Chuyển đến nội dung chính

World War Z và "bài học" kinh doanh trên nỗi sợ hãi

 Dạo này vụ virút corona nổi lên hot kinh khủng, với thông tin từ hàng tỉ các nguồn (chạy từ WHO cho đến hàng nước trước cổng) cứ đấu đá nhau loạn xạ hết lên, khiến thiên hạ chẳng biết đường nào mà lần.

Tạm không đả động gì đến tính đúng sai của các nguồn, ít nhất ta cũng có thể thấy được rất rõ tác động của nó đối với môi trường xã hội, đặc biệt là ở một mảng với mức tăng trưởng còn nhanh hơn số ca lây nhiễm: kinh doanh khẩu trang 🐧.

Nhìn cảnh người người nhà nhà đi mua khẩu trang mà tự nhiên lại nhớ đến World War Z, một cuốn Sci Fi cũng bàn về đại dịch khác. Mặc dù dịch của nó là zombie, nhưng nếu anh em nào vẫn nhớ mấy cái bài về Asimov mình đăng cách đây vài bữa thì biết rồi đấy: Sci Fi không cần đoán đúng sự xuất hiện của xe hơi, chỉ cần đoán ra nạn kẹt xe là đủ. World War Z cũng không phải là ngoại lệ.


Trong truyện, có nguyên một chương nói về một tay trục lợi từ đại dịch “dại” và cách các bên khác hưởng lợi sái từ vụ ấy. Nó thậm chí còn lôi cả các đại dịch khác, bao gồm cả SARS, cúm gia cầm các kiểu, thậm chí còn cả máy lọc không khí (dù không liên quan đến bụi mịn 🐧 ) ra để móc mỉa cách người dân cứ mù quáng để cơn hoảng loạn chi phối, trong khi không hề ý thức được độ hiệu quả của việc mình làm. Đọc lại mà thấy nó tiên đoán chuẩn đến rợn người.

Như anh em có thể đã biết, cách đây tầm chục năm mình từng dịch chơi cuốn World War Z ra rồi. Sau bao năm nỗ lực bán bản dịch mà chẳng nhà nào chịu thầu (mặc dù nếu bây giờ mà ra mắt là đảm bảo hái bộn tiền luôn đấy, vì “Fear sells” mà <(“) ). Nay xin được đăng lại cái chương đấy để mọi người cùng đọc.

Lưu ý là vì dịch từ hồi năm nhất đại học nên có thể sẽ có mấy lỗi biên tập, anh em bỏ qua tí 🐧.

.

.

.

=====================

TRẠM VOSTOK: NAM CỰC

=====================

 [Trước chiến tranh, tiền đồn này được coi như một trong những nơi hẻo lánh nhất trên Trái đất. Nằm gần địa cực Nam của thế giới, trên lớp băng dày 4 cây số của Hồ Vostok, nhiệt độ nơi đây có lần đã đo được đạt mực kỉ lục âm tám chín độ C và hiếm khi đạt trên âm hai mốt. Chính cái lạnh khắc nghiệt cùng với việc các phương tiện di chuyển trên bộ phải mất hơn một tháng mới đến được trạm đã khiến Vostok có sức hút đến vậy đối với Breckinridge “Breck” Scott. 

Chúng tôi gặp nhau trong “Khu Vòm”, một căn nhà kính trắc địa được gia cố. Nó lấy năng lượng từ nhà máy nhiệt điện của trạm. Nó cùng một số sự cải thiện khác được ông Scott thêm thắt vào sau khi thuê trạm đó từ phía chính phủ Nga. Kể từ Cuộc Đại Loạn, ông ta chưa hề đặt chân ra khỏi trạm.] 

