Chuyển đến nội dung chính

Cách The Sparrow bàn về đề tài máy móc thế chân con người


 Trong cái clip về Dune mình share hồi trưa, có một đoạn nó so sánh cách vũ trụ Dune dùng những chuyên gia gọi là Mentat để xử lý dữ liệu và tính toán thay máy với bộ phận máy tính cũ của NASA, vốn chỉ là một toán những người phụ nữ chuyên chịu trách nhiệm giải các phương trình mà các nhà khoa học chính đưa xuống. Về sau, NASA dần chuyển sang sử dụng máy tính cơ học, nhưng đôi khi yêu cầu đội “máy tính thịt” kiểm tra lại các phép tính vì chưa đủ tin cậy máy móc.

Một điều clip không đả động đến là việc lúc mấy cái máy tính bắt đầu được đưa vào sử dụng tại NASA, nhóm những người phụ nữ tính toán kia đã có một phen lo sốt vó. Có tăng gấp mười lần số nhân sự làm việc tại bộ phận đấy lên thì họ cũng không tài nào bì nổi với tốc độ tính toán của cái máy NASA đặt mua, và nguy cơ rất cao là bọn họ rồi sẽ mất sạch việc. Và rồi lịch sử đã chứng minh, về sau toàn bộ bộ phận đấy quả thật đã bị giải tán, bởi vì máy tính dần đã tiến bộ đến mức không còn ai nghi ngờ được tính chính xác của nó nữa cả, và sự ưu việt của nó so với con người là không phải bàn. May mắn là đã có một số người xoay xở tự biến bản thân thành những người hữu ích hơn, chẳng hạn trở thành lập trình viên cho chỗ máy tính, hoặc trở thành một trong những nhà khoa học đề ra các phương trình để mấy cái máy đó tính toán, và rốt cuộc không bị sa thải khỏi NASA.

Vụ việc này làm mình nhớ đến một ý tưởng đã được Mary Doria Russell triển khai tương đối thành công trong tác phẩm The Sparrow mới review gần đây, cũng liên quan đến việc máy móc thay thế con người.

Như trong bài review hồi trước mình đã nói, The Sparrow lấy bối cảnh là hai tuyến thời gian tương lai, một xảy ra trong năm 2019 (truyện viết trong thập niên 90 nên 2019 là tương lai của tác phẩm), một trong năm 2060. Đặc biệt đáng chú ý là trong năm 2019, con người đã phát triển được một hệ thống AI khá tân tiến, và bắt đầu số hóa hàng loạt thứ để sử dụng nó thay cho con người.

Nạn nhân đầu tiên của hệ thống AI kia là Cha Emilio Sandoz, một tu sĩ Dòng Tên với khả năng học ngoại ngữ rất khủng. Việc các tu sĩ phải biết nói nhiều thứ tiếng thì chẳng có gì đáng nói lắm, bởi dân Công giáo thường ngoài tiếng mẹ đẻ ra thì còn phải biết thêm tiếng Latinh để đọc các văn tự cổ, chưa kể còn cần biết cả tiếng Anh nữa nếu ngôn ngữ gốc không phải cái tiếng ấy. Nhưng ngay cả giữa những con người ấy, khả năng ngôn ngữ của Sandoz vẫn thuộc diện quái vật vô cùng. Thanh niên là dân gốc Puerto Rico, thế nên nói sõi cả tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng Anh ngay từ thuở nhỏ. Lúc gia nhập Dòng Tên, ông anh tiếp tục học và sử dụng được nhuần nhuyễn tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh. Thế rồi trong một chuyến đi truyền giáo ở Quebec, Sandoz quyết định học tiếng Pháp, và cũng nhoằng một phát đã đọc thông viết thạo ngôn ngữ ấy (mặc dù không nói được). Xong rồi ông anh lần lượt học thêm tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha, đơn giản vì thích thôi, và cùng nắm vững chúng một cách cực kỳ nhanh chóng.

