Chuyển đến nội dung chính

The Open Conspiracy, kiểm soát sinh sản, và Seventy-Two Letters

 Trong cái bài về quyển The Open Conspiracy hồi trưa, mình có đề cập đến việc cái xã hội hoàn hảo mà H. G. Wells muốn tạo dựng ra là một cái Utopia mang đậm nét Dystopia, bởi vì một số thứ Wells đề xuất nghe khá lạnh gáy, mặc dù chúng vẫn có thể coi là lôgic. Một trong những thứ đó là chuyện kiểm soát dân số.

Trong quyển này, Wells liên tục nhắc đến chuyện sinh để và sức ép dân số, cũng như những vấn đề ta sẽ có thể giải quyết được nếu kiểm soát mấy yếu tố này thông qua các biện pháp khoa học, kinh tế, xã hội,… Điều Wells muốn không chỉ là kiềm chế hoặc gia tăng tổng dân số một cách bình thường, mà ông anh muốn tinh chỉnh cả sự sinh đẻ của từng giai cấp người/chủng tộc cụ thể sao cho ích lợi của cộng đồng nói chung có thể được tối ưu hóa. Quyết định lợi ích cộng đồng sẽ là một mạng lưới chính quyền phi tập trung, phi dân chủ, dựa trên những xuất bản và chỉ trích quy củ mang tính khoa học.

Về cơ bản, Wells đang ủng hộ việc giao quyền định đoạt chuyện sinh sản của dân chúng vào tay một tầng lớp tinh hoa ngầm, nhằm phục vụ một cái đại sự cũng do tầng lớp ấy quyết định. Xét chuẩn ra, điều này cũng không đến nỗi vô lý, nhưng đồng thời, nó cũng là một sự xâm phạm khá nghiêm trọng đối với quyền tự do cá nhân, và là cả một cơn ác mộng về mặt đạo đức, ít nhất là theo như quan niệm về đạo đức của ta ngày nay.

Tình cờ thì cách đây không lâu, mình có giới thiệu với anh em về một tác phẩm Sci Fi cũng động đến một chuyện gần như giống vấn đề trên như đúc. Nó là truyện ngắn Seventy-Two Letters của Ted Chiang.

Trong cái bài phân tích về truyện đó hồi hôm trước, mình có đề cập đến việc truyện này có rất nhiều mạch cốt chồng chéo lên nhau. Trong số đó, có một mạch xoay quanh việc các danh pháp gia (tức các nhà khoa học trong thế giới của truyện) phát hiện ra rằng con người sẽ trở nên vô sinh nội trong vài thế hệ nữa, và họ phải cắm đầu vào tìm cách giải quyết chuyện này.

Anh em đọc bài phân tích về truyện hồi trước ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/09/seventy-two-letters-mot-tac-pham-vua.html

Rốt cuộc, các danh pháp gia đã phát triển được một phương pháp cho phép nhân loại kéo dài sự tồn vong của mình. Có điều phương pháp này không phải là một liều thuốc trị vô sinh vĩnh viễn, mà giống với một thủ thuật thụ tinh nhân tạo hơn. Cụ thể, sau khi loài người đã trở nên vô sinh, nếu ai muốn có con thì sẽ phải đến nhờ các danh pháp gia tạo thai cho mình, và đẻ xong thì họ vẫn vô sinh như cũ. Ngay cả đứa con được đẻ ra cũng sẽ vô sinh như bố mẹ nó, và nếu nó muốn đẻ con tiếp thì lại phải đến cầu cạnh các danh pháp gia.

Chính từ đây, một nhà quý tộc tham gia vào dự án nghiên cứu trị vô sinh này đã nảy ra một ý tưởng mới: dùng biện pháp vừa phát minh ra để kiểm soát dân số. Trong một cuộc tranh luận lôgic đến lạnh gáy, nhà quý tộc này đã lập luận rằng một xã hội muốn vững mạnh thì cần phải cân đối được số lượng các thành viên thuộc tầng lớp tinh hoa và các thành viên thuộc tầng lớp thấp kém. Để đảm bảo không tạo ra gánh nặng cho xã hội, giới tinh hoa sẽ cân nhắc chỉ cho một lượng người nhất định tiếp cận với phương pháp ấy, để đảm bảo sĩ số dân thường không vượt một ngưỡng do họ quy định. Nhưng nếu lượng dân đen tụt xuống mức thấp quá, họ sẽ tăng cường để nhiều người được sinh con đẻ cái hơn, để đảm bảo lực lượng lao động cho xã hội.

Nếu hình dung của nhà quý tộc kia thành sự thật, dân đen sẽ bị tước mất một quyền hết sức căn bản. Khả năng duy trì dòng dõi của họ sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào một nhóm người nhỏ, những người chỉ quan tâm đến một cái đại cuộc không nhất thiết sẽ có lợi cho họ. Kể cả nếu điều này có thể giúp gầy dựng lên một xã hội hoàn hảo, liệu đạp lên những con người thấp cổ bé họng như thế có phải là chuyện nên làm hay không?

Đáng tiếc một điều là Seventy-Two Letters không thực sự xoáy sâu hẳn vào trong cái cuộc bàn luận này. Mạch cốt này có một cái kết tương đối tử tế so với các mạch cốt khác đấy, nhưng xung đột nảy sinh từ dự định của nhà quý tộc kia lại được giải quyết theo một kiểu nặng về kỹ thuật, chứ không phải thông qua những cân nhắc lợi hại về xã hội và tranh luận về đạo đức. Dẫu thế, Seventy-Two Letters vẫn đưa ra được một minh họa thú vị, dù có hơi thô hơn tí, cho cái kiểu kiểm soát dân số mà Wells đề xuất trong The Open Conspiracy. Nếu có định đọc The Open Conspiracy, anh em rất nên đọc thử Seventy-Two Letters liền sau nó nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.