Chuyển đến nội dung chính

Cách thế giới đang dần trở thành 1984, nhưng lại không giống theo kiểu ta vẫn hình dung

 Bữa nay mình vừa mới bắt được một cái clip khá hay do Aperture thực hiện, phân tích cách thế giới của ta đang ngày một trở nên giống với những gì được khắc họa trong 1984, cụ thể là ở khoản con người ta càng lúc khó né tránh bị theo dõi, và quyền riêng tư đang thui chột đi theo từng ngày.


Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, 1984 là một cuốn tiểu thuyết Dystopia của George Orwell, khắc họa một quốc gia toàn trị trong tương lai có tên là Oceania. Trong xã hội của Oceania, dân tình luôn bị giám sát 24/7, hòng ghi lại mọi hành vi phạm pháp, bất kể nhỏ đến đâu. Nơi nơi đều gắn đủ loại TV để vừa tuyên truyền, vừa ghi hình người dân; micro cả ngầm lẫn công khai cài cắm chằng chịt ở khắp mọi nơi, nhạy đến mức thiên hạ chỉ cần thở hơi to tiếng thôi là đã bị ghi lại rồi; thậm chí, ngay chính đồng bào với nhau còn đóng vai trò như cái máy quay “thịt,” luôn chực chờ báo cho chính quyền biết về nhất cử nhất động của nhau. Tại Oceania, riêng tư chỉ có trong một cuốn từ điển, và cũng chẳng còn được bao lâu nữa, bởi vì bản thân ngôn ngữ cũng đang bị lược bỏ dần để hạn chế khả năng suy nghĩ của người dân.

Vì truyện được xuất bản vào năm 1949, ta sẽ rất dễ để nhận thấy nó cực giống với thực tại trong các chế độ toàn trị đã hoặc đang có thời bấy giờ, chẳng hạn như chế độ của Stalin hoặc Mussolini. Tuy nhiên, 1984 kỳ thực không nói về thời đại cụ thể nào hết. Nó khắc họa một thứ mang tinh vượt thời gian hơn: bản năng thèm khát sự kiểm soát của những kẻ nắm quyền lực trong tay. Điều này sẽ luôn hiện hữu ở mọi thời đại, thế nên những bình luận trong 1984 gần như có thể đem ra lắp vào bất cứ mốc thời gian nào, kể cả thời hiện nay. Nhưng điều khiến thời của ta trở nên đáng chú ý hơn mọi thời khác nằm ở những thành tựu phi thường về mặt khoa học công nghệ ta đã đạt được, khiến xã hội của ta tiến đến sát với Oceania hơn mọi thời đại khác.

Mỗi tội không hẳn theo cách ta hình dung.

Đầu tiên thì chúng ta có những xã hội với thể chế toàn trị khá giống với Oceania, chẳng hạn như Trung Quốc. Bên này vốn có truyền thống kiểm soát dân chúng rất gắt gao, và đã áp dụng hàng loạt chương trình theo dõi người dân cũng như lên kế hoạch cho nhiều chương trình khác tương tự, thế nên chẳng khó gì để trông thấy sự tương đồng giữa xã hội của nó và những gì được khắc họa trong 1984. Trong số các yếu tố đấy, thứ nổi trội nhất làm Trung Quốc ngày nay đặc biệt giống với Oceania là cách camera được rải khắp nơi, theo dõi nhất cử nhất động của thiên hạ. Có điều kẻ thực hiện việc theo dõi không phải là mỗi con người, mà còn là AI nữa.

Phiên bản quen thuộc mà ai cũng biết là máy quay thời nay thường được kiểm soát bởi các thuật toán nhận dạng khuôn mặt, giúp truy dấu và theo dõi bất kỳ ai chính phủ muốn. Có điều đó kỳ thực không còn là đỉnh cao của công nghệ nữa. Theo tin tức từ năm 2019, cảnh sát tại Thượng Hải, Bắc Kinh, và Trùng Khánh đang dần tích hợp một loại phần mềm cho phép định danh thiên hạ chỉ qua dáng đi. Nhờ phân tích 50 thông số khác nhau, phần mềm ấy có thể phân biệt được kiểu dáng di chuyển đặc trưng của những người ở cách xa 50 mét. Công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, nhưng ta chỉ cần nhìn vào tốc độ phát triển của nhận diện khuôn mặt thôi thì ta cũng có thể đoán được là nó chắc sẽ trở nên cực kỳ tởm lợm trong vòng một thập kỷ tới, và dân Trung Quốc sẽ khó lòng che nổi mắt Tập Đế.

