Chuyển đến nội dung chính

Cách một bài báo về Culture Pass cho thấy manga vẫn còn là một loại hình media bị kỳ thị

 Bữa nay mình mới bắt được một bài báo khá hay, kể về một dự án nhằm khuyến khích giới trẻ tăng cường tiếp xúc với nghệ thuật của chính phủ Pháp

Mỗi tội phần tít bài này hình như do nhà páo chứ không phải nhà báo đặt 🐧.


Trước tiên bàn kỹ hơn về cái sự ngu xuẩn của phần tít, mình sẽ điểm qua một số thông tin nền cái đã.

Cụ thể là hồi tháng 5 vừa rồi, Bộ Văn Hoá Pháp chính thức ra mắt một cái app gọi là Culture Pass. Tất cả những người dưới tuổi vị thành niên đều có thể đăng ký cái app này, và vào đúng sinh nhật năm 18 tuổi, họ sẽ được biếu 300 Euro (xấp xỉ 1 triệu VND) vào trong tài khoản của app, có thời hạn sử dụng trong vòng 24 tháng. Thông qua app đấy, người dùng có thể sử dụng số tiền được tặng để mua và trải nghiệm một loạt các sản phẩm văn hóa địa phương, bao gồm sách, vé xem triển lãm, hòa nhạc, tham quan bảo tàng, xem phim, lớp học nghệ thuật, họa cụ,… Nói chung là ở Pháp có cái gì dính đến văn hóa, cái app này sẽ cho đặt hết. App đã thu hút được gần 1 triệu thanh niên Pháp đăng ký sử dụng, và đã mang lại một số kết quả khá tích cực. Nhờ có nó, rất nhiều cơ sở buôn bán văn hóa phẩm hoặc hoạt động nghệ thuật nhỏ lẻ đã thu hút được sự chú ý của khách hàng trẻ tuổi, một điều vốn trước nay chẳng mấy dễ dàng. 

Tuy nhiên, Bộ đã bị một phen chưng hửng khi thấy khoản tiền này chủ yếu được giới trẻ Pháp sử dụng để tiếp tục tiêu thụ các mặt hàng văn hóa và nghệ thuật mang tính đại chúng quen thuộc, với trong số đó thì quá nửa là manga.

Nếu Culture Pass chỉ nhằm khuyến khích giới trẻ tiếp cận với văn hóa thôi thì đáng lẽ đã chẳng bị ai dị nghị gì, bởi lẽ văn hóa đại chúng thì nó vẫn cứ là văn hóa. Tuy nhiên, cái chết là mục đích của Culture Pass lại chọn lọc hơn hẳn thế. Theo lời Noël Corbin, quan chức bộ văn hóa chịu trách nhiệm quản lý dự án Culture Pass, mục đích chính của nó là khuyến khích thanh thiếu niên tìm đến với các loại hình nghệ thuật mới mẻ và thách thức, đưa họ đi khám phá các khía cạnh ít được lưu tâm đến hơn của văn hóa.

Chính vì đã nói rõ mục tiêu như vậy nên dự án hiện đang bị khá nhiều người chỉ trích. Họ cảm thấy nếu đã muốn hướng người trẻ vào những kênh như vậy thì Bộ đáng nhẽ phải có nhiều biện pháp giới hạn hơn đối với các loại hình văn hóa phẩm mà app cho phép dùng tiền để mua. Chơi kiểu “thả rông” như hiện tại thì lẽ đương nhiên là giới trẻ sẽ tìm đến với những thứ quen thuộc với họ, vốn dĩ chẳng cần ai giới thiệu thêm cũng tự biết đến. Chính bởi thế, xét trên phương diện mục tiêu đã đề ra, cái dự án này trở thành một sự lãng phí tiền thuế của dân.

Ok, giờ bàn về cái tít ngu si của nó.

Với lối dùng từ của dòng tít, ông nhà páo này về cơ bản đã tách biệt truyện tranh (cụ thể ở trong bài chỉ rõ ra là manga) ra khỏi phạm trù văn hóa, tình cờ hoặc hữu ý bảo rằng mọi thứ được trình bày dưới dạng loại hình media này là một thể loại thấp kém phế phẩm, không xứng đáng được cho là “văn hóa.”

