Chuyển đến nội dung chính

Review Orconomics của J. Zachary Pike


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑

7.0/10

TL;DR

Một campaign Dungeons & Dragons, với DM là một ông cử nhân quản trị kinh doanh.

GIỚI THIỆU CHUNG

Orconomics là một tiểu thuyết Quest Fantasy, được J. Zachary Pike tự xuất bản hồi năm 2014. Đây là cuốn đầu tiên trong một series có tên The Dark Profit Saga, và theo dự kiến thì nó sẽ bao gồm 3 phần như sau:

  1. Orconomics
  2. Son of a Liche
  3. Dragonfired

Trong số này thì mới chỉ có 2 cuốn Orconomics và Son of a Liche là đã được xuất bản, còn Dragonfired, cuốn cuối cùng của series thì được dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 9 năm nay. Ngoài 3 cuốn này ra thì series còn một số truyện phụ lẻ tẻ khác, mở rộng cho truyện chính hoặc giải thích thêm về thế giới của series. Tuy nhiên, vì cá nhân mình chưa đọc cuốn nào khác của bộ truyện, cái review này sẽ chỉ xoay quanh quyển đầu.

Về nội dung thì Orconomics xoay quanh hành trình của một nhân vật tên Gorm Ingerson. Đây là một gã người lùn từng một thời rất có số có má trong giới anh hùng đi làm quest chuyên nghiệp, gần như không ai không biết tiếng. Nhưng rồi một ngày nọ, Gorm cùng đồng đội lại lỡ nhận một cái quest nguy hiểm không ai ngờ. Kết cục của cái quest thảm họa ấy là gần như toàn bộ nhóm của Gorm chết không vẹn thây, còn bản thân Gorm thì may mắn sống sót nhờ cắm đầu bỏ chạy, kệ hết anh em bạn bè để cứu lấy mạng mình. Kể từ sau cái quest đấy, cuộc đời Gorm tuột dốc không phanh. Gã bị tước giấy phép làm quest, gia đình họ hàng thì từ mặt, còn hiệp hội anh hùng thì liệt gã vào dạng thành phần bất hảo, đến mức thò mặt vào các thị trấn đông đúc thôi cũng là một vấn đề với gã.

Tuy nhiên, Gorm không thể nào ngờ nổi rằng cuộc đời vốn đã thảm đấy của mình lại có thể thảm hơn được nữa. Vì nhỡ mủi lòng không phải lối, Gorm đã bị số phận xô đẩy cho lọt vào tay một kẻ mình bấy lâu kình mặt, và bị hắn ép phải nhận một cái quest đáng ngờ. Thế là giờ đây, Gorm phải nhập bọn với một anh tu sĩ ngáo ngơ, một cặp đôi pháp sư chỉ chực chờ lao vào xé xác nhau, một cô tiên sa cơ lỡ vận, một tay hát rong ngạo mạn, một người đồng đội cũ với khuynh hướng tự sát nghiêm trọng, và một con goblin vô dụng thậm chí còn không nói sõi tiếng người để hoàn thành một sứ mệnh không ai tin là có thật.

Trong khi ấy, ẩn đằng sau hậu trường, hàng loạt thế lực cùng bày ra đủ thứ mưu mô thâm hiểm, với những quân cờ chính là Gorm cùng mấy người đồng đội mới của gã…

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Orconomics có một cái cốt đi làm quest khá đơn giản và dễ theo dõi. Cụ thể, đây là một cái fetch quest, với các nhân vật được giao cho nhiệm vụ đi tìm một cái cục nợ nhất định, xong bê nó về để ăn thưởng. Và để làm được điều này, họ cứ thế dắt nhau đi từ điểm A đến điểm B, xong từ những gì thu thập được ở B mà lại tính tiếp sẽ đi đến C, D, E thế nào. Anh em nào mà từng chơi một cái game RPG tuyến tính bất kỳ thì về cơ bản đã biết cốt của nó là thế nào rồi đấy. Còn nếu quen với cái kiểu RPG thế giới mở thì cứ hình dung mọi người chỉ có đi làm main quest từ đầu đến cuối xong xóa game luôn, không đi làm side quest hay săn achievement phụ bên ngoài.