Lúc đã được phong chức làm cha xứ rồi, Sandoz học lên tiến sĩ ngành ngôn ngữ học, và còn đi thực hiện hàng loạt truyền giáo và nhân đạo ở khắp nơi trên thế giới nữa. Các hoạt động ông anh thực hiện bao gồm điều phối một dự án trồng rừng kiêm dạy học ở đảo Chuuk, hỗ trợ một linh mục Ba Lan xóa mù chữ cho người lớn tại một thị trấn Inuit, tham gia cứu trợ người tị nạn Kenya ở miền Nam Sudan cùng với một linh mục từ Eritrea. Trong quãng thời gian ba năm chạy đôn chạy đáo khắp nơi ấy, Sandoz đã nói thành thạo tiếng Chuuk, một phương ngữ Bắc Invi-Inupiak, tiếng Ba Lan, tiếng Ả Rập (đớt giọng Sudan), tiếng Kikuyu và tiếng Amhara, và có thể đảo xoành xoạch mấy ngôn ngữ này để giao tiếp hết sức hiệu quả trong môi trường đa sắc tộc. Gần như chẳng ai trong Dòng Tên thời bấy giờ đú nổi với Sandoz ở khoản ngôn ngữ nữa, và ai nấy đều kỳ vọng Sandoz sẽ được cấp một chức vụ giáo sư tại một trường đại học của Dòng Tên.

Và một ngày nọ, lúc còn ở Sudan, Sandoz đã được thông báo là ông anh đã được triệu đến Đại học John Carroll để làm việc thật. Tuy nhiên, công việc của Sandoz sẽ không phải là giảng dạy ngôn ngữ học, mà thanh niên sẽ phải hợp tác với một nhân vật “kền kền.” Đây là một chuyên gia trí tuệ nhân tạo, và người đấy sẽ khai thác và số hóa toàn bộ phương pháp học ngôn ngữ của Sandoz, sau đó nạp dữ liệu cho một con AI để nó về sau làm thay việc của ông ta. Thế là bao năm học hành và cống hiến của Sandoz rốt cuộc trở thành công cốc với ông anh. Sandoz về cơ bản phải hiến toàn bộ tuổi trẻ của mình cho một con AI, vỗ béo cái bộ não của nó, trong khi bản thân hoàn toàn trơ khấc. Khi nhận ra sự vô nghĩa của cuộc đời mình, Sandoz chẳng biết làm gì hơn ngoài phá lên cười sằng sặc, bảo rằng đây như một câu chốt cho một trò đùa kéo dài ba năm vậy (ý chỉ giai đoạn làm tiến sĩ và hoạt động xã hội của ông).

Sau Sandoz còn có hai nạn nhân khác nữa, có điều lần này, họ được tác giả xoáy vào khắc họa để thể hiện cách con người ta phải cuống cuồng tìm những giải pháp giúp mình khỏi bị sa thải thế nào trước sự canh tranh của AI. Hai nhân vật được nhắc đến ở đây là Peggy Soong và Jimmy Quinn, nhân viên ở Đài quan sát Arecibo.

Lúc bấy giờ, Peggy Soong và Jimmy Quinn cùng hàng loạt chuyên viên ở Arecibo cũng đang phải đối mặt với cùng một tương lai bi thảm như Cha Emilio Sandoz: sẽ bị AI cướp hết việc làm sau khi nó nạp đủ dữ liệu. Đã có một người ở Arecibo bị một tay chân kền kền của con AI đến thu thập dữ liệu. Sau khi nhân vật kền kền đã moi hết mọi thứ có giá trị từ anh ta, số hóa nó và chuyển cho con AI, con AI giờ có thể làm được công việc của anh ta một cách cực kỳ hiệu quả, và người đấy đã lập tức bị sa thải để nhường chỗ cho con AI.

Tấm gương của anh nhân viên xui xẻo kia khiến toàn bộ đội ngũ nhân viên ở Arecibo trở nên cực kỳ hãi sợ, và họ vội vã tìm cách ngăn chặn điều ấy xảy ra. Một số người, chẳng hạn như Peggy Soong, quyết định sẽ hình thành một dạng công đoàn ngầm, dứt khoát không chịu hợp tác với bất cứ tay chân kền kền nào của con AI kia nữa, kể cả nếu có bị sếp bắt phải làm thế. Họ lập luận rằng ban quản lý của Arecibo sẽ không thể sa thải tất cả mọi người được, và việc từ chối để đám kền kền rỉa não mình mang về cho con AI sẽ khiến nó không đủ sức cáng đáng công việc mình đảm nhiệm, từ đấy dẫn đến việc cấp trên của họ không có ai thay thế và bắt buộc phải tiếp tục thuê tuyển họ.

