Chuyển đến nội dung chính

Một đề thi văn gây tranh cãi và một câu trả lời tiềm tàng cho nó trong lịch sử Sci Fi

 Mấy bữa nay, thiên hạ đang nảy sinh một tranh cãi nho nhỏ xoay quanh một câu nghị luận trong đề thi văn vào 10 của Trường Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể, cái câu ấy là:

“Trong cuốn sách ‘Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng’, Lu-Mannup đã chia sẻ: ‘Phương Tây có câu ngạn ngữ: ‘Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng’. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.

Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.”


Cái câu này về ý thì hay, nhưng cách diễn đạt của nó làm nhiều người cảm thấy không ổn, đặc biệt là vế “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?” của nó. Có người chỉ trích nó ở mặt ngữ nghĩa, bảo rằng cái này định hướng theo nghĩa đen một cách thái quá, chưa kể còn nghe hơi ghê, dễ tác động tâm lý thí sinh. Có người thì chỉ trích thuần túy về mặt kỹ thuật, bảo rằng cái câu này khiến đề tự nhiên tòi ra 2 ý hỏi không liên quan đến nhau, gây rối cho thí sinh, trong khi yêu cầu phía sau đã đủ thành một cái đề ngon rồi.

Ngoài đó ra thì còn một số chỉ trích khác nữa. Anh em muốn biết cụ thể các tranh cãi ra sao thì hãy tham khảo link bên dưới.

Sở dĩ mình mang cái đề này ra bàn không phải là vì muốn chỉ trích nó hay gì đâu, mà căn bản là bởi ý hỏi sẽ chọn làm gì nếu ở trong nước sôi làm mình nhớ đến một thanh niên khét tiếng kinh khủng trong làng Sci Fi. Thanh niên này từng được Robert Bloch, tác giả của Psycho (cuốn tiểu thuyết về sau được Alfred Hitchcock chuyển thể thành một bộ phim cùng tên rất thành công) miêu tả là "sinh vật duy nhất trên đời tôi từng biết có môi trường sống tự nhiên là nước sôi."

Thanh niên ấy là Harlan Ellison.

Harlan Ellison là một tác giả SFF rất nổi tiếng. Ngoài bản thân đã có những tác phẩm rất xuất sắc ra, chẳng hạn truyện ngắn I Have No Mouth, and I Must Scream cùng với Repent, Harlequin!' Said the Ticktockman, ông còn đã góp công rất lớn trong việc hỗ trợ Sci Fi vùng ra khỏi những khuôn mẫu cũ nhàm, với tiêu biểu là đã cho ra bộ tuyển tập Dangerous Visions, thứ được coi là phát đại bác mở màn cho phong trào New Wave (phong trào đẩy mạnh tính văn và sự phá cách trong SFF) tại Mỹ.

Vấn đề là nhân cách cha nội này như cái đồng bằng ấy 🐧.

Ellison có một cái tính tình nóng nảy hiếm người sánh bằng, rất thích đi gây sự và chửi nhau với người khác. Nghiệp của thanh niên này tính ra có khi chất cao như núi, và chẳng tài nào kể hết sạch được. Chỉ có thể bàn đến mấy vụ nổi nổi như sau thôi.

Đầu tiên ta có Ellison từng chửi lên chửi xuống Gene Roddenberry vì dám viết lại kịch bản tập phim The City on the Edge of Forever mà Ellison đã viết cho series Star Trek của Roddenberry, nhưng vẫn lì lợm để nguyên tên trên kịch bản gốc. Về sau, thanh niên thậm chí còn kiện CBS Paramount đòi tiền bản quyền cho cái tập đấy nữa.

Một ví dụ khác bao gồm việc ông anh được mời đến làm khách danh dự tại hội nghị Sci Fi đầu tiên do Đại học Texas A&M (một trong 6 trường có chương trình huấn luyện sĩ quan quân đội dự bị ở Mỹ) tổ chức. Tại đây, Ellison chửi thẳng mặt sinh viên trường, gọi họ là “thế hệ Đức Quốc Xã tiếp theo của Mỹ” (hồi đó, phần đông sinh viên tại đây theo học sĩ quan), kèm theo rất nhiều lời thóa mạ về quân đội. Sau đó, ông anh thậm chí còn ẩu đả loạn lên tại địa điểm tổ chức, khiến năm sau sinh viên trường tí nữa thì không xin tổ chức hội nghị được.

Bên cạnh đó, trong quá trình làm Dangerous Visions cũng như sequel Again, Dangerous Visions, Ellison cũng tiếp tục chửi rủa và gây sự đủ kiểu với chính những người góp truyện cho mình, và khi bị Christopher Priest (tác giả của The Prestige) tung sách bóc phốt, thanh niên xù lông lên và năm lần bảy lượt đe dọa Priest.

Thế rồi trong buổi lễ trao giải Hugo năm 2006, Connie Willis (tác giả cuốn To Say Nothing of the Dog), người trao giải cho Ellison, đã hỏi đùa thanh niên là “Ông anh sẽ ngoan chứ?” Ellison phản ứng bằng cách ngậm luôn cả cái micro vào mồm, và sau đó còn đưa tay sờ ngực Willis. Khiếm nhã thế chưa đủ, Ellison về sau còn cả gan chê trách Willis chuyện không chịu chấp nhận lời xin lỗi của mình nữa.

Anh em giờ hẳn đã hiểu tại sao hắn lại bị ví là sinh vật sống trong nước sôi rồi đấy nhỉ 🐧?

Quay lại cái đề văn tí. Bây giờ tưởng tượng xem, nếu có em nào rành lịch sử SFF đi thi, sau đây sẽ là đại ý cho một câu trả lời tiềm tàng:

“Nếu phải sống ở nước sôi, em sẽ không chọn làm khoai tây hay trứng, mà em sẽ chọn làm Harlan Ellison. Xét cho cùng, tại sao em lại phải làm đồ nhắm phục vụ quý thầy cô trong khi em có thể trở thành một huyền thoại? Và nếu thầy cô phản đối, em sẽ đào mả tổ thầy cô lên, kiện chết cụ thầy cô, sau đó biến thầy cô thành những tảng thịt nhoen nhoét không mồm không miệng và nhốt hết xuống lòng đất để ngày ngày tra tấn. Thân.”

Câu trả lời phá cách kiểu này kể cũng sẽ khá hợp với tinh thần phong trào New Wave (mặc dù chắc cần trình bày loạn loạn và phê cần thêm tí nữa mới chuẩn 🐧 ) cũng như rất khớp với style láo lờ của Ellison, và chắc chắn sẽ khiến thanh niên nộp bài tạo được khác biệt cho bản thân, hiên ngang đứng một mình giữa một rừng văn mẫu.

Mỗi tội có vào được trường không thì lại là một câu chuyện khác 🐧.

#NotThiVănAdvice

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.