Chuyển đến nội dung chính

Sự "khác biệt" giữa Khoa học và Phép thuật

 Arthur C. Clarke, một trong những tác giả khoa học viễn tưởng có tầm ảnh hưởng nhất trong làng Sci Fi, từng đề ra 3 định luật như thế này:

1) Khi một nhà khoa học tài ba cao tuổi nói thứ gì đó là khả thi gần như chắc chắn ông ta nói đúng. Khi ông ta bảo thứ gì đó là bất khả thi, khả năng rất cao là ông ta nói sai.

2) Cách duy nhất để khám phá được giới hạn của những điều khả thi là lấn qua giới hạn của chúng và bước vào miền bất khả thi.

3) Bất cứ thứ công nghệ đủ tân tiến nào cũng sẽ không khác gì phép thuật.

Ba định luật này là nền tảng xây dựng của rất nhiều tác phẩm Sci Fi, và đôi khi là cả Sci Fi Fantasy nữa. Đặc biệt có một tác phẩm từng đem 3 định luật trên ra bàn, đó là 1 bộ manga alternate history khá hay có tên Pumpkin Scissors.


Ở chương 70 và 71 của bộ truyện, tác giả dành gần 100 trang chỉ bàn bạc về 3 định luật này của Clarke (mặc dù không nói hẳn tên chúng nó ra), sâu nhất là định luật 2 và 3. Như trang trong hình chính là một cách giải thích hơi dông dài của định luật thứ ba, nói về việc phép thuật chẳng qua là những thứ mà tính đến nay khoa học tạm chưa giải thích được. Vì diễn giải một thứ ngỡ tưởng khó có thể tồn tại là một công việc cực kỳ khó, gần như ngang với tưởng tượng ra một màu sắc mới, người ta nhún vai cộp cho nó cái mác "phép thuật" để đỡ phải dùng lôgic.

Ngay cả trong các tác phẩm không thuộc dòng khoa học viễn tưởng cũng thể hiện cái ý đó rất rõ. Như trong câu chuyện của Mowgli và Tarzan, một thứ rất đơn giản đó là lửa được coi như một hiện tượng siêu nhiên, gọi bằng những cái tên như Hồng Hoa hoặc bộ nanh vàng đỏ của Ara (cách lũ vượn gọi tia chớp). Với chúng ta thì đây là một sự ngây ngô nực cười, nhưng rất có thể 100 năm sau khi nhìn lại, chúng ta cũng sẽ tự thấy những thứ mình coi là "phép thuật" ngày nay ngây ngô chẳng kém.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.