Chuyển đến nội dung chính

Cách sa mạc "hít thở" bằng hơi nước

 Hôm qua vừa đăng bài về Dune xong, hôm nay lại thấy cái bài này đập vào mặt, hợp lý phết 🐧.


Cách đây mấy bữa, tờ Journal of Geophysical Research, một tạp chí học thuật về địa vật lý, có xuất bản một nghiên cứu mang tên Water vapor transport across an arid sand surface - non-linear thermal coupling, wind-driven pore advection, subsurface waves, and exchange with the atmospheric boundary layer (tức “Vận chuyển hơi nước qua bề mặt cát khô cằn - tương tác nhiệt phi tuyến tính, bình lưu lỗ rỗng do gió, sóng dưới bề mặt và trao đổi với lớp ranh giới khí quyển,” tham khảo ở đây: https://agupubs.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1029/2021JF006490). Cái nghiên cứu này hơi loằng ngoằng, nhưng đại khái nó xoay quanh một đặc điểm khá thú vị của sa mạc: hoạt động “hít thở” của nó.

Cụ thể hơn, theo như nghiên cứu có nói, các nhà nghiên cứu môi trường học vốn đã biết rằng sa mạc có thể phả ra cũng như tái hấp thụ hơi nước qua bề mặt của mình, từ đấy làm ảnh hưởng đến lượng nước chứa đựng tại các vùng địa hình cát rộng lớn. Vấn đề là cái lượng hơi nước mà các “biển” cát trao đổi với không khí nhỏ vô cùng, và chưa có thiết bị nào đủ tinh tế để đo lường món đấy hết, thế nên quy trình này từ trước đến nay chưa được hiểu rõ lắm.

Nhưng rồi nhóm nhà khoa học thực hiện cái nghiên cứu này xuất hiện.

Với sự hỗ trợ của một thiết bị thăm dò siêu nhạy, kèm cả các dữ liệu về tốc độ và hướng gió cũng như nhiệt độ và độ ẩm xung quanh, nhóm nghiên cứu đã khá phá ra khá nhiều điều thú vị về sự hô hấp của sa mạc. Theo phân tích của họ, hơi nước trong không khí sẽ đọng vào các khe hở giữa những hạt cát nằm trong lớp cát bề mặt. Khi gió thổi qua, áp suất cục bộ của các đụn cát sẽ bị thay đổi, và một luồng không khí yếu sẽ hình thành bên trong các đụn cát đất. Chúng hoặc sẽ từ trong phà ra, hoặc từ ngoài thổi thốc vào trong, và từ đó hoặc giải phóng hơi ẩm đọng ở bề mặt, hoặc đẩy hơi ẩm ngấm sâu xuống dưới. Mọi thứ diễn ra khá chậm, và lượng hơi nước các đụn cát trao đổi với môi trường cũng nhỏ vô cùng, nhưng nó vẫn là một sự “thở” rất rõ rệt. Với cách hơi nước có thể thẩm thấu được vào các đụn cát như thế, rất có khả năng sự sống sẽ vẫn có thể được duy trì ở sâu trong lòng các cồn cát khô cằn, không chứa đựng nước lỏng, mặc dù chúng nó chắc chỉ giới hạn ở mức vi khuẩn.

Nhóm nghiên cứu bày tỏ sự lạc quan đối với thiết bị dò mới đã giúp mình thực hiện nghiên cứu này. Nó cũng như những kết quả thu lượm được từ bản thân nghiên cứu có tiềm năng cho phép các nhà khoa học đo lường chính xác hơn cách các vùng đất nông nghiệp bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu, tìm kiếm sự sống tại các môi trường khô cằn, và thậm chí còn có thể áp dụng để tìm kiếm dấu hiệu của nước trên Sao Hỏa nữa.

Trong bài không thấy ai đả động gì đến ý nghĩa của nghiên cứu này đối với việc thiết lập windtrap, dò tìm sandtrout, cũng như nỗ lực địa khai hóa Arrakis, nhưng tớ tin cánh Hành tinh học Hoàng gia sẽ thấy cái món này hấp dẫn lắm đó 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.