Chuyển đến nội dung chính

The Sparrow, Skyrim, và Hội chứng Chấn thương Cưỡng bức

 Mấy bữa nay mình có dành thời gian đọc lại quyển The Sparrow một tí, bởi vì dù thấy hơi khó chịu với cái kiểu drama lòng vòng của nó, mình vẫn cảm thấy quyển này nếu biết nhảy cóc các đoạn cần nhảy thì sẽ thấy hay hơn. Trong quá trình đọc lại này, mình chợt để ý thấy một đề tài The Sparrow vốn dĩ đã ngấm ngầm khắc họa một cách rất chân thực ngay từ đầu rồi, nhưng nếu không biết trước cái kết thì sẽ hơi khó nhận ra. Đề tài ấy là Hội chứng Chấn thương Cưỡng bức.


Trong trường hợp anh em chưa biết, Hội chứng Chấn thương Cưỡng bức (tức Rape Trauma Syndrome, từ giờ gọi tắt là RTS) là một dạng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (tức PTSD) thường thấy ở các nạn nhân bị xâm hại tình dục. Cũng như phiên bản PTSD rộng của nó, RTS có liên quan đến các biến động nghiêm trọng về tâm lý và cảm xúc sau khi một vụ việc gây căng thẳng tột độ đối với tâm thần (cụ thể ở đây là xâm hại tình dục), từ đấy dẫn đến một loạt thay đổi về hành vi, nếp nghĩ, và thậm chí thể chất mà người ngoài có thể quan sát thấy được.

Cũng như các chứng bệnh tâm lý khác, các bệnh nhân RTS không phải ai cũng giống ai, mà mỗi người có thể sẽ có những biểu hiện riêng. Tuy nhiên, các bệnh nhân RTS nhìn chung sẽ trải qua 3 giai đoạn chính, bao gồm giai đoạn cấp tính, giai đoạn điều chỉnh bên ngoài và giai đoạn tái bình thường.

Cấp tính là giai đoạn xảy ra ngay sau khi nạn nhân bị xâm hại. Trong giai đoạn này, nạn nhân hoặc sẽ có những biểu hiện rất mạnh mẽ (lên cơn kích động, cuồng loạn, khóc lóc, lo âu nghiêm trọng,…), hoặc ghìm bản thân lại (hành động như thể không có gì xảy ra và mọi chuyện đều bình thường), hoặc sốc đến đờ người (khó tập trung, không đưa ra được quyết định, gặp rắc rối với các công việc hàng ngày, suy giảm trí nhớ,…).

Điều chỉnh bên ngoài là lúc nạn nhân xem chừng đã bình phục rồi, nhưng kỳ thực vẫn còn phải chịu đựng những chấn thương tâm lý rất nặng nề, và nó vẫn thể hiện ra ngoài thông qua các triệu chứng như sức khỏe suy giảm không rõ lý do, trở nên hoang tưởng quá đà, tâm trạng thay đổi xoành xoạch, mất ngủ, hoảng loạn đột ngột,…

Tái bình thường là khi nạn nhân thực sự đối mặt với những gì đã xảy ra cũng như cách dư âm của nó đang tàn phá cuộc đời mình, và nỗ lực tìm cách để nó không còn chi phối cuộc đời mình nữa. Nếu thành công ở bước này, vụ việc dần sẽ được coi như một ký ức đau buồn bình thường, chứ không đến mức gây choáng ngợp hoặc rối loạn mỗi khi nạn nhân nhớ lại nó. Các triệu chứng tâm lý và thể xác sẽ dần được giảm bớt, và các hành vi tiêu cực nhằm kiểm soát các hệ lụy kia sẽ dần được giải quyết.

