Chuyển đến nội dung chính

The Plagues of Egypt và cách lịch sử bị nén lại để tạo thành huyền thoại

 Đợt dạo này tình hình Mỹ quả thật nghe mà thấy như bịa: n̶ộ̶i̶ ̶c̶h̶i̶ế̶n̶ biểu tình ôn hòa bùng nổ giữa lúc đang có đại dịch hoành hành, và rồi đúng hôm kỷ niệm ngày độc lập thì lại có nguyệt thực, chẳng khác nào một lời hứa hẹn về tương lai trước mắt.

Vụ này làm mình nhớ lại một cái giai thoại rất nổi tiếng khác cũng với mô típ họa đơn họa kép như thế, ấy là The Plagues of Egypt.


Nếu từng xem bộ phim The Prince of Egypt thì anh em hẳn đã biết đây là gì rồi. Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, The Plagues of Egypt (dịch ra là Các Đại họa của Ai Cập) là một điển tích trong Kinh Exodus (Sách Xuất Hành), có liên quan đến cuộc di cư khỏi Ai Cập của dân tộc Israel. The Plagues of Egypt là mười thảm họa mà Chúa của người dân Israel giáng xuống đầu Ai Cập nhằm ép Pharaoh phải trả tự do cho những nô lệ Israel. Mười tai họa đó bao gồm:

1. Máu: nước sông Nile trở nên đỏ như máu, khiến cá tôm chết hết và người dân Ai Cập không có nước uống.

2. Ếch: một bầy đàn ếch sẽ từ sông Nile ùa ra, bao phủ mọi tấc đất và lọt vào mọi ngôi nhà, kể cả điện của Pharaoh.

3. Rận: rận sẽ lan tràn khắp Ai Cập, tấn công cả người lẫn gia súc.

4. Thú hoang/ruồi: tùy phiên bản mà sẽ có người bảo là thảm họa tiếp theo là thú hoang hoặc là ruồi, nhưng tóm lại là sẽ có thêm một bầy đàn nào đó xuất hiện, gây tổn hại nặng về người và của.

5. Dịch hại: một chứng bệnh quái dị sẽ lây lan trên diện rộng, giết chết gần như mọi loại gia súc của người Ai Cập.

6. Ung nhọt: mụn nhọt đau đớn sẽ nổi lên trên khắp thân thể cả người lẫn động vật ở Ai Cập.

7. Mưa đá: mưa đá trút xuống khắp toàn lãnh thổ Ai Cập, phá hoại hoa màu và giết chết mọi loài gia súc cũng như người không có nơi trú ẩn.

8. Châu chấu: một bầy châu chấu đông đặc sẽ phủ kín mặt đất, ăn hết mọi thứ cây trồng sống sót sau trận mưa đá.

9. Bóng tối: bóng tối bao trùm toàn bộ Ai Cập trong suốt ba ngày, khiến người dân Ai Cập thậm chí còn chẳng thể nhìn thấy mặt nhau.

10. Con trai trưởng: tất cả những đứa con đầu lòng của người Ai Cập (cùng với cả con đầu đám gia súc sinh ra) sẽ đều lăn ra chết, khiến cả Ai Cập chìm trong kêu khóc.

Dù là một giai thoại tôn giáo, The Plagues of Egypt vẫn được không ít nhà khoa học ngày nay nghi là có nền tảng lịch sử thật. Gần như mọi thảm họa đều có thể được giải thích là hệ quả của một thiên tai nào đó, tình cờ xảy ra gần sát nhau hoặc trong một thời gian dài nhưng về sau đã được dân gian tô vẽ thêm và “nén” lại. Sông máu có thể là do tảo đỏ gây ra, và nó khiến bọn ếch phải rời sông hàng loạt do không sống được dưới đấy nữa. Đám ếch lên cạn rồi chết đi khiến côn trùng bùng nổ do không bị thiên địch kiểm soát và khiến dịch bệnh lan tràn, lây từ động vật sang người. Mưa đá với châu chấu thì đều là những hiện tượng tự nhiên năm nào cũng có. Bóng tối có thể là do núi lửa phun, khiến bui che kín bầu trời. Con trưởng cùng gia súc đầu có thể đã bị đem đi hiến tế để mong thần thánh tha mạng, hoặc chỉ đơn giản là những đứa lớn phải nhường phần ăn cho đứa bé nên dễ chết hơn.

Anh em có thể thấy The Plagues of Egypt có cực kỳ nhiều điểm tương đồng với tình hình ở Mỹ hiện tại. Đôi bên cùng chịu một loạt thảm họa nối đuôi nhau, nghe khó tin đến mức chẳng khác nào hiện tượng siêu nhiên cả. Chúng ta may mắn một điều là đang được sống trong một kỷ nguyên của khoa học, khi con người không còn mê tín dị đoan (mấy) nữa và lịch sử được ghi chép lại rất chi tiết chứ không còn qua truyền miệng nữa, thế nên khả năng thế hệ sau phải nghe một phiên bản bóp méo và sặc mùi thần thoại của câu chuyện thời nay là rất thấp.

Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ đúng chừng nào nền văn minh con người còn tồn tại. Không ai có thể nói trước chuyện gì sẽ xảy ra sau vài ngàn năm nữa, hay thậm chí chỉ vài trăm năm nữa thôi. Bản chất con người là rất dễ tin vào những trò ma mị, và một khi các thế hệ cũ đều đã chết hết, khi chẳng còn ai nhớ về thế giới cũ hoặc biết cách diễn giải những thông tin mà nền văn minh hồi trước để lại về lịch sử của mình, thì sự tái trỗi dậy của tôn giáo nhằm diễn giải thế giới cũng như lịch sử gần như sẽ không thể tránh khổi. Khi ấy thì không gì đảm bảo được rằng những sự việc diễn ra ngày hôm nay lại không trở thành một The Plagues of America mới.

Các tác phẩm SFF ăn hơn thế giới thực của chúng ta một điều là chúng nó không cần đợi điều ấy xảy ra, mà hoàn toàn có thể tự tạo dựng những phiên bản “giả lập” để chiêm nghiệm về hiện tượng này. Ở Sci Fi thì có Foundation làm đại diện, với sau khi Đế chế Thiên hà suy tàn thì khoa học bị biến thể thành một thứ tôn giáo nhằm kiểm soát dân chúng. Fantasy thì có bộ tiểu thuyết The Wheel of Time với những truyền thuyết nghe na ná thế giới hiện đại của chúng ta đến lạ, có điều diễn giải qua góc nhìn siêu nhiên hơn. Mình từng có một bài cụ thể hơn về mô típ bóp méo lịch sử mà các tác phẩm SFF rất hay tận dụng, nếu quan tâm thì anh em có thể đọc thêm ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/bop-meo-lich-su-cach-sff-tao-nen-huyen.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.