Trong clip về cách phép thuật có thể thay đổi bộ mặt của chiến tranh mình share hôm trước, có nguyên một đoạn đề cập đến cách sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang bùng nổ. Một bên sẽ cố gắng cải thiện và tìm các cách vận dụng sáng tạo bùa phép tấn công, một bên sẽ nỗ lực phát triển và ứng dụng bùa phép phòng thủ để ứng phó trước nó.
Vụ đó làm mình nhớ đến một clip khác từng xem, cũng xoay quanh một cuộc “chạy đua vũ trang” khác. Chỉ có điều thay vì là chạy đua phát triển bùa phép, nó là chạy đua phát triển khoa học. Clip đấy chính là clip “tán dương” tầm quan trọng của ngụy khoa học do nhà vật lý học người Đức Sabine Hossenfelder thực hiện bên dưới.
Có khá nhiều cách để định nghĩa về ngụy khoa học, và bản thân giới học giả cũng chẳng thống nhất được với nhau phải thế nào mới đủ tiêu chí để bị liệt vào cái hạng mục đấy. Đặc biệt lằng nhằng là nhiều thuyết ngày nay đã được cộng đồng khoa học chính thống chấp nhận là khoa học kỳ thực từng có thời bị coi là ngụy khoa học (chẳng hạn như thuyết vi khuẩn hay lục địa trôi dạt) do thiếu bằng chứng và công cụ quan sát, và có những thứ từng có thời được nhân loại coi là khoa học song về sau lại trở thành ngụy khoa học (chẳng hạn chiêm tinh học và giả kim học). Trong giới hạn của clip, Sabine quy định ngụy khoa học là những thuyết được rêu rao là khoa học song lại mâu thuẫn với bằng chứng thực nghiệm hoặc quan sát, có điều lại được các “fan cuồng” tin vào bằng cách phủ nhận bằng chứng hoặc phủ nhận bản thân phương pháp khoa học, hoặc có thể chỉ đơn thuần là vì họ không biết đến sự tồn tại của hai thứ gọi là bằng chứng với phương pháp khoa học.
Với cái định nghĩa trên, Sabine khẳng định rằng ngụy khoa học là một sản phẩm phụ không thể tách rời của khoa học. Và mặc dù ngụy khoa học và những người tin vào nó rất hay gây cản trở bước tiến của khoa học, chính cái sự “ngáng đường” ấy lại là một đặc tính hữu ích của nó. Vì sao ư? Bởi vì nó ép khoa học phải không ngừng sàng lọc ra những thằng như thế và đá đít nó đi, và chính trong quá trình này mà đã có cơ hội cải thiện các công cụ của mình.
Ví dụ như hồi thế kỷ 18, ta có một thanh niên gọi là Franz Mesmer. Mesmer tuyên bố rằng lan tỏa khắp vũ trụ, bao gồm cả bên trong cơ thể con người, là một dạng dịch siêu mỏng. Khi dòng chảy của chất lỏng này bị chặn, không lọt vào cơ thể được, con người sẽ trở nên ốm yếu. Chất lỏng ấy có từ tính, và nếu thiên hạ “từ hóa” bản thân, họ sẽ có thể khơi thông cái chất đấy.
Một số nhà khoa học thời ấy cảm thấy thuyết của Mesmer rất khó ngửi, và đã tìm cách chứng minh nó là sai lệch. Trong số này, nổi trội nhất có Benjamin Franklin và Antoine Lavoisier. Họ nghĩ ra một chiêu thế này: bịt mắt một nhóm bệnh nhân lại, và bảo với một số người rằng họ sẽ được điều trị bằng phương pháp của Mesmer, nhưng sau đó không làm gì cả; những người khác thì sẽ được điều trị bằng phương pháp Mesmer, nhưng không được nói cho biết.
Sau khi tiến hành thí nghiệm, Franklin và Lavoisier phát hiện ra rằng nhóm người được bảo sẽ được điều trị tự nhiên cảm thấy khá hơn (dù chẳng nhận được gì cả), còn nhóm người không được bảo gì vẫn thấy ốm yếu như cũ (dù đã được điều trị). Vậy tức là tác động của cái phương pháp Mesmer không liên quan đến việc điều trị thực tế, mà liên quan đến niềm tin của người bệnh. Phương pháp này về sau được gọi là nghiên cứu mù đơn, và nó hiện vẫn được áp dụng trong y dược.
Có rất nhiều ví dụ khác tương tự như ví dụ trên. Fredrich Wilhelm von Hoven từng cải tiến nghiên cứu mù đơn, tạo ra một phương pháp mới gọi là nghiên cứu mù đôi (cả người làm thí nghiệm lẫn đối tượng bị thí nghiệm đều không biết thứ thuốc mình sử dụng là gì) để bác bỏ cái món nhảm nhí mang tên vi lượng đồng căn. Charles Richet ứng dụng đánh giá thống kê (so sánh kết quả với cơ hội ngẫu nhiên) để kiểm tra khả năng thần giao cách cảm. Karl Popper thì đã đề ra tiêu chí phản nghiệm để chứng tỏ rằng phân tâm học của Freud không phải là khoa học tử tế… Có đến hàng chục người đã và đang mài sắc các vũ khí kiểm chứng của khoa học, và hòn đá mài họ sử dụng chính là ngụy khoa học. Nó không để khoa học bằng lòng với bản thân, mà phải luôn tự cải thiện, ngày một tìm ra các phương pháp tinh vi hơn để bắt kịp và loại bỏ nó.
Bởi vì khoa học lắm khi đòi hỏi con người ta phải “ăn ốc nói mò,” chém lý thuyết trước xong mới kiếm bằng chứng, hoặc có khi phải ngồi chờ công nghệ phát triển đến một mức nhất định mới có bằng chứng để kiểm nghiệm, chắc chắn sẽ còn rất nhiều thứ nghe có vẻ khoa học nhưng thực chất không phải mọc ra trong tương lai. Nhu cầu sàng lọc các thuyết sai ra khỏi thuyết đúng sẽ không bao giờ hết, và thật “may mắn” là ta đã có ngụy khoa học giúp mình rèn trước các kỹ năng cần thiết để làm việc đó rồi.
Mặc dù tất nhiên, giúp mài giũa kỹ năng là một chuyện, chửi nó thì vẫn cứ chửi như thường thôi 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