Trong The Sparrow, ta có một nhân vật phải tên là Cha Emilio Sandoz. Thanh niên này là người duy nhất sống sót trong một chuyến thám hiểm lên hành tinh là Rakhat, và ông này đã bị bán làm nô lệ tình dục cho một nhà thơ người ngoài hành tinh. Tên nhà thơ kia đã cưỡng bức Sandoz suốt một thời gian rất dài, và thậm chí còn mời cả bạn bè đến trải nghiệm “cảm giác lạ” với Sandoz. Vụ việc này phải đến tít tận cuối tác phẩm mới được hé lộ, thế nên suốt gần như toàn bộ cuốn sách, ta chỉ thấy một Sandoz tàn tạ. Ông ta bị hàng loạt vấn đề về thể chất và tâm lý, trong đó bao gồm mất ngủ nghiêm trọng, liên tục bị ác mộng, tâm trạng sớm nắng chiều mưa, sợ bị để trong các không gian kín, sợ bị nhiều người vây quanh, đờ đẫn thẫn thờ, cứ tìm cách tự hành hạ thể xác,…

Vì lúc ban đầu, chúng ta cũng như xã hội của tác phẩm chỉ biết rằng ông này được tìm thấy tại một nơi tương tự nhà thổ, và trong thể trạng rất yếu ớt. Điều này khiến tất cả đều ngỡ tưởng ông anh chỉ bị PTSD thuần túy, căng thẳng tâm lý sau khi phải bán mình để sinh tồn trên miền đất khắc nghiệt. Việc Sandoz cứ câm như hến, dứt khoát không chịu đối mặt với những gì đã xảy ra hay bàn luận gì về nó hết chỉ được coi như việc thanh niên cảm thấy xấu hổ trước những việc thấp hèn mình làm.

Tuy nhiên, một khi đã biết sự thật về những gì xảy ra tại Rakhat, ta sẽ thấy đây không chỉ là PTSD. Các rối loạn về tâm lý và thể xác mà Sandoz đang trải qua cực kỳ khớp với giai đoạn hai của RTS, và việc Sandoz từ chối giải thích thêm về các sự kiện ở Rakhat, ngay cả khi làm vậy sẽ cứu vớt được danh dự mình, cũng là một trong những phương pháp đối phó với căng thẳng rất thường gặp ở các nạn nhân RTS. Kết hợp với thực tế rằng RTS vốn hay bị nhầm với PTSD, đặc biệt nếu nạn nhân cứ im ỉm chẳng giãi bày gì hết, chưa kể còn các miêu tả về giai đoạn một và giai đoạn ba (hay ít nhất là bước khởi đầu của giai đoạn ba) sau khi chân tướng vụ việc được hé lộ, ta sẽ thấy The Sparrow đã lột tả hết sức sinh động trải nghiệm của một người bị xâm hại tình dục.

Cách xâm hại tình dục được mô tả trong The Sparrow làm mình nhớ đến một tác phẩm khác cũng từng động đến đề tài ấy, và cũng theo một kiểu ngầm tương tự, có điều nó là Fantasy chứ không phải Sci Fi. Thanh niên đó là Skyrim, một tựa game trong series The Elder Scrolls.

Trong Skyrim, cụ thể hơn là cái DLC (anh em nào không biết thì cứ hiểu DLC là phần mở rộng thêm của game đi) Dawnguard của nó, ta được giới thiệu đến với một nhân vật tên là Serana. Cái cô này là một ma cà rồng thuần huyết, và trong quá trình mạch cốt của game diễn ra, Serana dần hình thành một mối quan hệ khá thân thiết với The Dragonborn (tức người chơi), và The Dragonborn thậm chí còn có thể cầu hôn Serana. Tuy nhiên, Serana sẽ luôn nhẹ nhàng từ chối. Lời thoại của Serana cho thấy vấn đề không phải là cô không có tình cảm với The Dragonborn, mà là một yếu tố bên ngoài khác. Theo lời Serana, nguyên do một phần là cô cảm thấy không thoải mái khi vào đền làm lễ vì cô là ma cà rồng, một phần là cô không muốn kết hôn vì không muốn trở thành như cha mẹ mình.

Mấy lý do Serana đưa ra đều hợp lý cả, và nếu không chú tâm lắm thì người chơi phần đông sẽ chấp nhận hết chúng nó. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu thêm về các thông tin nền của Skyrim, ta sẽ thấy có một nguyên nhân tiềm tàng nữa khiến Serana hết sức ngần ngại trước việc cưới xin.