Nhưng có những người như Jimmy Quinn thì lại nghĩ khác. Mặc dù cũng ý thức được về mối hiểm họa con AI mang lại, và cũng sợ run cầm cập trước viễn cảnh bị nó thế chân, thanh niên nhận thấy chơi trò lỳ như Peggy Soong không phải là giải pháp dài hơi. Chỉ riêng việc để có được một chân nhân viên quèn ở Arecibo thôi, bên cạnh nắm vững chuyên môn, Quinn còn đã phải học cả tiếng Nhật lẫn tiếng Tây Ban Nha, sau đó còn phải chấp nhận một mức lương rất thấp thì mới được. Ấy nhưng ngay cả khi đã gồng mình trang bị đủ thứ kiến thức cả chính cả phụ như vậy, Quinn biết mọi thứ mình làm được chẳng mấy chốc con AI sẽ làm được, và nó sẽ còn chấp nhận một mức lương thấp hơn cả mình nữa. Vì ban quản lý luôn liên tục tìm cách cắt giảm chi phí, việc anh ta bị con AI thế chân chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Chính bởi vậy, Quinn quyết định sử dụng một chiêu bài khác. Thay vì lì lợm không hợp tác với đội ngũ kền kền của con AI, Quinn đồng ý sẽ để họ lấy dữ liệu từ mình nạp cho con AI và để nó làm thay công việc của bản thân. Tuy nhiên, ông anh lại đề nghị với bên quản lý rằng mình sẽ đi học tiến sĩ và quay về Arecibo làm nghiên cứu, so sánh độ hiệu quả của AI và con người. Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy con AI quả thực có hiệu suất cao hơn người, bên chủ AI sẽ có thể dùng nó để quảng bá cho hệ thống của mình và thét giá cao hơn, thế nên ban quản lý Arecibo sẽ có thể thuyết phục họ cho mình dùng con AI miễn phí trong thời gian làm nghiên cứu. Thời gian làm nghiên cứu sẽ kéo dài nửa năm, và Quinn sẽ vẫn giữ được việc trong thời gian ấy, chưa kể còn có cơ hội tiếp tục giữ việc lâu hơn nếu nhờ phép màu nào đó, anh chàng đánh bại được con AI kia.

Như vậy, qua câu chuyện của mấy con người trên, anh em có thể thấy rằng hệ thống AI có sức ảnh hưởng hết sức tàn khốc đối với thị trường việc làm. Emilio Sandoz là ví dụ về cách một con người dành cả đời học tập và nghiên cứu để trở thành một chuyên gia tài giỏi, song vẫn có thể bị mất bay sự nghiệp vì AI; Jimmy Quinn thì cho thấy con người ta sẽ phải nai lưng ra nỗ lực gấp bội lần, đồng thời chấp nhận một mức lương không tương xứng với thực lực, tất cả chỉ để không bị như Sandoz; và Quinn cùng với Peggy Soong khắc họa một bức tranh rất u tối về tương lai, cho thấy mọi giải pháp nhằm ngăn cản AI cướp việc đều chỉ mang tính câu giờ, và bước tiến của nó là không thể cản nổi.

Đáng tiếc một điều là Mary Russell chỉ để mọi thứ liên quan đến con AI dừng lại trong năm 2019 thôi. Khi câu chuyện nhảy cóc lên 2060, xã hội không trải qua biến động gì nghiêm trọng, và ai nấy vẫn giữ được việc của mình. Đây là một sự uống phí ý tưởng rất nặng nề, bởi vì nếu từ năm 2019 mà AI nó đã tân tiến đến nhường ấy rồi, sau gần nửa thế kỷ thì nó kiểu gì cũng ép thế giới phải bước sang trang, và khám phá những thứ tốt xấu hay chỉ đơn thuần mới lạ về một nền văn minh hậu việc làm sẽ cực kỳ lý thú. Nhưng ta tuyệt không thấy bóng dáng của con AI đâu hết cả, và cũng chẳng có gì giải thích cho sự biến mất của nó hết. Tác giả không nhất thiết phải bịa ra nguyên một cuộc kháng chiến đẫm máu như The Butlerian Jihad trong Dune, mà chỉ cần phát triển thêm một tí từ cái mầm đã gieo sẵn trong cuộc so tài giữa Jimmy Quinn và con AI hồi năm 2019 là được rồi. Nhưng không, Mary Russell xem chừng chỉ muốn mượn con AI để làm chất xúc tác đưa các nhân vật đến gặp nhau thôi, chứ chẳng muốn phân tích sâu về nó.

