Chuyển đến nội dung chính

Dandelion vs Jaskier - hai lối dịch thuật thú vị trong Witcher

 Bữa nay trong một group khác, mình tình cờ bắt được cái bài như bên dưới của một bạn vừa đọc Witcher sau khi xem series, và đã cảm thấy rất bất bình khi phát hiện ra bản phim đã đổi tên một nhân vật chứ không giữ tên như bản gốc.


Mỗi tội cái tên của phim mới là tên gốc, còn quyển sách ông anh đọc thì chẳng phải là bản gốc 🐧.

Như mình đã nói trong cái bài phân tích về Witcher với Thuật sĩ (anh em nào chưa biết thì đọc full ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/witcher-tho-san-quai-vat-va-thuat-si.html), Witcher dưới cái dạng chúng ta biết kỳ thực chỉ là một bản dịch. Witcher gốc là một series của Ba Lan, và lúc dịch sang tiếng Anh, đã có một số thứ phải được chỉnh lại cho phù hợp với ngôn ngữ/văn hóa đích. Trong số những thứ bị đổi, có cái biệt danh Dandelion của anh hát rong hay đi đó đi đây cùng Geralt.

Trong bản gốc, Dandelion kỳ thực được gọi là Jaskier. Đây là một từ tiếng Ba Lan, dùng để chỉ hoa mao lương, tức “buttercup” nếu dịch thẳng sang tiếng Anh. Vấn đề là đối với dân nói tiếng Anh, Buttercup nghe rất nữ tính, chưa kể nó từng một thời còn là từ lóng mà giới đồng tính nam hay dùng để chim nhau, hoặc đàn ông thẳng dùng để miệt thị người đồng tính. Nó ngày nay đã không còn được dùng nữa, một phần vì cái thuật ngữ đấy đã xưa lắm rồi, một phần vì đồng tính luyến ái đã ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn có người biết về cái hàm ý kia của nó, chưa kể cái từ đấy vẫn còn nguyên cái tính ẻo lả nữa.



Nếu dịch Jaskier thành Buttercup, nó sẽ khiến cho Jaskier nghe nữ tính đi so với bản gốc, và mối quan hệ giữa Geralt và Jaskier như mang thêm một tầng nghĩa mới không có trong bản gốc. Anh em cứ tưởng tượng để Jaskier là Buttercup thì cứ mỗi lần Geralt xướng tên của Jaskier lên, nó sẽ từa tựa tiếng gọi “Đằng ấy ơi!” vậy. Chính vì thế, có hai con đường để đảm bảo người đọc không bị hiểu lầm: một là để nguyên cái biệt danh đấy, coi nó như một cái tên riêng (kiếu Tí với Tèo); hai là dịch nó ra bằng một từ khác, sao cho truyền đạt được sát nhất dụng ý của tác giả.

Và bản chuyển thể của Netflix với bản dịch của truyện đại diện cho hai con đường đấy. Phim giữ nguyên cái tên Jaskier, còn truyện thì thay cái tên đấy bằng cái tên Dandelion (tức “bồ công anh”).

Về việc đâu là phương án hay hơn thì cái này khá khó nói. Bản phim ăn hơn bản truyện ở chỗ nó là thằng trung thành nhất với tác phẩm gốc về mặt câu chữ, bê nguyên cách gọi tên của bản tiếng Ba Lan về, và xét trên một khía cạnh nhất định, ta có thể nói bản phim mang “hơi thở” Ba Lan cao hơn. Nhưng bản truyện lại nhỉnh hơn bản phim ở điểm cái tên của nó có ý nghĩa hẳn hoi, và từ đấy khơi dậy ở người đọc bản tiếng Anh một trải nghiệm tương đồng với trải nghiệm của người đọc bản tiếng Ba Lan khi nhìn vào cái tên này. Ngay cả việc cách dịch nào là chuẩn nhất cũng rất khó phân định. Jaskier thì “chuẩn” dưới dạng nó là câu chữ tác giả đã viết, không lệch một ly, nhưng lại vô nghĩa trong ngôn ngữ đích chứ không truyền tải ý nghĩa như bản gốc. Dandelion thì “chuẩn” dưới dạng nó có ý nghĩa hẳn hoi, nhưng cái nghĩa của nó trên lý thuyết lại sai với cái tên gốc.

Vụ hai cái tên trên là một ví dụ về sự khác biệt cũng như những mặt lợi/hại của hai phương pháp dịch thuật cơ bản, ấy là dịch vay mượn (borrowing technique) và dịch thoát ý (adaptation technique). Thằng vay mượn thì bốc nguyên từ vựng của ngôn ngữ gốc để thả vào ngôn ngữ đích, đảm bảo thông tin được truyền đạt chính xác hết mức có thể. Thằng thoát ý thì nhét chữ vào mồm tác giả theo đúng nghĩa đen, sửa nội dung gốc sao cho phù hợp và dễ hiểu về mặt văn hóa đối với độc giả. Anh em nào quan tâm đến dịch thuật có thể tìm hiểu thêm về chúng nó ở đây nhé: https://www.interproinc.com/blog/translation-techniques.

Cá nhân mà nói, mình thấy cái từ Dandelion chính ra nghe hợp lý hơn Jaskier ấy chứ, bởi vì Dandelion là một thằng “dandy” (công tử bột/bảnh chọe) mà 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.