Chuyển đến nội dung chính

Trái Đất sẽ trông ra sao khi được một nền văn minh lạ quan sát

 Bài về chuyên gia vật lý hạt kiêm người ủng hộ ra định cư ngoài vũ trụ Gerard O’Neil hồi chiều, mình tự dưng lại nhớ đến một bài báo khoa học hồi năm ngoái, xoay quanh việc Trái Đất sẽ trông như thế nào trong lăng kính viễn vọng của một nền văn minh lạ.


Như trong bài báo có nói, tính đến nay, chúng ta đã quan sát được hơn 4.000 ngoại hành tinh (tức các hành tinh quay quanh những vì sao không phải Mặt Trời). Tuy nhiên, vì quan sát là con đường hai chiều, thế nên nếu chúng ta có thể nhìn thấy các ngoại hành tinh quay quanh những ngôi sao xa xôi, thì cũng không loại trừ khả năng một nền văn minh nào đó sẽ có thể nhìn ngược lại được ngôi sao “xa” mang tên Mặt Trời, và từ đó có thể còn thấy được Trái Đất nữa.

Trường hợp này đã được Joshua Pepper, một nhà thiên văn học tại Đại học Lehigh, và Lisa Kaltenegger, giám đốc Viện Carl Sagan tại Đại học Cornell, tính đến. Thế là sử dụng dữ liệu từ ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) và Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh của NASA (TESS), họ đã lập một danh sách các ngoại hành tinh có tiềm năng quan sát được Trái Đất. Tiêu chí lọc chính của họ là các ngoại hành tinh ấy phải có quỹ đạo khớp với chuyển động của Trái Đất quanh Mặt trời, cho phép một người quan sát đứng trên nó quan sát được Trái Đất lướt qua trước mặt Mặt Trời (với “mặt” ở đây là phần mặt sao hướng về phía ngoại hành tinh kia). Ngoài đó ra, cặp đôi kia còn giới hạn bản thân chỉ tìm kiếm các hành tinh nằm trong pham vi 330 năm ánh sáng đổ lại, và loại bớt một số ngôi sao không có nhiều dữ liệu. Rốt cuộc, họ đã xác định được 5 ngoại hành tinh đủ gần Trái Đất để các nhà thiên văn học ngoài hành tinh có thể nhìn thấy được chúng ta.

Nếu coi những người trên các hành tinh đó sở hữu công nghệ tương đương chúng ta, hình ảnh họ thu được về Trái Đất trông sẽ không mấy ấn tượng. Thay vì thấy một “viên bi” xanh, Trái Đất sẽ chỉ như một đốm đen nhỏ lướt ngang Mặt Trời. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đấy là những thông tin duy nhất họ sẽ thu lượm được về chúng ta. Thông qua cách Trái Đất làm mờ ánh sáng Mặt Trời, các nhà thiên văn ngoài hành tinh sẽ có thể ước tính được độ to của Trái Đất, tốc độ quay quanh Mặt Trời của nó (tức tính được độ dài một năm của ta), và thậm chí cả độ đặc của hành tinh (tức biết chúng ta có phải là một hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc không, hay về cơ bản là một cục đá rắn).

Bên cạnh đó, khi Trái Đất lướt qua phía trước Mặt Trời, các nhà thiên văn học có thể rút ra một số kết luận về bầu khí quyển của chúng ta. Nguyên do là bởi khi ánh sáng một ngôi sao chiếu qua bầu khí quyển của một hành tinh, nó sẽ biến đổi đi một tí, về cơ bản là được “in” dấu ấn phân tử của các chất khí có trong bầu khí quyển. Các nhà thiên văn học có thể giải mã chỗ thông tin đó, và từ đấy áng được bầu khí quyển của chúng ta bao gồm những loại khí gì. Nếu thấy trên này có nồng độ tương đối cao ôxi, mêtan, cácbon, cùng một số khí thường gắn liền với sự tồn tại của các dạng thức sống sinh học (giả sử khái niệm về sự sống của họ cũng tương đương chung ta), họ sẽ đoán được rằng hành tinh của chúng ta có sự sống, hoặc ít nhất là có tiềm năng hỗ trợ sự sống.

Ngoài ra, còn một thứ khác có thể “quan sát” được ở Trái Đất, ấy là các tín hiệu điện từ phi tự nhiên, chẳng hạn như sóng vô tuyến. Nếu các nhà thiên văn ngoài hành tinh sở hữu một đài quan sát sóng vô tuyến, họ sẽ thấy Trái Đất “ồn” hơn mức bình thường. Kết hợp với việc hành tinh có các loại khí như kia, kèo gần như rất chắc chắn là họ sẽ nhân ra Trái Đất có người ở.

Giờ vấn đề còn lại của họ sẽ là làm gì với cái thông tin ấy thôi. 

Mỗi tội đến đoạn này thì không thấy Pepper và Kaltenegger nói tiếp 🐧.

Hy vọng không ai gửi sophon đến phá hoại các máy gia tốc hạt của chúng ta 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.