Chuyển đến nội dung chính

Mos Maiorum, sự sụp đổ của Đế chế La Mã, và trilogy Tam Thể

 Hôm nay mình vừa bắt được cái clip này của bên Kings and Generals, bàn về một bộ quy luật bất thành văn về truyền thống đạo đức tổ tiên của người La Mã xưa, ấy là Mos Maiorum. Bên cạnh giải thích những đức tính có trong Mos Maiorum, clip còn bàn sâu thêm về cách các sử gia thời trước thường hay quy nguyên nhân Đế chế La Mã bị sụp đổ cho việc dân La Mã không còn tôn trọng và tuân thủ Mos Maiorum nữa.


Bất chấp một điều là ngày nay giới sử gia ít ai còn công nhận nó là nguyên nhân chủ chốt (clip cũng có động đến chuyện đấy), cái giả thuyết Đế chế La Mã sụp đổ vì tự làm băng hoại bản thân lại mang nhiều điểm giống đến giật mình với một trong những ý tưởng rất hay từng được Lưu Từ Hân đưa ra bàn luận trong Death’s End, cuốn cuối trilogy Tam Thể.

Anh em lưu ý chút là không như bài vô ơn bạc nghĩa hôm trước, cái bài này sẽ spoil khá nặng cho cái kết của The Dark Forest và khoảng 1/3 đoạn đầu của Death’s End. Vì Nhã Nam sắp xuất bản quyển 3 và nghe đồn là đang có kế hoạch tái bản 2 quyển trước, anh em nào định mua nên cân nhắc trước khi đọc tiếp bài này.

Ở phần kết The Dark Forest, lúc loài người ngỡ tưởng số phận mình đã an bài, xác định sẽ bị đám dân Trisolaran tàn sát, hoặc phải chịu kiếp nô lệ dưới tay chúng, có một thanh niên tên Luo Ji đã xoay xở chặn đứng cuộc xâm lược ấy. Ông anh lừa cho chính phủ bố trí bom nguyên tử bao quanh mặt trời sao cho khi phát nổ, mớ bom sẽ làm mặt trời nhấp nháy liên tục, về cơ bản biến thành một cái máy đánh mã Morse khổng lồ, tiết lộ vị trí Trisolaris, thế giới quê nhà của bọn Trisolaran, cho cả vũ trụ biết. Bên cạnh đó, mớ bom được thiết kế để phát nổ ngay khi tim Luo Ji ngừng đập.

Vì trong vũ trụ của bộ Tam Thể, mọi thế giới chứa đựng nền văn minh bị lộ vị trí đều sẽ bị hủy diệt một cách không chút thương tiếc, không bởi nền văn minh này thì nền văn minh khác, thế nên giết Luo Ji hoặc để thanh niên này tự sát thì cũng sẽ đồng nghĩa với tuyên án tử cho cả dân tộc Trisolaran. Nói cách khác, Luo Ji đã “trói” số phận loài người vào với đám Trisolaran – Trái Đất chết thì Trisolaris cũng xanh mả.

Về sau, cái trò này được phát triển lên thành cả một hệ thống tân tiến, gần tương tự cái chiến lược răn đe hạt nhân thời hiện tại. Nếu phe Trisolaran giở trò, một người bên Trái Đất sẽ lập tức kích hoạt hệ thống đấy, đảm bảo đôi bên sẽ cùng ôm nhau xuống mồ. Người gánh vác trọng trách kích hoạt nó được mệnh danh là Swordholder, và nhân vật này là lý do duy nhất bên Trisolaran phải buông tha cho loài người, và thậm chí còn tiến hành chuyển giao công nghệ cũng như thiết lập quan hệ ngoại giao với chúng ta.

Ok, thông tin nền vậy đủ rồi, giờ sang phần so sánh này.