Anh có hiểu gi về kinh tế không? Ý tôi là nền kinh tế tư bản khổng lồ, mang tính toàn cầu trước chiến tranh ấy. Anh có biết nó hoạt động như thế nào không? Tôi thì không, và bất cứ ai nói họ hiểu đều là lũ ba xạo. Không có luật lệ, không có sự chính xác khoa học nào hết. Thắng, thua, tất cả chỉ là may rủi. Quy luật duy nhất mà tôi thấy còn có lý tôi lại được học từ một giáo sư lịch sử chứ không phải giáo sư kinh tế ở Wharton. “Nỗi sợ hãi,” lão nói, “nỗi sợ hãi là mặt hàng đáng giá nhất trong vũ trụ.” Nghe xong tôi sốc luôn. “Bật TV lên thử xem," lão nói "Các anh các chị thấy gì? Thiên hạ tìm cách bán sản phẩm hả? Bậy. Thiên hạ tìm cách bán nỗi sợ rằng các anh các chị phải sống mà không có sản phẩm của người ta.” Ôi mẹ kiếp, lão nói quá chuẩn. Nỗi sợ tuổi già, nỗ sợ cô đơn, nỗi sợ cái nghèo, nỗi sợ thất bại. Nỗi sợ là cảm xúc cơ bản nhất ta có. Nỗi sợ là nguyên thuỷ. Sợ hái ra tiền. Đó là châm ngôn của tôi. “Sợ hái ra tiền.” 

Khi mới nghe về trận dịch, từ cái hồi nó vẫn còn được gọi là bệnh dại Châu Phi, Tôi nhận thấy đây là cơ hội ngàn năm có một. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái bản tin đầu tiên đó, vụ bùng phát dịch ở thị trấn Cape. Chỉ có mười phút là tin tức thật còn lại là cả một tiếng toàn suy đoán xem nếu chủng virút này lan đến Mỹ thì chuyện gì sẽ xảy ra. Lạy Chúa nhân từ, cái tin đấy. Ba mươi giây sau tôi đã vớ điện thoại quay số nóng.

 Tôi họp mặt với một số người thân tín. Họ đều đã xem cái bản tin đấy. Tôi là người đầu tiên nghĩ ra một chiêu thức nghe khả dĩ: vắcxin, một loại vắcxin cho bệnh dại. Ơn Chúa là dại không có thuốc chữa. Người ta chỉ muốn mua thuốc chữa nếu họ nghĩ mình bị nhiễn bệnh. Nhưng còn vắcxin! Nó là thuốc ngừa! Chừng nào thiên hạ còn sợ căn bệnh kia thì họ còn tiếp tục cần đến nó! 

Chúng tôi có nhiều mối quan hệ trong ngành dược phẩm hoá sinh, với cả còn quen biết kha khá với đám người trên Hill và Penn Ave . Chưa đến một tháng chúng tôi đã có một nguyên mẫu hiệu quả và sau vài ngày là đã có một bản đề xuất được viết ra chỉnh tề. Đánh đến lỗ gôn thứ mười tám thì xung quanh ai nấy bắt tay nhau hết. 

--------

PV: Thế còn FDA thì sao?

--------

Trời đất, anh nói nghiêm túc đấy à? Hồi đó FDA là một trong những tổ chức thiếu hụt vốn và được quản lý vớ vẩn nhất nước. Chắc họ vẫn còn đang đập tay ăn mừng sau khi loại được chất nhuộm đỏ số hai  ra khỏi kẹo M&M. Thêm nữa, chính quyền thời đó thoáng nhất lịch sử Mỹ. J. P. Morgan và John D. Rockefeller mà sống lại chắc cũng thành fan cuồng của cái tay điều hành Nhà Trắng lúc bấy giờ. Nhân viên của hắn thậm chí còn không thèm đọc báo cáo đánh giá chi phí của chúng tôi. Tôi nghĩ chính họ cũng đang cần một viên đạn ma thuật. Trong vòng hai tháng họ cố dồn cho FDA phải thông qua nó. Anh còn nhớ bài phát biểu trước Quốc hội của tổng thống về việc nó đã được thử nghiệm ở Châu Âu một thời gian rồi và thứ duy nhất ngăn cản nó là “bộ máy quan liêu vênh váo" của chúng ta không? còn nhớ cái vụ “nhân dân không cần chính quyền vững mạnh, họ cần sự bảo vệ vững mạnh, và họ đang cần rất khẩn!” Lạy Chúa giáng sinh, tôi nghĩ cả nửa đất nước nghe mà té đái ra quần. Mức độ tín nhiệm của lão hôm đó tăng bao nhiêu nhỉ, 60 phần trăm, 70? Tôi chỉ biết rằng riêng ngày đầu thôi mức IPO của chúng tôi tăng 389 phần trăm! Đỡ đi, Baidu chấm-com! 