Nghe đến đây, anh em hẳn sẽ có cảm giác cái truyện này rất nhàm chán. Tuy nhiên, mọi người chớ vội coi khinh truyện này nhé. Dù cốt không chạy đi lung ta lung tung với có nhiều mạch riêng rẽ, nó vẫn có một số cái lắt léo rất thú vị. Ở mỗi một điểm đến luôn là một cái plot twist, to có nhỏ có, đẩy câu chuyện đi theo một hướng bất ngờ hoặc mở ra một phân cảnh đánh đấm hấp dẫn. Đặc biệt, như đã nói ở trên đấy, song song với cái quest chính mà đám nhân vật phải đi thực hiện là một cái âm mưu bí ẩn lớn hơn. Và theo đà tiến của cái cốt, anh em sẽ dần được mớm cho các manh mối mới để tìm hiểu thêm về cái âm mưu đấy, hoặc chứng kiến những diễn tiến lạ lùng khiến cho cái mưu mô này càng thêm thâm sâu hơn. Kết hợp với cái cách nhân vật trong này chính tà lẫn lộn (lát đến phần thế giới và nhân vật sẽ bàn kỹ hơn), anh em lắm lúc sẽ có cảm giác mình đang được đọc một cuốn trinh thám Noir, chỉ có điều tay thám tử bất mãn ở đây lại là một thằng lùn tịt, và cộng sự của gã là một con quái vật đã được thuần hóa.

Về tông giọng thì trong gần như toàn bộ truyện, tác giả duy trì một văn phong thoải mái, hài hước. Pike biết mình đang viết một cuốn truyện giải trí đơn thuần, thế nên ông anh không hề lên gân, mà chỉ đảm bảo làm sao người đọc có được một thời gian vui vẻ khi bước vào chuyến phiêu lưu của Gorm và đồng đội. Nhưng đồng thời, Pike cũng làm được một điều mà không phải tác giả viết truyện giải trí nào cũng làm được: ông anh rất biết ghìm mấy cái chớt nhả của mình lại mỗi khi cần thiết. Có những đoạn, truyện đề cập đến một số đề tài nghiêm túc hơn, và phần hài khi đấy được hạ hẳn xuống. Nó vẫn còn ngấm ngầm tồn tại thông qua bản chất của cái tính huống, nhưng không có cái kiểu vỗ mặt bôm bốp và phá thối cái thông điệp đang được truyển tải. Anh em sẽ thực sự thấy các vấn đề đặt ra, dù quả là rất lố bịch, lại là một thứ đáng suy nghĩ, chứ không chỉ là mấy trò cợt nhả ba xu.

Và cái kiểu văn phong hài đúng lúc đúng chỗ này cũng loang cả vào các phân cảnh hành động của truyện nữa. Trên đường đi làm quest, Gorm và đồng đội gặp rất nhiều quái với cướp, và lẽ đương nhiên là phải đánh đấm các kiểu rất cục súc. Trong những lúc như thế này, mặc dù cái sự hài hước thi thoảng vẫn ló đầu ra, nó không gây ảnh hưởng đến sự kịch tính của câu chuyện. Anh em sẽ thật sự cảm nhận được các nhân vật đang ở trong một tình thế nguy ngập, và bất cứ lúc nào thôi, ta cũng có thể sẽ phải chứng kiến một nhân vật bỏ mạng dưới tay lũ quái/cướp. Cái kiểu đánh đấm của các nhân vật cũng được miêu tả rất hấp dẫn, với mỗi người có một cái điểm mạnh điểm yếu riêng, và dần phải học cách phối hợp với nhau sao cho ăn ý, không thì cũng sẽ bị chính đồng đội cho xuống chầu Diêm Vương ngay.

Tuy nhiên, phần cốt của truyện cũng không phải là không có vấn đề. Cái thứ nhất nằm ở chính cái sự đơn giản của nó. Mặc dù đúng là có plot twist liên tục thật, nhưng gần như tất cả mấy cái pha bẻ lái của nó đều mang tính khá an toàn. Không lần nào nó làm cái gì đi quá xa công thức của cái dòng này. Nói cụ thể hơn, trừ phi cả đời chưa tiếp xúc với Fantasy dưới bất cứ dạng nào, hoặc thậm chí là chưa từng đọc một tác phẩm văn học giải trí nào, anh em sẽ khá dễ “bắt mạch” câu chuyện, có thể áng chừng là, “À, đoạn này kiểu gì nó cũng không phải là như thế, mà nó phải thế kia cơ,” hoặc, “Với cái kiểu như thế này thì chắc sắp tới sẽ có gì đấy kiểu kiểu thế này cho xem.” Tất cả những lần như thế, anh em sẽ đều áng được đúng cả, và chỉ cùng lắm là thấy bất ngờ về cái tiểu tiết mà thôi.

