Vì Nhã Nam đã phát hành Dune rồi, mấy bữa nay lượn đi thấy dân tình bàn về nó khá rôm rả. Trong số này, một trong những khía cạnh hay được lôi ra bàn là cách Dune có một kiểu nửa tương lai nửa quá khứ, vừa có công nghệ tàu bè rất cao, vừa toàn quý tộc rút kiếm chém nhau rất cổ hủ.
Vụ đấy gợi cho mình nhớ đến một cái clip từng xem do Shadiversity thực hiện, xoay quanh việc phép thuật sẽ được áp dụng ra sao trong chiến tranh quy mô lớn, cũng như nó sẽ thay đổi cục diện chiến trường thế nào.
Cụ thể thì trong clip, Shad có bàn đến việc độ phổ biến của phép thuật sẽ mang tính quyết định đối với chiến trường trông ra làm sao. Trong trường hợp nó quá phổ thông, với một bộ phận lớn người dân đều làm được một phép thuật tấn công đơn giản nào đó, chẳng hạn phóng cầu lửa, kiểu chiến tranh thiên hạ thực hiện về cơ bản sẽ cực sát với thời hiện đại, kể cả nếu thế giới bấy giờ có công nghệ nền cũng như văn hóa tương đương mức Trung Cổ.
Sở dĩ có sự lệch thời như vậy vì việc đến bần nông cũng phóng được cầu lửa đồng nghĩa với các lãnh chúa có thể tập hợp được nguyên một đội lính trang bị “súng ống” hiện đại. Trong trường hợp mấy quả cầu lửa có diện tích ảnh hưởng nhỏ, chỉ hạ được một mục tiêu chứ không loang được ra rộng, nó sẽ chẳng khác nào súng trường. Nếu chỗ cầu lửa đấy mà nổ loang được, chúng nó sẽ sẽ chẳng khác nào đạn súng cối hoặc thậm chí đạn pháo. Dù gì thì gì, khiên và áo giáp (ít nhất loại một thế giới Trung Cổ chế được với công nghệ bản thân nắm giữ) sẽ chỉ tổ ghì chân lính tráng chứ chẳng giúp ích được gì, và sẽ bị vứt bỏ. Thương giáo với kiếm kiếc các kiểu cũng sẽ chịu chung số phận nốt, ngày một bị hạn chế sử dụng, và có khi còn chỉ được mang theo cho các sĩ quan chỉ huy cầm tượng trưng thôi.
Ngoài ra, với kiểu “pháo binh” và “lính súng trường” nhan nhản khắp nơi như thế, kiểu chiến thuật lùa quân xông vào đấm nhau truyền thống cũng sẽ bị loại bỏ nốt. Chẳng ai dại gì dàn quân theo đội hình và đi nghênh ngang cho pháo nó giã hết, mà sẽ phải đào chiến hào để nấp. Trong trường hợp có tiến hành tấn công, cũng sẽ không có chuyện đội hình đơn vị được dàn thành các “khối” như thời Trung Cổ, mà sẽ phải dàn ra thật xa nhau để đỡ chết chùm, triển thành các nhóm nhỏ linh động để tấn công tạt sườn các kiểu, hoặc nếu có tràn lên chiếm chiến hào bên kia thì cũng sẽ ngắt nghỉ rất thất thường, chạy hồng hộc qua “no man land” để đến một chỗ nấp, bắn trả, sau đó lại cắm cổ chạy như điên trước khi pháo nổ. Thế là giờ đây, ta đã có một thế giới pha tạp rất quái gở: trông thì rõ là dân Trung Cổ, nhưng chiến trường thì lại chẳng khác nào Thế Chiến I. Tuy nhiên, nó vẫn rất lôgic như thường.