--------

PV: Và ông không biết liệu nó có công hiệu hay không à? 

--------

Chúng tôi biết nó có công hiệu với virút dại, và đó là những gì họ đã nói, đúng không? Đây chỉ là một chủng virút dại rừng kì lạ nào đó. 

--------

PV: Ai nói vậy cơ? 

--------

Thì anh biết đấy, “họ,” chẳng hạn như… Liên Hiệp Quốc hay là… ai đó đó. Mọi người cuối cùng đều gọi nó là thế đúng không? "Bệnh dại Châu Phi.” 

--------

PV: Nó đã từng được thử nghiệm trên nạn nhân thật bao giờ chưa? 

--------

Tại sao? Mọi người toàn đi tiêm phòng cúm mặc dù chẳng biết là có đúng chủng hay không nữa. Chuyện này thì khác gì?

--------

PV: Nhưng mức thiệt hại… 

--------

Ai biết được nó lại phát triển nghiêm trọng đến thế? Anh biết thừa mấy kiểu hoảng loạn vì bệnh dịch như thế này nhiều đến cỡ nào mà. Lạy Chúa, nghe mà tưởng dịch hạch cứ ba tháng lại bùng phát khắp toàn cầu… sốt rét, SARS, cúm gia cầm. Anh có biết người ta kiếm chác được bao nhiêu nhờ mấy vụ hoảng loạn đấy không? Mẹ kiếp, tôi lần đầu kiếm tiền triệu nhờ mấy viên thuốc chống phóng xạ vô dụng trong đợt mọi người còn đang hãi bom bẩn.

--------

PV: Nhưng nếu có ai phát hiện ra…

--------

Phát hiện ra cái gì? Chúng tôi chưa bao giờ nói dối, anh hiểu chứ? Họ bảo chúng tôi đó là virút dại, vậy là chúng tôi chế vắcxin phòng dại. Chúng tôi nói nó được thử nghiệm ở Châu Âu và phương thuốc chúng tôi dựa vào đó để bào chế cũng đã được thử nghiệm ở Châu Âu. Trên lý thuyết, chúng tôi không nói dối. Trên lý thuyết, chúng tôi không làm gì sai trái cả.

--------

PV: Nhưng nếu có ai phát hiện ra đó không phải bệnh dại… 

--------

Ai sẽ đứng ra hô hoán đây? Giới y sĩ? Chúng tôi đã đảm bảo rằng đây là thuốc kê theo đơn nên dám bác sĩ cũng có nhiều thứ để mất ngang ngửa chúng tôi. Còn ai nữa nào? bọn FDA, bên đã cho phép nó thông hành? Lũ thượng nghị sĩ đã bầu cho nó được thông qua? Các phẫu thuật viên? Nhà Trắng? Đây là tình thế thua không được! Ai cũng trở thành anh hùng, ai cũng kiếm được tiền. Sáu tháng sau khi Phalanx được đưa ra thị trường, anh bắt đầu bắt gặp mấy loại hàng ăn theo rẻ hơn, toàn nhà bán lẻ uy tín với cả mấy thứ đồ phụ kiện khác, chẳng hạn như máy lọc không khí.

--------

PV: Nhưng virút này đâu có lây lan qua không khí.