Đầu tiên, ta có việc nỗi sợ mặc dù là một điều tiêu cực, nó tình cờ lại là một cột trụ giúp cả La Mã lẫn con người giữ được tư tưởng đúng đắn. Theo lời Sallust, một sử gia La Mã giai đoạn thế kỷ 1 trước công nguyên, chính nền hòa bình La Mã được tận hưởng sau khi đánh bại được Carthage (một thành bang cổ hùng mạnh, từng một thời đe dọa sự tồn vong của La Mã) đã dẫn đến việc người dân trở nên suy thoái về đạo đức, và từ đó dẫn đến để La Mã sụp đổ. Cụ thể, ông khẳng định rằng trước khi Carthage bị hủy diệt, cả nhân dân lẫn thượng viện La Mã đều rất biết tự chủ và thận trọng. Thành Carthage là một cái bóng quá lớn, và nỗi e sợ đã gò cho toàn bộ La Mã tuân thủ Mos Maiorum. Tuy nhiên, sau khi Carthage bị khuất phục, La Mã được yên ổn làm ăn phát triển, và đi cùng với nó là tự do phóng túng.

Mặc dù sự sụp đổ của nền văn minh con người trong Death’s End không hẳn liên quan đến đạo đức (mặc dù tùy cách mọi người định nghĩa về đạo đức, có thể nó cũng sẽ vẫn giống y hệt), nó vẫn sở hữu một tiến trình phát triển giống với những gì Sallust đã nhận định đến giật mình. Lúc mới đầu, con người còn cảnh giác dè chừng đám Trisolaran, ngay cả sau khi hòa bình được thiết lập. Chưa một ai quên mối hiểm họa chúng mang lại, và nỗi sợ đảm bảo người dân không làm gì xằng bậy. Tuy nhiên, sau khoảng nửa thế kỷ áp dụng hệ thống này, con người dần trở nên buông thả, quên mất sự sợ hãi mình từng trải nghiệm, và đã thay đổi hẳn thái độ: Swordholder bị nhìn nhận với ánh mắt căm ghét, còn bọn Trisolaran thì được nhìn nhận với ánh mắt cảm thông.

Tiếp theo, ta có sự suy tàn của cả hai đều bắt nguồn từ việc “nhập khẩu” hàng ngoại về. Cụ thể, Lucanus, một nhà thơ La Mã cũng sống giai đoạn thế kỷ 1 sau công nguyên, đã viết rằng, “Chiến lợi phẩm tứ phương tràn qua cổng La Mã; lời nguyền của sự xa hoa, khắc tinh tối thượng của nhà nước; giáng xuống đầu những đứa con của người; vĩnh biệt, truyền thống xưa!” Florus, một sử gia La Mã hậu bối, cũng đồng tình với Lucanus, bảo rằng, “Chính cuộc chinh phục Syria là thứ đầu tiên làm băng hoại chúng ta, và sau đó là cho di sản Châu Á do vua Pergamum để lại. Tài nguyên và của cải thu được từ đấy đã hủy hoại chuẩn đạo đức thời bấy giờ và tàn phá nhà nước, chìm đắm trong tệ nạn như một cái cống tầm thường.”

Trong Tam Thể, thứ tràn vào qua cổng Địa Cầu không phải là vàng bạc châu báu, mà nó là kiến thức khoa học và văn hóa. Như đã nói đấy, lúc hệ thống kia được thiết lập, đám Trisolaran trở nên ngoan một phép, phải chấp nhận dần chuyển giao các công nghệ và kiến thức khoa học mình nắm giữ cho Trái Đất. Điều này làm nền văn minh loài người có những bước nhảy vọt phi thường. Bên cạnh đó, dân Trisolaran còn tạo ra hàng bao tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, chạy từ thơ ca và văn học cho đến tận điện ảnh, tích hợp văn hóa Trái Đất vào với văn hóa Trisolaran, tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo ngoài sức tưởng tượng. Con người chìm đắm hẳn trong những “kho báu” tinh thần này, và càng thêm quên gốc, chẳng còn nghĩ đến Trisolaran như kẻ thù nữa.