Cái quả tít này nếu chỉ đọc một mình thôi đã thấy ngáo không thể tả rồi. Không phủ nhận là truyện tranh sở hữu một diện mạo rất đặc sản so với các loại hình khác như phim ảnh hay sách truyện chữ; tuy nhiên, cũng như mọi loại hình khác, truyện tranh chỉ đơn thuần là một hình thức truyền tải ý tưởng, không hơn không kém. Ý tưởng mà truyện tranh chứa đựng hoàn toàn có thể thể hiện phong tục tập quán, đức tin, lý tưởng, phong cách nghệ thuật, các tầng ý nghĩa cả đen lẫn bóng, những câu chuyện phúng dụ và đậm chất biểu tượng,… tất cả mọi thứ cấu thành khái niệm văn hóa. Nếu bảo chỉ vì những yếu tố văn hóa này được truyền tải thông qua mấy cô nàng mắt to hơi quá lố so với cơ thể mà giá trị của nó bị hao hụt hay trở nên thấp kém hơn, thế thì cũng chẳng khác gì bảo nước đựng trong bát sẽ kém tinh khiết hơn nước đựng trong cốc. Điều ấy nghe hết sức ngớ ngẩn, và nó chẳng thể hiện được điều gì ngoài việc bản thân người viết rất thiếu hiểu biết về khái niệm văn hóa cũng như những gì mà loại hình truyện tranh có thể làm được.

Ngoài ra, cái dòng tít này còn ngu ở một cái tầng khác nữa, ấy là nó bóp lệch hẳn ý của chính bản thân tác giả. Như đã nói ở trên đấy, bài báo phân tích rất cân bằng cả mặt bất cập lẫn những thành công của Culture Pass, và có đưa ra một số thông tin rất thú vị về thị trường văn hóa ở Pháp. Đặc biệt, phần nội dung của bài nói cực kỳ rõ ràng rằng bản thân việc giới trẻ chuộng manga cũng như các thứ mang tính đại chúng hơn không phải là  vấn đề; vấn đề chỉ là nó đi lệch với mục đích đề ra của Bộ, và các chỉ trích đối với nó cũng chỉ xoáy vào đúng phần đấy. Trên lý thuyết, cái dòng tít không đưa thông tin gì sai sự thật so với nôi dung cả, nhưng vấn đề là nó vứt bỏ hoàn toàn mọi ý tinh tế mà phần nội dung bài đề cập đến, bẻ lái câu chuyện sang thành một phạm trù khác.

Nhìn chung là quả tít này thực sự rất ngứa thịt. Nó thể hiện rằng truyện tranh ngày nay vẫn còn bị nhìn nhận dưới con mắt phân biệt khá năng nề, và báo đài chính thống vẫn có thể đánh vào sự phân biệt đấy để câu view cho bản thân. Nhìn vào số kiếp công dân hạng hai của cái loại hình nghệ thuật này mà lại nhớ đến thân phận cái làng SFF nhà ta, thứ cho đến tận bây giờ vẫn hay bị rất nhiều thành phần với cái mũi song song với trời khinh mạn sút ra ngoài rìa, coi chúng nó không phải là vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ, chỉ đơn thuần bởi bọn nó toàn cho nhân vật ca thán sự đời trên tàu vũ trụ hoặc lưng rồng thay vì làm đúng cái điều ấy bên con sông Thames hay cái chốn cũ mèm nào đó.

Chờ cái ngày b̵ố̵n̵ ̵đ̵ứ̵a̵ ̵c̵o̵n̵ ̵n̵h̵ỏ̵ ̵c̵ủ̵a̵ ̵t̵ô̵i̵ mọi dòng văn cũng như loại hình media không còn bị đánh giá bởi m̵à̵u̵ ̵d̵a̵ mã ngoài, mà là bởi bản chất của chính mình chắc hãy còn lâu lắm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.