Chuyển đến nội dung chính

Micromégas, A True Story, và sự mập mờ về xuất phát điểm của Sci Fi

 Bữa nay mình mới bắt được một bài phỏng vấn thú vị, trong đó có bàn đến cội nguồn của Sci Fi cũng như cái khó trong việc xác định xuất phát điểm của nó.


Cụ thể thì đây là một bài phỏng vấn Ada Palmer, giáo sư lịch sử Châu Âu tại Đại học Chicago. Mới đây, Palmer vừa chốt lại bộ tiểu thuyết Sci Fi đồ sộ với tiêu đề Terra Ignota của mình. Terra Ignota bao gồm bốn tập, mỗi tập dày gần 500 trang giấy, và chứa đựng một lượng triết lý, chính trị, lịch sử, và bình luận xã hội khổng lồ, lấy cảm hứng từ các triết gia thế kỷ 18, trong đó nổi trội nhất là Voltaire. Trong lúc bàn về cảm hứng viết Terra Ignota, Palmer bảo mình đã thử mường tượng xem nếu một người như Voltaire được đọc các tác phẩm Sci Fi xuất bản trong vòng 70 năm trở lại đây, và từ đó nắm trong tay mọi công cụ mà dòng này đã phát triển suốt quãng thời gian ấy, ông sẽ viết ra một tác phẩm như thế nào.

Từ đoạn này, Palmer chuyển sang nói rằng Voltaire kỳ thực còn có thể được coi là người đầu tiên đã khai phá mảng Sci Fi. Nguyên nhân là hồi năm 1752, Voltaire đã cho xuất bản một truyện ngắn tên Micromégas. Trong tác phẩm, hai thực thể ngoài hành tinh, một đến từ Sao Thổ và một đến từ ngôi sao nào đó gần Sirius, đã tạt qua Trái Đất. Vì hai thanh niên này khổng lồ vô cùng, tới độ nếu đem ra so thì một con cá voi cũng chỉ to ngang bọ chét, chúng mới đầu chẳng thấy Trái Đất có sinh vật sống nào cả. Mãi về sau, hai đồng chí đấy mới nhận ra rằng cái mảnh gỗ bé xíu trên bề mặt hành tinh là một con tàu, và nó chở theo đầy sinh vật sống. Thế là chúng thử tiếp xúc với các sinh vật trong con tàu đấy. Về cơ bản, đây là câu chuyện xoay quanh lần tiếp xúc đầu tiên của con người với người ngoài hành tinh.

Như mọi người có thể thấy, Micromégas của Voltaire ra đời trước Frankenstein của Mary Shelley (xuất bản lần đầu năm 1818) hơn nửa thế kỷ, và cũng sử dụng một mô típ cực kỳ quen thuộc của Sci Fi, ấy là tiếp xúc với người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, danh hiệu mốc khởi phát của Sci Fi lại rơi vào tay Frankenstein chứ không phải Micromégas. Sao lại có một nghịch lý như vậy? Nguyên nhân nằm ở cách ta định nghĩa về Sci Fi.

Micromégas gần như không động đến một tí khoa học nào hết. Chính thế nên nếu nhìn nhận Sci Fi dưới dạng dòng chứa các tác phẩm bắt buộc phải có khoa học công nghệ, hoặc nói chuẩn hơn là các tác phẩm với nhân vật nắm giữ những quyền năng vượt quá khả năng hiện thời dựa trên kiến thức thu lượm được từ phương pháp khoa học, thì Micromégas không thể liệt vào dòng này được. Phiên bản sớm nhất đáp ứng tiêu chuẩn đó là cuốn Frankenstein, thế nên danh hiệu người khai sinh ra Sci Fi như cách ta hình dung về nó ngày nay thuộc về Mary Shelley chứ không phải Voltaire.

Palmer nói thêm rằng cái kiểu định nghĩa về Sci Fi như vậy chỉ mang tính thịnh hành nhất thôi, chứ không hẳn là cách duy nhất để nhìn nhận về nó. Cái dòng này khét tiếng là rất khó gom gọn vào trong một khung cụ thể, bởi có lập luận kiểu gì cũng sẽ tòi ra mấy trường hợp ngoại lệ chẳng biết phải lý giải ra sao. Và với một định nghĩa đủ lỏng lẻo về Sci Fi thì ngay cả cuốn A True Story do Lucian xứ Samosata sáng tác từ tận thế kỷ 2 cũng có thể được nhét vào dòng này, kéo ngược mốc khởi điểm của cả dòng tít về trước rất xa, chứ chưa cần nói đến Micromégas.

Palmer chốt lại đoạn này bằng cách bảo rằng câu hỏi đâu là mốc xuất phát thật của Sci Fi chắc sẽ chẳng bao giờ nhận được lời đáp vẹn toàn hết. Sẽ luôn có cách để đẩy mốc thời gian tới lui theo những kiểu công nhận thì thấy hơi ngáo mà bác bỏ thì cũng lại thấy dở. Nhưng riêng trong phạm trù này, việc tìm ra câu trả lời xác đáng không phải là điều quan trọng. Bản thân hành động đặt ra câu hỏi Sci Fi đã rất hữu ích rồi, bởi nó khơi gợi cho chúng ta nghĩ sâu hơn về dòng này và các đặc tính của nó, từ đấy giúp trải nghiệm của chính mình được thêm phong phú hơn.

Ngoài bàn về xuất phát điểm của Sci Fi ra, Ada Palmer còn bàn thêm cả về các hội thảo Sci Fi, về một boardgame xoay quanh nỗ lực địa khai hóa Sao Hỏa, giới thiệu về Terra Ignota và các theme chủ đạo của nó, cũng như bàn về tư tưởng của một số triết gia Châu Âu nổi trội. Nếu quan tâm anh em có thể tham khảo thêm trong link nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.