Mặc dù có một số sai lệch nho nhỏ về tiểu tiết, chưa kể còn để lãng phí tiềm năng, viễn cảnh về AI đẩy con người vào cảnh thất nghiệp trên mọi mặt trận mà Mary Russell vẽ lên trong The Sparrow vẫn chân thực đến đáng giật mình. Đặc biệt lạnh gáy là tác giả tình cờ đã lấy đúng cái năm 2019, khi ta được tận mắt chứng kiến nỗi e ngại về tự động hóa và AI dần trở thành hiện thực. Những tiến bộ trong công nghệ máy tính, rôbốt học, và AI đã khiến cho các công việc sản xuất thủ công, những nhiệm vụ mang tính khuôn mẫu ở văn phòng, các công việc phân tích dữ liệu không còn được con người đảm nhiệm nữa, hoặc ít nhất là cần được ít người giải quyết hơn, và cái xu hướng này không hề có dấu hiệu dừng lại tí nào. Chính vì thế nên ngày một nhiều cuộc bàn luận về chính trị, xã hội, kinh tế đang nổ ra, xoay quanh việc ta cần đại tu mọi thứ như thế nào để cân bằng giữa lợi ích và thiệt hại mà tự động hóa gây ra, và cho đến nay vẫn chẳng ai biết đâu là lựa chọn đúng đắn cả.

The Sparrow không phải là tác phẩm duy nhất chiêm nghiệm về đề tài này. Rất nhiều tác phẩm SFF cũng đã suy tính đến chuyện con người bị mất việc vào tay các tạo vật của mình. Ví dụ đầu tiên cần kể đến là The Matrix. Mặc dù bản thân mấy bộ phim không động đến nó, nếu đã xem cái series hoạt hình Animatrix, kể về lịch sử dẫn đến việc loài người bị máy móc bắt làm pin thịt, anh em sẽ thấy đề tài này chính là mấu chốt của mọi xung đột trong phim. Trong thế giới của The Matrix, rôbốt đã phát triển ưu việt hơn con người về mọi mặt, khiến con người trở nên lo sợ và đuổi chúng đi. Lũ người máy thành lập một quốc gia riêng giữa sa mạc để tránh bị con người kêu ca là cướp việc, song vẫn xuất khẩu các mặt hàng công nghệ của mình đi ra các nước khác. Nhưng vì khả năng sản xuất lẫn tiềm lực công nghệ quá cao, hàng bọn rôbốt làm ra đánh bật mọi thứ con người chế được, dẫn đến một cuộc khủng hoảng về kinh tế và việc làm trên toàn cầu, khiến phe con người tức tối và khơi mào chiến tranh với lũ rôbốt.

Một phiên bản tương tự cũng xuất hiện trong tiểu thuyết The Caves of Steel của Isaac Asimov. Trong truyện, Trái Đất đã quay ngược về thời bao cấp, với rôbốt gần như chiếm hết sạch việc của con người. Chính vì vậy, loài người (ít nhất là người trên Trái Đất) cực kỳ căm ghét lũ rôbốt, và kỳ thị bọn nó theo đủ cách có thể, chạy từ cấm chúng nó sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cho đến tổ chức bạo loạn để phá hoại những con rôbốt vô tội. Ngay cả nhân vật chính của tác phẩm, Thám tử Elijah Baley, cũng không khỏi lo lắng cho tương lai công việc của bản thân, khi ông anh thấy R. Daneel Olivaw, con rôbốt cộng sự, làm cái gì cũng hơn mình, trong khi lại không cần ăn uống hay hưởng lương gì hết. Thú vị là việc rôbốt chiếm việc của người trong tác phẩm này lại được tô vẽ là một điều có lợi về dài hạn, bởi vì với lượng người thất nghiệp tăng lên quá cao, con người sẽ có nhiều động lực để rời bỏ Trái Đất đi khai phá những miền đất mới trong vũ trụ.