Cái vấn đề thứ hai là truyện dồn quá nhiều tâm sức đi làm giải trí, đến mức bỏ lỡ cái tiềm năng mà chính bản thân đã vạch ra. Như đã nói ở trên đấy, tác giả thỉnh thoảng lại lồng vào truyện một số đề tài sâu sắc. Mấy cái này không phải là cái gì quá mới, kiểu phân biệt chủng tộc giữa các giống loài khác nhau với lạm dụng quyền lực mà anh em hẳn đã thấy quá nhàm ở các tác phẩm Fantasy khác rồi thôi, nhưng chúng nó vẫn có đất để phát triển. Cơ mà ông tác giả không mấy khi đi thực sự xoáy sâu vào trong đấy, mà chỉ dừng ở mấy cái sơ sịa bên ngoài. Chúng nó vẫn được đầu tư đủ để câu chuyện không quá McDonald, nhưng cũng sẽ chẳng khiến anh em thấy có gì quá đáng nhớ cả.

Và phần cuối cùng là cái kết của nó. Phần kết đẩy các nhân vật vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng rốt cuộc lại giải quyết mọi thứ một cách khá chóng vánh. Tác giả không đến nỗi lôi Deus Ex Machina vào để giải quyết nút thắt đâu, vì mọi thứ cũng đều đã có nền tảng từ đầu hết trước khi được bung ra rồi, nhưng sự xuất hiện của nó cũng có phần khá là “tiện,” như kiểu giữa lúc đang bị Frieza đấm cho ra bã thì Goku đột ngột bật được Siêu Xayda cấp vô cực, xong quay lại đấm hộc cứt thằng Frieza trong một nốt nhạc ấy. Epic thì đúng là epic thật, vô lý thì cũng chẳng phải vô lý đâu, nhưng nó cứ… vô duyên thế nào ấy.

Bên cạnh đó, vì đây là cuốn 1 trong cả một cái trilogy, nó sẽ bỏ ngỏ mấy mạch cốt liền. Anh em đừng trông đợi sẽ có câu trả lời cho tất cả mọi thứ nhé, mà chỉ biết được kết cục của cái quest và một phần âm mưu kia thôi. Đây thực ra cũng không phải là một cái lỗi quá nghiêm trọng, vì đã là truyện bộ thì chẳng thể nào kỳ vọng người ta sẽ gói ghém gọn ghẽ mọi thứ được rồi. Nhưng mọi người cứ biết là quyển này sẽ hơi khó để đọc lẻ đấy nhé.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Thế giới của Orconomics nhìn chung không có gì quá sáng tạo. Đây cũng là cái thế giới Trung Cổ mượn hơi châu Âu, đú từ Tolkien mà ra. Goblin, người lùn, tiên, changling, paladin, phù thủy,… mọi thứ đều rập khuôn theo một cách không thể nào rập khuôn hơn được. Nói chung, anh em nào biết về D&D, hoặc hay đọc isekai, hoặc chỉ đơn thuần quen một tí với Fantasy là sẽ chẳng thấy lạ lẫm gì với cái kiểu của nó, bởi vì nó dùng cùng một cái template với đám đấy mà ra hết thôi.

Tuy nhiên, Orconomics đã giúp thi vị hóa cái sự nhàm chán của thế giới mình lên bằng một cách rất sáng tạo: nó lồng kinh tế vào với thế giới. Toàn bộ cái hoạt động đi quest của đám anh hùng được diễn giải một cách rất chi tiết dưới góc nhìn kinh doanh, với châu báu với xác quái các kiểu không chỉ đơn thuần đem về quẳng cho một ông bán hàng random nào đấy là xong. Trước khi đám người hùng lên đường đi quest, cái quest đấy phải có công ty nhận định giá với mua lại của nả, và công ty kia phải kiếm được cổ đông mua cổ phần trong cái mớ đồ loot. Bản thân đám anh hùng cũng hoạt động như kiểu freelancer, có dự án thì đến cày, xong rồi về phải báo cáo giấy tờ các kiểu để được duyệt lên level. Những đứa làm ăn hiệu quả thì sẽ được các agency săn đón, chào mời đến ký hợp đồng để họ lo liệu dàn xếp các quest mới mà “chạy sô.” Nói chung là anh em sẽ thấy mấy cái quest này như một dạng hoạt động của phố Wall, chứ không chỉ là mấy thằng du côn đi đập quái kiếm xèng bình thường.