Số là trong Skyrim, có hai vị thần tên là Molag Bal và Arkay, vốn chẳng ưa gì nhau cả. Vì Arkay là vị thần cai quản chu kỳ sinh tử, Molag Ball quyết định phỉ nhổ vào mặt Arkay bằng cách thực hiện một hành động gây ô uế cả sự sống lẫn cái chết. Hắn đã bắt cóc một người phụ nữ và cưỡng bức cô ta suốt một thời gian dài, gây ra cho cô những vết thương rất nặng nề. Molag Bal về cơ bản đã sử dụng cơ chế tạo ra sự sống mới để đẩy con người ta đến gần cõi chết hơn, từ đấy bôi nhọ cả hai thứ linh thiêng do Arkay cai quản, đồng thời tự kiếm cho mình một tước danh rất rùng rợn: Vua Cưỡng Bức.

Chưa hết, Molag Bal còn muốn làm nhục Arkay ở một cấp sâu hơn. Hắn nhỏ một giọt máu của mình lên trán người phụ nữ xấu số kia, và từ đó yểm một lời nguyền cực mạnh lên cô, xong cứ bỏ mặc cô đấy. Lúc bộ tộc của người phụ nữ này phát hiện ra cô, và đã tìm cách chữa chạy cho cô nhưng không thành. Rốt cuộc, cô gái kia chết đi, và người dân bộ tộc mang cô đi hỏa táng. Nhưng ngay khi ngọn lửa chạm đến người cô, cô gái ấy hồi sinh, nhưng không còn là người nữa. Cô đã trở thành một con ma cà rồng thuần huyết đầu tiên trên đời, một thứ không phải là xác chết mà cũng chẳng phải là người sống, một tạo vật quái thai nằm ngoài chu kỳ Sự sống và Cái chết, một lời xúc phạm nặng nề đối với Arkay.

Ok, vậy mớ này liên quan gì đến Serana?

Hãy nhớ rằng Serana là một ma cà rồng thuần huyết. Không giống với ma cà rồng thường, chủng ma cà rồng này chỉ có thể ra đời nhờ tai Molag Bal. Ai muốn trở thành ma cà rồng thuần huyết thuần huyết sẽ phải trải qua một nghi lễ rất tàn khốc với hắn, và nếu sống qua được thì sẽ trở thành một thứ quái thai như vậy. Serana không tả kỹ cái buổi lễ đó là sao, nhưng cô có nói những người trải qua nó sẽ phải “hiến thân” cho Molag Bal, kẻ được mệnh danh là Vua Cưỡng Bức. Cô cũng ám chỉ rằng nghi lễ này mang tính “hạ phẩm giá” rất cao, để lại những thương tổn rất tàn khốc. Bên cạnh đó, khi đến gần bàn thờ của Molag Bal, Serana sẽ quỳ sụp xuống và giơ tay lên ôm lấy đầu.

Từ những tình tiết ấy, ta có thể luận ra rằng rất có thể nghi lễ ấy là một màn tái hiện lại sự kiện với cô gái tội nghiệp đầu tiên từng bị Molag Bal biến thành ma cà rồng. Nạn nhân sẽ bị Molag Bal cưỡng bức đến gần chết, sau đó được nhỏ máu lên đầu để linh hồn nạn nhân có cơ hội rời ra khỏi vòng tuần hoàn sinh tử của Arkay, từ đó trở thành ma cà rồng thuần chủng. Với một nghi lễ như thế, khả năng rất cao nạn nhân sẽ mắc RTS. Tình cờ thì một trong các triệu chứng của RTS giai đoạn hai là gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ mới, đặc biệt nếu nó có liên quan đến tình dục. Bên cạnh đó, nạn nhân RTS cũng có thể cố gắng tảng lờ và khỏa lấp cái sự kiện kia đi, coi nó như không tồn tại hoặc không phải là nguyên nhân sâu xa cho các hành động của mình.

Và nếu Serana quả đúng đã trải qua một chuyện như vậy, có lẽ cũng chẳng có gì là lạ khi cô không thể chấp nhận lời cầu hôn của The Dragonborn được.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.