Chuyển đến nội dung chính

Thương vụ Penguin Random House - Simon & Schuster và độ nghiêm trọng của nó

 Đợt gần đây cộng đồng xuất bản quốc tế đang có một thương vụ khá chấn động xảy ra, ấy là Penguin Random House đang sắp sửa mua Simon & Schuster với mức giá 2 tỷ USD.


Trong trường hợp anh em chưa biết, Penguin Random House (PRH) với Simon & Schuster (S&S) là 2 trong số 5 nhà xuất bản lớn nhất thế giới (3 ông còn lại bao gồm Hachette Livre, HarperCollins, và Macmillan Publishers). Nếu thỏa thuận được thông qua, đội cầm trịch giới xuất bản vốn được mệnh danh là Big Five sẽ bị co xuống thành Big Four.

Cái tin này hiện đang khiến cộng đồng quốc tế lo sốt vó. Đa phần đều cảm thấy điều này đồng nghĩa với việc các tác giả muốn xuất bản theo kiểu truyền thống sẽ có ít chỗ để nộp bản thảo hơn, các hiệu sách phải kình nể nhà phân phối hơn nếu muốn có hàng bán, và người đọc phải đối mặt với một tương lai thấy kệ sách phần nào trở nên một màu hơn. Như trong một thớt reddit bàn về tin này, một bro làm xuất bản ở Canada có bảo rằng ngay từ trước khi tòi ra cái tin tăm tia S&S đấy, PRH đã phần nào hủy hoại sự đa dạng văn học ở Canada bởi vì nó thâu tóm quá nhiều nhà xuất bản, và toàn cho ra mắt những tác phẩm mang tính công thức, an toàn, chứ không muốn thử nghiệm gì quá mới mẻ (đọc bài gốc ở đây: https://www.reddit.com/r/books/comments/k16wz9/comment/gdnyib7/).

Dù không phủ nhận tác động xấu của việc để quyền lực ngày một tập trung vào tay một nhóm tập đoàn nhỏ như thế này, mình vẫn cảm thấy thực ra ảnh hưởng từ thương vụ này đến ngành xuất bản không hẳn là quá nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi trong giai đoạn gần đây, thị trường tự xuất bản cũng như các dịch vụ hỗ trợ tác giả độc lập đang trỗi dậy rất mạnh mẽ.

Góp phần lớn nhất cho sự thành công của thị trường xuất bản sách độc lập tình cờ lại chính là cái thằng từ trước đến nay vốn là “tử thù” của giới làm sách: Amazon. Thanh niên này cho phép các tác giả có thể nhảy cóc rất nhiều bước trung gian, không cần phải chạy qua NXB to hay lạy lục chuỗi nhà sách nào thì mới cho được tác phẩm của mình ra đời và tiếp cận được với một thị trường độc giả khổng lồ. Cái khó khăn lớn nhất của việc tự xuất bản chỉ là vì nó quá dễ dàng gia nhập, thế nên lượng đầu sách trong này cứ nhung nhúc một bầy, với phần đông được viết theo kiểu nói trắng ra là rất nhảm. Điều này làm cho các tác giả chọn con đường solo sẽ có cực kỳ nhiều đối thủ cạnh tranh, chưa kể còn bị phần lớn độc giả auto coi thường vì nghĩ rằng chất lượng sẽ không tử tế.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề ấy đều có thể được khắc phục một cách khá dễ dàng. Các dịch vụ biên tập độc lập và các công ty đại diện quyền tác giả ngày nay đang mọc lên như nấm, và chi phí thuê người biên tập cho câu chuyện trở nên nuột nà hơn không đến mức ngoài tầm với của quá nhiều người (đặc biệt nếu biết cách gây quỹ cộng đồng). Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, chẳng hạn Youtube, Twitter, Facebook,… cho phép các tác giả có thể tự gánh phần quảng bá với một mức chi phí khá thấp nếu biết làm đúng cách.

Một số thanh niên tự xuất bản đã nhờ “hữu xạ tự nhiên hương” mà thành công. Người về từ Sao Hỏa của Andy Weir gốc từ tự xuất bản mà ra, và về sau vì hấp dẫn quá nên đã được NXB truyền thống mua bản quyền làm thành sách; Hugh Howey cũng có mấy tác phẩm nổi đình nổi đám và đã được NXB truyền thống xì tiền câu về, ấy là Trạm tín hiệu số 23 và bộ tiểu thuyết Wool; The Long Way to a Small, Angry Planet, cuốn đầu tiên trong series Wayfarers của Becky Chambers cũng là tự xuất bản, với tiền vốn quyên trên Kickstarter; chưa nổi bằng nhưng cũng đáng chú ý không kém thì có bộ The Deep Space Cargoist của JS Carter Gilson, hiện đang được đánh giá khá cao trong giới tự xuất bản.

Có một số thanh niên hơi bị lôm côm về chất lượng, nhưng nhờ khả năng tự gầy dựng kênh truyền thông mạnh mà đã xuất bản được thành công. Đầu tiên là ta có Shadow of the Conqueror, một cuốn Epic Fantasy do Shad M. Brooks, tức thanh niên đằng sau channel Youtube chuyên về lịch sử Trung Cổ Shadiversity cho ra mắt và được fan của bro này tìm đọc rất nhiều; sau đó thì ta có The Savior's Champion của Jenna Moreci, một Youtuber khác khá nổi trong mảng phân tích và chỉ trích cách viết văn; tương tự với Jenna, ta còn có Meg LaTorre, một người từng làm đại diện quyền tác giả nhưng về sau đã tự chuyển sang làm Youtube về hậu trường xuất bản và đã cho ra mắt cuốn The Cyborg Tinkerer; một người nữa cũng cần kể đến (dù chưa cho ra mắt cái gì cả) là Daniel Greene, một trong những thanh niên có tiếng nhất trong cộng đồng Youtuber SFF, với khả năng cao sẽ kéo được một lượng đông đảo fan mua truyện của mình sau khi thanh niên viết xong và xuất bản nó.

Nói chung là vụ PRH với S&S kể cũng đáng ngại thật đấy, nhưng cũng không đến nỗi tận thế như giới truyền thông đang tung hô đâu. Thị trường xuất bản quốc tế nó đã tản quyền đi từ lâu lắm rồi, và nếu phe truyền thống càng làm khó dễ thì những cái nền tảng tự xuất bản nó lại càng được thể phát triển mạnh thôi.

Mặc dù trông cảnh nền tảng tự xuất bản to nhất lại thuộc về một thằng tập đoàn khét tiếng độc quyền, dưới sự điều hành của một đồng chí nhìn như clone Lex Luthor kể cũng hơi đáng quan ngại 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.