Chuyển đến nội dung chính

Khối cầu Dyson và một số biến thể của nó

 Trong bài cáo phó của Freeman Dyson hôm qua, mình có nhắc qua đến khái niệm nổi tiếng nhất trong làng Sci Fi của ông: Khối cầu Dyson. Hôm nay xin được bàn sâu thêm một tí nữa về nó.


Vì cái tên của nó có chữ KHỐI CẦU to đùng, phần đông các tác phẩm Sci Fi cũng như người đọc thường tưởng tượng Khối cầu Dyson theo đúng nghĩa đen: một khối cầu kín mít, liền mạch, kiểu như một quả bóng da với nhân là một ngôi sao nào đó.

Tuy nhiên, đấy chỉ là một dạng Khối cầu Dyson nhất định, và thậm chí còn là dạng khó chế nhất. Chính Dyson, nhà khoa học đã đặt tên cho nó, còn từng khẳng định như đinh đóng cột luôn là bất khả thi về mặt cơ học, không cách nào chế ra nổi. Dạng này được gọi là "Vỏ bọc Dyson" (Dyson Shell).

Dạng gần với cách hình dung của Dyson nhất khi ông đề cập đến khái niệm này là "Bầy đàn Dyson" (Dyson Swarm). Về cơ bản, Bầy đàn Dyson sẽ cấu thành từ một loạt các cấu trúc nhỏ lẻ (chẳng hạn vệ tinh hay trạm vũ trụ). Các cấu trúc đó sẽ tụ lại thành một "bầy", sau đó "bâu" vào và quay xung quanh một ngôi sao nào đấy.

Phiên bản đơn giản nhất của Bầy đàn Dyson là "Vành đai Dyson" (Dyson Ring), với các vệ tinh đại khái xâu thành một vòng tròn và quay đều quanh ngôi sao đó. Một phiên bản phức tạp hơn thì sẽ là nó mấy vành đai như thế cùng bâu quanh một ngôi sao để tăng lượng năng lượng thu được. Cái khó là phải tính làm sao cho không thằng nào tông vào nhau hết, đặc biệt nếu có nhiều vòng.

Một dạng biến thể khác của Bầy đàn Dyson là "Bong bóng Dyson" (Dyson Bubble). Nó về cơ bản giống hệt phiên bản bầy đàn, với một khác biệt rất quan trọng: tất cả các thành viên trong "bầy" đứng bất động, không quay quanh ngôi sao kia. Hay nói đúng hơn là đứng ở vị trí bất động tương đối với nhau và với ngôi sao, bởi vì khi ngôi sao dịnh đi thì đám kia cũng sẽ phải dịch theo nốt. Làm kiểu này sẽ không sợ chúng nó đâm vào nhau, nhưng khổ một cái là sẽ phải tốn nhiên liệu điều chỉnh quỹ đạo của chúng nó hơn hẳn.

Một số biến thể khác bao gồm "Lưới Dyson" (Dyson Net), lai giữa Vỏ bọc Dyson và Bong bóng Dyson, quăng một thứ na ná lưới mắt cáo quanh ngôi sao để lấy nhiên liệu của nó. Một dạng nữa là "Não Matrioshka" (Matrioshka Brain), về cơ bản là mấy cái Vỏ bọc Dyson bao quanh nhau như con búp bê Matrioshka của Nga, lớp ngoài tận dụng nhiệt tỏa ra từ lớp trong để chuyển hóa thành năng lượng. Còn một dạng khác cao cấp hơn là biến Khối cầu Dyson thành thẳng một cỗ máy có mục đích riêng chứ không chỉ là cục sạc đơn thuần nữa, chẳng hạn xây nhà xây cửa trên đó sống luôn, về cơ bản là tự tạo ra một hành tinh mới với lõi là một ngôi sao. Riêng ở dạng này thì nó trở thành một trường hợp đặc biệt, gọi là Động cơ Sao (Stellar Engine), mặc dù nếu muốn thì vẫn cứ gọi nó là Khối cầu Dyson vẫn được.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.