Đáng chú ý là Shad sau đó đã bàn sang một khía cạnh khác, đấy là chạy đua vũ trang, và cách chúng có tiềm năng đẩy chiến trường về đúng với thời Trung Cổ như cũ. Ví dụ, nếu có phép phóng cầu lửa, kiểu gì cũng sẽ có phép để khắc chế nó, chẳng hạn tạo mây nước phủ trên đầu binh lính hoặc tường nước chạy trước mặt, hay chỉ đơn thuần là các loại tường triệt năng lượng phép thuật và các thứ sản sinh ra từ năng lượng phép thuật. Khi đấy, cầu lửa các kiểu lại trở thành vô dụng mất rồi, vì phóng đến là bị triệt. Thế nên giờ đây, cầm hàng lạnh dí sát gõ đầu nhau có khi lại quay trở lại thành hình thức chiến đấu chủ đạo, bởi vì kiếm với giáo không bị mấy thứ bùa triệt năng lượng tác động, trong khi cầu lửa trở thành một dạng bùa hỗ trợ, chỉ dùng trong một số trường hợp nhất định như đánh úp hay phóng hỏa làng mạc. Thế là giờ đây, các loại hình chiến thuật Trung Cổ một lần nữa lại được đem ra sử dụng, bất chấp thế giới này thừa sức tiến hành chiến tranh theo một kiểu cách xa nó cả nửa thiên niên kỷ.
Đây chính là điều đã xảy đến với thế giới của Dune, mặc dù thứ làm loạn thời kỳ của nó là công nghệ chứ không phải là phép thuật. Trong Dune, thiên hạ ban đầu cũng tiến hành chiến tranh kiểu hiện đại đấy, với súng ống bắn nhau pằng pằng. Nhưng vẫn đề là dần dà, người ta phát minh ra một loại từ trường che chắn rất hiệu quả. Những thứ có vận tốc quá một ngưỡng nhất định nào đấy sẽ bị chặn hết, khiến cho đạn hay thậm chí đá ném quá nhanh các kiểu về cơ bản vô dụng cả. Tuy nhiên, cái hệ thống chắn này bắt buộc phải cho một số thứ với vận tốc vừa phải lọt qua, không thì cả không khí cũng bị chặn đứng nốt, và người bên trong cái trường đấy (dù là một cá nhân hay một tập hợp người), cũng sẽ chết ngạt hết. Khốn nỗi làm thế sẽ đồng nghĩa với dao kiếm các kiểu nếu căn tốc độ vừa phải cũng sẽ chọc qua được cái trường này, bởi vậy nên người dân trong vũ trụ Dune bắt đầu chuộng hàng lạnh trở lại, và đi kèm với nó là một số chiến thuật mang tính Trung cổ nữa.
Chính thế nên cái kiểu nửa nạc nửa mỡ của Dune nghe qua thì dị đấy, nhưng kỳ thực lại có lôgic rất hợp lý đằng sau, chứ không phải haha kiếm ánh sáng chém xèo xèo như Star Wars đâu 🐧.
Cái vụ cầu lửa với chạy đua vũ trang làm chiến trường lộn từ Trung Cổ lên Thế Chiến I xong lộn ngược về Trung Cổ chỉ là một phần rất nhỏ trong cái clip này. Ngoài đó ra thì Shad còn bàn đến cách các loại bùa ngỡ tưởng vặt vạnh kỳ thực lại có ý nghĩa chiến thuật lớn kinh khủng, chẳng hạn bùa mở cổng dịch chuyển tức thời có thể được mở ra đóng lại cực nhanh như trong Wheel of Time để cắt phăng tay chân địch, hoặc mở ra tít trên trời, để từ đấy cho bộ chỉ huy theo dõi cách bài binh bố trận phe địch, hoặc đơn thuần chơi kiểu Portal và “tele” nguyên một đạo quân lên giữa trời rồi cho trọng lực làm nốt phần còn lại. Nó cũng động đến việc những cái bùa thao túng cảm xúc có thể được dùng để đánh tụt tinh thần quân địch xuống và từ đấy kết thúc sớm cuộc chiến, như cách The Mule đã làm trong series Foundation. Bên cạnh đó, clip còn bàn đến cách một số loại bùa có thể sẽ quá khủng khiếp, chẳng hạn thuật hồi sinh xác chết hay tạo khí độc, dẫn đến một loại Công ước Geneva mới phải ra đời để cấm thiên hạ sử dụng chúng nó, hoặc nếu muốn dùng (chẳng hạn trong trường hợp của hồi sinh xác chết) thì cần được lính tráng đồng thuận từ trước như kiểu đăng ký hiến tạng, cho phép chỉ huy gọi mình dậy nếu chẳng may tử trận nữa. Nói chung là trong này có nhiều ý tưởng thú vị lắm. Nếu quan tâm thì anh em ngó qua nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