Cuối cùng, một điểm tương đồng nữa giữa đôi bên là việc để cho dân lạm dụng quyền làm chủ quá đà. Như trong thời La Mã, có một trường phái tư tưởng về cơ bản rất sát với Thuyết Vĩ Nhân (lịch sử chủ yếu là do những cá nhân có ưu việt về mặt trí tuệ, lòng dũng cảm, khả năng lãnh đạo… nhào nặn nên), tin rằng việc trị nước nên để vào tay một số cá nhân ưu tú, những con người sát với hiện thân của Mos Maiorum nhất. Tiêu biểu cho trường phái này là Cicero và Cato Trưởng lão. Họ không tin tưởng rằng quyền lực nên để trao vào tay người dân. Đặc biệt, Cicero cực lực phản đối việc áp dụng hệ thống bỏ phiếu kín, vì cho rằng như thế là dễ để dân trèo lên đầu mình quá, và có thể dẫn đến việc nhà nước bị những kẻ độc tài dân túy thao túng.

Trong Tam Thể, dân túy chính là tử huyệt của nền văn minh loài người. Sau nửa thế kỷ quen sống trong hòa bình, được đám Trisolaran o bế, xã hội Trái Đất đã trở nên mềm yếu hẳn đi. Cái này thậm chí còn được thể hiện hẳn ra theo nghĩa đen, với toàn bộ đàn ông trên Trái Đất trở nên mang dáng điệu mảnh mai, cử chỉ thanh thoát như đàn bà (đoạn này bro Lưu đá đểu mấy anh sao Hàn hơi nhiều 🐧 ). Họ mềm yếu đến mức khi phải chọn một Swordholder mới, tiêu chí chọn của họ không phải là ai sẽ đủ tởm để làm bọn Trisolaran phải kiềng mặt, mà là ai sẽ làm cho bản thân mình đỡ sợ hơn. Bản thân chính phủ cũng phần nào ý thức được rằng chọn như thế là rất ngu, nhưng vì dân túy quá nên chấp nhận để dân bầu một cô gái quá nhân đạo lên làm Swordholder, bỏ qua hết các ứng viên khác vì họ trông… đáng sợ quá.

Và thế là chỉ 15 phút sau khi cô kia lên làm Swordholder, bọn Trisolaran lộ mặt làm phản ngay lập tức, phát động cuộc tấn công thứ hai vào Địa Cầu. Đúng như dự đoán cô gái kia quá nhu nhược, không dám kích hoạt hệ thống răn đe, và bọn Trisolaran thừa cơ hủy diệt toàn bộ hệ thống ấy để con người không còn giở trò gì với mình được nữa. Thậm chí, “cán bộ” Trisolaran trực ở Trái Đất còn trêu ngươi cô kia bằng cách nói thẳng vào mặt cô ấy rằng trong số các ứng viên bị loại, có một người đáng nhẽ sẽ đảm bảo bọn Trisolaran phải khép nép mọt đời. Nhưng chúng biết dân Địa Cầu sẽ chọn cô thôi, vì họ đã bị bọn nó đầu độc ngầm từ trong tư tưởng rồi mà.

Đồng bào hiểu tại sao tôi nói nhân vật quyển này ngu vl chưa 🐧?

Rất có thể mọi sự tương đồng với quá trình suy tàn của Đế chế La Mã của Death’s End chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, quyển này có hai điểm khá thú vị khiến giả thuyết trùng hợp trở nên lung lay. Thứ nhất, thanh niên họ Lưu lồng ghép lịch sử vào cực kỳ kinh, với phần mở thậm chí còn bê nguyên sự sụp đổ của một đế chế vĩ đại vào, dù đây là Byzantine chứ không phải La Mã. Thứ hai, nếu nhớ không nhầm thì ông anh từng bảo mình rất nghiện series Foundation của Isaac Asimov (và đoán thử xem Foundation là bản remix của cái gì nào 🐧 ), và style quyển Death’s End cũng được viết cực sát style Foundation, với trích dẫn từ sách “thật” trong vũ trụ của mình, có nhảy cóc thời gian rất xa, có để kinh tế chính trị xã hội làm trọng tâm,… Chính thế nên chưa biết chừng thanh niên cũng copy La Mã đấy.

Xét cho cùng, có cái nguyên mẫu nuột nà đến thế rồi, ngu gì không cóp 🐧?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.