Một ví dụ hài hước hơn xuất hiện trong tựa game Batman: Arkham Knight. Trong cái game này, ta có một nhân vật phản diện tên là The Riddler. Trong mấy game trước của cùng series, hắn chuyên cho đám đàn em đi thiết lập các loại bẫy với câu đố để gài Batman. Sang đến Arkham Knight thì thanh niên đã chế ra một đội quân rôbốt, được hắn gọi là Riddlerbot. Đám Riddlerbot này làm ăn hiệu quả hơn hẳn bọn tay chân cũ, thế nên The Riddler quyết định sẽ sa thải sạch đám kia và chuyển sang dùng mỗi Riddlerbot thôi. Trong suốt quá trình chơi game, ta sẽ liên tục bắt gặp những thằng cựu tay chân của The Riddler ngồi chửi lão sếp của mình, phàn nàn về việc bị sa thải mà không được đền bù gì hết, và thậm chí còn cân nhắc đến việc thành lập công đoàn để ngăn mấy thằng sếp như The Riddler chơi trò tương tự.

Không chỉ riêng gì Sci Fi, ngay cả Fantasy cũng động đến đề tài này, chỉ có điều phiên bản tự động hóa của nó không dính gì đến rôbốt hết. Ví dụ như trong series tiểu thuyết Discworld, ta có tập truyện Making Money, trong đó một thành phố mang tên Ankh-Morpork tình cờ vớ được 4.000 con golem từ một nền văn minh cổ. Vì lũ golem có năng suất làm việc tương đương 120.000 nhân sự, một nhân vật trong truyện lập tức đòi cho bọn golem đi làm việc thay con người ngay.

Tuy nhiên, Hubert Turvy, nhà kinh tế học duy nhất tại Ankh-Morpork, đã đứng ra can gián, bởi vì ông ta nhìn thấy rất rõ rằng nền kinh tế của Ankh-Morpork sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu tự nhiên có nguyên một lực lượng lao động miễn phí xuất hiện trên thị trường. Trong một cuộc trò chuyện cực giống câu phát biểu huyền thoại mà Walter Reuther đã nói với Henry Ford khi bị Ford hỏi khịa về việc thay thế nhân sự với rôbốt, Hubert Turvy đã nói rằng: “Đầu tiên, chúng sẽ khiến một trăm hai mươi nghìn người mất việc, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu thôi. Chúng không cần thức ăn, quần áo hoặc nơi ở. Hầu hết mọi người đều nướng tiền vào thức ăn, chỗ ở, quần áo, giải trí, và quan trọng nhất là thuế má. Những con golem này sẽ tiêu nó vào việc gì? Nhu cầu đối với hàng bao mặt hàng sẽ sụt giảm, và sẽ tiếp tục có thêm cả đống người thất nghiệp. Thế này nhé, lưu thông là tất tần tật mọi thứ. Tiền bạc chuyền tay đủ người, và trong quá trình đấy, nó tạo ra của cải.”

Ngoài Discworld ra thì Hollow Knight cũng là một trường hợp đáng chú ý, mặc dù cái này liên quan đến hiện đại hóa nhiều hơn là tự động hóa. Trong game, ta được đi khám phá một miền đất của những con bọ có tên là Hallownest. Trong số đám bọ ta gặp, có một con bọ vừng khổng lồ được gọi đơn giản là The Last Stag. Con bọ này về cơ bản là ông lái xích lô của Hallownest, chuyên chở các con bọ khác đến các trạm Stagway rải khắp Hallownest. Tuy nhiên, Hallownest từng có một nỗ lực hiện đại hóa, và một hệ thống tàu điện đã được xây dựng và đưa vào vận hành, từ đấy cướp việc của con bọ vừng. Lẽ đương nhiên, con bọ vừng kia cực kỳ khó chịu với cái hệ thống đấy, suốt ngày dè bỉu nó, và bắt người chơi phải hứa là sẽ không bao giờ đi xe điện, chỉ đi cái dịch vụ xích lô của nó mà thôi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.