--------

Kệ chứ! Vẫn cùng thương hiệu! “Do Nhà sản xuất của…” Tôi chỉ việc nói là “Có thể ngăn chặn phần nào lây nhiễm do virút.” Có thế thôi! Giờ tôi đã hiểu tại sao hồi trước trong mấy nhà hát đông đúc người ta cấm kêu cháy. Người ta sẽ không nói “Ê, tôi không thấy có mùi khói, có cháy thật không đấy,” không, họ sẽ nói rằng “Ôi mẹ kiếp, có cháy! CHẠY ĐI!” [Cười.] Tôi kiếm bộn tiền nhờ bán máy lọc trong nhà, máy lọc trong xe; món đắt hàng nhất của tôi là là cái thứ của khỉ nhỏ nhỏ gì đó anh đeo quanh cổ khi lên máy bay! Tôi chả hiểu liệu nó có thể lọc được cỏ phấn hoa không, nhưng nó bán chạy

Mọi việc tiến triển tốt đến mức tôi bắt đầu lập ra những công ty ma để thực thi kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất dọc đất nước, anh hiểu chứ? Lượng lợi nhuận mấy công ty bù nhìn này kiếm được cũng không kém gì hàng thật. Giờ thậm chí nó không còn là khái niệm về sự an toàn nữa, nó là khái niệm của khái niệm của sự an toàn! Còn nhớ cái hồi Mỹ mới bắt đầu có mấy ca bệnh, có cái tay ở Florida nói hắn bị cắn nhưng nhờ có Phalanx mà sống sót không? HỠI ÔI! [Ông ta đứng lên, làm động tác dị hợm.] Cho dù hắn có là ai thì cũng mong Chúa ban phước cho cái thằng não bã đậu đó.

--------

PV: Nhưng đó đâu phải do Phalanx. Thuốc của ông có bảo vệ được ai đâu.

--------

Nó bảo vệ họ khỏi nỗi sợ hãi. Tôi chỉ bán cái đó thôi. Nhờ có Phalanx, ngành thuốc hoá sinh bắt đầu phục hồi, thị trường chứng khoán nhờ đó mà đã khởi động trở lại, rồi từ đấy mà nó tạo ra cảm tưởng là kinh tế đang phục hồi, dẫn đến việc người tuêu dùng bắt đầu tự tin trở lại và kích thích kinh tế phục hồi thật sự! Phalanx đã một tay chấm dứt suy thoái kinh tế. Tôi… chính tôi đã chấm dứt cuộc suy thoái! 

--------

PV: Rồi sau đó thì sao? Khi các trận bùng phát trở nên nghiêm trọng hơn và báo giới cuối cùng cũng đã bắt đầu loan tin rằng chả có phương thuốc nhiệm màu nào hết thì thế nào?

--------

Mẹ kiếp, quá đúng! Cái con mụ khốn kiếp tên là cái quái gì đó đầu têu đưa tin phải đem đi xử bắn! Nhìn thử xem mụ ấy đã làm gì! Đẩy hết cả lũ vào thế kẹt! Chính mụ ta làm mọi thứ bầy hầy ra! Chính mụ ta đã gây ra Cuộc Đại Loạn! 

--------

PV: Và ông không chịu bất kì trách nhiệm cá nhân nào?

--------

Trách nhiệm cho cái gì? Cho việc kiếm tí xu còm à, còn lâu [cười]. Tôi chỉ làm điều mà ai nấy đều làm. Tôi theo đuổi giấc mơ và tôi đã lĩnh phần của mình. Nếu anh muốn trách ai thì hãy trách cái người đầu tiên gọi nó là bệnh dại, hay những người biết nó không phải bệnh dại mà vẫn bật đèn xanh cho chúng tôi. Mẹ kiếp, nếu anh muốn trách ai, sao không bắt đầu với lũ cừu sẵn sàng xì tiền ra mà không chịu điều tra tử tế. Tôi không hề dí súng vào đầu họ. Chính họ tự lựa chọn. Họ mới là kẻ xấu chứ không phải tôi. Tôi chưa bao giờ trực tiếp làm hại ai, và nếu có ai đủ ngu để tự làm mình bị hại thì tội nghiệp quá kia. Tất nhiên…

Nếu địa ngục có thực… [ông ta vừa nói vừa cười]… tôi chẳng muốn biết có bao nhiêu tay đần độn như vậy đang chờ tôi dưới đó đâu. Tôi chỉ hy vọng chẳng thằng nào muốn được hoàn tiền.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.