Song không chỉ mỗi mấy thể chế trông hiển nhiên giống với Oceania mới bày trò soi mói kiểu này. Ngay cả ở những nơi luôn miệng rêu rao là tượng đài của tự do và công lý, ta cũng thấy một điều tương tự xảy ra. Chẳng hạn như ở Mỹ, ta có thể thấy chính phủ cũng thích săm soi người dân chẳng kém gì Trung Quốc, mỗi tội làm kín hơn.

Hồi năm 2013, Edward Snowden, một chuyên viên tư vấn bảo mật máy tính của NSA, đã công bố hàng loạt hồ sơ cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thọc mũi vào đời tư của công dân một cách sâu đến đáng sợ. NSA thường xuyên yêu cầu các công ty công nghệ khổng lồ cung cấp dữ liệu về người dùng, và nó không chỉ dừng lại ở các nghi phạm tội phạm, mà ngay cả người ngoài cuộc cũng dính hết. Nếu có người gọi cho một người từng gọi cho một người khác từng gọi điện cho một tên tội phạm, người ấy sẽ bị NSA vác dữ liệu về xem. Chúng không phải là thông tin cá nhân, mà chỉ là metadata, tức dữ liệu về dữ liệu. Thay vì ghi lại nội dung của cuộc trò chuyện cá nhân, chúng chỉ đơn giản cho biết những thứ như có bao nhiêu cuộc gọi đã được thực hiện, gọi từ đâu đến đâu, thực hiện khi nào,… Tuy nhiên, những thông tin đó vẫn dư sức có thể được sử dụng để tạo ra hồ sơ chi tiết về một cá nhân bất kỳ, cho phép NSA nắm rõ về người này thậm chí còn hơn cả người nhà của họ.

Tuy nhiên, chỉ khi rời mắt khỏi chính phủ, ta mới thực sự thấy lạnh gáy trước cái thực tại 1984 của mình. Thế giới ngày nay tràn ngập các thiết bị theo dõi cực kỳ tối tân, và rùng rợn nhất là không một ai tròng mấy cái mắt theo dõi ấy lên cổ chúng ta hết, mà ta toàn tự bỏ tiền ra để vác gián điệp về nhà. Chúng chính là những chiếc máy tính xách tay, máy tính bảng, đồng hồ thông minh, TV internet, những chiếc điện thoại, tất cả đều sở hữu khả năng nghe, gọi, định vị, ghi chép lại đủ dữ liệu về chúng ta, chỉ chờ một Anh Cả đến tận dụng.

Và thời nay, làm Anh Cả chưa bao giờ dễ đến thế. Trên mạng tràn ngập các loại spyware (phần mềm gián điệp, chuyên thu thập các thông tin từ các máy chủ), và với chỉ tí tiền cũng như kiến thức về công nghệ thôi, bất cứ ai cũng có thể nhảy vào nhà người khác chễm chệ ngồi, lắng nghe những gì ta làm qua micro gắn lap, theo dõi ta qua camera điện thoại, ghi lại mọi cú gõ bàn phím để từ đấy thu được các thông tin tin nhắn riêng tư hay mật khẩu để truy cập các tin nhắn đó, định vị vị trí của ta, và đủ thứ trò khác. Không phải ngẫu nhiên ngay cả Mắc Xoăn, CEO của Facebook, cũng bịt hết webcam với micro laptop lại, bất chấp việc thanh niên này chắc phải chứa tận hàng mấy terabyte p̵h̵i̵m̵ ̵s̵e̵x̵ ̵t̵h̵ằ̵n̵ ̵l̵ằ̵n̵ chương trình bảo mật trên đấy. Nếu ngay cả Zucc mà còn không chắc mình được an toàn khỏi các chương trình theo dõi trong chính văn phòng của hắn, dân ngu cu đen sẽ thế nào?