Ngay cả cách cái thế giới này phản ứng với cái kiểu hành hiệp trượng nghĩa lấy tiền này cũng thú vị. Đám quái có loot khủng cũng là một dạng tài nguyên không tái tạo được, và việc chúng nó ngày một bị săn cạn khiến cho biên lợi nhuận từ việc đi làm quest ngày càng mỏng hơn, khiến các bên ngày một đau đầu với nó. Phía chính quyền thì muốn đánh thuế thẳng vào loot vì các loại thuế gián tiếp đến từ những dịch vụ liên quan đến đi quest khác ngày một suy giảm, còn cánh tài phiệt thì phải tìm cách tăng mức lợi nhuận để báo cáo với cổ đông và thuyết phục nhà nước không o ép quá.

Bản thân đám quái, ít nhất là những con có đầu óc một chút, cũng dần chuyển dịch cách kiếm ăn để ăn theo “ngành” anh hùng. Thay vì cứ cướp bóc dân thường các kiểu (và nguồn loot của bọn nó thực chất đến từ chính cái trò cướp bóc này), lũ quái chuyển sang đi xin một thứ giấy gọi là “noncombatant paper,” chứng minh mình không cướp giết gì cả. Đám xin được cái giấy đấy được gọi là “Noncombatant Paper Carriers,” (tức NPC), và chúng nó có thể kiếm việc làm lặt vặt trong các khu người với tiên ở. Cá biệt còn có một số đám tổ chức thành các cộng đồng làng nghề thủ công, chuyên sản xuất đồ cho các anh hùng xong dùng các chiêu trò marketing với branding để bán cho được giá.

Ngoài khoản kinh tế ra thì truyện cũng có một số cái về thần thoại sáng thế và tín ngưỡng của thế giới này khá nhộn, với các thánh thần kèn cựa tranh giành giáo dân với nhau, cũng như mấy cái lịch sử hình thành của các chủng loài nữa. Anh em đừng kỳ vọng sẽ có gì được đầu tư quá chi tiết nhé, nhưng nó cũng ít nhiều giúp cho thế giới của tác phẩm có phần sâu hơn một cuốn isekai trung bình.

NHÂN VẬT

Khoản nhân vật của Orconomics được làm chắc tay một cách đáng ngạc nhiên. Lúc mới đầu, khi được giới thiệu đến với các nhân vật, anh em sẽ thấy họ chỉ là những cái mô típ di động khá cliché. Tuy nhiên, càng về sau, dàn nhân vật đấy càng được phát triển lên rất ổn, với ai cũng có một cái quá khứ riêng, hoài bão riêng, và những tâm tư tình cảm riêng.

Đặc biệt thú vị là cái cách đội này tương tác với nhau. Rất nhiều thành phần ngay từ đầu đã khiến cho cả team như một cái thùng thuốc nổ rồi, nhưng dần về sau thì bắt đầu hình thành những mối quan hệ khăng khít hoặc thân thiện đến bất ngờ. Tiêu biểu ta có con goblin bị thằng người lùn xem như một cái cục nợ di động, nhưng về sau thì cặp đôi này gần như trở thành một dạng cha con với nhau, hoặc không thì cũng là chú cháu; ta có một thằng paladin ngời ngời lý tưởng, cứ đinh ninh mình là thủ lĩnh, và ai trong team cũng không ưa, nhưng dần đã hình thành một tình bạn rất tốt đẹp với một người khác, và thậm chí còn làm nhân vật đấy phải thay đổi thế giới quan; ta có một cặp phù thủy/pháp sư liên tục tìm cách giết nhau theo đúng nghĩa đen vì một mối hiềm khích trong quá khứ, nhưng dần học được cách tôn trọng sự khác biệt của nhau và thậm chí còn giúp nhau tiến bộ hẳn lên;…

