Chuyển đến nội dung chính

Seventy-Two Letters - một tác phẩm vừa thú vị, vừa gây khó chịu trong Stories of Your Life and Others

Trong cái bài về việc các cộng đồng tranh vẽ đang rục rịch sửa luật để cấm tranh AI hồi trưa, mình có đề cập đến Seventy-Two Letters, một truyện ngắn trong tuyển tập Stories of Your Life and Others của Ted Chiang. Tình cờ thì đây lại là câu chuyện đặc biệt nhất trong toàn bộ cái tuyển tập đó, bởi lẽ xét về một mặt, đây là tác phẩm hấp dẫn thứ nhì của cả cái quyển này (sau thằng Story of Your Life); nhưng mặt khác, đây cũng là tác phẩm dễ gây ức chế nhất trong cả tuyển tập.


Như đã nói trong cái bài hồi trưa, Seventy-Two Letters được sáng tác dựa trên ý tưởng ma thuật tạo golem là có thật, và nó được phát triển dưới dạng một ngành khoa học gần tương tự như lập trình. Ý tưởng đó được Ted Chiang phát triển lên một cách rất hấp dẫn, với một mạch cốt chính trong truyện xoay quanh việc có người phát minh ra được một mẫu golem tân tiến, có khả năng tự động hóa nghề đúc golem, khiến cho công đoàn thợ đúc sợ hãi mất mật vì họ nhận thấy nếu mẫu golem này mà được đưa vào sử dụng đại trà, cả đám nhà bọn họ sẽ mất việc hết.

Nếu đọc phần mô tả đó, hẳn anh em sẽ nghĩ Seventy-Two Letters là một sự tái hình dung mang màu sắc SFF của phong trào Luddite trong giai đoạn đầu thế kỷ 19 ở Anh, khi cách mạng công nghiệp đã vào guồng và thợ thủ công bị máy móc thay thế hết, còn các chủ xưởng nghề thì không còn đủ sức cạnh tranh với các nhà máy xí nghiệp với quy trình sản xuất quy mô lớn. Và nghĩ như mọi người kể cũng không sai. Truyện cũng đã dành một thời lượng đáng kể cho việc nhà phát minh ra con golem kia phải tìm cách đưa cái mẫu golem mới của mình vào sản xuất, trong khi hội thợ tìm cách ngáng bước anh này.

Nhưng vấn đề là các mạch cốt Luddite đấy lại phải chen chúc cạnh tranh với một loạt mạch cốt cũng chính khác. Trong khi câu chuyện chỉ có vỏn vẹn 60 trang.

Ngoài việc chém về cách mạng công nghiệp phiên bản golem, Ted Chiang còn đã nhồi tận 3 cái mạch cốt khác vào trong Seventy-Two Letters. Chúng nó bao gồm:

Một mạch liên quan đến sự tàn vong của con người, và cách các nhà khoa học danh pháp (anh em nào quên rồi thì hãy đọc lại cái bài hồi chiều này để biết thêm về danh pháp: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/09/ai-luddism-va-truyen-ngan-seventy-two.html) phải tìm cách vận dụng danh gọi vào cho sinh vật sống.

Một mạch liên quan đến chính trị giai cấp và cách một số người định dùng công nghệ danh pháp cho một mục đích khá bỉ ổi, cũng như nỗ lực ngấm ngầm ngăn chặn âm mưu đó của một vài nhà khoa học danh pháp.

Một mạch về cách cộng đồng tôn giáo phản ứng với cách danh pháp, thứ vốn là một hoạt động để biết thêm về Chúa, bị biến thành một ngành khoa học, và một nhùng nhằng về đạo đức tiềm tàng mà cái thanh niên phát minh ra mẫu golem mới phải đối mặt.

Cả 3 cái mạch kể trên đều thú vị chẳng kém gì mạch Luddite, và các đưa đẩy của Chiang cũng khiến mình cực kỳ tò mò muốn theo dõi hồi kết của chúng nó. Nhưng khốn nạn thay, để thực sự khai phá hết tiềm năng của bọn nó, mỗi mạch đều cần phải được đầu tư một lượng thời gian đáng kể, trong khi bọn chúng nó chia bình quân ra chỉ có tầm 15 trang mỗi thằng, và ông tác giả đã rất lóng ngóng trong việc chốt lại một cách trọn vẹn tất cả. Đến cuối cùng, rốt cuộc chỉ có 2 mạch liên quan đến tương lai loài người và chính trị giai cấp là còn nhìn thấy hồi kết (và kết của bọn này cũng mang tính ám chỉ thôi chứ không có gì cụ thể cả), trong khi mạch Luddite với mạch tôn giáo bị bỏ ngỏ. Tất cả những gì Chiang làm với 2 cái mạch đấy là để cho nhân vật vượt qua một cái thử thách bước đầu, xong rồi… chẳng gì nữa cả. Cái tiềm năng đảo lộn xã hội của con golem vẫn còn nguyên đấy, và xung đột cốt lõi với công đoàn thợ vẫn chưa được giải quyết; mạch tôn giáo thì mới chỉ giải quyết xong được với một cá nhân, trong khi cái vấn đề cốt lõi của pháp danh và tôn giáo vẫn còn nằm sờ sờ ở đấy, chưa kể cái kiểu Chiang “giải quyết” cá nhân kia lại còn rất dễ có khả năng sẽ khiến xung đột với cộng đồng tôn giáo càng thêm mạnh mẽ.

Khi đọc xong cái mẩu truyện này, và lúc đã hoàn hồn sau màn ngỡ ngàng trước việc cái kết của nó lại có thể đột ngột đến vậy, mình bắt đầu nhận thấy chính ra Seventy-Two Letters đáng lẽ nên được làm thành một series truyện ngắn. 4 cái mạch cốt Chiang tạo ra hoàn toàn có thể đứng tách biệt nhau và trở thành một câu chuyện riêng rẽ, đầy đủ mở thân kết, với mỗi thằng giới thiệu ta đến với một khía cạnh riêng của cái thế giới này, đồng thời giải quyết một vấn đề nhức nhối trong bọn nó. 4 thằng này cũng có sự tăng tiến và phát triển dựa vào nhau nhất định, thế nên sẽ có thể dễ dàng xâu chuỗi lại với nhau thành một mạch phát triển bao quát, đưa đẩy ta đi qua các xung đột nảy sinh từ nhau và với quy mô ngày một lớn dần, để rồi chốt lại với một cái kết giải cứu nhân loại rất mỹ mãn.

Nhưng khổ cái là Chiang xem chừng chỉ muốn làm đến đâu dứt điểm đến đấy luôn, chứ không có nhu cầu nối tiếp series hay gì cả. Thế nên rốt cuộc, ta có một cái truyện ngắn bé tí, nơi các mạch cốt đáng lẽ rất thú vị phải đứng chen chúc, không có đất để bung hết khả năng của mình. Quả là đáng tiếc mà.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.