Đặc biệt, không chỉ các nạn nhân kém may mắn của đám tội phạm mạng mới bị như vậy. Đã có lần nào anh em đi comment dạo trên mấy clip Youtube chung chủ đề, và về sau lúc tra Google thì một số kết quả tìm kiếm nghe mùi hơi mang tính định hướng chưa? Hoặc đơn giản chỉ vô tình ngồi ngoài quán nước chém với thằng bạn là dạo này ong hết cả đầu vì công việc, trong khi cái điện thoại để trên mặt bàn, và về nhà mở Facebook lên xem thì đập vào mặt là những quảng cáo về thuốc chữa đau đầu hay công cụ cải thiện hiệu suất công việc? Và đấy chỉ là những dấu hiệu hiển hiện ta thấy được về cách các ông trùm công nghệ theo dõi mình thôi, còn hàng bao thứ khác đám đấy làm nhưng không để lộ thì bố ai biết đâu mà lần.

Bào chữa cho việc mấy thứ như Phê-tê-bốc và Gúc-gồ có thể thoải mái theo dõi người ta như thế thường là lập luận đây là những công ty tư, và không ai ép chúng ta sử dụng dịch vụ của mấy bên này cả. Tất cả chúng ta đều đã đọc điều khoản dịch vụ (ừ, phải rồi 🐧 ), và đã đồng ý với nó, thế thì còn càm ràm gì nữa? Nếu không thích bị theo dõi, ta hoàn toàn có quyền không dùng mà.

Nhưng đấy là lý thuyết thôi, còn thực tế thì chúng ta đâu có lựa chọn nào. Ta phải tham gia Facebook với Instagram vì đồng nghiệp, bạn bè, thậm chí khách hàng của mình đều ở trên đó, và nếu không lên đấy thì như bị trục xuất khỏi xã hội vậy. Ta phải sử dụng dịch vụ email của Google, Microsoft, bởi vì tài liệu hợp đồng các kiểu đều gửi hết lên trên đấy, không dùng thì kiếm cơm kiểu gì? Cả các công cụ tìm kiếm cũng đã trở thành dịch vụ thiết yếu, bởi lẽ ai cũng kỳ vọng chúng ta có một mức hiểu biết nền cực khó đạt được nếu không thắp hương khấn thánh Gúc. Kể cả nếu không bị ai kỳ vọng như thế thì ta cũng buộc phải bắc thang lên hỏi ông Gồ, bởi lẽ các đối thủ của ta đều sử dụng nó để kiếm được lợi thế phi thường trong kinh doanh hoặc đường thăng tiến sự nghiệp, thế nên ta buộc phải cắn răng sử dụng chúng và phơi bày những điều hết sức riêng tư cho các dịch vụ này.

Thôi thì ít nhất cũng may là chúng ta vẫn còn có thể thảo luận về vụ này. Dù cuộc thảo luận ấy có được gõ bởi một chiếc lap gắn cam và đăng lên Facebook, sau khi xem xong một clip của Youtube và tiến hành tra cứu thông tin nền sơ bộ trên Google, còn được chỉ trích và bàn bạc về mặt tối của thế giới hiện đại như vậy là tạm được rồi. Điều ấy chứng tỏ suy nghĩ vẫn còn chưa bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, và tội phạm tư tưởng vẫn còn chưa phải là tội danh chính thức.

Chưa thôi 🐧.

Ngoài mấy cái trên ra thì clip còn động đến cả việc chính chúng ta cũng đang tự đẩy xã hội mình về gần với 1984 thông qua việc làm thui chột tư duy của nhau với những nội dung đề cao tính dễ ngấm, càng ngắn, càng không thách thức, càng dễ khơi dậy những phản ứng tức thì càng tốt. Nếu quan tâm anh em hãy ngó qua clip nhé.

Ngoài ra, khía cạnh khác việc công chúng tự bịt mồm bịt miệng nhau lại, kìm kẹp tư tưởng của nhau trong 1984 cũng từng được thanh niên Aperture này động đến trong một clip bàn về văn hóa bài trừ (cancel culture). Mình từng chia sẻ clip đó một lần rồi, nếu chưa xem anh em có thể nghía thêm cho trọn vẹn ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/09/cancel-culture-1984-phien-ban-thoi-ai.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.