Và trong số tất cả các nhân vật của truyện, đứa hấp dẫn nhất kỳ thực lại không phải là Gorm, nhân vật chính của chúng ta. Đó lại là Kaitha, một nàng tiên với vai trò xạ thủ của team. Thanh niên này được khắc họa dưới dạng một nhân vật khá bi kịch. Thanh niên lỡ dùng thuốc hồi HP nhiều quá, thế nên đâm ra nghiện cái thứ thuốc này, liên tục tìm cách cắt cứa bản thân xong nốc thuốc để tận hưởng cái cảm giác lâng lâng đê mê nó mang lại. Mặc dù nghe cái kiểu nghiện thuốc hồi HP thì hài thế thôi, nhưng Pike không hề coi đây như một trò đùa. Ông anh miêu tả nó theo một cái kiểu chân thực đến sởn gai ốc, khắc họa cách Kaitha vật vã vì thèm thuốc thế nào, và tuyệt vọng muốn dứt nó nhưng không cách nào cưỡng nổi cơn nghiện ra sao. Đồng chí cũng khắc họa cả cách cái sự nghiện ngập đấy đã hủy hoại sự nghiệp của Kaitha thế nào, và đẩy đồng chí đi từ một người hùng huyền thoại với agency riêng xuống thành ngấp nghé một kẻ vô gia cư đầu đường xó chợ ra sao. Anh em nào mà từng phải vật lộn với vấn đề nghiện kích thích và tìm cách cai, dù đó có là nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện game, hay nghiện cái gì đó nghiêm trọng hơn, hẳn sẽ thấy vô cùng đồng cảm với cái thanh niên tiên này.

Nhưng khốn nạn là như đã nói ở trên đấy, Pike muốn tập trung làm giải trí quá mạnh, thế nên cứ khi nào dính đến mấy cái theme sâu sắc là ông anh lại không thực sự khoét sâu xuống. Và cái đề tài nghiện ngập của Kaitha cũng rơi vào mảng này. Từ khoảng đầu truyện đến gần cuối truyện thì nó được triển khai rất tốt, tạo tiền đề cho nhiều xung đột và chiêm nghiệm thú vị, nhưng đến gần cuối thì bị giải quyết cái một bởi một giải pháp cực kỳ vô thưởng vô phạt, xong vứt hẳn sang một bên. Sự hiệu quả của cái “giải pháp” đấy khiến mình cực kỳ chưng hửng, bởi vì nó đi ngược hẳn với cái sự chân thực của việc nghiện mà Pike đã khắc họa từ đầu đến giờ. Có lẽ ông anh muốn dành đất để phát triển tiếp cái nét này ở những quyển sau, và giải pháp kia chỉ mang tính tạm thời, nhưng vì không có gì ám chỉ điều ấy, thế nên anh em sẽ thấy ở đoạn cuối Kaitha như cai được nghiện một cách quá đỗi thần kỳ.

Và ngoài ra, ta cũng còn một vấn đề nữa là có mấy nhân vật gần như không được truyện động đến mấy. Tỉ như trong team của Gorm, ta còn có một thằng bard với cái quá khứ mờ ám, và có một thằng kiểu barbarian câm trông rõ là muốn tự tử. Hai thanh niên này gần như không được phát triển gì mấy, và ta chỉ biết được so sơ một tí về cái quá khứ của họ, và thấy họ hình thành một dạng ganh đua ngầm, chứ ngoài đó ra chẳng có gì cả. Đặt họ cạnh những người như Kaitha, anh em sẽ thấy có một sự lệch pha không hề nhẹ.

TỔNG KẾT

Orconomics gợi cho mình nhớ rất nhiều đến các bộ phim Marvel thời đầu, hồi chúng nó còn phải tự chứng minh năng lực bản thân chứ không thể dựa hơi cái thương hiệu khổng lồ như bây giờ. Cụ thể, nó là một câu chuyện hành động giải trí khá công thức, với phong thái bỡn cợt hài hước. Tuy nhiên, nó không bao giờ làm lố cái phần hài đến mức biến mình thành một dạng gala cười nhảm nhí, mà luôn biết những lúc nào cần nghiêm túc, lúc nào cần đùa giỡn. Sẽ chẳng có chuyện nó đi vào lịch sử SFF nói chung hay Fantasy nói riêng đâu, nhưng nếu cần thứ gì nhẹ nhàng để giết thời gian, Orconomics sẽ không phải là một lựa chọn tồi chút nào.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.