Chuyển đến nội dung chính

Một ví dụ trực quan về nguyên lý tàu nhanh hơn ánh sáng trong Tam Thể

 Nhân thể hồi sáng vừa có bạn hỏi về cái nguyên lý hoạt động của động cơ không gian trong Tử Thần Sống Mãi, mình lại nhớ đến một clip hồi trước từng bắt được trên reddit, quay cảnh một thanh niên chế "tàu lá" bằng hỗn hợp mực. Anh em có thể xem clip bên dưới.


Có hai nguyên nhân tiềm tàng đằng sau cái này. Trường hợp một là hỗn hợp mực này có thành phần hóa học gì đó, khiến nó rắn lại khi tiếp xúc với nước. Khi đổi sang dạng rắn như vậy, nó chiếm dụng nhiều không gian trên mặt phẳng hơn so với dạng lỏng, và thế là dồn đẩy cái lá phóng đi.

Trường hợp hai thì có một cái tên nghiêm chỉnh hơn, ấy là hiệu ứng Marangoni.

Hiệu ứng Marangoni gốc được một kỹ sư người Ireland tên James Thomson phát hiện ra, và về sau được nhà vật lý người Ý Carlo Marangoni phát triển hẳn thành một nghiên cứu quy củ (và chính nhờ đó mà được lấy tên đặt cho hiệu ứng này luôn). Về cơ bản, hiệu ứng này xoay quanh việc nếu anh em đặt một vật thể đủ nhẹ vào điểm giao giữa hai chất lỏng có sức căng bề mặt khác nhau, vật thể ấy sẽ bị kéo về phía nơi có sức căng mạnh hơn, tạo hiệu ứng như thể nó tự di chuyển.

Trong trường hợp của cái clip này, khi cái lá được đặt xuống nước, phần mực sau đít nó sẽ lan vào mặt nước, trở thành một chất hoạt động bề mặt (chất gây giảm sức căng bề mặt). Điều này khiến vùng sau đít cái lá có lực kéo yếu hơn, và vùng nước đằng trước có sức kéo khỏe hơn, thế nên nó đã bị kéo tuột về trước.

Không rõ cái lá này chạy theo nguyên lý nào (chắc cả 2, vì nhìn phần mực để lại cứng thế kia cơ mà), nhưng nó ít nhất trông bề ngoài giống y sì đúc cái thí nghiệm con tàu giấy và miếng xà phòng mà Trình Tâm từng thực hiện. Cái thằng này còn để lại cả một vệt đen đằng sau, hợp lý thế chứ lị 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.