí nghe đến danh Dune bao giờ (mặc dù chắc chẳng chưa nghe đâu, vì báo đài cả tháng nay đăng rầm rộ về nó còn gì nữa 🐧 ).

Cụ thể hơn, bài báo điểm lại tiểu sử ra đời của tác phẩm, kể lại cách Herbert lần đầu nảy ra ý tưởng viết Dune vào năm 1957, trong quá trình ông nghiên cứu về một dự án nhằm ổn định các cồn cát ở Oregon, không cho chúng nó xâm lấn và hủy hoại môi trường xung quanh. Những gì tìm hiểu được về mấy cồn cát ấy là Herbert thích mê, và trong 5 năm tiếp theo, ông đã tiếp tục tìm hiểu thêm về hệ sinh thái sa mạc và một số thứ liên quan khác, và dựa trên đó viết ra Dune.

Bản thảo của truyện được ông hoàn tất năm 1963, và được xuất bản dưới dạng truyện dài kỳ trên tạp chí Analog do John W. Campbell chủ biên trong năm đó. Tuy nhiên, truyện mãi không được bên nào nhận thầu xuất bản hẳn thành tiểu thuyết, với gần như ai cũng chê chán hoặc rối. Rốt cuộc, sau 20 lần bị từ chối, Herbert cũng xoay xở chèo kéo được Chilton Books, một bên chuyên xuất bản… cẩm nang sửa chữa ô tô, giúp mình cho ra mắt Dune dưới dạng tiểu thuyết vào năm 1965. 

Bài báo cũng điểm qua một số nhận xét của các tác giả SFF nổi tiếng cũng như các học giả văn học. Ví dụ như Neil Gaiman, tác giả huyền thoại của bộ truyện tranh Sandman, đã bảo rằng nếu nhìn kỹ, ta sẽ có thể thấy ADN của Dune lẩn khuất bên trong một tác phẩm Fantasy đình đám khác là Game of Thrones (bản chuyển thể của A Song of Ice and Fire), ở việc cực khó nói các nhân vật sẽ có số phận thế nào, cách nó gợi lên một cảm giác đầy kỳ vĩ, và cách nó sử dụng chính trị thực để tác động đến con người. Ông anh còn nói với Dune, Herbert đã tạo dựng được một thứ mang tính “kịch đa thế hệ nhiều kỳ với quy mô khổng lồ.” 

Và tiện nhắc đến kịch đa thế hệ nhiều kỳ với quy mô khổng lồ, bài báo cũng động đến việc theo lời con trai Frank Herbert, lúc xem Star Wars, Herbert đã chỉ ra 16 điểm cực trong phim giống với tác phẩm của mình, và đã lấy làm bất bình với nó. Thanh niên thậm chí còn cùng với một số nhà văn SFF khác, những người cũng trông thấy hình bóng tác phẩm của mình trong bộ phim của George Lucas, thành lập một hiệp hội mang tên Hội Những Người Quá Quân Tử, Không Thèm Kiện George Lucas.

Bởi vì, như tất cả chúng ta đều đã biết, Dune là một kiệt tác nguyên bản hoàn toàn, không hề ăn trộm nguyên si Sabre of Paradise hay Seven Pillars of Wisdon đâu 🐧.

Ngoài Gaiman ra thì bài báo còn trích lại ý kiến của Jeff VanderMeer, tác giả Annihilation. VanderMeer khẳng định Dune có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, đặc biệt rất khen ngợi tính siêu thực của đám navigator (một dạng người đột biến do chơi nhiều Melange, có thể nhìn được tương lai theo một cách rất giới hạn), điều hướng tàu bè không gian bằng khả năng tiên tri của mình. Ông anh cũng rất ấn tượng với lũ giun cát, bảo rằng bọn này cực kỳ khó quên.

Jordan S. Carroll, một học giả tại Đại học Puget Sound, thì chỉ ra một khía cạnh khá thú vị của Dune. Carroll nói Dune từng được một bộ phận mang tư tưởng cực hữu tung hô mạnh, với Paul được coi như một nhà cai trị lý tưởng, đã dùng bạo lực lật đổ một chế độ suy đồi để hình thành một đế chế thống nhất. Nhưng Carroll cũng tiếp tục chỉ ra rằng như vậy là hiểu sai về câu chuyện của Herbert. Paul nói riêng có một số phận cực kỳ thảm thương trong truyện, và Dune nói chung là một cuốn tiểu thuyết đi khám phá cách các đấng cứu thế là thảm họa khủng khiếp cỡ nào đối với nhân loại, cũng như việc những con người này tàn phá xã hội loài người ra sao.

Alastair Reynolds, tác giả vũ trụ Revelation Space, thì đề cập đến việc Dune vượt lên trên nhiều tác phẩm Sci Fi cùng thời khác, vẫn tiếp tục được yêu thích và có chỗ đứng ngay cả trong ngày hôm nay. Theo như Reynolds, nguyên nhân là bởi Herbert đã để câu chuyện xảy ra tít sau sự kiện Butlerian Jihad, khi con người đã vứt bỏ máy móc và quay trở lại với một xã hội vừa cổ lỗ vừa tân tiến, từ đó phần nào tạo ra một nét vượt thời gian cho tác phẩm.

Ngoài mấy cái trên ra thì bài báo còn động đến cái kết của Dune và việc nó bị dang dở ra sao, cũng như giới thiệu thêm ý kiến và nhận xét của một số nhân vật khác nữa. Nếu quan tâm đến Dune thì anh em hãy ngó qua cái bài này nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.